Phim & truyện: Cơm phải lành và canh phải ngọt

Lịch sử phim truyện luôn chứng kiến những bộ phim thành công có khởi nguồn từ những tác phẩm văn học. Và, nói một cách khác, văn học luôn là chỗ dựa vững chắc nhất cho điện ảnh. Muốn có phim, trước hết phải có truyện. Dẫu vậy, câu chuyện thành công không phải khi nào cũng xuất hiện.

Và ở Việt Nam, những cuộc cãi vã giữa người viết sách và người làm phim sẽ là câu chuyện thường trực hơn. Nỗi ám ảnh về sự "không trung thành" giữa văn học và điện ảnh đã khiến không ít đạo diễn ngại ngần...

Trông người...

Sẽ không cần phải nói quá nhiều. Điển hình nhất là giải Oscar 2009. Bộ phim "Triệu phú khu ổ chuột" mang về 8 tượng vàng Oscar được khởi nguồn từ tiểu thuyết "Q&A" của nhà văn Vikas Swarup, "Dị nhân Benjamin" được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Frank Scott Fritzgerald, cuốn sách "The Reader" của nhà văn Đức Bernhard Schlink cũng đã có một phim cùng tên thực sự cuốn hút...

Có thể kể thêm hàng loạt phim bom tấn nữa, như "Bố già", "James Bond", "Harry Potter", hay bộ phim đang "hot" là "Twilight"... Chỗ dựa cho những bộ phim này là những tác phẩm văn học, hoặc là được ngợi ca, hoặc là rất ăn khách. Tất nhiên, không ai dại gì bắt đầu bộ phim bằng một tác phẩm văn học không một tiếng vang. Thành công của những bộ phim này không khó hiểu.

Ngày 14/9, tại Việt Nam, bộ phim "Chồng ảo" (The Time Traveler"s Wife) của điện ảnh Mỹ cũng có mặt. 5 tuổi - anh chàng Henry đã phải đối mặt với chứng di chuyển vượt thời gian và trớ trêu là anh không thể kiểm soát được những chuyến du hành bất đắc dĩ của mình: khi nào đi, đi đến đâu hoặc đi bao lâu… Tất cả như một câu hỏi lớn mà bản thân anh không bao giờ tìm được lời giải đáp!

Có thể với ai đó, việc quay ngược lại hay tiến trước thời gian là một điều vô cùng hấp dẫn thì với Henry, đó là một nỗi ám ảnh, một nỗi đau khổ đến tận cùng. Bởi trong đầu óc anh, không tồn tại bất cứ một cột mốc thời gian và không gian nào… tất cả như trong mơ… hay nói đúng hơn là trong những cơn ác mộng… mà cay nghiệt hơn nữa là chuỗi dài ác mộng nối tiếp nhau đó có khả năng di truyền sang những đứa con của anh…

Phát hành vào giữa tháng 8/2009 tại Mỹ, ngay lập tức bộ phim tạo được ấn tượng đặc biệt. Sở dĩ, bộ phim gây được dấu ấn, bởi một câu chuyện hấp dẫn đã có sẵn và cách miêu tả tâm lý nhân vật xuất sắc. Bởi đây cũng là một phim được bắt đầu từ một tiểu thuyết nổi tiếng.

"The Time Traveler"s Wife" được xuất bản tại Mỹ vào tháng 9/2003, là tiểu thuyết đầu tay của nữ tác giả người Mỹ có tên Audrey Niffenegger. Niffenegger viết câu chuyện này trong khoảng thời gian bà gặp trắc trở trong tình yêu, câu chuyện một phần nào đó phản ánh về cuộc đời của bà. "The Time Traveler"s Wife "được phân loại vừa là tiểu thuyết viễn tưởng, và tiểu thuyết lãng mạn, câu chuyện nói lên những vấn đề trong tình yêu, sự mất mát và lòng tin tưởng tuyệt đối.

"The Time Traveler"s Wife" xếp hạng thứ 9 trong những cuốn sách bán chạy nhất do The New York Times bình chọn. Sau khi được Scott Turow - một tác giả nổi tiếng khen ngợi trong chương trình truyền hình "The Today Show" tại Mỹ, 15.000 ấn bản đầu tiên đã được bán hết sạch và nhà xuất bản phải in tiếp 100.000 ấn bản khác để tái xuất bản; tại Anh, gần 45.000 cuốn đã bán hết ngay trong tuần đầu tiên. Cho tới tháng 3 năm 2009, đã có gần 1,5 triệu ấn bản đã được bán tại Mỹ và 1 triệu cuốn đã được bán tại Anh. Tiểu thuyết "The Time Traveler"s Wife" đã giành được giải thưởng Exclusive Books Boeke Prize và British Book Award...

Điện ảnh châu Á cũng chứng kiến những tác phẩm điện ảnh lên ngôi nhờ xuất phát từ những bộ truyện kinh điển. Hầu hết các tác phẩm văn học lớn của Trung Quốc đều được dựng thành nhiều bộ phim và gây tiếng vang. Và, các nhà làm phim Trung Quốc, cũng như các nhà làm phim Mỹ, đã vượt qua được ranh giới của văn học để làm một tác phẩm điện ảnh độc lập.

Chính vì thế, điển hình nhất là phim "Xích Bích" của Ngô Vũ Sâm, vẫn là những nhân vật trong "Tam quốc", nhưng cách kể chuyện hoàn toàn khác, hoàn toàn không lệ thuộc vào nguyên tác. Câu hỏi được đặt ra là, phải chăng, chỉ nên coi tác phẩm văn học làm nền tảng, làm "chất xúc tác", làm "nguyên liệu", còn bộ phim là một tác phẩm độc lập của người đạo diễn? Với điện ảnh thế giới, câu trả lời ngày càng chắc chắn.

... lại ngẫm đến ta

So sánh là điều tối kỵ trong nghệ thuật, nhất là so sánh giữa những "ông lớn" với một nền điện ảnh còn đang ậm ạch như Việt Nam. Nhưng, nhìn soi chiếu vào thực tế này để thấy rằng, chúng ta không hẳn là không có tác phẩm văn học hay, mà chỉ vì chúng ta chưa đủ tài lực để làm nên một bộ phim hấp dẫn.

"Mùa len trâu" của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh là một thành công hiếm hoi của dòng phim chuyển thể. Nguyễn Võ Nghiêm Minh, từ những chất liệu của Sơn Nam, đã làm được một Nam Bộ trong điện ảnh với trọn vẹn cảm xúc và chi tiết. Cùng thời gian đó, "Thời xa vắng" của đạo diễn Hồ Quang Minh, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu lại bị tiếng là không hấp dẫn, thua xa tác phẩm văn học...

Như đã nói ở trên, không nên ép điện ảnh phải giống văn học từ đầu đến cuối, nên khái niệm "thua" chỉ mang tính tương đối. Sở dĩ nói "thua" là bởi, Hồ Quang Minh đã đi theo đúng trình tự của cuốn tiểu thuyết và dàn dựng đều đặn, như thể thể hiện từng chương cuốn tiểu thuyết lên phim. Và vì thế, bộ phim đã có phần lệ thuộc vào văn học. Khi bị sự lệ thuộc, dù ít dù nhiều, thì chắc chắn khán giả sẽ so sánh. Và một tác phẩm văn học đã rất nổi tiếng, thì sẽ là một thành trì trong lòng họ. Sự yêu mến của bạn đọc thường ích kỷ, trừ khi bộ phim làm cho họ thấy ám ảnh nhiều hơn, vượt qua những so sánh thông thường...

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, trên đời này không gì sung sướng hơn việc được dựng các tác phẩm từ những tác phẩm hấp dẫn có sẵn mà mình thích. Nhưng bản thân anh vẫn chưa chọn được tác phẩm nào như thế. Từ một tác phẩm văn học hay để chuyển thể qua phim là một điều không dễ. Ở nước ngoài, nhà sản xuất phim mua bản quyền văn học và có quyền quyết định mọi thứ trong khuôn khổ bộ phim của mình.

Còn ở Việt Nam, tác giả kịch bản còn đi kiện nhà sản xuất vì... dám sửa kịch bản, thành ra sản xuất phim cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Lỡ nhà sản xuất không làm phim đúng với nguyên tác, nhà văn lại... đi kiện. Nhưng, dù khó khăn, thì văn học vẫn là chỗ dựa rất đáng tin cậy, bởi văn học có trước, như người cha, còn điện ảnh là... đứa con của văn học, kết hợp với nhiều môn nghệ thuật khác!

Đúng như vậy, nhà văn Bùi Anh Tấn nói, có một đạo diễn Việt kiều có ý định mua bản quyền cuốn "Một thế giới không có đàn bà" của anh để dựng thành phim. Nhưng khi anh bày tỏ rằng, anh muốn giữ lại toàn bộ cốt truyện, thì đạo diễn đã ngần ngại. Trong khi đó, tiểu thuyết này dựng thành phim truyền hình, với đúng cốt truyện, nhưng không mấy thành công và tiểu thuyết còn bị nhìn nhận sai (do rất nhiều khán giả chỉ xem phim mà không đọc sách).

Tuy nhiên, Bùi Anh Tấn sau khi tham gia vào quy trình sản xuất phim truyền hình với tư cách tác giả kịch bản, đã tự rút ra một kết luận, một bộ phim trên giấy đến một bộ phim trên màn ảnh là khoảng cách xa vời vợi. Chính vì thế, nhà văn không nên khư khư giữ những gì mình cho là tuyệt đỉnh. Bởi sự tuyệt đỉnh đó đã được đánh giá và công nhận trong văn chương. Còn điện ảnh sẽ là câu chuyện khác. Có thể nó là sự cộng hưởng mạnh mẽ. Nhưng có khi chỉ là một sự phóng tác (như trường hợp "Mê thảo" của đạo diễn Việt Linh từ các tác phẩm của Nguyễn Tuân).

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho rằng, phim Việt Nam không phải không có những bộ phim hấp dẫn, bắt đầu từ văn học. Như trường hợp "X30 phá lưới" là một điển hình của phim ăn khách. Hay mới đây là "Đừng đốt" của đạo diễn Đặng Nhật Minh, có thể phim không thành công về mặt khán giả, nhưng đó là tác phẩm gây được sự xúc động. Đạo diễn Hồ Ngọc Xum là người dựng khá nhiều phim từ tác phẩm văn học của Hồ Biểu Chánh. Ông cho rằng, nhà làm phim có tâm, không phải là sao chép lại văn học mà giữ lại cái ý, cái tình của nhà văn... Khi làm được điều này, thì cơm sẽ luôn lành và canh luôn ngọt.

Dù muốn dù không, điện ảnh Việt Nam vẫn cần một chỗ dựa quý báu là văn học. Và hầu hết các dự án phim đang được trông đợi, thuộc về những phim chuyển thể. Trước hết là "Cánh đồng bất tận" của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình (chuyển thể từ truyện của Nguyễn Ngọc Tư). Đây là dự án dài hơi mà hãng phim Việt đang chấp nhận đầu tư như một "cuộc chơi" trong điện ảnh.

Sau bộ phim "Trăng nơi đáy giếng" chuyển thể từ truyện ngắn của Trần Thùy Mai, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn tiếp tục làm phim "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ", chuyển thể từ tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Thuần. Nguyễn Vinh Sơn còn một dự án chờ, đó là kịch bản của Phạm Thùy Nhân, chuyển thể từ tiểu thuyết "Tấm ván phóng dao" của nhà văn Mạc Can... Nguyễn Vinh Sơn chia sẻ, anh thấy rất rõ sự giao thoa giữa văn học và điện ảnh. Đó chính là lý do vì sao, anh thường chọn những tác phẩm văn học hấp dẫn cho một dự án điện ảnh của mình.

Điện ảnh, có một chỗ dựa vững chắc là văn học. Thế nên, nếu những bộ phim chuyển thể không thành công, xin đừng đổ lỗi cho văn học. Chẳng qua, những người làm điện ảnh chưa đủ tài năng mà thôi...

Theo Bảo Bình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.