Không "vụng múa chê đất lệch"

Nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái bắt đầu được nhiều người biết tới cách đây hơn ba chục năm, khi chị còn là phóng viên của tạp chí Sân khấu, cùng với Lưu Quang Vũ, Nguyễn Ánh… góp tay tạo dựng nên một ấn phẩm cực kỳ mới mẻ và hấp dẫn vào thời điểm bấy giờ. Tôi còn nhớ, khi đó tôi, một cậu bé đang ở những lớp cuối cấp III, đã phải chắt chiu những đồng tiền...

Mấy chục năm trôi qua rồi, giờ ngồi cùng nghề với chị, tôi vẫn giữ trong lòng niềm xao xuyến ngày xưa. Hiện nay nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái đang là Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa Truyền thông khoa Báo chí và Truyền thông Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Học hàm, học vị của chị là Phó giáo sư, Tiến sĩ nghệ thuật học. Tuy nhiên, với tôi, cũng như với đại đa số học giả, điều này không quá quan trọng. Văn hào Nga Lev Tolstoy đã nói, quan trọng không phải cái ghế ta đang ngồi mà là hướng ta đang đi. Với một nhà báo, quan trọng không phải vị trí ta đang giữ trong bộ máy hành chính mà là những điều ta nói ra, viết ra có sức thuyết phục đến đâu với độc giả.

- Hồi ở Liên Xô cũ, chị làm luận án khoa học theo chủ đề gì?

- Về sự hình thành và phát triển nghề đạo diễn trong nền sân khấu Việt Nam hiện đại. Nghề đó là triết học của sân khấu hiện đại đó, tất nhiên từ ảnh hưởng của hệ thống Stanislavsky…

- Điều gì chị tâm đắc trong luận án đó?

- Tính dẫn đường và tính khoa học hiện đại của nghề này. Đạo diễn Nga Xôviết nổi tiếng Togtonogov từng bảo, muốn nói thế nào thì nói nhưng thế kỷ XX vẫn là thế kỷ của đạo diễn. Ở Việt Nam, không có nghề đạo diễn được đào tạo bài bản và chính quy thì không có sân khấu Việt Nam hiện đại, tôi mạo muội dám nói như thế.

- Có những người sang Liên Xô cũ làm luận án Tiến sĩ và Phó Tiến sĩ về các chủ đề thuần túy Việt Nam mà các thầy ở bên đó rất khó hiểu hết. Chị nghĩ thế nào về việc này?

- Về những chủ đề khác thì tôi không dám nói nhưng trong lĩnh vực sân khấu thì điều đó phải phụ thuộc vào sự hiểu biết trên một căn cơ sân khấu chung. Mỹ học sân khấu là chung nên không thể lấy những đề tài thuần túy dân tộc để qua mặt các thầy được, không qua mặt được. Ngược lại, sẽ bổ sung cho nhau.

- Có người bảo nếu nghệ thuật sân khấu Việt Nam chưa phát triển được đúng tầm của mình thì chỉ vì mình chưa tìm được lối đi riêng đúng với mình nhất mà lại cứ theo ai đó ngoại lai. Theo chị, thế là thế nào?

- Thế nào là đúng tầm? Cứ nói chung chung như thế thì giống thầy bói mù sờ voi…

- Vậy chị đánh giá thế nào về những đạo diễn thành danh của chúng ta? Họ không phục nhau, điều này tôi biết. Nhưng chị có phục họ không, với tư cách một người làm khoa học? Vì sao?

- Họ là thế hệ đẹp nhất, phối hợp được hai nền văn hóa và hai thứ tiếng Pháp và Nga, không bao giờ có một thế hệ như thế nữa.

- Chị đánh giá thế nào về các đạo diễn đang được coi là hàng đầu?

- Hàng đầu là được học bài bản tử tế ở Đông Âu về hành nghề ở Việt Nam và biết sử dụng kho báu là sân khấu truyền thống Việt Nam trong ngôn ngữ dàn dựng, về bản chất của phương Tây.

- Theo chị, nền sân khấu Việt đang ở trong thực trạng nào? Có lối thoát nào không?

- Đang ở trong một thực trạng thảm đạm, mất người xem trầm trọng. Lối thoát ư? Thử rồi và đang theo lối mà, Thành phố Hồ Chí Minh đang đi đầu và thành công trong xã hội hóa sân khấu. Tuy nhiên, đây không phải là cách duy nhất để cứu sân khấu. Còn một cách nữa là dựng những vở kịch kinh điển thế giới và Việt Nam theo phong cách ước lệ Việt Nam, như cách mà Lê Hùng đang làm cho Nhà hát Tuổi Trẻ. Cách này đang rất khả dĩ, nhưng đang gây tranh cãi, song tôi tin đây là cách khả thủ nhất hiện nay đối với sân khấu kịch phía Bắc.

- Phong cách kịch Bắc và kịch Nam hiện nay có khác nhau nhiều không?

- Khác là cái chắc, vì bản thân khí hậu địa lý đã khác. Bắc Bộ và Nam Bộ là hai vùng văn hóa, mỗi vùng đều mang tính bản địa đặc thù. Người Nam Bộ - Sài Gòn có thể xem kịch, cải lương suốt bốn mùa, nhưng mùa rét Hà Nội thì khó có thể kéo được dân chúng đi xem trong cái rét cắt ruột cắt gan…

- Có ý kiến cho rằng, một trong những lý do dẫn tới hiện trạng của nền sân khấu là ở sự xuống cấp của khán giả (?!). Có đúng vậy không, thưa chị?

- Không đúng, đó là "vụng múa chê đất lệch". Một trong những cái khoái của tôi, trong nhiều năm hành nghề “ký giả kịch trường” là xem người ta xem sân khấu. Và cũng lấy làm lạ, dù người Việt sở hữu chèo, tuồng, cải lương, rối nước “chính hiệu con nai vàng” là truyền thống riêng, nhưng từ thập kỷ 20 của thế kỷ XX, người Việt đâm mê nhất cái anh “kịch Tây”, du nhập từ Pháp, mà về sau người Việt đã học lỏm được, cả cách viết, cách dàn cảnh, cách diễn và luôn cả cách thưởng ngoạn… kịch, ngay từ khi còn trong thân phận thuộc địa.

Hơn thế, khi giành được độc lập, cũng chính người Việt đã cử người sang các nước châu Âu có nền sân khấu kịch tiên tiến, học nghề đạo diễn, biên kịch, mỹ thuật, phê bình sân khấu… và tự hào, đã “Việt Nam hóa” được kịch “rặt Tây”, trở thành của riêng mình, với một lối làm kịch “made in Việt” hoàn toàn. Thật nhanh chóng, kịch trở thành món ăn sân khấu đầu bảng của người xem khắp các đô thị trong cả nước.

Cũng từ đây, cả “tôi và chúng ta” hình thành một thói quen thưởng thức thật dễ mến của người Việt: xem kịch là xem diễn viên trẻ đẹp, diễn hay, mà cũng chẳng cần biết, diễn hay được như vậy là hầu như do đạo diễn. Mà cứ phải diễn kịch như thế, mới lấy được nước mắt và nụ cười của đông đảo người xem. Ô! Khán giả có cái lý riêng giản dị của họ. Ta hãy tự nêu câu hỏi: Tại sao các đạo diễn và diễn viên không chịu chú ý vào cái lý đó, mà tìm cách quyến rũ những người xem dễ thương ấy nhỉ, nhất là khi sân khấu hôm nay vẫn đang dài dài mất mùa khán giả?

- Chị là người làm báo thâm niên cao, cao hơn tôi nhiều, và cũng là người đã nhiều năm tham gia đào tạo các nhà báo trẻ. Chị quan niệm thế nào về nghề báo? Theo chị, một nhà báo chuyên nghiệp cần có những kỹ năng gì?

- Thực ra đây là điều mà tôi đã nói nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng rồi, nhưng một khi Hồng Thanh Quang đã hỏi thì tôi cũng phải nhắc lại như thế này: trước hết, làm báo phải là một nghề, một nghề đặc thù, chuyên về thông tin đại chúng, thông tin về cái mới. Nói tóm lại, làm báo là hành nghề thông tin về những cái gì mới. Cái mới ở đây không có nghĩa là nó đang xảy ra, mà có thể đã xảy ra nhưng chưa được biết. Nghề báo cần những nhà báo chuyên nghiệp, những người biết cách đưa tin một cách chuyên nghiệp.

Xã hội luôn có nhu cầu kịp thời biết những chuyện mới xảy ra nhất, ở quanh mình, ở xa mình, ở trên thế giới. Nhà báo chính là người đưa ra lời đáp cho câu hỏi này. Thế nhưng, sự việc thì nhiều và không phải sự việc nào cũng đáng được xã hội quan tâm nên trong dòng chảy đầy ắp của cuộc sống, nhà báo cần phải lựa chọn được thông tin cần thiết, hữu ích nhất cho cộng đồng. Điều đó có nghĩa là nhà báo phải có khả năng “ngửi đúng thông tin” và phải biết cách truyền tải đúng thông tin ấy đến với công chúng.

Những thông tin ấy phải trong suốt, không bị lắng cặn và đặc biệt là không bị “thiu”. Không có gì cũ hơn cái mà người ta đã biết, không có gì tươi mới hơn những thông tin mà người ta chờ đợi. Và một điều quan trọng là nhà báo phải viết bài báo có thông tin cốt lõi, nghĩa là chỉ có một thông tin và phải đi đến lõi của sự việc.

- Tôi hiểu rồi. Nhưng tôi muốn chị lý giải rõ hơn, đâu là những phẩm chất cần có của một nhà báo chuyên nghiệp?

- Đây cũng là điều tôi đã nói nhiều rồi. Theo cảm nhận của tôi, một nhà báo chuyên nghiệp, trên phương diện kỹ thuật, trước hết phải là người sử dụng tốt các phương tiện thông tin. Làm chủ được công cụ thì ta mới có đủ phương tiện mà chuyển tải thông tin một cách tốt nhất. Một nhà báo chuyên nghiệp còn phải là người biết thỏa mãn nhu cầu được thông tin không bao giờ vơi cạn của xã hội.

Tôi cũng muốn nói thêm là, có thể học được những kỹ năng làm báo nhưng để trở thành một nhà báo giỏi, cần phải được thiên phú, tức là phải có những năng khiếu nhất định, thí dụ như năng khiếu phát hiện thông tin và năng khiếu diễn đạt thông tin. Ngoài ra, phải thực sự say mê với nghề thông tin, lúc nào cũng bị thôi thúc tìm kiếm thông tin và phải xác định sống suốt đời với nghề thì mới có thể trở thành một nhà báo giỏi được.

- Là một người tham gia nhiều khóa đào tạo nhà báo Việt, chị có lạc quan không?

- Lạc quan một nửa non và già nửa là bi quan!

- Đâu là điểm yếu trong tác nghiệp báo chí Việt Nam hiện nay?

- Thiếu tính chuyên nghiệp và tính hiện đại trong hành nghề báo chí… Theo tôi, nhà báo hiện đại là người có phong cách làm việc chuyên nghiệp và có thể không được đào tạo bài bản chính quy trong các trường đào tạo báo chí bậc đại học hoặc ở các bậc khác. Tôi luôn luôn nghĩ, có lẽ bằng kinh nghiệm riêng và bằng hàng chục năm giảng dạy cho sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông ở Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh rằng: Báo chí là một nghề có thể học.

- Chị từng tâm sự rằng, sinh thời, NSND Lê Dung có giai đoạn đã như một người em gái của chị. Thực sự như thế không?

- Thực sự. Khi Lê Dung, lúc đó còn là một cô ca sĩ trẻ của Quân đội, từ Đoàn Văn công Quân khu Tả Ngạn lên Hà Nội, cô đã nhận làm “đệ tử” của NSND Thương Huyền, bác ruột tôi, đang là nghệ sĩ hát số một của Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi đã có thời gian đặc biệt gần gụi với Lê Dung, khi cô sang Moskva vào cuối những năm 80 để theo học ở Nhạc viện Tchaikovsky.

Chính khi ấy, chúng tôi đã thành bạn bè, rồi thành chị em kết nghĩa vì cũng thời gian này, tôi là nghiên cứu sinh ở Viện Sân khấu điện ảnh âm nhạc Leningrad. Thỉnh thoảng lên Moskva, tôi vào Nhạc viện xem Dung tập hát và nghe Dung hát giữa bạn bè thân thiết trong Sứ quán Việt Nam hoặc trong bất cứ cuộc gặp mặt thân mật nào ở Liên Xô thời bấy giờ.

- Chị nhớ gì về hình ảnh của Lê Dung thuở ấy?

- Có điều lạ là Dung đã tập hát vất vả hàng chục giờ đồng hồ trong ngày, nhưng đến lúc chiều tối buông đầy, ngồi giữa bạn bè thân mật, Dung cất tiếng hát lại nhẹ như bấc, giọng trong vắt du dương, đẫm đầy tình cảm. Điều lạ nữa là Dung mang theo tất cả những gì học được ở dân ca Việt Nam, ở những nghệ sĩ hát bậc thầy: Thương Huyền, Minh Đỗ, Kim Ngọc… vào hát opera, một lối hát hoàn toàn của Tây phương.

Chính Dung đã phả vào lối hát opera phương Tây một tình điệu Việt Nam của tâm hồn Việt Nam, và do thế, các thầy, các bạn bè nước Nga, nước Pháp, đều rất chịu giọng hát réo rắt oanh vàng của Lê Dung…

- Có một mâu thuẫn, hết lòng trong nghệ thuật thì thiệt thòi trong đời thường?

- Đúng, vì trong đời thường sẽ như con nai vàng ngơ ngác. Thiệt thòi là phải, nhưng đó cũng là mặt trái của hạnh phúc.

- Khôn ngoan đời thường thì lại không lên được đỉnh trong nghệ thuật. Không lên được đỉnh là do thiếu tài năng, hoặc hoang tưởng về bản thân. Kết luận đó có đúng không?

- Sai. Vì không giải thích bằng tài năng.

- Chị là cháu ca sĩ Thương Huyền. Trong ký ức của chị, bà là người như thế nào?

- Bà là người hát dân ca hay nhất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào những thập niên 40, 50 và 60 của thế kỷ trước. Bà hát nhẹ như không, như ngồi bên khung cửa dưới ánh trăng vừa tựa cửa đan len khâu vá gì đó vừa hát như tiếng nội tâm cất lời với mình với người mình yêu và với bao la trời đất, giọng nữ cao ngân rung trong vắt, du dương, đẫm đầy tình tứ. Tôi thích kinh khủng bài hát dân ca: “Hoa thơm bướm lượn”, dân ca Quan họ Bắc Ninh và “Ru con”, dân ca Nam Bộ.

- Đâu là sự thật trong tình yêu của ca sĩ Thương Huyền với ông Châu, nhân vật mang màu sắc vừa huyền thoại vừa bi thảm trong những nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền kháng chiến những năm đánh Pháp?

- Sự thật là hai người yêu nhau, ông Châu phải lòng tiếng hát của bà, và nhan sắc của bà, không đẹp lộng lẫy nhưng duyên thầm và bà nấu nướng rất giỏi, và chiều chồng.

- Con gái của bà Thương Huyền, ca sĩ Ngọc Minh có phải là con gái ông Châu không? Bây giờ chị Minh sống như thế nào?

- Chị Ngọc Minh đúng là con gái duy nhất của ông Châu và bác Huyền tôi, theo lời cô út của tôi, em út bố tôi, cô Minh Dần sinh năm Mậu Dần 1938. Chính chị cũng báo cho tôi biết vậy khi tôi ngoài 20 tuổi, chị bảo có những sự thật không nên biết trước tuổi 20. Hôm tôi viết bài Lê Dung trên ANTG cuối tháng, chị Minh ở Đức mua được tờ báo, khóc ròng, về khoe chồng, bảo em tôi viết bài về mẹ đây, em kết nghĩa của tôi đây, cả hai đều mất rồi, cả hai đều hát hay nhất Việt Nam đấy… cũng tội nghiệp chị tôi, đất khách quê người, con gái lớn vẫn đang ở Hà Nội, chưa sang thăm mẹ được.

- Tôi cũng biết chị Minh và có thời đã từng đến chơi với vợ chồng chị ấy (khi chị Minh còn sống với anh Kim, nghệ sĩ múa) ở khu Cầu Giấy. Và nói thực, nghĩ về chị, lắm lúc tôi không khỏi cảm thấy xót xa…

- Chị Minh tôi hát ở Nhà hát Giao hưởng hợp xướng Việt Nam và đã có một cô con gái với người chồng thứ hai. Người chồng thứ ba là người Đức, chị rất thích ở Đức. Đã toại nguyện và đang sống ở Berlin, con gái chị tên Khánh Dung là tên hai người em kết nghĩa với chị ghép lại, đều là ca sĩ tự nhận là môn đệ của bác Thương Huyền, đó là ca sĩ Lê Dung và Vân Khánh, hát cùng với bác tôi trong đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Nhìn trên một góc độ nào đấy, chị cũng là một người có những mối quan hệ gần gụi với ca sĩ Hồng Nhung. Theo chị, mối quan hệ giữa Hồng Nhung và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thể hiểu như thế nào?

- Xin phép cho tôi được đọc lại một đoạn bài báo mà tôi đã viết về giọng ca của Bống trong những giai điệu của Trịnh Công Sơn:

“Dường như có một trùng phùng kỳ lạ đã xảy ra giữa Trịnh Công Sơn nhạc sĩ và Hồng Nhung ca sĩ, như một tái sinh lần nữa - một lần khác hẳn - cuộc hạnh ngộ với Khánh Ly, mà Trịnh Công Sơn đã tưởng như không thể hồi âm.

Trong khi nghe những ca khúc mới có thể là dành riêng giọng hát Hồng Nhung rất hạp với tính cách âm nhạc của Hồng Nhung: Bống Bồng ơi! Đường xa vạn dặm, Còn ai có ai, Tôi ơi đừng tuyệt vọng. Em hãy ngủ đi… người ta nhận ra một nguồn cảm hứng mới trào dâng trong sóng nhạc Trịnh Công Sơn - không vỗ về những buồn đau quá khứ, mà rộn ràng niềm an nhiên với hiện tại, không chỉ ngoảnh mặt đau đáu vào nội tâm, mà đã hướng ra ngoài đời sống, những phẩm chất âm nhạc tất yếu của một tài năng nhạc sĩ, sau cuộc nghiệm sinh mọi cung bậc vui buồn sướng khổ ở đời, đang thanh thản trở về nơi bản thể âm nhạc của chính mình, với cái nhìn thơ trẻ.

Chính lúc đó, dường như Hồng Nhung đã đủ chín, và đã lớn để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ phải đến này. Một xanh một chín, một sớm một muộn đã kết hợp lại trong một cuộc tri ngộ âm nhạc hồn nhiên - vượt qua cả sự cách trở về thế hệ và sự trải nghiệm cuộc đời…

Những tình khúc đẹp nhất của một nhạc sĩ tài hoa nhất, cũng vẫn chỉ có đời sống câm lặng của ca từ trên dòng nhạc - hệt như cô Hằng Nga ngủ giấc ngàn năm trong rừng, chưa đến lúc vị hoàng tử đẹp đến đánh thức. Cô công chúa Hằng Nga cần một cuộc hạnh ngộ để lay tỉnh. Tình khúc cần phải được sống một thân phận âm nhạc qua nhiều giọng hát, và đặc biệt, qua một vài giọng hát của riêng nó.

Ta thấy giọng hát vừa đam mê, bạo liệt vừa trong sáng, đẫm tình, với những xử lý âm thanh điệu nghệ của ca sĩ Hồng Nhung đã “lạ hóa” những giai điệu buồn buồn quen lối đi về trong vùng miền âm nhạc riêng của Trịnh Công Sơn, và cả tính cách âm nhạc tự do, phóng khoáng, bay bổng, không bị gò trong khuôn khổ kỹ thuật cứng nhắc của Hồng Nhung, đã lôi kéo những ưu tư, trễ nải của những nối niềm âm tính: “như loài sâu ngủ quên trong tóc chiều”, sang một khu vườn cây xanh cỏ lạ, tươi tốt dưới trận mưa hồng của những niềm vui dương tính.

Chắc chắn, ta có thể thấy Trịnh Công Sơn thật sự trẻ lại trong một tinh thần âm nhạc mới qua giọng hát mang vẻ đẹp duy lý, cứng cỏi và mãnh liệt của Hồng Nhung, cùng một chất giọng riêng Hà Nội sâu lắng, tình cảm và phong nhã chỉ có một giọng hát đã được sinh ra và lớn lên trong vòng tay đầy tình thương mến của Hà Nội…”,

- Hay. Và đúng. Tôi cũng muốn hỏi tiếp về một người mà chị từng có thời gian công tác gần gụi, một người mà tôi cũng rất đồng điệu, đó là nhà thơ Lưu Quang Vũ. Nhưng nói thật, lúc trước, tôi đã ấn tượng nhiều hơn ở những bài báo của anh Vũ viết về các nghệ sĩ và tôi từng mơ ước sẽ có một ngày nào đó viết được như anh. Theo chị, thơ có ý nghĩa thế nào với anh Lưu Quang Vũ?

- Thực sự thơ đã là nơi khởi hành cuộc đi tìm lớn nhất, mang sâu sắc nhất ý nghĩa triết học của Lưu Quang Vũ, một người làm thơ vĩnh cửu. Trong tính cách sáng tạo của tài hoa son trẻ Lưu Quang Vũ thì Thơ là hồn cốt thâm hậu nhất, chứ không phải là kịch nghệ, báo chí, văn xuôi hay hội họa - những mảnh đất mà chàng đã từng thử nghiệm, gieo trồng và gặt hái.

Thơ chính là nơi ẩn náu cuối chót của chàng thi sĩ buồn này. Thơ - với Lưu Quang Vũ là tất cả sự hàm ơn và trang trải riêng của tâm hồn chàng với đời sống. Lưu Quang Vũ mang nợ Thơ từ trong huyết thống.

- Bác Lưu Quang Thuận là người thơ không chỉ ở những câu thơ mà ở cả cách ứng xử rất thi nhân, ngay trong những tình huống không dễ dàng và đơn giản của đời thường…

- Có thể nói là bác Lưu Quang Thuận sinh Lưu Quang Vũ cùng lúc với thơ. Chính ông là một tính cách thơ đằm thắm, dạt dào và mặn mòi như biển Đà Nẵng quê ông. Không ngẫu nhiên mà sau này, trong con mắt của Lưu Quang Vũ, người cha luôn luôn là một thi sĩ lãng mạn của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, với “bóng ngựa trắng buổi chiều xưa - bay trên đồi cỏ biếc - một dòng sông nắng chói chảy về xa…”.

Ông đã di truyền cho chàng con mắt thơ xanh biếc để nhìn đời. Năm chàng 17 tuổi, đời như một sân khấu phong kín hương nhụy đầy quyến rũ bí ẩn sau cánh màn nhung. Và chàng háo hức đón chờ: Mười bảy tuổi lòng ai không hồi hộp - Ngồi trong rạp hát đợi màn lên”…

- Nếu nhìn từ một góc độ nào đấy, có thể nói Lưu Quang Vũ là một người sung sướng. Tại sao thơ của anh ấy luôn vướng vất những nỗi buồn khó tả, ngay cả khi viết về vườn trong phố: “Có một vườn cây mát. Trong triệu người có em của ta…”

- Với Lưu Quang Vũ, nhân vật Em trong thơ, đó là người con gái chàng yêu đầu đời. Và đó sẽ là một-nhân-vật-trữ-tình Em có mặt trong suốt đời thơ và đời sống lận đận như một con ong trong đêm sâu của chàng. Em - vừa có thể là người tình, vừa có thể là nỗi khát khao không đạt đến, sự cứu rỗi linh hồn đau buồn của chàng; em còn mang những tên gọi khác nhau, đầy âu yếm và thương cảm: Người đàn bà không có tên I, II, III, mùa thu, mắt một mí, đóa cúc vàng, con ong xanh có đôi mắt đen, con ong trắng thương nhớ, con ong nâu hạnh phúc, chị Hai, bông hoa huệ trắng xanh…

- Tôi đôi khi cũng nghĩ rằng, chúng ta sẽ hồ đồ nếu cứ nghĩ nhân vật trữ tình Em trong thơ của các thi nhân chỉ có thể là những con người cụ thể. Hình như mỗi một người thơ bẩm sinh nào cũng mang trong mình từ thuở cất tiếng khóc chào đời một hình bóng giai nhân mặc định nào đó rồi. Và chàng sẽ lần lượt thử cái áo giai nhân đó cho những người phụ nữ mà chàng gặp trong đời. Và khi có sự trùng khít nào đó xảy ra thì những câu thơ tuyệt tác vang lên. Với Lưu Quang Vũ, nhận định này có đúng hay không, thưa chị?

- Ai cũng biết thơ Lưu Quang Vũ buồn, một nỗi buồn thăm thẳm và canh cánh, thấm sâu vào tinh huyết của thơ chàng, nhưng ít ai chịu thông cảm với chàng, đặng tìm một chỗ đứng nào đó để có thể thấy cái riêng của nỗi buồn Lưu Quang Vũ. Chàng yêu thành thực cuộc đời, thành thực yêu những người đàn bà và cũng buồn thành thực khi họ bỏ chàng đi “như những dòng sông nhỏ” mà lời hẹn thề rốt cuộc chỉ là “những cơn mưa”) lời một tình khúc của Trịnh Công Sơn).

Mỗi người đàn bà ra đi để lại cho chàng trai trẻ Lưu Quang Vũ một vết thương lòng. May sao, chàng lại chính là một thi sĩ, nên trong thơ chàng, những cuộc tình tuyệt vọng ấy đã ngưng kết thành giọt lệ trong như ngọc - khiến cho thơ tình của Lưu Quang Vũ ngời ngợi sáng - thứ ánh sáng không quá chói chang mà thánh thiện trong lành, chỉ có ở ngọc trai được ngậm bằng những nỗi đau lắng lại tự nhiên sau bao nhiêu con sóng vật vã của biển Đời…

- Xin cảm ơn chị!

Theo Hồng Thanh Quang



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.