Giao thừa đáng nhớ

Trong tâm thức của mỗi người Việt, dù đi đâu, làm gì, cũng có một khoảnh khắc để lắng mình lại, linh thiêng trong đêm giao thừa. Và có lẽ trong đời người, ai cũng từng trải nghiệm những khoảnh khắc giao thừa đáng nhớ.

Với người nghệ sĩ, có thể đó là phút giây lóe sáng của sự sáng tạo, với nhà nghiên cứu, đó là những trải nghiệm thú vị trên hành trình đi tìm chân lý, với các bậc chính khách, đó là khoảnh khắc vui chung niềm vui của mọi người... hay tới những người đã từng xa Tổ quốc, giao thừa xa xứ trở thành nỗi ám ảnh hằn sâu trong tiềm thức...

Ông Vũ Khoan, nguyên Phó thủ tướng chính phủ: Nhớ những Tết nghèo

Năm 1966, đang là thời bao cấp lại còn bị Mỹ ném bom bắn phá nên cơ cực lắm. Lúc đó, tôi công tác ở Bộ Ngoại giao và được Đảng ủy Bộ giao nhiệm vụ tham gia việc lo Tết cho anh em. Thế hệ trẻ bây giờ không thể hình dung nổi kiểu lo Tết như thế nào trong thời bao cấp. Ngoài gói hàng Tết được phân phối do Mậu dịch cấp phát, trong đó có một miếng bóng bì lợn cỏn con, một gói mì chính một gói hồ tiêu chỉ bằng bao diêm, một bao chè và một bao thuốc lá Điện Biên... thì mỗi cơ quan phải lo chạy gạo, thịt cho anh em gói bánh chưng. Bộ Ngoại giao chẳng có cơ sở sản xuất nào, chỉ còn cách chạy xuống địa phương vận động sự trợ giúp. Bộ cũng chẳng có thế mạnh gì ngoài khả năng nói chuyện thời sự - "một món" dân ta rất thích.

Thực hiện yêu cầu của Đảng ủy, tôi quyết định mò về một Hợp tác xã ở Thịnh Long thuộc tỉnh Nam Định vốn có quan hệ với Bộ Ngoại giao về việc nghe chuyện thời sự để vận động sự trợ giúp. Họp xong, để tránh máy bay địch nên chiều muộn tôi mới lên đường. Đã 28 - 29 Tết gì đó, trời tối đen như mực. Lạnh và rét run người. Chúng tôi đi mãi trên con đường gập ghềnh, giữa đồng không mông quạnh, gió hun hút, nhưng không thể có cách nào định vị được ngôi làng mình cần đến, gặp được ngôi làng cần tìm. Chợt ở xa xa le lói một ánh đèn, chúng tôi mừng quá, vội tiến đến gần, hỏi thăm thì hóa ra đó chính là hợp tác xã mà chúng tôi đang tìm.

Vốn có "quan hệ truyền thống" và nhờ tấm lòng rất rộng mở của bà con nông dân, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, tranh thủ được ít gạo nếp và con lợn về cho anh em để chuyên chở về Hà Nội, chúng tôi còn phải xin giấy của chính quyền địa phương, nếu không có thể bị tịch thu giữa đường! Cái thời bao cấp nó là vậy mà!

Sáng 30 Tết cả cơ quan xúm xít mổ lợn, chặt chặt, chia chia, mỗi suất được một mẩu thịt, mẩu tim, mẩu gan... bé bằng hai ngón tay. Lòng lợn được bỏ vào chiếc nồi nhôm Liên xô to đùng để nấu cháo, mọi người xúm nhau quanh nồi xì xụp ăn hết sức ngon lành. Sân cơ quan vui như ngày hội, nói nói, cười cười như pháo ran, ai cũng thỏa mãn, ai cũng vui, thật ấm áp tình người.

Sau này, nhất là kể từ khi đất nước đi vào thời kỳ đổi mới, cuộc sống khá dần thì không còn phải chạy vạy lo ăn như vậy nữa, nhưng lại mất dần cái thú vui cùng lo toan, cùng vui vầy như thời bao cấp. Đúng là "một miếng khi đói bằng một gói khi no"! Mỗi lần đón Tết, tôi lại nhớ đến đêm giao thừa thời bao cấp ấy. Chẳng ai muốn níu kéo cái cơ cực làm gì nhưng càng đủ đầy càng nên nhớ đến những người còn cực nhọc, càng cần giữ lấy tình người.

Giáo sư, TSKH Võ Quý: Chuếnh choáng men say những chén rượu núi

Tây Nguyên vào mùa khô, những ngày giáp Tết, trời se se lạnh. Đó là những năm đầu tiên sau giải phóng, tôi cùng một nhóm nhà khoa học người Nga, dẫn đầu là Tiến sĩ Xôcôlốp vào Tây Nguyên nghiên cứu về sinh vật học. Mải mê mấy tuần trong rừng, lúc ngẩng đầu lên thì Tết đã treo đầu ngõ. Mùa xuân, rừng Tây nguyên xanh, hoa nở đầy đường đi. Chúng tôi quyết định ở lại cắm trại và thưởng thức không khí Tết trong rừng.

Đối với những người nghiên cứu như chúng tôi, chuyện ăn Tết trong rừng là bình thường, vì cuộc sống của chúng tôi đã gắn liền với cỏ cây, đất trời. Chúng tôi chạy vào một bản người Thượng gần đó, mua lợn, nếp và các gia vị cần thiết để chuẩn bị Tết. Rồi gói bánh chưng. Hì hục làm thịt lợn, giã giò, chả. Không khí lắm. Mấy ông bạn người Nga to khỏe nhìn chúng tôi ngưỡng mộ và tò mò. Dù ăn Tết trong rừng nhưng chúng tôi vẫn có đủ những hương vị ngày Tết. Nhưng đó mới chỉ là những đồ ăn ngày Tết, chưa đủ để làm nên Tết.

Đêm trong rừng vắng lặng và lạnh lẽo. Chúng tôi quyết định đốt lửa trại, nhưng giao thừa mà không có nhạc thì buồn lắm. Giờ này, giữa rừng Tây Nguyên, tìm đâu ra nhạc cụ. Tôi chợt nhớ đến tiếng cồng chiêng, đặc sản của Tây Nguyên và chạy một mạch vào bản mời các cô gái Thượng, cùng nhóm đánh cồng chiêng ra vui giao thừa với chúng tôi. Và rượu cần. Vậy là đủ. anh em quây quần nhảy múa trong tiếng cồng chiêng rộn ràng và trong chếnh choáng men say của những chén rượu cần. Núi rừng Tây Nguyên đang hòa với chúng tôi. Con người Tây Nguyên đang chia sẻ niềm vui với chúng tôi. Giữa hùng vĩ của đại ngàn, khoảnh khắc giao thừa trở nên linh thiêng kỳ ảo.

Tôi cũng thấy ngạc nhiên, cứ nghĩ người châu Âu sẽ lạc trong tiếng cồng chiêng, một thứ hoàn toàn xa lạ với văn hóa của họ nhưng họ đã hòa mình trong điệu múa một cách mê say. Tiếng cồng trong đêm giao thừa như có một sức mạnh ghê gớm, cuốn mọi người say trong từng bước chân điệu nhảy. Đêm giao thừa, cả hội chúng tôi không ngủ được, mấy ông bạn người Nga thì say tiếng cồng mãi không dứt. Đó là một giao thừa ấm áp đối với những nhà khoa học như chúng tôi, quanh năm lăn lộn với rừng, coi rừng là nhà.

Cách đây hai năm khi tôi trở lại, chỗ năm xưa chúng tôi từng đốt lửa trại khi đón giao thừa, giờ đã thành đập nước. Tôi đi tìm về bản người Thượng và ngạc nhiên sau bao năm xa cách, họ vẫn nhận ra tôi, và nhắc lại đêm giao thừa năm xưa. Thế mới biết, ấn tượng về đêm giao thừa giữa rừng Tây Nguyên trong mỗi người sâu đậm đến nhường nào.

Nhà văn Sơn Tùng: Giao thừa thức đợi Bác

Đó là giao thừa năm 1964, Tết Giáp Thìn, tôi là phóng viên Báo Tiền Phong, được phân công về công tác lại làng Lỗ Khê vào những ngày giáp Tết. Hồi đó, tôi mới ngoài 30, trẻ và đẹp trai lắm. Tôi về Lỗ Khê theo dõi việc cấy cày. Lỗ Khê lúc đó đang là một điển hình tiên tiến trong cả nước. Đấy là một làng Việt cổ thuộc Kinh bắc cũ, là một trong những cái nôi ca trù, còn để lại nhiều di tích vó ngựa của Phù Đổng Thiên Vương. Lần đầu tiên tôi ăn Tết xa nhà, nhớ quê vô cùng.

Chuẩn bị giao thừa, không có đài nên mọi người tập trung ở Hội quán đón giao thừa, nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Không khí chộn rộn lắm. Dân ngồi kín cả đình làng Lỗ Khê chờ đợi giây phút thiêng liêng được nghe tiếng Bác. Tôi lặng nhìn những gương mặt xa lạ bỗng trở nên thân quen và gần gũi vì tất cả đang hướng về một phía, chờ đợi tiếng đọc thơ chúc Tết của Bác Hồ. Bỗng, giọng Bác ấm áp ngân vang, cả đình làng lặng im:

Bắc Nam như cội với cành

Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng

Rồi đây thống nhất thành công

Bắc Nam ta lại vui chung một nhà

Mấy lời thân ái nôm na

Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân.

Tiếng thơ chúc Tết của Bác vừa dứt, cũng là lúc giao thừa đến, pháo nổ rầm trời. Tôi đứng lên, dõng dạc: "Xin báo tin vui với bà con, ngày mai, sáng mồng Một Tết, Bác sẽ về chúc Tết bà con Lỗ khê". Cả hội quán như vỡ òa tiếng reo hò, mừng vui. Khuôn mặt ai cũng rạng rỡ như trẻ con vừa được quần áo mới ngày Tết. Mọi người thức trọn đêm không ngủ chờ Bác về. Thế mới biết dân mình yêu quý Bác đến mức nào. Họ cứ nghĩ tôi mê cô nào nên ở lại ăn Tết xa quê. Hóa ra nhà báo là người của Bác Hồ. Xúc động với không khí và tấm lòng của người dân Lỗ Khê, tôi đã viết bài báo, Xuân Lỗ Khê, và cũng từ cảm hứng đêm giao thừa đó, về sau tôi hoàn thành cuốn sách Xuân Lỗ Khê. Sáng sớm mồng Một Tết, Bác Hồ cùng đồng chí Lê Văn Lương đã về Lỗ Khê, tôi lại theo chân làm thư ký cho Bác.

Đó cũng là cái Tết cuối cùng tôi được gặp Bác Hồ. Đêm giao thừa Lỗ Khê là một kỷ niệm không thể quên trong đời làm báo của tôi.

Diễn viên Hồng Ánh: Kỷ niệm cuối...

Từ mấy năm nay rồi, giao thừa của Hồng Ánh thường gắn liền với công việc, đón giao thừa ngoài đường. Nhưng cũng có những thú vị. Ánh còn nhớ rất rõ giao thừa Kỷ Sửu, 2009, Hồng Ánh và Quyền Linh làm MC chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp đầu cầu thành phố Hồ chí Minh với cả nước. Hồng Ánh cũng đã tham gia làm MC cho nhiều chương trình ca nhạc, nhưng những chương trình lớn như vậy, lại truyền trực tiếp trên cả nước vào cái thời khắc linh thiêng này thì chưa, nên Hồng Ánh cũng thấy hồi hộp.

Đường Lê duẩn đêm ấy ngập tràn không khí, hàng ngàn người dân thành phố đã tập trung về đây. Bao nhiêu năm đón giao thừa ở đất Sài Gòn, lúc nào cũng náo nhiệt, con đường Lê Duẩn gần như tắc nghẽn. Nhìn những gương mặt rạng rỡ của mọi người, Hồng Ánh cảm thấy lâng lâng. Ê kíp của Hồng Ánh có mặt từ 6h30" để chuẩn bị. Nói chung là khá vất vả. Nhưng Hồng Ánh không thể quên vì đây là chương trình của đạo diễn Nguyễn Phúc Điền.

Dạo đó, bệnh nặng lắm rồi nhưng anh Điền vẫn làm việc quên mình. Không ai ngờ rằng đó là chương trình cuối cùng của anh ấy. Sức làm việc của anh Điền thật khủng khiếp. Đến bây giờ nghĩ lại Ánh vẫn cảm phục ý chí và sức làm việc của anh Điền. 8h chương trình truyền hình trực tiếp bắt đầu, Ánh bị cuốn vào không khí náo nhiệt của mọi người. Hôm đó Hồng Ánh và Quyền Linh dẫn với nhau khá ăn ý. Nhưng đáng tiếc là có sự cố mất điện. May sao, sau đó đã khắc phục được, dù không được hoàn hảo mấy. Anh Điền làm chương trình rất kỹ, vì thế anh ấy cũng buồn.

Đêm đó, các nghệ sĩ tham gia công tác từ thiện cũng có mặt khá đông, thân tình như trong một nhà. Rồi khoảnh khắc giao thừa đến, giữa đất trời cây cỏ và hàng ngàn người đang ngước mắt lên trời nguyện cầu một điều gì đó cho mình và những người thân yêu. Ánh có cảm giác thật ấm áp. Vì trong thời khắc linh thiêng đó, mình trở thành nhịp cầu nối niềm vui của mọi người.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nỗi niềm xa xứ

Có lẽ không thể quên được những giao thừa xa xứ, khi tôi học ở Nga những năm 90 thế kỷ trước. Đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh. Trong tâm thức mỗi người Việt đều ẩn chứa một điều gì đó sâu thẳm về đất nước, quê hương, về với gia đình. Người sống trở về. Người Tết cũng trở về. Ấy vậy mà, không ít người còn đang sống, ngày Tết vẫn không về được quê hương. Đó là những người xa xứ. Tết không về quê được thì đành mang cái Tết quê đi theo.

Ở Nga, chúng tôi thường đón hai cái Tết. Ngày Tết Tây thường ầm ĩ tưng bừng, chúng tôi cũng vui. Còn Tết ta là thời điểm chúng tôi thi học kỳ, công nhân thì làm việc. Nên ở đây buồn lắm. Nó lạc lõng và xa lạ. Bởi với người nước ngoài, ngày đó là một ngày bình thường. Không khí dửng dưng một màu nhạt thếch. Nhiều lúc tôi cứ lẩn mẩn tự hỏi, không biết cái gì làm nên Tết nhỉ? Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ như các cụ nói ư? Hình như là chả phải.

Ở nước Nga, vào dịp Tết ta, cánh sinh viên cũng tụ tập nhau lại cùng đón Tết. Họ cùng làm cành đào, làm giống y như thật, rồi dưa hành, rồi thịt mỡ, rồi bánh chưng. Rồi tiết canh lòng lợn. Chẳng còn thiếu cái gì trong thời kinh tế thị trường. Người ta còn chuyển được cả lá mùi già sang Matxcơva để nấu nước thơm rửa mặt trong ngày đầu năm như ở làng quê ta xưa vào dịp tết nhất. Rồi cành đào giả, thậm chí những gia đình có điều kiện còn gửi cành đào Nhật Tân sang. Vậy mà rồi vẫn cứ không ra Tết, không thành Tết. Vì sao vậy? Vì không có được cái KHÔNG KHÍ của Tết. Đó là sự tất bật, chộn rộn, là mùi hương trầm phảng phất trong không gian vào đêm giao thừa, là cái lạnh heo heo, là hạt mưa xuân như khói sương bay phơ phất đâu đó, vô tình rơi vào mặt mình, là chút bâng khuâng xao xuyến ở giữa đất trời và trong lòng người. Đó chính là không khí Tết. Hình như chính cái đó mới làm nên Tết. Và cái không khí Tết, tiền bạc nhiều đến đâu cũng không thể tạo ra được.

Giao thừa ở đây, chúng tôi vui với cộng đồng, cánh sinh viên tụ tập hát những bài hát giao thừa, "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội", các bà giáo cũng cố làm cho chúng tôi vui, nhưng vẫn không đủ để xóa đi nỗi thiếu vắng trong lòng, những đôi mắt vẫn trống vắng, ngơ ngác buồn.

Có lẽ với những người xa xứ chúng tôi có mọi thứ tạo ra quê hương mà không làm nên quê hương.

NSND Lê Khanh: Giao thừa của những người đàn bà

Có thể với rất nhiều phụ nữ Tết là nỗi sợ, vì những ngày Tết họ thường phải tất bật, bận rộn mua sắm, lo cho gia đình, còn với Lê Khanh, từ nhỏ chị đã yêu những ngày Tết, và khi lớn lên, ký ức về những ngày Tết đẹp đẽ vẫn in đậm trong tâm trí chị. Giờ đã là mẹ của hai đứa con lớn, nhưng nói về Tết, chị vẫn bộc lộ cái vẻ yêu thích hồn nhiên của trẻ thơ, chị rất yêu Tết, nhất là khoảnh khắc giao thừa, thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, một khoảnh khắc thật ngắn, nhưng đủ làm cho chị cảm thấy linh thiêng, cái linh thiêng của đất trời giao hòa, của cây cỏ và lòng người. Và mình tự cảm nhận sự linh thiêng đó trong mỗi con người chứ không ai mang đến cho ai. Chị nói với tôi về những giây phút giao thừa một cách say mê như vừa mới trải qua hôm qua vậy. Đó là khoảnh khắc hiếm hoi của đất trời, làm mình có cảm giác chơi vơi, bồng bềnh. Bao muộn phiền vất vả, bao gánh nặng cơm áo gạo tiền dường như chị vứt bỏ lại hết sau khoảnh khắc giao thừa.

Yếu Tết, quý giá những khoảnh khắc giao thừa, nên năm nào chị cũng chuẩn bị cho mình và gia đình những cái Tết chu đáo, để như chị nói, cho ngày Tết được thăng hoa nhất. Với những người nghệ sĩ như chị, có khi quanh năm phải xa nhà, chị thèm những ngày Tết để đoàn tụ gia đình, gặp mặt người thân nên năm nào, nhà chị cũng chuẩn bị ngày Tết thật chu đáo, nhất là đêm giao thừa. Một nồi bánh chưng do chính tay chị nấu. Rồi hoa đào. Với chị đó là những thứ không thể thiếu trong đêm giao thừa.

Yêu những ngày Tết, quý giá những thời khắc gia đình sum họp, khi các con chị đã lớn, điều kiện sống khá hơn, chị đã nghĩ đến những chuyến đi dã ngoại ngày Tết. Năm 2008, Tết Mậu Tý, gia đình chị đã làm một chuyến viễn du vào miền Trung. Và chị đã thưởng thức một đêm giao thừa ấn tượng bên dòng sông Hương thơ mộng. Người dân xứ Huế cũng ngạc nhiên vì bao nhiêu năm họ sống ở đây, nhưng không nghĩ ra cách đón giao thừa độc đáo như chị.

Chị nhớ rất rõ, đêm sông Hương lung linh huyền ảo, giữa cái se lạnh của không gian, giữa những giăng mắc của mưa phùn xứ Huế, và giữa tiếng cười ấm áp của những người thân yêu. Chị đã thuê một chuyến thuyền đi dọc sông Hương. Thật thú vị là thuyền vừa ra giữa dòng sông thì thời khắc giao thừa điểm. Cầu Tràng Tiền sáng rực pháo hoa. Giữa đất trời, sông nước, chị cảm nhận rõ hơn ai hết sự linh thiêng trong giây phút giao hòa của vạn vật. Chị đã từng nghĩ, thời khắc linh thiêng ấy, chỉ có được khi ta ở nhà, nhưng bây giờ, trong những chuyến đi, chị thấy rõ sự linh thiêng ấy đi theo mình trên từng đoạn đường. Bởi lẽ, trong mỗi chúng ta đều có một nơi chốn để hướng về dù có đi đâu xa.

Hoa hậu Ngô Phương Lan: Ký ức Tết

Lan có một khoảng thời gian dài sống xa Việt Nam, nhưng ký ức về những ngày Tết xưa vẫn hằn sâu trong tiềm thức. Hồi đó, Lan còn nhỏ lắm. Khi một năm cũ nữa lại qua đi và không khí Tết đang đến gần, Lan lại nhớ đến những kỷ niệm xưa. Năm ngoái, Tết Kỷ Sửu, Lan đã đón Tết cùng gia đình ở Việt Nam. Và Lan chợt nhận ra rằng, Tết bây giờ đã khác xưa rất nhiều.

Lan còn nhớ, ngày xưa, khi mình còn thủ tục đốt pháo, cả nhà Lan, nhất là ba đã phải chuẩn bị khá vất vả cho cỗ pháo ngày Tết. Các anh họ con nhà bác Nhân phải chạy xuống tận Bình Đà lùng mua thuốc về tự chế, có cả pháo đùng lẫn dây pháo tép. Cả nhà vừa hào hứng vừa làm vừa lo nhỡ có sự cố gì. Nhà Lan bao giờ cũng được ưu tiên 10 quả pháo to và mấy dây pháo tép. Như thế đã xong đâu, ba còn phải chuẩn bị rất nhiều thứ chờ giao thừa đến. Có lần, Lan nhớ, hồi còn ở nhà tập thể, ba vất vả treo được dây pháo lên cành cây, vào nhà định lấy diêm ra đốt thì ôi thôi, ngoảnh lại, pháo đã cao chạy xa bay với lũ trẻ con khá quậy nhà hàng xóm rồi. Sau đó cả nhà Lan đi hái lộc, về xông nhà ai cũng nơm nớp lo bị pháo ném vào người. Bây giờ, những ngày Tết không còn tiếng pháo, nhiều lúc Lan cũng thấy có gì đó nhớ nhớ, đó chính là tiếng râm ran đêm giao thừa và mùi khét của thuốc pháo, dù đôi khi làm ta nghẹt thở.

Đêm giao thừa, Lan vẫn không thể quên nồi bánh chưng mà bà ngoại vẫn kỳ công làm từ chiều 30 Tết. Giao thừa đến, bánh chín được vớt lên, xanh và thơm phức. Bọn trẻ con nhà Lan thích thú vây quanh nồi bánh của bà, đó là những cảm giác mà trẻ con Việt Nam bây giờ không còn mấy nữa. Năm ngoái Lan đã học được bí quyết gói bánh đó từ bà ngoại và, hy vọng năm nay Lan sẽ thực hiện được các công đoạn một cách... chấp nhận được.

Đến bây giờ, bao nhiêu năm đã đi xa, nhưng Lan vẫn bị ám ảnh bởi mùi hương ngai ngái, đậm chất quê của cây lá mùi già mẹ chuẩn bị để tắm giao thừa. Có thể cuộc sống bây giờ, nhiều người không còn bận tâm đến điều đó nữa, nhưng Lan thấy, đó là một trong những nét đẹp truyền thống mình cần gìn giữ. Cũng như nồi bánh chưng Tết, Lan và nhiều trẻ con bây giờ vẫn nhớ câu chuyện vua Hùng chọn người nối dõi bằng bánh chưng, bánh giầy. Lan hy vọng mình sẽ giữ gìn được nét đẹp truyền thống đó trong những ngày Tết.

Một năm mới nữa đang đến gần, thời điểm giáp Tết này Lan khá bận vì đang sang Đức làm giám khảo cuộc thi chung kết hoa hậu người Việt ở châu Âu. Dịp này, Lan muốn kết hợp liên hệ làm việc với một vài doanh nghiệp đang có dự định triển khai các dự án lớn ở Việt Nam, Đức, Áo, Thụy Sĩ... Trở về Việt Nam là những ngày cận Tết rồi, Lan sẽ cùng gia đình chuẩn bị đón Tết trên quê hương thật chu đáo và tham gia một vài chương trình từ thiện. Được ăn Tết trên chính quê hương mình, đó là một hạnh phúc đối với những người con đã từng đi xa như Lan.

Theo Khánh Linh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.