"Lời nguyền" đã được hóa giải?

Không ai phủ nhận giá trị về mặt tinh thần và tính chuyên nghiệp cao của những giải thưởng do các website dành tặng cho những ứng cử viên sáng giá được nhiều người mến mộ, kỳ vọng tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Nhưng dường như đi kèm theo nó là một "lời nguyền" đầy bí ẩn mà chưa có lời giải đáp.

>> "Lời nguyền" của Hoa hậu Hoàn vũ

Ở bài trước, chúng tôi đã điểm lại các cuộc thi Miss Universe từ năm 1999 đến 2003. Và 5 năm tiếp theo từ 2004 đến 2008, các người đẹp đoạt giải bình chọn vẫn chưa thề đăng quang ngôi vị cao nhất.

2004: Kết quả với nhiều bất ngờ không mong đợi

Vượt qua 3 năm đầy sóng gió (2001-2003), Hoa hậu Hoàn vũ đã bắt đầu kêu gọi được sự trở lại của nhiều quốc gia và có thêm vài nước lần đầu gửi thí sinh tham dự cuộc thi này, trong đó có Việt Nam. Nhìn chung cuộc thi năm này khá êm ả, trừ việc đa số các thí sinh không thích ứng được độ cao của thủ đô Quito (Ecuador) với những tình trạng như nhức đầu, chóng mặt và khó thở vì oxy loãng. Nhưng điều đặc biệt khiến cuộc thi năm 2004 trở nên đáng nhớ, đó là kết quả chính thức cuối cùng thực sự gây shock cho nhiều người.

Đa số các ứng cử viên được dự đoán trước đó đều không có tên trong top 15 hoặc có thứ hạng rất thấp không như mong đợi. Người đẹp Oleksandra Nikolayenko của Ukraine từng vào top 10 cuộc thi Hoa hậu Thế giới được giới phê bình đánh giá rất cao cho ngôi vị cao nhất năm đó, cô luôn giữ vị trí quán quân từ những ngày đầu đến trước đêm chung kết. Oleksandra chính thức nhận giải thưởng Miss Cyber Press. Nhưng tại vào đêm 1/6/2004, cô thậm chí không có tên trong 15 chính thức. Đặc biệt hơn khi Á hậu của giải Miss Cyber Press là Hoa hậu Venezuela, Ana Karina Anẽz đã làm nhiều người sửng sốt khi cùng chịu chung số phận; chấm dứt chuỗi thành công của Venezuela tại Hoa hậu Hoàn vũ trong suốt 21 năm liền (1983-2003).

Không ai biết điều gì đã xảy ra khi Ana đã có một màn trình diễn cực kỳ xuất sắc, ngoại hình lẫn gương mặt được ví như một búp bê Barbie. Nhiều người đồn đoán rằng có thể Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ muốn dạy cho Venezuela một bài học sau khi Mariangel Ruiz - bị đánh giá là kém cỏi nhất trong số các Hoa hậu Venezuela - đã dành được vị trí Á hậu thứ nhất năm ngoái nhờ vào tin đồn kênh truyền hình Venevision không có đủ phí đăngký tham dự bằng đồng đôla Mỹ.

Các người đẹp châu Âu được đánh giá rất cao năm đó đều không lọt vào top 15 như Valia Kakouti của Hy Lạp, Shermine Sharivar của Đức, Mira Salo của Phần Lan; nhưng tất cả đều đoạt được những thứ hạng xứng đáng tại cuộc thi Hoa hậu Châu Âu 2005 (Miss Europe) được tổ chức tại Tunisia. Riêng 2 ứng cử viên nặng ký khác của châu Âu đã may mắn hơn là Kathrine Sorland của Na Uy và Bianca Sissing của Thụy Sĩ cũng dừng chân ở top 15, những vị trí quá thấp không làm hài lòng nhiều người.

Jennifer Hawkins của Australia đã trở thành người đẹp tóc vàng đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ sau 15 năm (lần cuối vào năm 1989 với Angela Visser của Hà Lan). Jennifer hoàn toàn không được để ý đến trước và khi cuộc thi đi được nửa chặng đường. Jennifer chỉ thực sự bắt đầu nổi bật sau phần thi vòng loại với một màn trình diễn ấn tượng với đẳng cấp siêu mẫu Quốc tế. Nhưng thứ hạng cao nhất mà các chuyên gia dành cho Jennifer cũng chỉ dừng lại ở vị trí thứ 6. Về sau này cô đoạt luôn giải "The best overall beauty queen of the year" do Global Beauties trao tặng, tương đương giải Hoa hậu của các hoa hậu. Đồng thời cô cũng được vinh danh là một trong những Hoa hậu Hoàn vũ đẹp và gợi cảm nhất mọi thời đại.

2005: Ít bất ngờ

Thái Lan xin đăng cai Hoa hậu Hoàn vũ 2005 để vực dậy lại nền công nghiệp du lịch của nước này sau thảm họa sóng thần cuối năm 2004. Cuộc thi không gặp bất kỳ trở ngại nào, ngoại trừ việc 81 hoa hậu mặc bikini và chụp ảnh trước một ngôi chùa nổi tiếng nhất Bangkok khi đang du ngoạn trên sông Chao Phraya. Nhìn chung không có một sự bất ngờ quá lớn nào về kết quả cuối cùng của cuộc thi năm đó. Nhưng có vẻ như các người đẹp da đen luôn không thành công khi cuộc thi tổ chức tại châu Á.

Bất ngờ lớn duy nhất thuộc về Shermain Jeremy của Antigua & Barbuda, người đẹp da màu đến từ vùng Caribbean và là Á hậu của giải Miss Cyber Press. Còn người đẹp được các chuyên gia trao giải nhất Miss Cyber Press năm đó là Hoa hậu Venezuela, Monica Spear và kết quả cuối cùng thì cô chỉ xếp vị trí thứ 5 chung cuộc (tức Á hậu 4) vì không hoàn thành phần thi ứng xử một cách trọn vẹn.

Người đẹp gốc Nga, Natalie Glebova đã mang về chiếc vương miện Hoa hậu Hoàn vũ thứ hai cho đất nước Canada, vượt qua cả 4 Á hậu đều là những người đẹp đến từ châu Mỹ Latin. Không chỉ kết quả làm hài lòng giới chuyên môn mà cách tổ chức trong suốt quá trình cuộc thi được nhiều khán giả đánh là một trong những cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ hay nhất mọi thời đại.

2006: Kết quả gây nhiều tranh cãi

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2006 được đánh dấu bởi số lượng thí sinh đông nhất từ trước đến nay là 86 và lần đầu tiên, số thí sinh vào bán kết được nâng lên 20. Vì không có một quốc gia nào xin đăng cai cuộc thi năm này nên nó đã được tổ chức trên quê hương khai sinh ra nó, nước Mỹ và cuộc thi bị dời lại thêm 2 tháng. Một số ứng cử viên được đánh giá cao năm đó không có tên trong danh sách top 20: Erin McNaught của Australia, Francys Sudnicka của Ba Lan, Elisabeth Reyes của Tây Ban Nha, Jacqueline Fernandez của Sri Lanka. Hoa hậu Venezuela, Jictzad Vinã cũng bị loại khỏi top 20 không hoàn toàn bất ngờ và là điều đã được sự đoán trước. Cô gái Mexico có gương mặt thiên thần Priscilla Perales đã được nhiều website trao tặng danh hiệu “Miss Cyber Press Universe 2006” nhưng kết quả cuối cùng thì cô chỉ lọt vào top 10; nhưng một năm sau đó thì cô đã mang về chiếc vương miện Hoa hậu Quốc Tế cho đất nước Mexico.

Người chiến thắng năm đó là Zuleyka Rivera - người Puerto Rico thứ 5 mang về chiếc vương miện Hoa hậu Hoàn vũ cho đảo quốc vùng Caribbean này. Cô chỉ về thứ 6 trong sự lựa chọn của giới chuyên môn. Nhưng chiến thắng của cô bị nhiều người chỉ trích khi có ít nhất 3 người đồng hương với Zuleyka trong đêm 23/7/2006 đó, gồm có Carlos Ponce (dẫn chương trình), Chelo (ca sĩ) và María Celeste Arrarás (thành viên Ban giám khảo). Nhiều ngưười cho rằng giải phẫu thẩm mỹ đã làm biến dạng gương mặt của cô quá nhiều và trông cô chẳng khác nào một "bản sao nữ tính" của Michael Jackson. Trong suốt cuộc thi thì Zuleyka luôn tỏ thái độ ghẻ lạnh với nhiều thí sinh khác, thậm chí cho đến lúc trao vương miện cho Riyo Mori. Bà Ines Ligron đã có lần đưa ra nhiều lời nhận xét không mấy thiện cảm với Zuleyka trên chính blog của bà và cho rằng cô là một trong những Hoa hậu Hoàn vũ có tư cách đạo đức kém nhất và không thân thiện.

2007: Hoài nghi về kết quả đã được sắp xếp từ trước

Cuộc thi năm 2007 được đánh giá là năm tỏa sáng mạnh nhất của các thí sinh châu Á, kể từ năm 1988 ở Đài Loan. Mexico trở thành quốc gia ngoài nước Mỹ đăng cai nhiều kỳ Hoa hậu Hoàn vũ nhất với tất cả 4 lần: 1978, 1989, 1993 và 2007. Nhưng xem ra đất nước láng giềng phía nam của Mỹ vẫn được coi như một vùng đất dữ dành cho các Hoa hậu Mỹ. Nhìn chung kết quả của cuộc thi năm này làm nhiều người khá hài lòng. Nhưng cũng có một số ứng viên bị loại sớm khỏi top 15, đa số là các người đẹp châu Âu như: Natalia Zabala Arroyo của Tây Ban Nha, Valentina Massi của Italy, Teodora Marčić của Serbia và Doukissa Nomikou của Hy Lạp.

Năm này thì Global Beauties không còn tổng hợp lựa chọn của những website khác nữa mà đổi tên giải thưởng dành cho ứng cử viên sáng giá nhất thành GB’s Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ của Global Beauties). Người đẹp Hàn Quốc, Lee Honey trở thành người Á Đông da vàng đầu tiên đoạt giải thưởng khích lệ tinh thần này. Tuy nhiên cô chỉ xếp thứ hạng 4 (Á hậu 3) chung cuộc. Mặc dù vậy nhiều chuyên gia vẫn rất ưu ái Lee Honey và cô đoạt luôn Miss Grand Slam cùng năm sau khi vượt qua hơn 450 thí sinh từng tham dự 5 cuộc thi sắc đẹp lớn nhất hành tinh.

Chiến thắng của Hoa hậu Nhật Bản, Riyo Mori là xứng đáng nhưng nó lại dấy lên một làn sóng dư luận cho rằng Ban tổ chức đã sắp xếp kết quả từ trước và quá lộ liễu. Bởi vì trước ngày Riyo đi Mexico thì bà Inés Ligron đã chắc như đinh đóng cột là cô học trò của bà sẽ chiến thắng. Đặc biệt hơn khi Ban tổ chức luôn xếp cho 3 người đẹp của nước chủ nhà Mexico, Nhật Bản và Brazil (Á hậu 1) luôn đứng phía trước và cùng ở hàng đầu trong phần mở màn cuộc thi. Càng ngạc nhiên hơn khi vị trí gọi tên của top 5 của năm 2007 đều có thứ hạng tương tự như năm 2006 khi Á hậu 2 đứng đầu tiên, thứ nhì là Á hậu 3, ở giữa là Á hậu 1, áp chót là Á hậu 4 và người cuối cùng đăng quang Hoa hậu.

2008: Dayana Mendoza may mắn “thoát hiểm” giờ chót

Trong suốt 2 tuần đầu của cuộc thi ở Việt Nam, Dayana Mendoza của Venezuela dường như không có đối thủ và luôn ở trên đỉnh cao nhất của “kim tự tháp sắc đẹp”. Nhưng sau khi Elisa Najera của Mexico giành được giải Nữ hoàng Vinpearl thì vị trí nhất - nhì luôn là sự tranh chấp tay đôi giữa Dayana và Elisa. Nhưng chỉ một ngày trước lễ đăng quang chính thức thì Taliana Vargas của Colombia bất ngờ “leo” đến đỉnh của kim tự tháp; đẩy Elisa và Dayana xuống lần lượt hạng 4 và 5. Nhưng xem ra vị thần may mắn đã cứu giúp Dayana thoát khỏi lời nguyền vào giờ chót khi nhường danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ của Global Beauties 2008 cho Taliana Vargas, Á hậu 1.

Hiện tại Dayana Mendoza trở thành Hoa hậu Venezuela đoạt giải Miss Grand Slam, dành cho hoa hậu xuất sắc toàn diện nhất trong số hơn 450 người đẹp của năm 2008.

Kết quả của cuộc thi năm 2008 đều đi đúng quỹ đạo dự đoán của nhiều chuyên gia khi cho rằng cả châu Âu và Mỹ Latin có lực lượng mạnh nhất nhưng cơ hội chiến thắng cho các người đẹp châu Mỹ sẽ cao hơn. Nhưng nhiều người đã thực sự sốc khi trong danh sách top 15 khi không bao gồm tên của một số ứng cử viên sáng giá đến từ Ấn Độ, Panama, Puerto Rico, Na Uy và Thái Lan.

Tròn một thập kỷ, chưa một người đẹp nào đoạt giải bình chọn có thể đăng quang ngôi vị cao nhất. Liệu rằng từ cuộc thi năm nay (2009) thì "lời nguyền" này có được hóa giải? Còn nhiều bất ngờ thú vị đang chờ đón những ai quan tâm đến Miss Universe.

Theo Donald Nguyễn



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.