5 cán bộ chấm thi ở Hòa Bình bị công an mời làm việc là ai?

Năm cán bộ bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình mời lên làm việc liên quan đến dấu hiệu bất thường

Năm cán bộ bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình mời lên làm việc liên quan đến dấu hiệu bất thường đều trong tổ chấm thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 tại tỉnh này. Trong đó, có ông Nguyễn Quang Vinh - Trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục là tổ trưởng.

Công an vào cuộc điều tra

Chiều 2/8, ông Nguyễn Đức Lương – Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết, thực hiện công văn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hòa Bình tiến hành rà soát lần nữa khâu coi thi, chấm thi.

Ông Lương cho biết, ngày 28/7, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình phát hiện một số dấu hiệu bất thường, thiếu logic trong khâu chấm thi trắc nghiệm. Sở GD&ĐT Hòa Bình nhận định, một số vấn đề này cần phải báo cáo trưởng ban chỉ đạo thi của tỉnh, Bộ GD&ĐT và Công an tỉnh Hòa Bình.

Ngay sau đó, ngày 30/7, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã vào cuộc để xác minh điều tra, làm rõ những dấu hiệu này.

Cơ quan điều tra đã mời 5 cán bộ trong tổ chấm thi trắc nghiệm để xác minh, làm rõ. Trong đó, có ông: Nguyễn Quang Vinh – Trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, là tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm; ông Nguyễn Khắc Tuấn – chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục; ông Đỗ Mạnh Tuấn – Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT nội trú huyện Lạc Thủy.

Danh tính hai cán bộ bị cơ quan công an mời lên làm việc còn lại ông Lương từ chối cung cấp.

Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình.

“Cơ quan công an tỉnh Hòa Bình và Bộ Công an đang xác minh và hiện chưa có kết quả. Sở GD&ĐT đang chờ kết luận của cơ quan công an”, ông Lương nói.

Trước câu hỏi của PV: Việc phân công nhiệm vụ tới 5 cán bộ tổ chấm thi chắc nghiệm được Sở GD&ĐT Hòa Bình thành lập, quyết định ra sao? Ông Nguyễn Đức Lương cho biết, Sở có quyết định thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm, giao ông Nguyễn Quang Vinh làm tổ trưởng và toàn quyền quyết định, phân nhiệm vụ tới từng tổ viên. Tuy nhiên, nhiệm vụ cụ thể từng người những khâu nào, ông Lương không nắm được.

Khi phát hiện tổ chấm thi có vấn đề chỉ có 2 lãnh đạo Sở GD&ĐT ở nhà nên không có họp giao ban mà chỉ báo cáo tới Bộ GD&ĐT và Công an tỉnh Hòa Bình để vào cuộc.

Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình, những vấn đề được phát hiện liên quan tới việc chấm thi trắc nghiệm, liên quan tới công nghệ thông tin, máy tính. Do không am hiểu nghiệp vụ về công nghệ nên ông không nắm rõ cụ thể.

Nguồn tin riêng của Tiền Phong được biết, sáng 2/8, một tổ công tác thuộc đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã lên, phối hợp với Công an tỉnh Hòa Bình để xác minh, điều tra những dấu hiệu bất thường trong quá trình chấm thi tại tỉnh Hòa Bình. Thông tin này cũng được một lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình xác nhận.

Từng rà soát nhưng vẫn bất thường?

Trước đó, ngày 24/7, ông Nguyễn Đức Lương từng khẳng định không phải năm nay Hòa Bình mới có thí sinh điểm cao. Ông cho rằng, tỉnh nhà cũng có học sinh giỏi, những em đó thi điểm cao là chuyện bình thường.

Khi bộ chưa có ý kiến về chấm thẩm định, Sở GD&ĐT Hòa Bình đã rà soát các khâu, bước. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức, bộ đã lên kiểm tra khâu ôn tập, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự và khẳng định Hòa Bình thực hiện chu đáo.

Phó giám đốc sở Nguyễn Đức Lương cũng cho rằng trong quá trình coi thi, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, dẫn đoàn lên kiểm tra những khâu liên quan, phân công phân nhiệm, kế hoạch thực hiện của ban chỉ đạo.

Ở khâu chấm thi, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - PV) lên kiểm tra hồ sơ, báo cáo, đi thực tế tại các tổ chấm tự luận và trắc nghiệm. Qua 3 đợt kiểm tra như thế, sở tự tin khẳng định kỳ thi nghiêm túc.

Ông Nguyễn Đức Lương - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình. 

"Điểm cao không có gì bất thường. Học sinh chuyên Văn thi điểm môn Văn, Sử, Địa cao là đúng. Học sinh chuyên Toán thì điểm Toán, Lý, Hóa cao là bình thường", ông Lương nói và khẳng định số thí sinh đạt điểm cao ở Hòa Bình không phải "con ông cháu cha" mà nằm rải rác ở các điểm thi.

Sau hai ngày chấm thẩm định, Bộ GD&ĐT cũng kết luận điểm thi ở Hòa Bình hoàn toàn trùng khớp với mức công bố ngày 11/7.

Bộ GD&ĐT cho rằng Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hòa Bình đã thực hiện theo quy trình chấm thi của quy chế và hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT, có đủ các thành phần quy định (Ban chấm thi, Ban thư ký, các tổ chấm thi, công an).

Công tác thanh tra, giám sát chấm thi thực hiện theo quy định. Các phiếu trả lời trắc nghiệm gốc trong túi đựng bài thi, file ảnh gốc phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh trên máy tính bảo đảm đúng quy định. Các bài thi của học sinh đều đủ chữ ký của thí sinh và cán bộ coi thi.

Tuy nhiên, Hội đồng chấm thẩm định cũng chỉ ra việc lập một số biên bản trong khi thực hiện các bước chấm thi trắc nghiệm còn sơ sài.

Hội đồng cũng đã kiến nghị đối với Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hòa Bình rút kinh nghiệm trong việc lập biên bản khi thực hiện các bước của quá trình chấm thi trắc nghiệm.

Nghi vấn điểm thi bất thường ở Hòa Bình được đặt ra khi  kết quả phân tích điểm thi của tỉnh Hòa Bình cho thấy, với 27 trong tổng số 8.900 thí sinh dự thi môn toán đạt từ 9 điểm trở lên, chiếm 0,3%, Hòa Bình chỉ xếp sau Hà Giang (điểm giả, công bố lần đầu), còn vượt xa các tỉnh khác về tỷ lệ thí sinh đạt mức điểm này. Cụ thể, tỷ lệ này của Hòa Bình cao gấp 5 lần tỷ lệ chung của cả nước là 0,06%, gấp 3 lần ở Hà Nội (là 0,1%), gấp hơn 7 lần ở TP.HCM (là 0,04%) và Nam Định.

Nếu xét điểm thi theo khối chính (A00, A01, B00, C00, C03, D01), trong 324 thí sinh cả nước được tổng điểm 27, Hà Giang có 67, Sơn La 26, Hòa Bình 22 em.

Ở tổ hợp C03 (Toán, Ngữ văn, Lịch sử), cả nước có 10 thí sinh được 27 điểm trở lên, Hòa Bình có 2 thí sinh.

 

Theo Tiền phong

 


chấm thi ở Hòa Bình

cán bộ chấm thi

chấm thi

sai phạm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.