“Truyền hình thực tế giống như một cô gái sành điệu…”

Nói về sự “bành trướng” của các chương trình truyền hình thực tế (THTT) và sự lép vế của phim truyền hình trên khung giờ vàng, đạo diễn Đỗ Thanh Hải ví, các chương trình THTT giống như cô gái sành điệu, trong khi, phim truyền hình chỉ là cô gái gánh hàng hoa giản dị.

Nói về sự “bành trướng” của các chương trình truyền hình thực tế (THTT) và sự lép vế của phim truyền hình trên khung giờ vàng, đạo diễn Đỗ Thanh Hải ví, các chương trình THTT giống như cô gái sành điệu, trong khi, phim truyền hình chỉ là cô gái gánh hàng hoa giản dị.

Sự “bành trướng” của loạt chương trình truyền hình thực tế ăn khách như Giọng hát Việt, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo … đã đẩy phim truyền hình vào thế yếu. Không chỉ yếu thế về mặt khán giả, phim truyền hình còn bị “làm khó” về việc kêu gọi tài trợ và chạy quảng cáo. Giờ vàng trên các kênh sóng truyền hình đã không còn là “lãnh địa thiên đường” dành cho phim truyền hình. Thay vào đó, các chương trình thực tế “làm mưa làm gió” với lực lượng khán giả đông đảo, thời lượng quảng cáo “kéo dài vô biên”. Xung quanh vấn đề này phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Đỗ Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VFC.


Đạo diễn Đỗ Thanh Hải

“Phim truyền hình giống như cô gái gánh hàng hoa ít trang điểm…”

Hiện những chương trình truyền hình thực tế đang có sức hút mạnh mẽ với công chúng và truyền thông, ví dụ như Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ, VietNam Idol, VN Got Talent... Và gần nhất là Giọng hát Việt (The Voice). Xin hỏi, bản thân anh là một khán giả cũng là một người làm truyền hình, anh có bị cuốn theo trào lưu xem và bàn luận về các chương trình truyền hình thực tế?

Tôi luôn là một khán giả yêu thích các chương trình của VTV nên khi có thời gian rảnh, tôi đều xem các chương trình trên sóng VTV. Giọng hát Việt (The voice) là một chương trình rất đáng xem và khá thú vị. Thú thật, tôi và nhiều đồng nghiệp đã xem chương trình này phiên bản quốc tế nên đánh giá format này rất cao. Vì vậy, việc một chương trình hấp dẫn, lôi kéo khán giả bàn tán là chuyện rất bình thường, tôi cũng từng dành nhiều thời gian trao đổi với bạn bè về chương trình này. Tuy nhiên, không phải chương trình nào trong số các chương trình bạn nêu, tôi đều yêu thích. Mỗi chương trình truyền hình sẽ phù hợp với những nhóm đối tượng khán giả nhất định. Đôi khi, mình không xem chương trình nào đó không phải vì nó không hay mà do sự quan tâm của mình đang phải dành cho thể loại, lĩnh vực khác...

Những chương trình truyền hình thực tế hiện đang chiếm lĩnh giờ vàng trên các kênh sóng. Có ý kiến cho rằng, sức lan tỏa của truyền hình thực tế đã thể hiện sự lép vế của phim truyền hình. Sẽ không thể có được bộ phim truyền hình nào được dư luận hưởng ứng như Giọng hát Việt (The Voice), cũng sẽ không thể có được bộ phim truyền hình nào có sức hút với truyền thông như Bước nhảy hoàn vũ.... Anh nghĩ sao về ý kiến này?

Việc so sánh này khá khập khiễng. Chẳng khác nào bạn so sánh một cô gái được trang điểm xinh đẹp, khoác trên người nhiều trang phục bắt mắt, đi xe đắt tiền với một cô gái trẻ gánh hàng hoa, ít được trang điểm đi trên góc phố nhỏ. Về mặt hình thức, đương nhiên ai cũng sẽ thích nhìn ngắm cô gái ăn diện cầu kỳ đó, nhưng chắc chắn cũng sẽ có nhiều người thích sự giản dị, gần gũi trong vẻ đẹp ít bị trang điểm.

Thực tế, những chương trình truyền hình thực tế (THTT) được mua format (kịch bản) nước ngoài, khi sản xuất có các chuyên gia quốc tế sang tư vấn, thẩm định và hỗ trợ chuyên môn, được đầu tư bài bản, xứng tầm... chắc chắn là đã "đáng nể" cả về mặt đầu tư chất xám, kinh phí.. Khung giờ phát sóng đẹp, được PR, quảng bá rầm rộ, các gương mặt xuất hiện lại là những nghệ sỹ ăn khách... Vì vậy việc các chương trình này ngay lập tức thu hút khán giả là chuyện đương nhiên, chẳng phải bàn cãi. Do đó, tôi không đặt nặng việc so sánh giữa phim truyền hình với The voice, cũng như thực tế hiện nay, dại gì tôi đi so sánh sức hút của phim truyền hình với bản tin thời sự 19h của VTV. Ngoài ra, với góc nhìn của người trong cuộc, tôi cũng biết rõ phim truyền hình Việt Nam đang phát triển ở mức độ nào và đang được đầu tư thế nào.

Những chương trình truyền hình thực tế đang "làm mưa làm gió" trên các khung
giờ vàng với "rating" ngất ngưởng.

“Các gameshow từng đứng trước sự thoái trào”

Cũng từ sự lan tỏa mạnh mẽ của truyền hình thực tế với truyền thông, với dư luận, đã cho thấy, truyền hình thực tế đang "làm khó" cho phim truyền hình về kêu gọi tài trợ và quảng cáo. Anh trả lời về phim truyền hình rất tự tin! Là nhà sản xuất phim của nhà nước, hẳn Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) không bị truyền hình thực tế "làm khó"?

Càng không nên lo lắng vì quá trình phát triển luôn phải có các yếu tố thách thức để thúc đẩy. Trước đây, khi phim truyền hình ào ạt lên sóng giờ vàng, đẩy lùi rating (lượng khán giả xem) của showgame và chính báo chí cũng tung ra một loạt bài nhận định về sự thoái trào của các showgame mua bản quyền nước ngoài.. Ngay tại thời điểm đó, chúng tôi đã phân tích rõ sự thay đổi này do nhu cầu "đổi món" của khán giả. Đơn giản như chúng ta ăn liền một tuần các bữa tiệc, thì chỉ cần bát cơm nóng, rau muống luộc với mấy quả cà và ít thịt kho là đã thấy vị ngon miệng khác hẳn...Vì vậy, quan trọng hơn cả là phải nỗ lực giữ chất lượng và biết cách nâng dần tính chuyên nghiệp trong sản xuất phim.

Tôi khẳng định, phim truyền hình việt nam luôn có chỗ đứng riêng trong các thể loại chương trình giải trí và có những giá trị riêng biệt với khán giả Việt nam, thậm chí sẽ phát triển mang tính dài lâu trong đời sống. Việc thị hiếu thay đổi, nhu cầu sản xuất các dạng chương trình mới là rất bình thường, không phải lo lắng. Hãy nghĩ các chương trình THTT như đặc sản Tây, rất ngon miệng và đầy hấp dẫn, còn phim Việt như bữa cơm giản dị trong mỗi gia đình Việt, sẽ có bữa chế biến phong phú, có bữa gọn gàng nhưng là khẩu vị phù hợp với số đông khán giả Việt.

Trước sức hút của những chương trình truyền hình thực tế hiện tại, phim truyền hình
bị lép vế hoàn toàn về mặt khán giả, truyền thông cũng như quảng cáo.

Anh có thể cho ý kiến về sự "bành trướng" của truyền hình thực tế, và việc các chương trình này đang "làm khó" cho các hãng tư nhân sản xuất phim truyền hình?

Tôi không coi đây là sự bành trướng mà tôi nhận định đây là sự nỗ lực của các nhà sản xuất để giành thị phần khán giả. Vì vậy cũng thấy đáng mừng vì khán giả sẽ được lợi. Vấn đề là mức độ phô trương, khẩu vị Tây này sẽ kéo dài bao lâu vì họ cũng có nhiều cái khó riêng. Chúng ta đều đã thấy hầu hết các chương trình THTT đang phải lôi kéo các nghệ sỹ nổi tiếng vào tham dự để đảm bảo sự ăn khách. Mà việc này sẽ khó đảm bảo tính hấp dẫn lâu dài, giống như phim truyền hình đã từng có giai đoạn cố gắng đưa người mẫu, hoa hậu, ca sỹ vào đóng phim để tạo sức hút. Một thời gian sau cũng đã trở nên bão hòa. Vậy nên, bản chất cuối cùng và cũng là vấn đề cốt lõi để làm nên giá trị thực sự của các chương trình truyền hình là chất lượng nội dung và tính lâu dài về sản xuất qua nhiều năm. Các hãng phim hãy cứ chăm chút cho chất lượng kịch bản, cố gắng sản xuất phim một cách chuyên nghiệp, đừng chụp giật thì sẽ giữ được lượng khán giả riêng của mình.

Giọng hát Việt (The Voice) có thể sẽ xuất hiện trong… Táo quân

Vậy, tôi muốn trở lại chương trình… Táo quân- một thương hiệu của VFC các anh. Chương trình Táo quân luôn biết cách gây chú ý và hấp dẫn khán giả bằng "chiêu bài" cập nhật các thông tin truyền thông hấp dẫn, ví dụ như cuộc thi Hoa Táo hay Táo Idol hay cho các Táo thi hát đôi như Cặp đôi hoàn hảo. Điều đó chứng tỏ, đến Táo quân cũng không “thoát khỏi” sức ảnh hưởng từ những chương trình truyền hình thực tế đấy thôi?

Có thể bạn nhầm về việc sử dụng các "bề nổi và hiện tượng" để lồng ghép ý đồ dàn dựng, còn bản chất nội dung Táo quân không hề mô phỏng hay khai thác nội dung các chương trình này. Nếu nói chính xác thì Táo quân sử dụng thương hiệu và là giá trị lớn nhất từ một điển tích dân gian, chuyện ông Táo bà Táo.

The Voice có thể sẽ xuất hiện trong chương trình Táo quân cuối năm nay! 

 Liệu những thông tin đang "làm mưa làm gió" truyền thông về chương trình The Voice (Giọng hát Việt) năm nay có thể trở thành nguồn cảm hứng cho các anh trong việc lên kịch bản cho Táo quân cuối năm?

Cũng có thể câu chuyện Giọng hát Việt (The Voice) sẽ xuất hiện trong Táo quân nhưng mức độ thế nào sẽ phụ thuộc vào kịch bản cuối cùng. Và nếu Táo quân nhắc đến The Voice cũng sẽ rất bình thường vì đây là một chương trình hấp dẫn, thu hút đông khán giả, trong đó có tôi.

“Tất cả các chương trình, dù là THTT, phim truyền hình hay một thể loại nào khác... đừng tự ru ngủ mình là đang có lợi thế riêng để rồi sản xuất ào ạt, chạy đua nhau và làm theo phong trào rồi trở nên nhàm chán.

Đôi khi, biết người biết ta, biết tìm ra sự khác biệt trong các thể loại chương trình sẽ làm nên một chương trình hấp dẫn mà chẳng cần nhiều đến sự phô trương về hình thức.

Tôi tin là sẽ có rất nhiều khán giả Việt mong muốn được xem nhiều hơn những bộ phim truyền hình Việt Nam kể về những cuộc đời, những hoàn cảnh sống giản dị nhưng phản ánh sâu đậm tính cách, ứng xử của người Việt.

Giống như tôi, đọc một bài báo ngắn, xuất hiện khiêm tốn ở trong trang báo viết về một người con biết thương mẹ, biết trân trọng những sự nhọc nhằn mà mẹ đã kiếm tiền để lo cho gia đình, tôi thấy cuộc sống của tôi ý nghĩa hơn chứ không phải vì xem các hình ảnh những người mẫu, ca sỹ mặc đồ thời trang, xách túi đồ hiệu xuất hiện ào ạt hàng ngày, dù đó là những cô gái rất xinh, ảnh chụp rất đẹp và cầu kỳ về ánh sáng”- Đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ.

 Theo Dân trí

 


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.