Đại sứ du lịch thì... cứu được ai?

Mấy hôm nay, ngành du lịch nước nhà quay cuồng với danh hiệu Đại sứ du lịch, người đòi rút ra, người đòi nhảy vào, cứ loạn cả lên.

Mấy hôm nay, ngành du lịch nước nhà quay cuồng với danh hiệu Đại sứ du lịch, người đòi rút ra, người đòi nhảy vào, cứ loạn cả lên.

Nhưng ngẫm cho cùng, Đại sứ du lịch thì cứu được ai, một người đẹp liễu yếu đào tơ có thể cứu được ngành du lịch đang chìm dần xuống đáy với cách làm như hiện nay hay không?

Hôm qua đọc một bài báo mang tên “Ớn quá Đà Lạt ơi” và xem chùm ảnh ô nhiễm môi trường ở xứ mộng mơ đã lên tới mức báo động mà buồn cho Đà Lạt cũng như bao nhiêu thắng tích trên khắp đất nước mình. Tất cả đều đã trở thành một bãi rác lớn khi có bàn tay của các công ty du lịch thò vào và ý thức của khách du lịch thì mỗi ngày một tồi tệ.

Mười năm trước tôi đến Đà Lạt, hồ Than Thở đã bị ô nhiễm, thác Cam Ly thì bốc mùi, người dân ở đây cho biết chẳng còn gì nữa mà xem. Hồi đó may mà vẫn còn Hồ Xuân Hương xanh trong để thấy còn một chút gì thuộc về Đà Lạt- xứ mộng mơ.

Giờ thì Hồ Xuân Hương cũng đã bị ô nhiễm quá thể, bài báo chụp ảnh mấy chú cá chết được vớt lên từ hồ, trên mình còn dính đầy tảo lam trông thật là ghê sợ. Lòng suối Cam Ly đoạn chảy qua vùng nông nghiệp Thái Phiên mỗi ngày lại được cư dân ở đây bồi thêm rác thải. Bức ảnh chụp một người đàn ông vô tư quăng một bịch rác to tướng xuống suối giống như một cái tát vào mặt những người yêu thiên nhiên.

Vớt cá chết trên Hồ Xuân Hương (Ảnh: báo Tuổi trẻ)
Vớt cá chết trên Hồ Xuân Hương (Ảnh: Tuổi trẻ)

Chẳng phải chỉ riêng Đà Lạt đang phải chịu nỗi đau bị con người tàn phá thế đâu. Yên Tử, Chùa Hương, Tam Đảo, Sa Pa, Tam Cốc Bích Động... đâu đâu cũng chịu chung số phận. Nào là rác thải ngập ngụa, nào là những công trình du lịch xanh đỏ lòe loẹt và thô kệch để khai thác theo kiểu tận thu. Quan chức địa phương cứ xắn dần từng miếng thắng tích ra để cho các dự án, đổi lại là những lợi nhuận khổng lồ cho đầy túi tham, bất cần biết môi trường cảnh quan đang bị tàn phá.

Nếu hình dung thiên nhiên tươi đẹp của đất nước trải dài suốt từ Bắc chí Nam là một người đẹp như ngọc như ngà, thì tới nay, ai dám nhìn người ngọc ấy nữa, phải che mắt mà quay đi thôi. Chỗ thì cắt trọc, chỗ thì bị đào khoét, chỗ thì bị vá víu nham nhở, chỗ thì bị nhét đầy rác thải cho đến ngạt thở thì thôi.

Chúng ta đang làm gì thiên nhiên, tất cả đều xúm vào xâu xé những phần nạc nhất, rồi hết nạc vạc đến xương, cả chỗ bèo nhèo cũng không còn nữa. Chẳng ai nghĩ tới chuyện phải trồng thêm một cây xanh hay phải nhặt rác để khơi thông một dòng suối. Con người đang sống theo kế hoạch ngắn ngủn, cứ ăn và ngủ cho hết ngày hôm nay, sáng mai mở mắt dậy lại tính tiếp.

Trong cái bối cảnh ấy, việc nhốn nháo đi tìm Đại sứ du lịch của ngành du lịch mới nực cười làm sao, Đại sứ để làm gì cơ chứ, khi mà cái căn cốt bên trong đã hỏng nát bét ra rồi. Tìm một người đẹp lung linh son phấn quần là áo lượt để chụp mấy bộ ảnh gọi là “quảng bá du lịch” hay đi kêu gọi cho mấy chiến dịch bình chọn danh hiệu “ảo” và kê cao gối ngủ gọi đó là thành công, là chiến tích?

Thay vì đau đầu và tốn thời gian, công sức đi tìm một Đại sứ như vậy, sao ngành du lịch không phát động một chiến dịch “mỗi người dân hãy là một Đại sứ du lịch” để nâng cao ý thức của từng người. Điều đó quan trọng và cấp thiết hơn chứ? Nếu mỗi người dân đều nghĩ rằng họ đang làm công việc của một Đại sứ, họ sẽ nghĩ tới chuyện bảo vệ môi trường, sẽ không xả rác bừa bãi trên những thắng tích mà họ từng đi qua, sẽ không đầu độc những dòng sông, con suối.

Vứt rác thải nông nghiệp xuống suối Cam Ly (Ảnh: báo Tuổi trẻ)
Vứt rác thải nông nghiệp xuống suối Cam Ly (Ảnh: Tuổi trẻ)

Càng nghĩ lại càng buồn cho các quan chức của ngành du lịch VN, kinh phí để quảng bá và xúc tiến du lịch mỗi năm từ ngân sách rót về là khổng lồ, vậy mà họ đã làm được gì cho những thắng cảnh nổi tiếng khi mỗi ngày chúng đều đang chết, đang bị “bức tử”?

Chắc chẳng ở đâu có cách làm du lịch như ở ta, một cách khai thác tận thu đến cùng kiệt và phớt lờ mọi nguyên tắc, một người bạn Pháp chuyên về du lịch cho tôi biết nguyên tắc 7:3, tức là nếu khai thác từ thiên nhiên 3, thì mình phải tìm cách bù lại 7 phần, thì mới mong giữ lại được một chút gì cho mai sau. Còn ở VN, chắc hiếm thấy quan chức làm du lịch nào nghĩ tới điều này, tất cả chỉ là khoét và khoét, được càng nhiều càng tốt, mau lên kẻo hết nhiệm kỳ.

Thương cho thiên nhiên bị tàn phá, con người chúng ta đang gánh chịu những hậu quả từ sự tận diệt thiên nhiên, mới vừa hôm kia, những trận mưa đá bất thường đổ xuống Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hóa, đã có người chết, cơ quan khí tượng bảo mưa đã sẽ xảy ra ở bất cứ đâu.

Bão lốc, lụt lội, khô hạn, nắng nóng, giá lạnh... đều được gọi là hiện tượng thời tiết bất thường nhưng cũng vô cùng bình thường, nó là hậu quả của sự tàn phá thiên nhiên do bàn tay con người đó thôi.

Một Đại sứ du lịch liễu yếu đào tơ liệu có thể cứu được ngành du lịch nói riêng và chúng ta thoát khỏi những thảm họa này?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, ai sẽ trở thành Đại sứ Du lịch nhiệm kỳ tới?


Theo phunutoday


Bình luận