Điện ảnh - Truyền hình: Nên chọn lối nào?

Điện ảnh hay truyền hình lúc này không phải là lựa chọn mà còn là thách thức với chính bản thân các đạo diễn, cả trong cuộc mưu sinh lẫn cơ hội gây dựng tên tuổi...

Sạch sẽ + dễ thương + nhẹ nhàng... = ăn khách

Một vài năm gần đây, các đạo diễn trẻ đang nỗ lực khắc dấu ấn cá nhân trẻ trung vào những bộ phim của họ. Vũ Ngọc Đãng là một cái tên đại diện cho xu hướng mới mẻ này. Nhưng ngược về trước một chút, khán giả màn ảnh nhỏ hẳn vẫn chưa quên Hương Phù Sa (2005) của đạo diễn Võ Tấn Bình.

Một câu chuyện diễn ra trên sông nước miền Tây hiền hòa, chất phác, dàn diễn viên xinh đẹp và mới lạ vào thời điểm đó (Tăng Thanh Hà, Kim Hiền...) cùng những góc máy lãng mạn, Hương Phù Sa gây ấn tượng với đông đảo người xem bởi những yếu tố sạch sẽ, dễ thương, nhẹ nhàng... (Từ "sạch sẽ" ở đây có nghĩa là các nhân vật khá tự nhiên trong diễn xuất, và hạn chế được tối đa những hạt sạn không đáng có - điều mà rất nhiều phim truyền hình trước đó hay mắc phải).

Trong một lần trò chuyện trước khi bấm máy Tuyết Nhiệt Đới, Vũ Ngọc Đãng chia sẻ: "Tôi đang làm phim cho khán giả của mình xem. Họ đã quá ngán ngẩm những thông điệp được chuyển tải một cách cố ý, những con người biết vươn lên trong cuộc sống nhưng lúc nào cũng phải trả một giá đắt cho những gì mình đạt được... Tại sao không là một câu chuyện tình yêu lãng mạn, một câu chuyện thành công trong sự nghiệp nhưng chẳng việc gì phải trả giá bất cứ điều gì cả?!"

Và thành công của hai bộ phim truyền hình liên tiếp, Tuyết Nhiệt Đới và Bỗng Dưng Muốn Khóc đã đi đúng nước cờ. Khán giả yêu thích phim vì điều gì, chẳng phải là sự sạch sẽ, dễ thương, nhẹ nhàng cộng thêm một chút hài hước đó sao? Thị hiếu của lớp khán giả phổ thông của một kênh truyền hình thực ra không quá khó để nắm bắt. Thử hỏi sau một ngày mệt nhoài với công việc và những lo toan thường nhật của gia đình, họ còn bao nhiêu thời gian để ngồi trước màn hình tivi để xem một bộ phim? Và với một tâm thế như vậy, nhu cầu xem phim của họ sẽ như thế nào? Vũ Ngọc Đãng đã là người trả lời rất tốt câu hỏi này.

Hài hước + trẻ trung + kỹ xảo = hốt tiền

Điện ảnh Việt Nam chỉ duy nhất có một mùa phim Tết. Và những yếu tố vừa kể trên gần như là công thức chuẩn mực mà các đạo diễn làm phim Tết dù muốn hay không cũng phải tuân theo. Đến thời điểm này, vẫn chỉ có một vài cái tên đạo diễn điện ảnh (không tính những người làm phim của nhà nước, hay làm phim chỉ để tham dự các liên hoan phim...) đi theo cùng một xu hướng là Lê Hoàng, Lê Bảo Trung, Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Đào Duy Phúc, Trương Dũng...

Không giống với truyền hình có thể dàn trải câu chuyện trong vài chục tập phim, các đạo diễn điện ảnh cần sự bùng nổ trong vòng 100 phút, thắng hay thua rất rõ ràng và nhanh chóng. Mùa Tết năm rồi, Huyền Thoại Bất Tử của đạo diễn Lưu Huỳnh đã thử cố gắng tìm một hướng đi mới và phải trả giá đắt khi doanh thu phòng vé thất bại thê thảm mà kinh phí sản xuất vào cỡ $800.000.

Trong khi đó, Đẹp Từng Centimet của Vũ Ngọc Đãng bị giới truyền thông đập cho tơi bời nhưng vẫn thu hút được hơn 13 tỷ đồng trong khi kinh phí sản xuất chỉ hơn 3 tỷ. Còn Giải Cứu Thần Chết của Nguyễn Quang Dũng với số vốn đầu tư chừng 5 tỷ đồng nhưng doanh thu lại tới trên 20 tỷ đồng... Đó quả là những con số lợi nhuận khổng lồ mà nhà sản xuất nào cũng mơ ước, trong bối cảnh kinh tế đang kỳ thất bát như thế này.

Nên chọn lối nào?

Hàng loạt các hãng phim tư nhân mọc lên như nấm sau mưa, cần có phim để trình làng, trong khi truyền hình cũng đang phải chịu áp lực tăng tỷ lệ phim Việt trong thời lượng phát sóng. Hấp lực của phim màn ảnh rộng luôn là thứ làm mê đắm tất cả các đạo diễn, song tại thời điểm hiện tại nếu đặt trên bàn cân để đong đếm thì các đạo diễn đang có xu hướng làm phim truyền hình nhiều hơn điện ảnh.

Phim truyện nhựa là cuộc chơi của thương hiệu, còn truyền hình là cuộc... mưu sinh. Nói về caste thì chưa biết bên nào cao hơn bên nào, nhưng chắc chắn một điều, làm phim màn ảnh nhỏ thì đạo diễn "dễ thở" hơn. Với công nghệ làm phim truyền hình như hiện nay, các đạo diễn giữ tốc độ quay khoảng 3 ngày/tập. Phim làm xong thì cứ thế mà lên sóng vì chuyện mua sóng đã có nhà sản xuất lo. Chẳng thể mà ngay cả một cái tên đình đám bên điện ảnh như Lê Hoàng cuối cùng cũng đã chịu khuất phục chính bản thân để bắt tay vào làm một phim truyền hình dài tập Những Thiên Thần Áo Trắng. Khi mà vị đạo diễn lắm chiêu này chưa tìm thấy thêm được điều gì mới mẻ hơn nữa để làm phim màn ảnh rộng thì truyền hình dường như là một lựa chọn an toàn.

Điện ảnh hay truyền hình lúc này không chỉ là lựa chọn mà còn là thách thức với chính bản thân các đạo diễn. Thành công ở phim trước chắc chắn sẽ giúp cho caste các phim sau tăng lên nhiều lần. Nhưng thất bại ở phim trước đồng nghĩa với việc các dự án phim đến tay mình sẽ ít đi. Nhưng nếu để có một chọn lựa rõ ràng thì có lẽ phim truyền hình này chính là mảnh đất tốt nhất để các đạo diễn canh tác.

Điện ảnh thì phải theo mùa, trong khi sóng truyền hình thì đang nhiều như lá rụng mùa thu với hàng loạt kênh truyền hình cáp lẫn của tư nhân ra đời. Nhất là các đạo diễn trẻ, khi chưa có dịp để chứng tỏ tài năng của mình bên điện ảnh thì truyền hình chính là bệ đỡ tốt nhất cho họ, trước khi họ được một hãng phim nào đó tin tưởng giao cho dự án điện ảnh đầu tay.

Theo Việt Phong



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.