NSƯT Trần Hạnh: Phim giả, đời thật…

Hầu hết khán giả khi nhắc đến NSƯT Trần Hạnh đều phán một câu xanh rờn: “Ông ấy nhìn cứ khắc khổ, hiền lành và tội tội”. Những tưởng ông chỉ khổ trong phim thôi, ai ngờ NSƯT Trần Hạnh lại chính là điển hình của “phim giả, đời thật…"

Anh thợ giầy say mê ánh đèn sân khấu

NSƯT Trần Hạnh

NSƯT Trần Hạnh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Nhà ông bốn đời ở Hà Nội. Bây giờ nhà ấy (số 50 ngõ Phất Lộc) vẫn còn hơn chục mét làm nhà thờ tổ. Bố mất khi Trần Hạnh mới lên 8 tuổi. Từ năm 17, 18 tuổi, ông đã phải tự lập. Thời Pháp - Nhật đánh nhau, đi sơ tán bên Đông Dư (Gia Lâm), Trần Hạnh đã ra đồng làm. Tháng Giêng năm 1947, ông đi cùng tự vệ ra Hà Nội về Bình Lục, Hà Nam. Về đó, lại suốt ngày làm ngoài đồng. Năm 1955, ông tiếp tục đi khôi phục kinh tế khu vực đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Mất hai năm làm công trình, Trần Hạnh về Hà Nội làm giầy. Đây là nghề kiếm sống chính của ông thời đó.

“Làm từ đầu cho đến hết một đôi giày được 3 đồng tiền công. Gạo hồi ấy 4 đồng một yến, kiếm được 3 đồng là khá rồi. Làm một đôi giày vất vả lắm, một ngày “đẫy” mới xong được một đôi” - ông kể. Ban ngày đi làm giầy, ban đêm về Trần Hạnh lại “ham hố” tập kịch tại gò Long Vân (nhà nổi trên hồ Thiền Quang bây giờ) đến 11 -12 giờ đêm mới lọ mọ về nhà.

Trong câu lạc bộ có nhiều người bạn sau này đã trở thành những tên tuổi gạo cội trong làng kịch Việt Nam, như đạo diễn Doãn Hoàng Giang, NSƯT Phạm Bằng, NSƯT Trọng Khôi, NSƯT Đoàn Dũng, NSƯT Lê Mai… Hồi ấy, có chút năng khiếu về âm nhạc, nếu không bị mọi người ngăn cản, xém chút nữa, Trần Hạnh đã nối gót theo Quý Dương và Trần Hiếu thi vào trường nhạc.

33 tuổi, Trần Hạnh một vợ hai con. Chính vì gánh nặng gia đình nên khi mọi người vào khóa đầu tiên đào tạo diễn viên chính quy của trường Sân khấu thì Trần Hạnh về Đoàn kịch Hà Nội để được hưởng hơn 40 đồng tiền lương. Trần Hạnh bước chân vào làng kịch nói chuyên nghiệp từ đấy. Xuất thân là diễn viên kịch nhưng những vai diễn trong các bộ phim truyền hình mới đưa tên tuổi ông gần hơn với công chúng.

“Năm 1989 tôi về hưu thì mới đi làm phim. Làm một, hai phim người ta thấy được, thế mới đều đều, chứ có phải nghề của tôi là làm phim đâu”. Hơn 100 vai cứ thấy NSƯT Trần Hạnh là đoán ngay ra nhân vật ông thủ vai: không khắc khổ đáng thương thì cũng là ông nông dân hiền lành, chất phác. “Tôi chỉ ước có vai nào đổi đời đi một tý. Toàn làm những vai nhân vật vất vả. Nói mãi với đạo diễn, nó bảo, thôi bố làm đi cho nó nhanh. Tôi nói đùa: “Chúng mày chỉ ăn sẵn thôi, cứ ông già đau khổ lại gọi đến tao. Cứ ông già nào khá khá mày lại gọi đến người khác”.

Của đáng tội, Trần Hạnh vào vai nông dân thì… không trượt đi đâu được thật. Bởi ông bảo “tôi mặc bộ quần áo vào là ra nông dân ngay. Tôi biết đi cày, bừa, biết tát gầu dai, gầu sòng. Hồi đi làm đường sắt cùng sống với bà con nông dân, ở trong nhà người ta, người ta làm gì, mình bắt chước mình làm hộ người ta. Đâm ra biết, từ chỗ biết rồi làm thử, làm thử đâm ra quen”.

“Lão nông” chính hiệu ngoài đời

Những tưởng, cái chất nông dân của ông chỉ là diễn trên phim. Ai ngờ, chất nông dân ấy ngấm vào máu thịt của người diễn viên già tự bao giờ. Cũng có thể là ngược lại, chính cái chất nông dân ngoài đời lại “mặc định” các vai diễn của ông trong nghệ thuật thứ bảy. Người ta gọi NSƯT Trần Hạnh là “lão nông ở thành phố”. Kể cũng phải. Vốn dân Hà Nội gốc nhưng phong cách của ông chẳng khác gì… nông dân thứ thiệt. Đi phỏng vấn, chưa bao giờ tôi nhìn thấy nhân vật của mình… ngồi xổm đợi mặc dù xe máy của ông dựng ngay gần đó.

Ông vận chiếc áo sơ mi trắng ngà đã rách lỗ, đôi giày da cũ sờn của “ông hàng xóm vứt đi nhưng tôi thấy tốt, tôi xin ông ấy”. Cách kể chuyện của ông thật và chân chất đến độ… hấp dẫn và cuốn hút người đối diện: “Tôi và bà nhà lấy nhau cuối năm 1957. Bà nhà tôi sinh năm 1940, hai vợ chồng chênh nhau gần một giáp. Chúng tôi lấy nhau là thế này, tôi đang đi công trường thì bà nội đánh điện: về ngay, mẹ ốm sắp chết. Tôi bảo: Ở nhà gọi có việc gì chứ không phải ốm đâu. Ban chỉ huy công trường bảo, không được, giấy rõ ràng bảo ốm sắp chết và bắt tôi phải về. Rồi “nó” cấp cho tiền sinh hoạt phí từ Lào Cai về. Hồi đó, đi vất vả lắm chứ không phải như bây giờ, từ Lào Cai về phải đi nhờ ô tô tải từng quãng đường một. Về nhà tôi biết ngay là cái chuyện “ấy” rồi: Bà nội bắt lấy vợ. Cô ấy là người cùng ngõ Phất Lộc ngày xưa, làm ở công ty ăn uống Thủy Tạ. Cưới xong độ 3, 4 ngày là tôi đi ngay, lại lên lên công trường. Tôi bảo với ban chỉ huy, tôi biết ngay, các anh cứ bắt ép tôi về. Chúng nó cứ lăn ra cười…”.

Cũng bởi cái chất nông dân chính hiệu nên ông có gì nói đấy, không cần hoa mỹ, bày biện. “Tôi còn nhớ một lần Đài Hà Nội đến quay chân dung nghệ sĩ. Khi ấy nhà tôi chưa xây, còn dột nát, ọp ẹp lắm. Cậu quay phim vào trong ngõ thì ngõ hẹp và bẩn. Đi vào trong nhà thì nhếch nhác. Tôi bảo, yêu cầu là cứ quay thật thì tôi cho quay, không thì thôi. Chứ còn bầy biện nọ kia, mượn bàn, mượn ghế, mời các ông đi. Nó quay đúng y xì như thế, phát lên được một lần thì dừng”.

NSƯT Trần Hạnh (ngồi) trong phim Người đàn bà thứ hai

“Tôi bằng lòng với cuộc sống”

NSƯT Trần Hạnh sinh năm Kỷ Tỵ. Ông bảo, mình là người tin vào số phận. Đụng đến chữ Kỷ là khổ rồi. Khuôn mặt già nua, nhăn nheo khắc khổ cũng chính là bằng chứng sống kể thay những vất vả ông đã trải qua. Tổng kết lại, cuộc đời ông bắt đầu khổ cũng lại từ khi biết nghề sân khấu. Lúc ấy, khổ vì phải làm hai việc trong một lúc mà làm sân khấu lại không có tiền. “Buổi tối đi diễn xong, xốm lắm thì mấy đứa ăn bát phở rồi đi về. Mà không phải ăn xong rồi về được ngủ đâu. Đêm về lại giặt quần áo, tã lót… Cho đến khi vào chuyên nghiệp ở Đoàn kịch Hà Nội, một đêm tôi được từ 4 hào đến 1 đồng 2 (nếu là vai chính - PV). Mà hồi đó khoảng 1 đồng một bát phở, 5 hào thì phở không thịt”.

Cái khổ cứ theo gót NSƯT Trần Hạnh đến tận bây giờ, khi ông đã tròn “bát thập”, cái tuổi đáng nhẽ được thanh thản và an nhàn bên con cháu. 9 năm nay bà nhà không may bị tai biến mạch máu não và nằm liệt ở nhà. Những ngày nghỉ, thời khóa biểu của NSƯT Trần Hạnh là chưm sóc, phục vụ vợ. “Sáng dậy nước nôi cho bà rửa mặt. Chiều tắm rửa, giặt quần áo cho bà. Giờ này (9-10 giờ sáng hôm sau) về cất quần áo để chiều tắm rồi thay cho bà. Cơm nước thì đặt nồi cơm điện, rau dưa vớ vẩn. Hôm nào bà thích ăn thịt thì mua mấy lạng thịt về kho lên ăn”.

Đối với ông, thời điểm này là thời điểm khó khăn nhất. Bệnh của bà càng ngày càng nặng, kinh tế lại chỉ nhìn vào hai khoản lương hưu. “Lương hưu của tôi được hơn một triệu, lương của bà ấy cao hơn lương tôi được hai triệu mấy. Ngoài bảo hiểm ra, bà vẫn phải mua thuốc ngoài. Thuốc của bà hơn một trăm mỗi ngày. Tháng hơn ba triệu tiền thuốc, hết sạch tiền hưu. Trẻ con cho đồng nào, tôi đi làm phim kiếm được đồng nào thì ăn đồng ấy. Năm ngoái làm cái phim của Laska khá phết. Phim Vệt nắng cuối trời, được hơn 30 triệu, khá nhất trong đời làm phim của tôi”.

Hơn 40 năm chung sống, ông bà được 7 người con, 3 trai, 4 gái. Hai người con gái đầu làm trong quân đội, ngày xưa cũng thiếu thốn lắm nhưng bây giờ đã khá hơn và là chỗ dựa chính cho bố mẹ. Trước thì thỉnh thoảng cô con gái ở Đức cũng tiếp tế ít tiền. Năm 2005, chị không may bị tai biến mạch máu não và qua đời ở tuổi 37. NSƯT Trần Hạnh lại cất công sang Đức đưa lọ tro con gái về với quê hương, với tổ tiên.

“Sao ông bà không nương tựa vào một người con nào đấy?”. “Cuộc sống bây giờ ồn ồn ầm ầm, chạy đua nhau thế này. Bản thân cuộc sống của chúng nó. Của con nó cũng chết dở, cứ đầu kỳ học lại tiền triệu trở lên. Mình chả giúp được nó thì thôi, hy vọng gì chuyện ấy. Nó cho đồng nào thì cầm đồng ý, chẳng nên áp đặt chúng nó làm gì”.

Trần Hạnh (giữa) trong phim Cha và con

Cũng nhiều người thắc mắc, sao ông không thuê một người giúp việc để san bớt gánh nặng vất vả. Vì kinh tế không dư dả cộng với nỗi lo người ta chăm bà không cẩn thận và chu đáo bằng mình nên ông chưa thể yên tâm giao khoán.

Cứ thế, hình ảnh người diễn viên già hàng ngày lụi cụi giặt giũ, tự tay cơm nước phục vụ vợ đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người dân trong khu phu phố Trần Quý Cáp. Tôi tò mò: “Ốm đau, bệnh tật ắt sinh ra cáu gắt, những lúc ấy ông “hạ hỏa” bằng cách nào?”. NSƯT Trần Hạnh nheo mắt, dí dỏm: “Yêu nhau lắm đấy. Khi nào bà ấy cáu thì mình cứ lờ đi, coi như không nghe thấy. Thật ra bà ý cũng là người tốt và không có ý gì cả. Bà ý đã có tuổi lại ốm đau như thế, có một vài câu không vừa lòng nhau thì phải cho qua đi chứ. Cuộc đời đã thế, vào phim lại toàn những vai vất vả, khổ sở, chưa có vai nào gọi là vui, khá khá cả”.

Khổ thì khổ vậy nhưng trong ánh mắt và nụ cười đôn hậu, dễ mến của người diễn viên già vẫn lấp lánh sự lạc quan, yêu đời. “Tôi bằng lòng với cuộc sống. Có nhiều thì ăn thịt, có ít thì ăn rau. Miễn là mình sống được, chứ có làm sao đâu. Nói thật, ở đây tôi còn sướng. Nhiều nơi đi làm phim, thấy người ta khổ lắm. Hồi năm kia, tôi lên Hòa Bình, trời rét kinh khủng. Thế mà trẻ con cỡ 5 - 7 tuổi chỉ có manh áo, cởi truồng đi đất. Mình thì áo trong áo ngoài, đi hai bít tất, đi giày mà còn rét run cầm cập, thế mà chúng nó chịu rét như vậy”.

Có lẽ trời cũng rủ lòng thương “lão nông” hiền lành ấy. Ít người được như ông, 80 tuổi vẫn minh mẫn, dẻo dai sức khỏe, tự mình phóng xe máy đến phim trường tận Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, vẫn cố gắng bám theo sự phát triển chóng mặt của phim truyền hình. “Thời đại này, đi làm phim sitcom vất vả hơn thời lồng tiếng. Mình không theo kịp bọn trẻ, nó không nói ra mồm nhưng trong lòng không bằng lòng mình. Thôi, mình cố gắng chứ biết làm thế nào được”.

Hay cũng có thể vì cái tính khẳng khái ấy mà ông luôn được các đạo diễn quý mến và tin tưởng giao vai trong các bộ phim của mình. Ông thật thà “rất cám ơn chúng nó, ít ra nó cũng tìm việc cho mình làm để có thu nhập thêm. Cái chính là đi làm để thoải mái, vui vẻ hơn. Mỗi khi đi làm, tôi ăn được mỗi bữa hai bát cơm đầy cơ mà”. Lạc quan như vậy nên mặc dầu từ đầu năm đến giờ chưa làm được bộ phim nào, thêm nữa, ba tháng nay NSƯT Trần Hạnh nằm nhà để chữa trị vết thương sau lần ngã xe máy, nhưng ông vẫn “kệ, số phận đã thế thì thôi chịu, cựa lắm chỉ tổ trầy vẩy chứ làm gì!"

Theo Truyền Hình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.