"Cá tính không có nghĩa là phì phèo thuốc lá…"

“Tôi nghĩ sự trầm tĩnh và thể hiện ra bên ngoài một cách chững chạc phù hợp với con người của mình hơn. Tự do, cá tính hay độc lập không có nghĩa là phì phèo điếu thuốc, sống một mình, buồn buồn ra quán rượu tìm anh chàng nào đó”. - Á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam Toàn cầu 2009 tâm sự.

Vương miện “quốc sắc” chưa nằm trong tay Hoa hậu Hải Dương 2006 lần nào, nhưng có lẽ cô là thí sinh có thành tích tốt nhất từ trước đến nay, nếu tính theo trung bình giữa các cuộc thi. Năm lần thi sắc đẹp, Hương Giang lần lượt đạt thành tích: Mái tóc dài đẹp nhất (Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam Qua ảnh 2005), Hoa hậu Hải Dương 2006, Top 10 thí sinh đẹp nhất (Hoa hậu Việt Nam 2006), không có thành tích (Hoa hậu châu Á 2008). Bây giờ, người ta sẽ gọi cô bằng danh hiệu mới nhất, Á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam Toàn cầu 2009.

Cô khẳng định: “Muốn hoạt động trong lĩnh vực giải trí cũng như trong xã hội, phải có danh hiệu. Phải xác định mục đích rõ ràng là sử dụng nó để làm việc”. Giang thất bại tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006, vậy mà các cuộc thi vẫn mời cô tham dự. Đó là cơ hội hiếm xảy ra với các người đẹp từ trước đến nay. “Trước mỗi cuộc thi, tôi vẫn thấy nó rất hấp dẫn”, Giang hồn nhiên nói.

Hương Giang trong các màn thi áo tắm ở cuộc thi Hoa hậu VN toàn cầu 2009. (Ảnh: Đức Phạm)

Ngoài danh hiệu Á hậu 2, Hương Giang còn nhận giải Người mặc áo dài đẹp nhất và Hoa hậu ảnh. (Ảnh: Đức Phạm)

Sau này, cô nàng biết phải làm gì để trở nên nổi bật trong mỗi “trận địa” mình tham gia. Khâu chuẩn bị tóc, trang điểm trở nên chuyên nghiệp hơn, giúp Giang mạnh dạn thể hiện mình, dù cô chưa bao giờ tự tin mình sẽ là người chiến thắng. “Đó là nhược điểm lớn nhất của tôi”, Giang nói.

Tuy khán giả thất vọng vì Hương Giang chỉ đoạt danh hiệu Á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam Toàn cầu 2009, nhưng cô nói: “Đó mới là chiến thắng lớn nhất của tôi”. Thành tích cao nhất này cô đạt được từ sự nỗ lực, kinh nghiệm và khát vọng cháy bỏng ở tuổi 20.

Tự do theo tính cách của Giang

Phỏng vấn Á hậu nửa chừng mới biết đang trò chuyện với người từng là nhà báo. Giang tốt nghiệp khoa Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, từng là cộng tác viên sung sức các báo Doanh nhân Sài Gòn, mục Doanh nhân trẻ. Nhưng thấy nghề báo vất vả và không hoàn toàn được làm những điều mình thích. Nên thôi, tạm biệt!

Tuy nhiên, nghề người mẫu vẫn không phải là sự lựa chọn số một và duy nhất của Giang. Bởi cô cho rằng mình không hoàn toàn phù hợp với thế giới giải trí đang tham gia. Cô muốn sử dụng kiến thức về truyền thông đã học được vào nghề PR. Công việc mà theo quan điểm của người đẹp, thú vị ở chỗ: “Mình sẽ được tự do lựa chọn cách để “thổi” vào đầu khách hàng thông điệp gì đó về sản phẩm, mà chính bản thân họ cũng không biết là đang bị… thôi miên”.

Tự do là điều mà cô gái trẻ tuổi 20 luôn nhắc đến trong cuộc trò chuyện: tự do thể hiện mình, tự do lựa chọn, tự do làm điều mình thích… Nhưng có vẻ mâu thuẫn khi chính bản thân cô không tuân thủ những nguyên tắc của tự do, chọn sống cùng gia đình chứ không phải ở một mình, chọn phong cách của một “lady” để trình diễn thời trang chứ không phải tùy hứng như những người mẫu hiện thời…

Giang cho biết: “Tôi nghĩ sự trầm tĩnh và thể hiện ra bên ngoài một cách chững chạc phù hợp với con người của mình hơn. Tự do, cá tính hay độc lập không có nghĩa là phì phèo điếu thuốc, sống một mình, buồn buồn ra quán rượu tìm anh chàng nào đó”.

Nhưng nếu nghe Giang nói về quãng thời gian trẻ tuổi và tương lai sắp đến, có thể thấy cô tuyệt đối tự do: “Sẽ sống và làm việc một chỗ khoảng 2 – 3 năm thôi. Vùng vẫy cho đã đời, hiểu biết nhiều nơi, nhiều nền văn hóa, con người. Đến năm 29 tuổi sẽ lấy chồng, chứ nếu qua 30, người ta sẽ nghĩ mình bị… ế”. Hiện nay, dù chưa chinh phục hoàn toàn đất Sài thành, nhưng Giang đã dần thấy Sài Gòn nhỏ bé. Lựa chọn của cô là du học và làm việc ở một nơi khác trong năm 2010. “Sẽ tiếp tục đi, đi và đi nữa… cho đến năm 29 tuổi”, Giang cười tươi.

“Tôi có thể chỉ cần có mẹ”

Nhìn chiều cao 1m78 và những bước sải dài trên sàn catwalk của Hương Giang, chắc chắn không ai đoán được cô từng bị liệt chân phải những khi trời rét. Từ năm 3 tuổi, cô phải nằm một chỗ vào mùa đông vì nhức buốt kéo dài. Tập dần đến cấp II, cô có thể đi lại một chút. Cấp III bình thường như những cô gái khác, nhưng vẫn phải ngồi một chỗ khi trời trở lạnh. Quyết định mạnh mẽ nhất của Hương Giang là vào Nam sinh sống một phần cũng vì điều này. “Và sau này, chọn bất kỳ nơi nào sống, cũng không bao giờ có khí hậu lạnh”, cô nói.

Nhưng đó chưa phải là trở ngại lớn nhất mà cô từng trải qua. Điều đau đớn, tổn thương nhất chính là khi bố bỏ 3 mẹ con để theo người phụ nữ khác. Từ ly thân đến ly dị, ông để một mình mẹ cô gánh 2 con từ năm Giang lên 3 tuổi. Những lần thấy mẹ khóc một mình, vất vả với 2, 3 công việc cùng một lúc, Giang nhất quyết không nhìn mặt bố và cô mãi mãi không có cơ hội làm điều đó nữa. Năm 16 tuổi, Giang vĩnh viễn mất ông. “Có lẽ nghĩa tử là nghĩa tận nên tôi đã tha thứ và hướng về ông như một người bố thực sự”, cô kể.

Hương Giang rất giống bố, vừa dịu dàng vừa khẳng khái. Trong mắt cô, bố là một người đẹp trai và mọi bi kịch đều xảy ra từ đó, cô nghĩ. Trước bàn thờ bố năm 16 tuổi, con gái đã khóc. “Vậy Giang có cần bố không, nếu ông còn sống?”. “Nếu được lựa chọn lại, tôi có thể chỉ cần mẹ. Bà đã lo cho tôi quá đầy đủ”, cô khẳng định.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.