“Vung tay quá trán” để chiều lòng con

Thấy con đòi bộ bút chì 12 màu, giá gần 100 nghìn, Thủy chẳng ngại ngần mua. Về nhà, cô mới xót ruột vì nhớ ra, đã mua cho con một bộ sáp 10 màu, với giá tương đương từ tháng trước.

Đây không phải lần đầu tiên Thủy “vung tay quá trán” để chiều lòng con. Hai vợ chồng Thủy vốn chỉ có thu nhập ở mức trung bình khá. Nhưng không muốn con cái phải thua bạn bè nên vợ chồng Thủy đều cố gắng đáp ứng gần như mọi đòi hỏi của con, miễn đó là điều phù hợp.

“Nghĩ vài chục nghìn một hộp chì màu hay một con búp bê không phải to tát nên cháu thích là được mua. Cứ mua bạt ngàn nên có khi, mua trùng mà cũng không phát hiện ra” – Thủy chia sẻ.

Nguyên chuyện học vẽ của con gái (4 tuổi) cũng mất cả đống tiền. Lúc thì con đòi bộ bút dạ 24 màu giá vài chục nghìn, đến bộ sáp hai màu gần trăm nghìn… Có khi con lại nằng nặc đòi bộ bảng vẽ xóa được, giá đến vài trăm nghìn mà mẹ cũng đành chiều. Nếu Thủy không mua thì anh xã, ông bà nội cũng mua cho bé. Vì cả nhà đều nhất trí rằng, bé ham học, ham vẽ thế là rất tốt. Nhưng được hộp chì mới là bé bỏ quên ngay hộp chì cũ. Những mẩu chì chưa dùng hết còn rơi vãi lung tung hoặc bị ném vào sọt rác không thương tiếc.

Cũng tâm lý muốn con được đầy đủ, Yến (quận Tân Bình, TP HCM) tốn khá nhiều tiền vào đồ chơi cho con trai 5 tuổi. Hôm sang nhà một cậu bạn chơi, bé Zen (con trai Yến) rất thích chiếc ôtô điện tự lái, có giá khoảng hơn 1 triệu đồng của bạn. Thương con nhưng vì trong nhà đã cạn tiền, Yến đành động viên: “Mẹ chưa lĩnh lương, để sang tháng sau, mẹ mua cho con nhé” thì bé Zen khóc ngằn ngặt.

Từ trước đến giờ, dù không có tiền, Yến cũng tìm cách vay mượn để mua đồ cho con. Vì thế, lần này, bé Zen quen được chiều nên nhất định đòi xe, không chịu chờ mẹ có tiền. Cuối cùng, Yến cũng phải đi vay tạm tiền của chị gái để mua xe cho con.

Có lần, Yến đi mua quần áo cho con cùng một người bạn. Cô bạn này có điều kiện hơn nên toàn thích sắm “đồ xịn”, Yến cũng bắt chước sắm hàng hiệu cho con. Yến luôn nghĩ: “Bố mẹ nghèo khổ còn chịu được chứ để con cơ cực thì lại khổ thân con”.

Dạy con tiết kiệm mới là thương con

Nhiều bậc phụ huynh thương con đến mức luôn đáp ứng mọi đòi hỏi của các bé. Điều này cũng có thể xuất phát từ tâm lý cho rằng, trước đây bố mẹ không có nhiều đồ chơi đẹp nên thiếu thốn, đến giờ, phải bù đắp cho con. Có khi, kinh tế không dư dả nhưng cố sắm cho con thứ nọ, thứ kia để con không thua kém bạn bè… Biểu hiện hoang phí, xa xỉ, “sĩ diện” từ người lớn có thể “ngấm” vào các bé.

Dạy con tiết kiệm nên bắt đầu từ sớm và từ những điều nhỏ. Chẳng hạn, khi cho con ăn thì lấy ra từng phần nhỏ, thay vì đắp một bát đầy, ăn không hết lại bỏ dở, khiến cả mẹ và bé cùng khó chịu. Có thể nói cho con biết, cha mẹ phải làm việc mới có tiền, rồi tiền đó dùng mua thức ăn, quần áo, đồ chơi… Nếu mua nhiều đồ chơi thì không đủ tiền, cả nhà sẽ bị đói. Đừng sợ các bé không hiểu, nếu phụ huynh dứt khoát một lần; chẳng hạn, chia sẻ với bé: “Chiếc ôtô điện này đắt quá. Mẹ không đủ tiền mua cho con. Nếu con ngoan, mẹ sẽ mua cho con cái khác” thì bé có thể buồn một lần. Nhưng đến lần sau, chỉ cần mẹ nói: “Mẹ không đủ tiền mua cho con” là bé sẽ hiểu và không đòi nữa.

Quan trọng là bản thân cha mẹ cần có kế hoạch dứt khoát. Cần luôn kiểm tra xem con có đồ chơi, đồ dùng gì và khi con đòi một món đồ nào đó, nó có hợp lý không? Nếu không hợp lý thì dù giá thành món đồ rẻ đến mấy, cha mẹ cũng không nhất thiết phải mua. Có thể dạy con chuyển món quà đó thành tiền mặt, tiết kiệm trong lợn đất. Khi nào cần, hai mẹ con sẽ dùng tiền đó để mua đồ.

Theo Ngọc Bình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.