Tự kỷ: Căn bệnh bị gieo rắc bởi chính cha mẹ

Nhiều bậc cha mẹ không biết rằng, chính mình đã làm tổn thương con cái và vô tình "gieo rắc" cho con căn bệnh tự kỷ - căn bệnh khó mà chữa khỏi.

"Nợ đời" chứng khoán

Cơn bão chứng khoán đi qua, kéo theo cả gia tài nhà chị Nguyễn Thanh Vân (đường Nguyễn Văn Trỗi, Hà Nội). Chồng chị vốn là dân văn phòng, vốn liếng chả có là bao nên nhờ vợ vay mượn khắp nơi, lại cắm thêm cái nhà để lấy tiền đầu tư chứng khoán. Ban đầu, thấy tiền về tay dễ quá, anh chị sốc.

"Hơn đến hàng chục tháng lương giáo viên của mình, chẳng tội gì không tận dụng" - chị nghĩ. Thế là bạn bè có bao nhiêu tiền, chị mạnh dạn vay tất, về cả quê vay tiền bố mẹ, anh chị thân sơ. Oái ăm, đúng khi gần 3 tỷ bạc đang trong thời kỳ là... "cổ cánh", chưa biến thành tiền thì thị trường chứng khoán chao đảo. Anh chị rơi vào kịch bản của bất kỳ người nào "sập vì tham", tức là không chịu bán lỗ một chút khi còn có thể mà giữ mãi, giữ mãi, hy vọng một lúc nào đó, thị trường sẽ "hồi sức".

Nhưng lực của anh chị không đợi được đến lúc đó. Nợ nần ngập cổ, khắp nơi đòi. Anh chị lâm vào trạng thái... "không thể cứu".

Chuyện tài chính chưa nói đến, chỉ nói đến hệ lụy nhãn tiền, đó là gia đình chị lục đục kinh khủng. Anh buồn, công việc bê trễ, đắm chìm trong rượu chè. Về nhà cáu bẳn. Chị thì cả đời không biết nợ nần là gì, giờ đột nhiên điện thoạt gọi không dám nghe, ai gõ cửa cũng sợ, nói dối bạn bè hết lẽ, nhà cửa thì đối mặt với ngân hàng phát mãi...

Nhìn ông chồng không chút sinh khí, chị không chịu nổi, khóc lóc, cấu xé, la hét mỗi lúc uất ức, sợ hãi... Chị đi về muộn, anh chửi "cô không phải bán thân để nuôi tôi", anh say xỉn, chị nhiếc: "Cái đồ vô dụng, không biết gì còn tham..." Mỗi lần bố mẹ cãi nhau, đứa con gái lên 3 của anh chị lại mất hồn vía, vì xưa nay, bé chưa bao giờ phải đối mặt với một thực trạng kinh khủng như vậy.

Chuyện kéo dài đã gần 2 năm trời, dù kết cục bi thảm về tài chính vẫn còn đó, nhưng dù sao thời gian cũng đã làm nguôi ngoai lòng người. Hai vợ chồng tĩnh tâm, bắt đầu "cày cuốc" làm lại từ đầu. Nhưng cũng nhờ tĩnh tâm trở lại mà anh chị chợt nhận ra, đứa con nhỏ ngày nào, giờ đây đã khác hẳn.

Xinh xắn, ngoan ngoãn, bụ bẫm, bé giờ xanh xao, lúc nào cũng thẫn thờ, gương mặt đầy sợ hãi, nhẫn nhịn. Ai đến nhà chị cũng phải thốt lên kinh ngạc vì sự thay đổi trông thấy rõ ràng ở bé. Điều đặc biệt lo ngại là bé hầu như không nói năng gì, âm thầm lặng lẽ một mình, cứ về nhà là mân mê con gấu bông cũ của mình. Có nhu cầu gì, bé chỉ lí nhí vào tai mẹ. Ai đến chơi, bé cũng sợ, chui tọt vào góc của mình. Hôm nào bố về muộn, người hơi có mùi men, bé đứng nép góc nhà len lén nhìn, lo lắng chờ đợi một cơn cãi vã sắp tới.

Hôm nào mẹ hơi to tiếng, bé hốt hoảng cắm mặt xuống giường. Việc học tập ở trường mẫu giáo cơ bản của bé vẫn tốt, nhưng hầu như không bao giờ thấy bé chủ động giơ tay phát biểu. Mỗi lần cô giáo yêu cầu tham gia vào các trò chơi tập thể là bé lại òa lên khóc nức nở, trả lời ú ớ, chậm chạp... Cô giáo cũng đã vài lần phản ánh cùng phụ huynh nhưng hầu như không thấy phúc đáp gì... nên đành chịu.

Tại bệnh viện, anh chị tê tái khi được trả lời, cô con gái xinh xắn của mình đã bị tự kỷ - một căn bệnh không hề dễ chữa, gây ra bởi một số nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là tình trạng lục đục, xích mích, giận dữ xẩy ra thường xuyên trong gia đình suốt một quãng thời gian dài! Tệ hơn, bác sĩ cho biết những biểu hiện của bé đã có từ rất lâu, nhưng vì mải lo chuyện làm ăn, chuyện tiền bạc mà cả anh lẫn chị đều "mờ mắt" không nhìn thấy.

Bi kịch "thằng cu"

Mấy năm dài cổ ngóng đợi, cuối cùng vợ anh Nguyễn Thành Công (Ba Đình, HN) cũng sinh hạ đứa con thứ 2 cho anh, nhưng khổ nỗi vẫn là... gái. Anh buồn, ấp ủ nguyện vọng "có cậu con trai nối dõi" trong lòng, không biết bày tỏ cùng ai vì sợ bị chê là "cổ hủ" Nhưng quyết là làm. Ở nhà máy anh đầy ắp công nhân nữ, anh rắp tâm sẽ kiếm một cô nào "sạch nước cản", đặng sinh cho anh cậu quý tử.

Nghĩ là làm, là một trưởng phòng cao ráo, quyền uy, chỉ cần vài cử chỉ ve vãn, vài câu nói tỏ vẻ quan tâm là anh có ngay một cô công nhân "xin chết". Ban đầu, anh chỉ muốn một cái "máy đẻ" nhưng rồi vẻ ngây thơ, trong sáng của cô gái quê trẻ trung cũng khiến lòng anh có đôi chút xao động. Chuyện tình chẳng ra tình gì của anh được giấu nhẹm, không ai biết. Cho đến khi cô bồ của anh mang thai 5 tháng thì mới xảy chuyện...

Cái kim giấu kín lâu ngày cũng ra. Vợ anh đương nhiên không chấp nhận chuyện anh đi bậy bạ ở ngoài, ngay lập tức viết đơn li hôn. Anh thì biết chắc cái thai là "thằng cu" nên cũng mạnh dạn, không thèm xuống nước. Anh ôm tư trang ra khỏi nhà, thuê phòng ở cùng cô bồ trẻ chờ ngày khai hoa, để lại cho vợ hai đứa con gái và toàn bộ dinh cơ nhà cửa.

Chuyện có lẽ cũng chấm dứt như thế, nếu như vợ anh, vì thù hận, hễ mỗi lần nhìn thấy mặt hai đứa con là lại lên cơn bực tức, mất cả khôn. Những câu đay nghiến kiểu: "Mày không khác gì cái thằng bố mày!", "Tao ngu không biết đẻ mới đẻ ra chúng mày", "Chúng mày chết theo thằng cha chúng mày đi"... nhiều như cơm bữa tong nhà.

Rồi chị "trả thù đời, trả thù chồng" bằng cách lao vào các cuộc chơi thâu đêm, phó mặc con cho người giúp việc. Hai đứa con thơ không hiểu điều gì, tự nhiên mất bố, mẹ thì biến thành một người nanh nọc, xa lạ. Chúng trở nên sợ hãi, cô lập, hễ nhìn thấy mẹ là trốn biệt. Đứa con gái đầu mới lên 6, ngày thì đi học, tối về u buồn, cứ nghe nhắc đến bố là òa lên khóc.

Khi cô bồ anh Công sinh hạ cậu con trai cũng là lúc đứa con gái thứ hai của anh được 3 tuổi. Bé hầu như không nói gì, chậm chạp, ít biểu lộ cảm xúc. Trường mẫu giáo từ chối nhận bé vào học, vì cho rằng bé bị thiểu năng, sợ không theo kịp bạn bè. Vợ anh hốt hoảng đưa con đi khám thì biết, bé đã bị tự kỷ, căn bệnh bé bị gieo rắc bởi chính cha mẹ mình.

Theo Kim Chi



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.