Các kiệt tác nghệ thuật bị tấn công

Đã có một danh sách khá dài những tác phẩm của các thiên tài nghệ thuật như Michelangelo, Rembrandt, Rubens, Picasso... và nhiều tên tuổi lớn khác bị xâm hại. mới đây nhất là vụ tấn công nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Vì sao các kiệt tác của nhân loại lại bị tấn công và đằng sau các hành vi ấy là gì?

Phá hoại di sản

Ngày 2/8/2009, tại Bảo tàng Louver ở Paris, như thường lệ, khu vực trưng bày bức tranh nổi tiếng nhất thế giới La Joconde của Leonardo da Vinci chật cứng du khách đang chờ đợi được tận mắt ngắm nhìn nàng Mona Lisa với nụ cười bất tử.

Bất chợt, một tiếng thét vang lên và rồi một có tách trà được ném qua đầu đám đông du khách, bay thẳng tới kiệt tác, chạm vào lớp kính bảo vệ rồi rơi xuống, vỡ tan trên nền nhà. Tất nhiên bức tranh của Da Vinci không hề hấn gì sau cú ném ấy bởi lớp kính bảo vệ nàng Mona Lisa chồng được cả đạn bắn thẳng vào tranh. Chính xác hơn, bức tranh được đặt trong một hộp kính đặc biệt, không chỉ chống đạn mà còn bảo vệ tranh khỏi các xung động, nhiệt độ và độ ẩm.

Ngay lập tức, kẻ thực hiện hành động điên rồ ấy bị các nhân viên bảo vệ của bảo tàng khống chế. Đó là một nữ du khách người Nga trạc 40 tuổi. Cái tách trà dùng ném vào nàng Mona Lisa vừa được bà ta mua vài phút trước đó trong cửa hàng lưu niệm của bảo tàng.

Kẻ phạm tội được giao cho cảnh sát Paris và sau đó được các bác sĩ kiểm tra về sức khỏe tâm thần để xác định liệu bà ta có mắc hội chứng Stendhal (một chứng bệnh tâm thần rất hiếm gặp mà người mắc đột ngột có hành vi tấn công các tác phẩm nghệ thuật, còn khi bình thường trí óc hoàn toàn lành mạnh). Cuối cùng, duyên cớ khiến người đàn bà Nga có hành vi rồ dại ấy khá đơn giản: đã nhập cư nhưng không được nhập quốc tịch Pháp.

Nàng Mona Lisa không chỉ một lần bị tấn công. Năm 1956, một kẻ phá hoại văn vật đã tạt acid vào tranh khi nó được đem trưng bày tại một bảo tàng ở Montauban (Pháp). Cũng năm đó, một người đàn ông Bolivia sống lưu vong tại Pháp vì lý do chính trị đã ném viên đá vào bức tranh, khiến tay trái của Mona Lisa bị trầy xước. Ngày ấy, tác phẩm La Joconde chưa được bảo vệ nghiêm ngặt như hiện nay. Sau đó còn có vụ trộm bức tranh này và nó bị đưa khỏi Bảo tàng Louvre (năm 1911), rồi bị lưu lạc ở Ý hai năm nên bị hư hại khá nặng, phải được phục chế trong một thời gian dài.

Tháng 7/2008, một phụ nữ 32 tuổi đã "hôn" lên một bức tranh của họa sĩ Mỹ CY Twombly tại phòng trưng bày ở Avignon (Pháp), để lại một dấu son môi lớn đỏ chót trên mặt tranh. Kết quả là đương sự bị phạt lao động công ích. Năm 2007, ở Bảo tàng Orsay (cũng tại Paris), những kẻ phá hoại đã chọc thủng một lỗ rộng 10cm trên bức tranh Cầu Argenteuil của họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng lừng danh Claude Monet. Khi còi báo động vang lên thì chúng đã chuồn mất. Bộ trưởng Văn hóa Pháp Christine Albanel đã mô tả vụ phá hoại này là một cuộc tấn công vào "ký ức và di sản của nước Pháp".

Những chứng bệnh tâm thần

Nhiều vụ tấn công có nguyên nhân phức tạp hơn trong số đó là do kẻ tấn công bị bệnh tâm thần. Tại Bảo tàng Louvre, năm 1998, một giáo sư toán học vốn có lối sống lặng lẽ trong gia đình đột nhiên dùng búa đập bức tượng đồng có từ thế kỷ II, tạc nhà triết học thời cổ đại La Mã Seneca. May mà tác phẩm không bị thiệt hại gì đáng kể. Một kẻ khác tên là Lazlo Toth khi dùng búa đập bức tượng Pieta của Michelangelo vào ngày 21/5/1972 tại Vatican đã hét lên: "Ta là Chúa Jesus xuất hiện từ cõi chết đây!". Khi ra trước tòa, hắn còn cảnh cáo những ai xét xử mình sẽ bị trừng phạt nặng nề vào ngày phán xét cuối cùng!

Một trường hợp tấn công khác nhằm vào tác phẩm của Michelangelo: tháng 9/1991, tại Bảo tàng Galleria dell"Accademia ở Florrence (Ý), một kẻ đã dùng búa đập vỡ nát một ngón chân của bức tượng David bằng cẩm thạch trắng cao hơn bốn thước - một trong những tuyệt tác của Michelangelo. Kẻ phá hoại tên là Piero Cannata, một họa sĩ thất nghiệp, đã nói rằng chính nàng Nani tuyệt sắc, người mẫu của Michelangelo hồi thế kỷ XVI đã ra lệnh cho y hành động như vậy. Dù mất trí, y vẫn tỏ ra ghen tức với sự thành công của Michelangelo! Canata đã bị tòa án tại Ý kết tội phá hoại di sản quốc gia và tất nhiên phải ngồi tù.

Trong khi đó, kẻ đã tạt acid vào tác phẩm Sự sa ngã của các thiên thần nổi loạn của Peter Paul khi bức tranh này được trưng bày tại Bảo tàng Alte Pinalothek ở Munich năm 1959 lại cương quyết phủ nhận y là người mất trí, mà còn cho rằng hành vi của y là một "thông điệp đặc biệt gửi tới loài người".

Trường hợp của Mary Richardson đặc biệt hơn. Vào tháng 3/1914, bà ta đã dùng rìu rạch bức tranh Vệ nữ Rokeby của Velazquez tại Bảo tàng Quốc gia London để đòi quyền bầu cử cho nữ giới tại Anh. Thật ra, hành động của bà ta chỉ là một phần của cả một chiến dịch tấn công các tác phẩm nghệ thuật và đốt phá các công thự, nhà ga xe lửa. Bà ta không hành động một mình, mà có cả một phong trào của nữ giới tại Anh tiến hành các vụ phá hoại đề đòi hỏi được bình quyền với nam giới.

Vấn đề là tại sao Mary Richardson lại chọn bức tranh của Velazquez để tấn công? Hóa ra, bà ta căm ghét cách nhìn hau háu, chằm chằm của quý vị đàn ông khi thưởng ngoạn thân thể trắng ngần của nàng Vệ nữ trong tranh! Tương tự, năm 1905, tại Munich (Đức), một phụ nữ đã ghim kim nhọn vào hai mắt của nhân vật trong bức tranh tự họa của Albrecht Durer - một bậc thầy về tranh khắc kim loại, chỉ vì bà ta không chịu nổi cái nhìn mà bà ta cho là táo tợn của Durer!

Lại có những kẻ đang tâm phá hoại các tác phẩm nghệ thuật quý giá chỉ nhằm gây sự chú ý và muốn được nhanh chóng nổi tiếng. Năm 1975, trước khi rạch bức Tuần tra đêm của Rembrandt trưng bày ở bảo tàng Rijksmuseum ở Amsterdam (Hà Lan), Wilhelmus de Rijk, một thầy giáo thất nghiệp, đã tuyên bố sẽ làm một việc động trời để tên tuổi y sẽ xuất hiện trên trang nhất các báo.

Các chuyên gia phục chế đã mất nhiều tháng trời để khắc phục hậu quả hành vi điên rồ của y. Đến năm 1990, một gã đàn ông khác lại xịt acid lên mặt tranh Tuần tra đêm, nhưng nhân viên an ninh đã can thiệp kịp thời và dùng nước để rửa sạch acid, lần nữa cứu thoát một kiệt tác của nhân loại.

Vì rất khó bảo vệ được tất cả các tác phẩm quý giá tại hàng ngàn bảo tàng trên thế giới như cách làm với bức La Joconde nên những vụ tấn công của những kẻ như Lazlo Toth hay Wilhelmus de Rijk vẫn có thể sẽ xảy ra. Vậy mà do hậu quả của suy thoái kinh tế, rất nhiều bảo tàng và nhà trưng bày lớn ở nhiều nước còn phải cắt giảm nhiều nhân viên, kể cả nhân viên an ninh và bảo vệ. Biết đâu ít ngày nữa lại có tin phá kiệt tác nghệ thuật thế giới - điều mà những người yêu nghệ thuật luôn hết sức lo ngại.

Theo Y Chiêu



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.