Từng cuốc đất làm ruộng, chân lấm tay bùn, những cô gái này vẫn trở thành Hoa hậu

Không có gia thế, không có "chống lưng", các Hoa hậu phải làm ruộng vườn từ tấm bé, chân tay lấm lem bùn đất, lớn lên trong những bộ quần áo quê mùa.

Không có gia thế, không có "chống lưng", các Hoa hậu phải làm ruộng vườn từ tấm bé, chân tay lấm lem bùn đất, lớn lên trong những bộ quần áo quê mùa.

Khi Phạm Hương đăng quang ngôi vị Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015, ngay lập tức người ta truy tìm đại gia đứng sau lưng cô. Đại gia thì không tìm được, nhưng ai đó đã phát hiện ra gia đình bề thế của Phạm Hương ở Hải Phòng. Phóng viên báo chí nhanh chóng đổ về xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, quê nhà của hoa hậu, để "xác minh lí lịch". Kết quả khiến họ chưng hửng và ngỡ ngàng.

phạm hương
Phạm Hương khiến những người tò mò về thân thế cô ngỡ ngàng

Căn nhà khang trang xây kiểu biệt thự màu trắng sang trọng chỉ có bố và em trai Phạm Hương ở. Nhưng để có được căn nhà ấy, bố mẹ cô phải đem hết tiền của trong nhà và đi vay thêm gần tỉ bạc nữa. Những mong cô con gái Hoa hậu không bị xấu hổ khi dẫn bạn bè về chơi.

Theo lời kể của bà ngoại Phạm Hương, đất xây nhà là do bà cắt cho. Số tiền tiết kiệm ít ỏi dành để xây nhà cũng mới tích cóp mấy năm gần đây, từ khi mẹ của Hoa hậu chuyển từ nghề nông và chạy chợ sang bán bảo hiểm nhân thọ. Hiện tại, Phạm Hương đã đưa mẹ vào Sài Gòn sống cùng để giúp cô quản lý công việc. Còn bố và em trai vẫn ở lại Hải Phòng làm những công việc lao động phổ thông như những người nông dân thuần phác.

Tuổi thơ của Phạm Hương là những tháng ngày nghèo khó, bố mẹ phải chạy ăn từng bữa. Bố cô nuôi gia đình bằng nghề đánh cá, còn mẹ vừa làm ruộng, vừa chạy chợ, thi thoảng đi phụ cho chồng. Căn nhà cũ chật hẹp mà Hoa hậu từng sống thậm chí chỉ có một chiếc giường. Bố cô thường nhường cho vợ con ngủ trên giường còn mình thì nằm đất.

phạm hương
Ảnh cô bé nông thôn Phạm Thị Hương lúc nhỏ

Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn đó, Phạm Hương sớm đã phải lao động chân tay phụ giúp bố mẹ. Tuy vậy, cô vẫn chăm chỉ học hành và không ngừng nuôi dưỡng ước mơ trở thành công chúa như cô bé Lọ Lem trong truyện cổ tích.

Nghị lực hơn người của cô gái xuất thân thuần nông đã được đền đáp sau nhiều năm một mình bươn trải, nỗ lực tiến thân bằng nghệ thuật. Chiếc vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 là một minh chứng ngọc quý không nhất thiết phải được bọc trong nhung lụa, giàu sang.

phạm hương
Vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam như cây đũa thần thay đổi cuộc đời cô bé Lọ Lem 

Đặng Thu Thảo cũng là một trường hợp tương tự. Sự kiện đăng quang của cô đã gây sửng sốt cho công chúng khi lần đầu tiên một cô gái xuất thân thuần nông được đội lên đầu chiếc vương miện danh giá trong lịch sử 26 năm của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Trước Đặng Thu Thảo, các Hoa hậu hoặc có bản lí lịch "quyền quý", "sang trọng" như Bùi Bích Phương, Nguyễn Diệu Hoa, Hà Kiều Anh, Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Thiên Nga, Đặng Ngọc Hân; hoặc chí ít xuất thân trong gia đình trung lưu, có kinh tế và tri thức như Nguyễn Mai Phương, Mai Phương Thúy, Nguyễn Thị Huyền, Trần Thị Thùy Dung. Đến Phan Thu Ngân, Hoa hậu Việt Nam năm 2000, tuy là Hoa hậu đầu tiên xuất thân bình dân, thì cũng là một gia đình bình dân ở thành phố lớn, không phải chân lấm tay bùn. 

đặng thu thảo
Đặng Thu Thảo là Hoa hậu đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Hoa hậu Việt Nam xuất thân chân lấm tay bùn

BTC Hoa hậu Việt Nam rất quan trọng bản lí lịch gia đình của các người đẹp. Bởi họ tin rằng, những cô gái xuất thân trung lưu trở lên luôn có nền tảng văn hóa, đạo đức tốt hơn, có khả năng gìn giữ danh hiệu và khả năng tỏa sáng trong tương lai. Thế nhưng, năm 2012, ban giám khảo đã dành ngoại lệ đó cho cô gái miền Tây Đặng Thu Thảo.

Gia đình của Đặng Thu Thảo không chỉ bình dân mà còn là gia đình thuần nông ở Bạc Liêu, hơn nữa, lại rất khó khăn. Cha của Thu Thảo là ông Đặng Văn Đạt, làm nghề ép cá giống. Mẹ là bà Nguyễn Hồng Thơ vừa làm ruộng vừa may vá kiếm thêm thu nhập. Gia đình cô ban đầu sống ở vùng sâu, mỗi lần muốn ra trung tâm huyện thì phải mượn ghe xuồng đi cả chục cây số. Sau đó, để tiện việc học hành của con, ông bà đã chuyển tới huyện Hồng Dân làm nghề buôn bán cá giống.

Được một thời gian thì căn nhà bị giải tỏa để xây dựng trung tâm hành chính huyện, cả nhà lại chuyển về thị trấn Ngan Dừa. Công việc làm ăn của bố mẹ Đặng Thu Thảo vì thế cứ bấp bênh thiếu ổn định. Cho đến khi bố cô đổ bệnh thì gia đình thực sự rơi vào cảnh lao đao. Vừa bán nhà đi chữa bệnh cho bố thì tai họa lại ập đến. Bố cô đi xe máy gây tai nạn, tiền bồi thường không có, phải chịu đủ sự mắng nhiếc của người đời.

Cô gái quê Đặng Thu Thảo học xong lớp 12 phải lên thành phố kiếm việc làm, nuôi giấc mơ đại học. Cô làm đủ thứ nghề từ nhân viên bán hàng mĩ phẩm, bán cà phê đến pha chế đồ uống để có tiền theo học hệ trung cấp Đại học Cần Thơ. Đó cũng là lí do mà bà Dương Thanh Thủy - nữ đại gia nổi tiếng của tập đoàn bất động sản Trung Thủy - không ngần ngại chấp nhận cho con trai mình yêu hoa hậu Đăng Thu Thảo chứ không phải tiểu thư lá ngọc cành vàng nào khác.

đặng thu thảo
Nghị lực của Đặng Thu Thảo đã thuyết phục được bà chủ tập đoàn chấp nhận mối quan hệ với con trai mình

Hoa hậu Đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Thị Lệ Nam Em, Nữ hoàng sắc đẹp quốc tế Ngọc Duyên, Hoa hậu Biển Nguyễn Thị Loan và Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Triệu Thị Hà cũng là những Hoa hậu Lọ lem có xuất thân từ đồng ruộng. Nhưng với cơ may và cả ý chí, họ đều trở thành những nhan sắc rực rỡ của showbiz, không thua kém các người đẹp lớn lên ở thành phố, sinh trưởng trong những gia đình khá giả, có địa vị xã hội.

Hoa hậu Nam Em có hoàn cảnh rất đặc biệt. Bố mẹ, nội ngoại đều là những người nông dân vùng sông nước. Do hoàn cảnh quá khó khăn, bố mẹ cô chia tay nhau. Cô ở với bố còn anh trai và chị gái ở với mẹ. Sau bố cô cũng túng quẫn mà bỏ đi, để Nam Em lại cho người cô nuôi dưỡng. Nam Em kể, bố cô mất rất thương tâm, không người thân thích bên cạnh, mặt vẫn dính bùn và trong túi chỉ có duy nhất 2000 đồng. 

Nam Em
Nam Em xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, lại phải chịu cảnh li tán từ nhỏ

Nam Em như mọi thiếu nữ miền Tây nghèo khác, đều quen thuộc với việc đồng áng. Chỉ đến khi được một người chú xin cho vào đoàn văn công quân đội, được chuyển ra Hà Nội học nghệ thuật ở tuổi 17, cô mới phải chia tay với bùn đất Nam bộ. Nhìn những gì Nam Em đang thể hiện ở cuộc thi Hoa hậu Trái đất và đối chiếu lại với bản lí lịch đặc biệt của cô, công chúng mới thấy một ý chí phi thường của cô gái đi lên từ thiếu thốn và li tán.

Nam Em
Ý chí phi thường của cô gái nghèo đã biến cô trở thành một nhan sắc đáng gờm trong showbiz Việt

Ngọc Duyên, Nguyễn Thị Loan và Triệu Thị Hà may mắn hơn khi có gia đình ấm êm. Tuy nghèo khó và phải lao động chân tay đồng áng từ nhỏ nhưng cả ba cô gái đều được bố mẹ đùm bọc, yêu thương. Cha của Ngọc Duyên từng đi bán vé số để nuôi cô và ba anh chị nữa ăn học.

Bố mẹ Nguyễn Thị Loan và Triệu Thị Hà đều là những người làm ruộng chất phác và đến giờ vẫn làm ruộng dù con gái họ đã thành đạt, nổi tiếng. Hồi mới đặt chân vào showbiz từ danh hiệu Hoa hậu BiểnTop 5 Hoa hậu Việt Nam 2010, Nguyễn Thị Loan vẫn không ngại vác cuốc ra đồng theo mẹ mỗi khi về thăm quê. Top 20 Hoa hậu Hòa bình quốc tế không sợ bị chê quê mùa, không giấu xuất thân quê lúa mà luôn tự hào về gia đình thuần nông của mình. 

Loan
Top 25 Miss World 2014 không ngại chia sẻ bức ảnh đội nón vác cuống ra đồng xới ruộng
 
loan
Có ai hình dung nổi cô gái quê quen việc đồng ngày nào giờ trở thành một trong những người đẹp nhất thế giới.

Ngoc Duyen
Nhan sắc rực rỡ của Nữ hoàng sắc đẹp quốc tế Ngọc Duyên được nuôi dưỡng từ những đồng tiền bán vé số của cha

Ngọc bọc trong nhung lụa và ngọc giấu trong bùn, ngọc nào quý hơn?

Báo chí từng so sánh nơi ở của hai hoa hậu Phạm Hương và Kì Duyên. Một nơi là căn hộ tập thể cũ trong con hẻm nhỏ, một nơi là căn chung cư cao cấp với nội thất phong cách hoàng gia châu Âu sang trọng. Chốn đi về của Phạm Hương tối tăm và hiu hắt, chốn đi về của Kì Duyên sáng choang và rực rỡ. Nhưng độ rực rỡ trong sự nghiệp của Phạm Hương thì ít hoa hậu nào sánh bằng.

Người ta nói nhiều về nghị lực của Phạm Hương, từ "chú vịt xấu xí" quê kệch của Vietnam's Next Top Model 2010, đi qua nhiều cuộc thi nhan sắc và người mẫu, lột xác từng ngày, để có một diện mạo hoàn hảo nhất cả về ngoại hình lẫn khí chất trên sân khấu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015. Nhưng cô không an phận với chiếc vương miện pha lê. Phạm Hương tiếp tục nỗ lực, duy trì phong độ luôn ở đỉnh cao để có chỗ đứng vững chắc trong showbiz bằng tài năng nghệ thuật. Trong khi ấy, bố và em trai của cô ở quê vẫn kiếm sống bằng nghề đánh véc-ni, sơn gỗ, làm trần thạch cao.

trieu thi ha
Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Triệu Thị Hà vốn từng là cô gái dân tộc Nùng lớn lên ở vùng núi Cao Bằng nghèo khó

Nếu không phải từng sống trong nghèo khó, thấm thía giá trị của mồ hôi lao động, liệu Phạm Hương có tham vọng lớn đến thế và nỗ lực nhiều đến thế không? Cũng như nếu Đặng Thu Thảo không trải qua năm tháng tuổi thơ lao đao lận đận với những thất bát của gia đình, cô có biết trân trọng chiếc vương miện mà cô có được hôm nay?

Còn nhớ khi Đặng Thu Thảo đăng quang, không ít người chê nhan sắc của cô "nhạt nhẽo". Người ta khen Tú Anh mới có thần thái rực rỡ của một Hoa hậu chứ không phải Thu Thảo. Nhưng chỉ hai năm sau, chính công chúng gọi Đặng Thu Thảo là "Hoa hậu của các hoa hậu". Không chỉ vì gương mặt không tì vết với thần thái mong manh an nhiên hiếm có, không chỉ vì phong cách thời trang kín đáo, tinh tế, thanh lịch, mà vì cách cô gìn giữ, nâng niu danh hiệu của mình.

 Đặng Thu Thảo thấm thía hơn ai hết, chính vương miện là thứ giúp cô thay đổi cuộc đời, là thứ giúp cô trả được toàn bộ số tiền bồi thường cho cô giáo mà bố cô đã gây tai nạn nhiều năm về trước, là thứ giúp gia đình cô thoát khỏi những miệng lưỡi xỉa xói của thế gian, là thứ giúp cô thoát khỏi cuộc sống của một nhân viên bưng bê đồ uống. Chính vì thế, mỗi việc cô làm, mỗi sự kiện cô tham dự, mỗi lời cô nói trên facebook cá nhân, đều kín kẽ, chuẩn mực và đầy trách nhiệm.

Cô không cho phép mình được chiều chuộng bản thân, được hút thuốc vì buồn hay stress như Kì Duyên, được cãi nhau với người khác ngoài đường như Mai Phương Thúy, được phát ngôn theo cảm hứng như Nguyễn Thu Thủy. Sự gìn giữ có thể là áp lực với chính cô nhưng là một áp lực ép cô trở nên hoàn thiện hơn. Và áp lực ấy sẽ không đến từ những người đẹp chưa từng chịu áp lực của cuộc sống. Nó chỉ đến từ những cô gái sinh ra đã biết nếu không cố gắng và cố gắng liên tục thì sẽ không đạt được thành quả nào.

dang thu thao
Chỉ những cô gái sinh ra đã biết nếu không cố gắng và cố gắng liên tục thì sẽ không đạt được thành quả nào mới chịu được áp lực của cuộc sống

BTC Hoa hậu Việt Nam có thể không sai trong niềm tin của họ về những cô gái xuất thân từ tầng lớp trung lưu. Đúng là trong những gia đình trung lưu, các Hoa hậu có nền tảng tốt hơn, được giáo dục kĩ lưỡng hơn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa họ có phẩm cách tốt hơn. Một cô gái đi lên từ bùn đất mà có thể tỏa sáng giữa rừng nhan sắc để giành vương miện Hoa hậu (bằng khả năng tự thân chứ không phải mua bán) thì chứng tỏ phẩm cách của cô ấy hơn người.

Đó là phẩm cách của ý thức tự mài giũa, tự học hỏi, tự phấn đấu, tự vạch ra mục tiêu và tự thực hiện mục tiêu. Người có khả năng tự mài giũa mình cho sáng chắc chắn sẽ tiến xa và bền vững hơn những người được bao bọc và trang bị kĩ càng để tỏa sáng. Cũng như người cần cù làm việc để gặt hái thành công chắc chắn đáng quý hơn người thông minh trời cho chỉ cần khẩy tay thành công cũng tới. Ý chí và sự tôi rèn không ngừng trong hoàn cảnh khó khăn luôn là thứ đáng quý. Và đó là lí do những Hoa hậu xuất thân quê mùa trở nên khác biệt.
Theo Trí thức trẻ

Phạm Hương

Nguyễn Thị Loan

Ngọc Duyên

Đặng Thu Thảo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.