Đồ rê mí - Khi con trẻ phải "quằn quại" theo showbiz người lớn

Các show diễn Đồ rê mí thì chẳng khác bản sao của showbiz người lớn. Với kiểu trang điểm cầu kỳ, lòe loẹt, phản cảm. Bắt chước các ngôi sao XYZ…, phong cách trình diễn cũng… quằn quại không thua ai.

Các show diễn Đồ rê mí thì chẳng khác bản sao của showbiz người lớn. Với kiểu trang điểm cầu kỳ, lòe loẹt, phản cảm. Bắt chước các ngôi sao XYZ…, phong cách trình diễn cũng… quằn quại không thua ai.

Trong khi các chương trình thi hát dành cho người lớn nóng hổi trên truyền hình tranh nhau sóng vào giờ tốt, có chương trình “ruột” của nhà đài còn phải bật khỏi kênh có rating cao, yên phận với những kênh “hẩm hiu” hơn, thì Đồ rê mí chễm chệ trên kênh hot nhất vào giờ “vàng mười” (20h). Và Đồ rê mí cũng rất xứng đáng là vàng mười khi nó đang lôi người lớn vào những cuộc tranh cãi liên tục bất tận và đẩy số lượng spot quảng cáo lên rất cao trong mỗi chương trình phát sóng.

Đồ rê mí là cuộc thi hát dành cho trẻ emtừ 5-10 tuổi, ra mắt khán giả truyền hình lần đầu tiên vào năm 2007. Ngay từ khi xuất hiện, Đồ rê mí lập thức thu hút sự chú ý của cả trẻ con lẫn người lớn với format giống như Sao mai – Điểm hẹn. Sự ngây thơ của trẻ con luôn luôn mang lại niềm vui cho người lớn, vì thế mà không chỉ cùng con xem, nhiều phụ huynh còn muốn con mình thi Đồ rê mí.

Mỗi năm cuộc thi này một lớn mạnh, luôn được đổi mới, thêm thắt những nội dung thi để tăng hấp dẫn và giảm nhàm chán. Chính sức ép làm mới khiến chương trình bộc lộ những hạn chế.

Và cuộc tranh luận trên diện rộng về sự việc cậu bé Nhật Tiến 9 tuổi vừa hát vừa khóc thảm thiết trên sân khấu của live show Hát ru diễn ra tối Chủ nhật 22-7 là “điểm mút” của những bất cập mà Đồ rê mí đã chạm đến.

Muốn thành sao nhí thì phải làm người lớn

Ở những mùa thi đầu tiên, nếu các bé vẫn còn giữ được sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ con với những bài hát trẻ con thì càng về sau, sự hồn nhiên đó càng mất dần đi. Nếu để ý quan sát các show diễn Đồ rê mí thì sẽ chẳng khó khăn gì với việc nhận ra đây chính là một bản sao của showbiz người lớn. Với kiểu trang điểm cầu kỳ, lòe loẹt, phản cảm.

Bắt chước các ngôi sao XYZ… nào đó trên thị trường ca nhạc, phong cách trình diễn cũng… quằn quại không thua ai. Cuộc thi năm nay, các bé còn phải thi những nội dung mà người lớn khi thi còn thấy lúng túng: hát nhạc kịch, hát nhạc quốc tế, unplug! Và hiệu quả (hay hậu quả) như thế nào thì chúng ta đã thấy trên màn ảnh nhỏ tối Chủ nhật vừa rồi với show nhạc kịch.

Trong cuộc họp báo công bố cuộc thi năm 2012, một số bé đã được giải trong các mùa thi trước xuất hiện với phần giao lưu cùng báo chí và hát. Nhiều phóng viên có mặt tại đây đã phì cười khi xem Long Nhật, cậu bé đã đoạt giải khán giả yêu thích nhất được bình chọn qua website chương trình và khán giả bình chọn nhiều nhất qua điện thoại ở mùa thi đầu tiên, biểu diễn. Cậu mặc, để tóc và đặc biệt là biểu diễn giống y như ca sĩ Quang Dũng, cũng lối hát gằn giọng, cũng cái lưng cong cong với kiểu nhún nhảy và nhịp tay lên đùi.

Cũng ở buổi gặp gỡ báo chí này, người viết được biết có em mà từ khi đoạt giải, mẹ em nghỉ việc hẳn để ở nhà… chăm ngôi sao tương lại, một đồng nghiệp của tôi gọi thẳng là “chăn gà”! Em được mẹ đưa đi học hát, học nhảy và… nhận hợp đồng biểu diễn ở các sự kiện, chương trình cần đến trẻ em.

Trên Facebook của mình, ca sĩ Thái Thùy Linh, một giám khảo của Đồ rê mí đã viết chi li về những gì cô chứng kiến ở cuộc thi năm nay. Trong đó có những chi tiết như các bé vào thi với cái bụng lép chỉ có sữa hoặc cùng lắm là mẩu bánh mỳ vì mẹ không cho ăn với lý do ăn no sẽ không hát được, trường quay mới nên không được mang đồ ăn vào, chỉ đêm về mới được ăn một bữa đầy đủ; các bé còn phải tắm rửa gội đi lớp keo xịt tóc dày cộp rồi mới được đi ngủ để sáng mai dậy sớm tiếp tục ghi hình…

Xem ra khát vọng thành sao không phải của chính các em.

Và phải có scandal?

Dù dành cho trẻ em, thì một chương trình truyền hình thực tế cũng phải tuân thủ cả format “giật gân” lẫn cách thức gây sự chú ý, giống như tất tật các cuộc thi – chơi theo hình thức truyền hình thực tế trên toàn thế giới. Đồ rê mí chắc rằng không thể ngoại lệ.

Ở đây xin không võ đoán về việc có hay không sự dàn dựng của ban tổ chức với những sự việc kiểu như sự việc của bé Nhật Tiến vừa rồi. Chỉ xin tiết lộ một điều mà cánh phóng viên văn hóa nghệ thuật ai cũng biết. Rằng sau mỗi buổi phát sóng của Đồ rê mí, tất cả chúng tôi đều nhận được email từ bộ phận truyền thông của ban tổ chức cuộc thi này với nội dung, hình ảnh tường thuật đầy đủ về chương trình.

Và cũng ngay khi cuộc tranh luận về bé Nhật Tiến vừa được châm ngòi trên các mạng xã hội, lập tức những email được tường thuật “cuộc chiến” được gửi đến với đầy đủ ảnh chụp từ Facebook của những người nổi tiếng có tham gia cảm thán về sự việc với tựa đề rất hồ hởi: “Bùng nổ những tranh cãi về Đồ rê mí 2012”.

Ngay cả ghi chép của ca sĩ Thái Thùy Linh, như đã nhắc ở trên, với những tiết lộ không mấy hay ho chuyện hậu trường cũng được ban tổ chức “report” đầy đủ cho phóng viên bằng đường link dẫn tới Facebook của cô!

Vì trẻ em là vàng mười

Vàng mười đúng nghĩa. Đó chính xác là số tiền nhà tổ chức thu về từ chương trình này. Trong mỗi chương trình phát sóng, Đồ rê mí có vài “quãng nghỉ” để nhà đài phát quảng cáo, và thời lượng phát quảng cáo cũng bằng hơn một nửa thời lượng của mỗi show.

Cụ thể, thời lượng của mỗi tập là 45 phút, thì xen giữa 45 phút này là tổng cộng từ 20-25 phút dành cho quảng cáo. Mà mỗi clip quảng cáo từ 20-30 giây trị giá 150 triệu đồng, đó là chưa kể còn có sự phân biệt về giá giữa các thời khắc phát sóng, đắt nhất là phát sóng lúc sắp công bố kết quả. Đến đây chắc độc giả có thể tự nhẩm tính số tiền quảng cáo được thu về sau mỗi buổi phát sóng.

Hàng hóa được quảng cáo trong Đồ rê mí cũng rất đa dạng, từ những sản phẩm dành cho trẻ em như sữa, kem đánh răng, bàn chải đánh răng, tã lót đến sản phẩm dành cho người lớn, cho bà bầu… Rõ ràng là đầu tư vào trẻ con là sự đầu tư cực kỳ thông minh, trong trường hợp này thì việc đó mang lại những món lợi nhuận kếch xù.

Theo Cảnh sát toàn cầu

 


Bình luận