Ứa nước mắt chuyện con gái sinh mổ về nhà ở cữ, bố dậy từ 4 giờ đun nước, nấu cơm

Các cụ bảo sinh con gái, lớn lên chỉ mong "lấy chồng gần có bát canh cần nó cũng mang cho", vì nếu lỡ lấy chồng xa, thì "một là mất giỗ hai là mất con".

"Sinh xong được 20 ngày thì mẹ con em về ngoại, bố mẹ thương lắm không cho làm gì cả. Sáng nào bố cũng dậy từ 4h đun nước để con gái uống, nấu cả đồ ăn chờ em dậy, rồi làm hết tất cả mọi việc trong nhà thay cho mẹ em, vì cả đêm bà thức trông cháu"...

Các cụ bảo sinh con gái, lớn lên chỉ mong "lấy chồng gần có bát canh cần nó cũng mang cho", vì nếu lỡ lấy chồng xa, thì "một là mất giỗ hai là mất con". Có những cô, ở với bố mẹ đẻ cùng lắm được hơn 20 năm, có khi mười mấy năm đã lên xe hoa theo chồng về xứ lạ, rồi cả phần đời về sau muốn tự do trở về nhà cũng khó.

Thế mà có những cô gái, lấy chồng gần hẳn hoi mà cũng vẫn nhớ thương bố mẹ như thể xa xôi lắm. Lấy được chồng cùng quê, cách nhà chỉ 10km, song Nguyễn Thùy Dung (23 tuổi, ở Hưng Yên) vẫn "bánh bèo" như bao cô gái khác, từ lúc cưới rồi có con, Dung đã cảm nhận được thế nào là cuộc sống mới sau khi rời xa bố mẹ. Tuy chồng và mẹ chồng rất tâm lý, để Dung tự do thoải mái về thăm nhà thường xuyên, nhưng phải tới lúc sinh con Dung mới thấu hiểu tấm lòng song thân.

Ứa nước mắt chuyện con gái sinh mổ về nhà ở cữ, bố dậy từ 4 giờ đun nước, nấu cơm - Ảnh 1.

Mẹ trẻ Thùy Dung và ông ngoại tuyệt vời, hết lòng chăm con gái ở cữ. (Ảnh: NVCC)

"Em kết hôn cũng được gần 1 năm rồi, giờ đang ở cữ bên ngoại. Mẹ chồng đi làm trên Hà Nội không nghỉ được nhiều, nên về nhà được 20 hôm thì mẹ con em về ngoại cho ông bà tiện chăm nom.

Em sinh mổ nên bố mẹ thương em lắm, không cho làm gì cả. Sáng nào bố cũng dậy từ 4h đun nước để con gái uống, nấu cả đồ ăn chờ em dậy, rồi làm hết tất cả mọi việc trong nhà thay cho mẹ em, vì cả đêm bà thức trông cháu. Tới bữa ông còn để ý kiêng khem từng ly từng tí, hơn cả bà.

Cứ nghe tiếng cháu o e khóc thì ngày hay đêm ông đều chạy vào bế cháu luôn. Trước bố em hút thuốc lào nhiều lắm, nhưng từ khi có cháu ngoại là ông bỏ luôn vì sợ ảnh hưởng đến cháu" - Dung tâm sự.

Gia đình Dung vốn không giàu có gì, cách đây mấy chục năm bố cô làm ngành dầu khí, được điều công tác vào trong Nam nhưng sợ mỗi mình mẹ cô nuôi đàn con vất vả nên quyết định ở lại, nghỉ việc về làm nông. Người đàn ông vĩ đại ấy trong ký ức của Dung lúc nào cũng hiền từ, chăm chỉ làm việc, về nhà với vợ con là vui vẻ nói cười, chẳng nề hà khó khăn cực nhọc.

Ứa nước mắt chuyện con gái sinh mổ về nhà ở cữ, bố dậy từ 4 giờ đun nước, nấu cơm - Ảnh 2.

Dung may mắn lấy chồng gần, thương vợ, lại tâm lý, thường xuyên đưa về ngoại chơi, ở cữ luôn bên ngoại.

Ứa nước mắt chuyện con gái sinh mổ về nhà ở cữ, bố dậy từ 4 giờ đun nước, nấu cơm - Ảnh 3.

Được bố mẹ đẻ chăm sóc, tẩm bổ tận tình, Dung tự thấy mình khỏe mạnh béo tốt hơn, tinh thần vui vẻ hơn.

Dung là út, trên cô còn 2 anh trai đã lấy vợ cũng ở cùng bố mẹ. Hiện tại gia đình cô có gần chục người chung sống, thêm mẹ con Dung về lại đông đúc hơn, nhưng lúc nào cả nhà cũng đầm ấm tiếng cười, anh chị em bảo bọc quan tâm lẫn nhau. Bố mẹ Dung chỉ có mỗi việc chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho 2 mẹ con đang kỳ ở cữ. Chứng kiến từng việc nhỏ nhất hai bậc sinh thành tự tay làm cho mình, cưng nựng cháu, Dung không khỏi ứa nước mắt.

"Em thương bố mẹ lắm. Lúc mới cưới xong, 1 tháng trời em vẫn khóc suốt vì nhớ nhà, chồng an ủi mãi cũng không nguôi được, chỉ về gặp bố mẹ mới thấy vui. Từ ngày xưa bố đã thương em nhất nhà, lúc em đi nhập học ở xa, bố đưa em ra chỗ trọ rồi về luôn, em trông thấy ông quay mặt đi cố nén khóc. Hôm sau gọi điện về thì mẹ em bảo bố về nhà khóc nhiều lắm, vừa ăn cơm vừa rơi nước mắt, thương con gái phải xa bố mẹ, làm em cũng khóc theo.

Ngày em đi lấy chồng, chắc bố khóc nhiều nhất, ngồi 1 mình trong phòng cứ sụt sịt mãi. 59 tuổi rồi mà ông vẫn tình cảm như thế, không hề khó tính hay thay đổi điều gì".

Ứa nước mắt chuyện con gái sinh mổ về nhà ở cữ, bố dậy từ 4 giờ đun nước, nấu cơm - Ảnh 4.

"Ngày con gái lấy chồng, bố là người khóc nhiều nhất"...

Vừa nhớ lại kỉ niệm với bố, Dung vừa rưng rưng không cầm được nước mắt, dù khi ấy ông đang ru con trai Dung ngủ ngay bên cạnh. Cả cuộc đời lam lũ vất vả, tất cả những gì tốt đẹp nhất ông đều dành cho các con, nhất là cô út, mãi mãi bé bỏng trong mắt ông. Hẳn là thế gian còn cả trăm nghìn nàng dâu như Dung, chung một nỗi lòng muốn ở bên bố mẹ ruột mãi mãi. Về ngoại ở cữ mới biết thế nào là sung sướng, chẳng phải lo nghĩ bận tâm điều gì, bởi có ai trân quý con gái mình bằng cha mẹ đẻ?

Cách đây mới hơn 3 tuần, ngày Dung nhập viện sinh, bố cô phải ở nhà trông mấy đứa cháu nội nên không tới được, nhưng gọi điện liên tục, lo lắng đứng ngồi không yên. Xung quanh có mẹ chồng với chồng, mẹ ruột, cùng anh trai chị dâu đầy đủ, nhưng Dung vẫn ước rằng giây phút lâm bồn có bố đẻ gần bên.

"Vào phòng sinh bao lâu mà cổ tử cung của em vẫn không mở được, bác sĩ nói phải mổ ngay. Mọi người bên ngoài sốt ruột lắm, 30 phút sau em được mổ, mẹ tròn con vuông xong, ra ngoài em bị tụt huyết áp liên tục. Vết mổ thì đau, mẹ ruột em xót con, khóc không ngừng. Chồng em luôn ở cạnh động viên, mãi sau con em mới được gặp ông ngoại, ông mừng lắm".

Ứa nước mắt chuyện con gái sinh mổ về nhà ở cữ, bố dậy từ 4 giờ đun nước, nấu cơm - Ảnh 5.

Nhìn bố rửa bát, bế con giúp, rồi dọn dẹp cơm nước cả ngày, Dung luôn thấy xúc động vô cùng.

Ứa nước mắt chuyện con gái sinh mổ về nhà ở cữ, bố dậy từ 4 giờ đun nước, nấu cơm - Ảnh 6.

Dáng hình gầy gò của người cha chứa đầy tình yêu thương cho con cháu.

Hồi có bầu, sức khỏe yếu, Dung cũng phải nằm nhà kiêng đi lại, bố mẹ đẻ suốt ngày gọi hỏi thăm, gửi đồ ăn tẩm bổ, dặn dò quan tâm đủ thứ. Đúng là không gì bằng máu mủ ruột rà, tới lúc con cái rời xa, xây tổ ấm riêng rồi bố mẹ vẫn một lòng thương yêu con hết mức, sẵn sàng hi sinh mọi thứ dù tuổi đã cao.

Cứ mỗi bữa cố gắng ngồi dậy ăn cơm cho lại sức, nhìn bố cặm cụi rửa bát cho mình, Dung lại gạt nước mắt quay đi. Vừa hạnh phúc, vừa nhói lòng. Chưa bưng nước rửa chân, đấm lưng, chăm sóc báo hiếu cho bố được trọn vẹn ngày nào, để bố già rồi còn phải phục vụ mình, Dung tự nhủ nhất định sẽ dành thời gian cho ông bà nhiều hơn. Lên chức rồi cô mới thật sự thấu hiểu, thế nào là tấm lòng mẹ cha...

Theo Trí thức trẻ

tình mẫu tử

con gái đi lấy chồng

bố và con gái


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.