Ứng phó khi bé bị "táo"

Táo bón là chuyện khá phổ biến ở các bé. Dấu hiệu đặc trưng là bé đi tiêu phân cứng, có khi "rặn" ra máu hoặc 4 ngày (thậm chí lâu hơn) không thể "đi" được.

“Táo” có thể do chế độ ăn thiếu chất xơ nhưng cũng có khi là vì bé uống quá nhiều sữa, ít nước lọc, ít đi tiểu. Táo bón càng dễ phát triển do thấy đi tiêu bị đau nên nhiều bé bắt đầu tích trữ chất thải lại và lười “rặn” khi muốn "đi". Hành động này tạo nên một vòng tròn khép kín khiến táo bón dễ bị tái phát và ngày một nặng hơn.

Cách chữa táo bón cho con

Phương pháp đầu tiên khi muốn đẩy lùi táo bón là thay đổi chế độ dinh dưỡng của bé. Với bé nhũ nhi, thử đổi sang một loại sữa khác (nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ dinh dưỡng). Chính điều này khiến tình trạng phân được cải thiện, trở nên mềm hơn và dễ bị đẩy ra ngoài.

Chế độ dinh dưỡng cho bé sơ sinh đến khi ăn dặm: “Táo” hiếm khi xảy đến với bé bú mẹ hoàn toàn. Vì sữa mẹ chứa nhiều thành phần có lợi cho hệ tiêu hóa của bé. Khi bú mẹ, phân thường mềm và lỏng hơn (do chứa nhiều nước); vì thế, táo bón cũng ít gặp hơn.

Ngay cả khi bé căng người (hoặc cáu kỉnh) khi đi tiêu thì cũng chưa hẳn là bị “táo”. Nếu phân vẫn mềm và ướt nước thì càng không phải do bé bị táo bón. Nên nhớ, sữa công thức chứa sắt không phải nguyên nhân gây táo bón. Bạn không cần đổi sang loại sữa nghèo sắt hơn chỉ vì bé bị “táo”. Hai gợi ý sau hữu ích cho bé:

- Tăng cường chất lỏng: Cho bé uống thêm nước hoa quả (táo, mận) pha loãng (với nước đun sôi để nguội) 1-2 lần mỗi ngày; hoặc chuyển sang nhãn sữa khác.

- Tăng cường chất xơ: Với bé 4 tháng tuổi trở lên, cần bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc ăn dặm, nước mận (nước mơ) pha loãng, cải bó xôi (rau chân vịt)…

Lưu ý: Một số hiếm trường hợp, táo bón là dấu hiệu đầu tiên của chứng ngộ độc thịt (botulism, do ăn đồ hộp hỏng, chẳng hạn). Khi đó, táo bón trở nên nghiêm trọng và khó khăn trong điều trị. Nó cũng có thể đi kèm với những triệu chứng khác như bé trở nên yếu ớt, mệt mỏi và các cơ bắp lỏng lẻo.

Chế độ dinh dưỡng cho bé lớn hơn:

- Tăng cường chất lỏng: Bổ sung lượng nước lọc và nước quả (tối thiểu 2-3 cốc/ngày) cho bé.

- Tăng cường chất xơ: Bổ sung lượng rau xanh và quả tươi vào thực đơn của bé mỗi ngày. Những loại rau, quả không cần gọt vỏ như đậu đỗ, khoai lang, cà chua… chứa khá nhiều chất xơ. Ngay cả ngô cũng dồi dào chất xơ. Cần nhớ cách tính lượng chất xơ mỗi ngày bằng cách cộng 5 vào số tuổi của bé; chẳng hạn, bé 3 tuổi thì cần 8 (3+5) gram chất xơ mỗi ngày. Các loại súp, canh rau đặc biệt nhiều chất xơ và chất lỏng, có lợi cho bé.

- Thêm chất cám trong thực đơn của bé như ngũ cốc nguyên cám (bran cereal), bánh mỳ trắng…

- Giảm thức ăn dễ gây “táo”: Thực phẩm có thể gây táo bón gồm sữa bò, chuối chín, carrot được nấu chín. Uống quá nhiều sữa (quá 2-3 cốc/ngày) cũng khiến cho các chất thải bị chặn lại, gây táo bón.

Chữa bằng thay đổi hành vi

- Cần động viên bé đi tiêu vào một giờ cố định trong ngày. Có thể luyện cho bé “đi” khoảng 10 phút sau mỗi bữa ăn từ 1 đến 2 lần trong ngày.

- Cha mẹ cần kiên nhẫn vì táo bón, có khi phải mất khá nhiều thời gian để cải thiện. Tránh lo lắng hoặc nóng vội thái quá khi tìm cách chữa táo bón cho con.

- Tránh thường xuyên dùng cách thụt (bơm) hậu môn cho con.

Lưu ý: Nếu tình trạng “táo” không cải thiện sau một vài tuần; nếu bé chỉ đi tiêu khi được thụt (bơm) hoặc bé thường xuyên són phân ra quần… cha mẹ cần đưa bé đi khám.

Lưu ý với thuốc chữa táo bón

Khá nhiều loại thuốc chữa táo bón cho bé được bán ở nhà thuốc mà không cần đơn của bác sĩ; chẳng hạn, Metamucil, Citrucel, Biacody, Miralax… Tuy nhiên, với các bé thì việc dùng thuốc chữa táo bón cần được bác sĩ tư vấn cụ thể. Nếu dùng tùy tiện (quá liều), bé có thể chuyển từ táo bón sang tiêu chảy. Hoặc khi dùng thuốc quá thường xuyên, bé dễ xuất hiện tình trạng “ỉ lại vào thuốc”, tức là phải có thuốc thì mới đi tiêu được.

Ngay cả những cách thụt (bơm) hậu môn cũng tránh dùng tùy tiện. Vì nó dẫn tới hiện tượng “phụ thuộc” (phải được thụt) thì bé mới đi tiêu. Hiệu quả tạm thời có thể khả quan nhưng về lâu dài thì dễ gây phản tác dụng.

Theo Ngọc Huê



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.