Ai bảo dọa dẫm con là kém cỏi?

Thử hỏi có cha mẹ nào trên đời chưa từng dọa con và họ đều là những người kém cỏi? Chỉ có điều lời dọa đó là đúng hay sai, có tác dụng tích cực hay tiêu cực thì phụ huynh nên xem xét trước khi áp dụng.

Nhiều người cho rằng dọa con là thể hiện sự bất lực hay chỉ những người kém cỏi mới dọa dẫm con, tôi cho rằng không hẳn như vậy. Thử hỏi có cha mẹ nào trên đời chưa từng dọa con và họ đều là những người kém cỏi? Chỉ có điều lời dọa đó là đúng hay sai, có tác dụng tích cực hay tiêu cực thì phụ huynh nên xem xét trước khi áp dụng.

Dọa = Cảnh báo + thêm mắm, thêm muối

Tôi không đồng tình khi các phụ huynh lạm việc dụng dọa con nhưngphải thừa nhậnrằng những lời đe dọa đôi khi rất có tác dụng, khiến trẻ sợ lâu, nhớ dai. Trong khi đó những lời cảnh báo hết sức đúng đắn như: “Không được sờ tay vào đấy, điện giật đấy”; “Không được, con sẽ ngã chảy máu, vỡ đầu đấy”; “Bỏng đấy, tránh xa phích nước ra” … lại ít được trẻ để ý và ghi nhớ. Vậy tại sao chúng ta không thử kết hợp hai khái niệm này nhỉ?

Những lời cảnh báo ở mức đe dọa cũng rất cần thiết giúp trẻ nhớ lâu không tái phạm để tránh nguy hiểm

Chẳng hạn, khi trẻ muốn nghịch ổ điện, ta có thể dọa: Con sờ vào đấy điện giật đấy, tóc con sẽ xù lên, người cháy đen thui sợ lắm… Hoặc khi bé định nghịch phích nước, hãy khuyến cáo: con mà làm phích đổ, nước nóng bỏng đấy, con sẽ bị trợt da tay chân, chảy máu và không đi được nữa….

Việc thêm những chi tiết miêu tả cụ thể sẽ giúp trẻ dễ hình dung mức độ nguy hiểm/đau đớn, từ đó, bé biết sợ và tránh mắc phải. Tất nhiên, việc thêm những chi tiết mắm muối cũng phải có chừng mực, không nên “tăng liều” khiến bé sợ sệt đến mức ám ảnh.

Hạn chế những lời đe dọa vô nghĩa, phóng đại

Nhiều ông bố, bà mẹ nhằm đạt được mục đích của mình không tiếc lời đe dọa con với những chi tiết rất đáng sợ.

Ví dụ: Có ăn ngay không, mẹ gọi chú công an bắt đi tù bây giờ; Im ngay, nếu không mẹ sẽ ném con qua cửa sổ đấy; Bầy bừa hết ra đấy, dọn ngay đồ chơi đi không mẹ chặt tay con nhé…

Thường thì khi cáu giận bố mẹ hay nói những câu không chủ ý hoặc những lời đe dọa chỉ dùng để dọa nạt trẻ chứ không có ý định thực hiện thật. Đó được coi là những lời đe dọa vô nghĩa và ngu ngốc, không chỉ không hiệu quả mà còn phản tác dụng.

Ban đầu, khi bạn đưa ra lời đe dọa, trẻ có thể sợ và răm rắp nghe lời, coi như bạn đạt được mục đích của mình, nhưng sẽ có hai hậu quả lớn mà chính bố mẹ là người phải hứng chịu nếu lạm dụng những lời dọa nạt:

Thay vì chỉ đe dọa để đấy, bố mẹ nên thực hiện nghiêm túc để trẻ không "nhờn thuốc"

Bé nhờn thuốc và sinh hư

Rất nhiều trẻ nhận thức được rằng bố mẹ chỉ dọa thôi chứ không dám làm thật, ngay sau đó chúng được đà, không những không nghe lời mà còn có xu hướng hư hơn.

Một ông bố kể với tôi rằng, con trai anh ta khá hiếu động, nghịch ngợm và bướng lắm. Nói lý chẳng nghe nên vợ chồng họ hay dọa cháu kiểu “…. không mẹ gọi ông ba bị vào cắt tai đấy”. Được vài lần đầu thấy khá hiệu quả. Nhưng gần đây, cu cậu bắt đầu có hiện tượng “nhờn thuốc”, bố mẹ có dọa thế nào thì dọa nó vẫn cứ nhơn nhơn đến khó chịu. Có hôm nhà có khách mà cháu cứ làm trò nghịch ngợm ầm ĩ, mẹ vừa cất lời “Không trật tự đi…” thì thằng con 5 tuổi đã nhanh nhảu tiếp: “không mẹ sẽ gọi ông ba bị cắt tai chứ gì, con chẳng sợ, lần nào mẹ cũng bảo thế nhưng có thấy ông ba bị nào đâu” làm vợ chồng họ vừa tức vừa ngại với bạn bè.

Vậy nên, khi đã dọa con thì bố mẹ nên dọa những điều có thật, thực hiện được, thường là một hình phạt cụ thể nào đó (không ăn hết bát thì không cho xem tivi chẳng hạn) và đã nói thì phải kiên quyết thực hiện. Nói mà không làm sẽ dễ khiến trẻ có suy nghĩ coi thường và không tôn trọng lời nói của bố mẹ.

Bé trở nên nhút nhát, tự ti

Ngược lại với trường hợp trên, một số bé lại tin lời dọa của bố mẹ là thật nên lâu dần bản tính trở nên nhút nhát, hay lo sợ.

Lạm dụng việc dọa nát dễ khiến bé trở nên nhút nhát, tự ti, hay sợ hãi

Có cháu bé gần nhà tôi lười ăn luôn được bà bế ra ngõ chỉ trỏ, nếu con không ăn thì cô kia, chú kia bắt đi đấy. Có lần đi qua bà còn gọi giật tôi lại nhờ dọa cháu mấy câu cho nó nuốt. Khổ thân con bé cứ người lạ đến gần là sợ sệt, miệng thì nuốt nhưng ánh mắt thật đáng thương. Bình thường nếu không có người lớn đi cùng thì cháu hầu như không dám ra ngoài đường.

Gần đây gặp mẹ cháu nói chuyện, chị cũng tâm sự là con nhát quá, đi đâu cũng sợ sệt và phải bám rịt lấy bố mẹ. Đôi lúc, chị cũng thấy mệt mỏi vì điều này và đang tìm cách để khắc phục giúp con bạo dạn hơn.

Lời kết

Việc dọa con theo tôi không hoàn toàn sai hoặc có kết quả tiêu cực. Việc thỉnh thoảng dọa trẻ một vài câu để xử lý những tình huống cụ thể là chấp nhận được.

Tuy nhiên, cái gì lạm dụng cũng không tốt, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Cha mẹ nên cân nhắc và có cách thức hợp lý khiến bọn trẻ phải tâm phục khẩu phục và trở nên ngoan hơn, chứ không phải khiến trẻ thêm trơ lì hay không chịu nghe lời.

Bạn nghĩ sao về việc này? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng cách gửi mail tới địa chỉ Tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết.

Theo Vân Khánh/VietNamNet




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.