Cánh diều Vàng: Đến bao giờ mới hết lạc hậu?

Trong thời đại truyền thông bùng nổ, nhiều hotgirl chỉ cần một cái click chuột là có thể gửi tới hàng loạt báo chí những tin tức về cá nhân. Trong khi đó, Ban tổ chức của một giải thưởng quốc gia liên tục phân trần rằng đã cố liên hệ để báo cho một người về cuộc thi… mà không được.

Trong thời đại truyền thông bùng nổ, nhiều hotgirl chỉ cần một cái click chuột là có thể gửi tới hàng loạt báo chí những tin tức về cá nhân. Trong khi đó, Ban tổ chức của một giải thưởng quốc gia liên tục phân trần rằng đã cố liên hệ để báo cho một người về cuộc thi… mà không được. 

Và đó không chỉ là cái lạc hậu và ấu trĩ duy nhất, của giải thưởng Cánh diều Vàng và rộng hơn, cả Bông sen Vàng sắp tới.

Phát động cuộc thi: Áo gấm đi đêm

Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến cuối tháng 4 mới tổ chức Lễ trao giải, nhưng ngay từ giữa tháng 3, BTC đã gửi tới báo chí bảng tham khảo đề cử các hạng mục. Công chúng theo đó không chỉ sớm để ý/biết tới giải thưởng mà còn có dịp tìm hiểu về các sản phẩm, các tác giả được điểm danh.

Đến khi Cánh diều 2013 chốt danh sách, có lẽ đạo diễn Nguyễn Phương Điền (tác giả của Bay vào cõi mộng) cũng chưa biết thông tinvề cuộc thi này

Đằng này, ở Cánh diều 2013, đến tận khi chốt danh sách phim dự thi rồi, chính báo giới mới được biết, và những người làm nghề rất nhiều người còn không biết, nói gì đến công chúng, khán giả.

Trò chuyện với nhà quay phim Trinh Hoan, phải giải thích một hồi thì anh mới tư duy ra là đang chuẩn bị diễn ra giải Cánh diều – một giải thưởng mà anh đã nhiều lần có tác phẩm tham dự với tư cách quay phim. Nói chuyện thêm thì không rõ là anh có hiểu là mình (nhà sản xuất) thực ra cũng có quyền gửi phim tham gia hay không, hay đó là nhiệm vụ của một bộ phận khác.

Ngồi cùng đạo diễn Lưu Huỳnh và nhà quay phim Nguyễn K’Linh khi 2 anh dừng chân tại Hà Nội trong chuyến đi Hà Giang chọn cảnh cho bộ phim sắp tới, cả 2 ứng viên sáng giá của Cánh diều đều tỏ ra không biết lễ trao giải sẽ tổ chức vào tối 9/3, tức là khi họ đang ở vùng đất địa đầu phía Bắc Tổ quốc.

Đọc những chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Phương Điền trong một bài báo về “Cái lý của những người vắng mặt” ở Cánh diều, tin là anh thậm chí còn chưa được bất kỳ ai (từ Ban tổ chức, nhà phát hành và nhà sản xuất) thông báo về giải thưởng chứ chưa nói là bàn đến chuyện mang phim dự giải.

Rồi đến trường hợp của đạo diễn Ngô Quang Hải. Trong cuộc họp báo tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó BTC Cánh diều phân trần rằng đã gọi điện liên tục cho đạo diễn này để mời tham dự nhưng… bất thành. Để rồi sau đó, sự “thờ ơ” này được đạo diễn lý giải là đi nước ngoài đến giờ mới biết thông tin.

Thế kỷ 21 hay là thời bao cấp

Cái thời mà một cô người mẫu hôm nay đi ăn khuya có thể sáng mai đã tràn lan hình ảnh trên mặt báo, thời mà một anh danh hài post ảnh chơi thể thao trên trang cá nhân thành tin hot trong ngày… thì việc một giải thưởng quốc gia lại trăn trở, "vật vã" để thông báo về sự tồn tại của mình cho những đối tượng liên quan lại trở thành khó khăn đến thế, là một sự lạ lùng.

Thời buổi công nghệ và truyền thông tới tận hang cùng ngõ hẻm, BTC Cánh diều vẫn  "vật vã" trong việc thông báo một giải thưởng tầm cỡ quốc gia

Ngạc nhiên là, cái sự xem ra lạc hậu như thời bao cấp này lại như không hề nhận được phản ứng, thắc mắc nào tại cuộc họp báo. Trong khi, BTC hoàn toàn có thể sử dụng hình thức thông báo cuộc thi rộng rãi và hiệu quả hơn.

Điều này vô cùng đơn giản, chỉ cần BTC soạn thảo thông báo về cuộc thi gửi cho báo chí: Điều kiện tham dự đối với tác phẩm, tác giả và hạn nộp tác phẩm... hay trách nhiệm hơn là những tiêu chí chấm giải, để những người sở hữu tác phẩm biết thông tin, có thời gian trao đổi, bàn bạc với những đồng sở hữu và chủ động việc gửi dự thi.

Thay vì làm một công việc “thủ công” là gửi thông báo cho từng đơn vị hay gọi điện cho từng người làm phim để mời gọi tham gia, thì chỉ cần một cái click chuột, BTC có thể ra lời hiệu triệu tới tất cả những đối tượng đủ điều kiện, và cũng là thông tin cho công chúng tới sự kiện này.

Đó là cách mà hầu như các cuộc thi hiện nay vẫn làm, từ các show truyền hình thực tế (thông tin khởi động trước hàng tháng) cho đến các giải thưởng “nghiệp dư” hơn ngay trong lĩnh vực điện ảnh như LHP ngắn trực tuyến Yxine, LHP ong Vàng, cuộc thi Làm phim 48h… Chưa nói đến Cục hay Hội Điện ảnh có lợi thế danh sách phóng viên theo dõi mảng đông đảo.

Chẳng tự hào… khi nhận giải Cánh diều?

Thảm đỏ Cánh diều cũng không thiếu các gương mặt hot của điện ảnh, của showbiz… có nghĩa là nhiều sao hot cũng vẫn thích thú sự kiện này. Thế nhưng chỉ cần vài người được giải, vì lý do nào đó mà vắng mặt thì sẽ được truyền thông đổ tội ngay cho là giải không hấp dẫn, không thu hút được được người làm nghề.

Những thái độ tự hào và trân trọng khi được vinh danh như thế này còn rất ít ở Cánh diều. (Nhạc sỹ Anh Quân, Huy Tuấn và ca sỹ Mỹ Linh trong lễ trao giải Cống hiến 2011).

Hậu Cánh diều, trên báo SGGP, bà Hồng Ngát chia sẻ: “Đạo diễn đã thiếu tôn trọng giải! Năm ngoái, vì tổ chức ở Hà Nội, còn có thể lấy lý do đường sá xa xôi nhưng năm nay giải Cánh diều tổ chức ngay tại TPHCM, sao lại không thể thu xếp tham gia?!”.

Giải Cánh diều đã không tạo cho mình được một cái uy sang trọng. Để người được giải, dù vẫn tự hào tận hưởng những hào quang lấp lánh có thêm từ sự vinh danh, nhưng vẫn có thể khí khái cuộn mình trong cái vỏ “chẳng quan tâm gì đến giải”. Để khi 2 đạo diễn vốn cũng hoàn toàn hứng khởi trong các giải thưởng điện ảnh nước nhà xưa nay… không hiện diện trong danh sách dự thi thì đã được kết luận ngay là “thờ ơ”, “tẩy chay”…

Nhìn sang giải Cống hiến, khi Tùng Dương, Lê Cát Trọng Lý nói về giải với sự tự hào như thế nào, khi một người cũng vô cùng không thích chốn ồn ào là nhạc sỹ Anh Quân trân trọng như thế nào khi được vinh danh… thì mới thấy Cánh diều quá thiệt thòi.

Trên một số trang cá nhân của ngay giới làm phim và báo giới, nhiều người không tiếc lời mỉa mai, dè bỉu Cánh diều.

Trong khi đó, từ Mai Vàng đến HTV Awards, rồi đến những cuộc thi điện ảnh như ViFF của hải ngoại tới YxineFF của giới “underground”, thậm chí đến cả những giải thưởng "vui vui" như Men of the year của một tờ tạp chí Đàn ông hay Ngôi sao của năm của một tờ báo điện tử… thái độ của những người được giải cũng đầy kiêu hãnh, tự hào. Mà, Cánh diều, về tầm vóc, ý nghĩa và sức nặng chuyên môn cao hơn tất thảy những giải thưởng này.

Cánh diều, đến bao giờ mới thôi lạc hậu?

Theo VnMedia.vn

Bình luận