Bắt ăn lại bãi nôn: Độc chiêu của nhiều bảo mẫu

Bắt trẻ con ăn lại bãi nôn, chổng ngược “cây chuối” dọa ném vào thùng nước, nhốt vào toilet… là 3 trong nhiều cách mà các bảo mẫu thường áp dụng khi ép trẻ con ăn.

Bắt trẻ con ăn lại bãi nôn, chổng ngược “cây chuối” dọa ném vào thùng nước, nhốt vào toilet… là 3 trong nhiều cách mà các bảo mẫu thường áp dụng khi ép trẻ con ăn.

Ngàn mũi kim đâm khi con kể chuyện trường, lớp

Chị T. (huyện Từ Liêm, Hà Nội) không khỏi ngỡ ngàng khi nghe cậu con trai 7 tuổi hồn nhiên kể lại câu chuyện đã xảy ra 2 năm trước của mình khi còn học lớp lá trường mẫu giáo công lập tại huyện Từ Liêm.

Theo lời con trai chị T., có lần ăn trưa, bé nôn trớ hết, cô giáo bắt ăn lại đống nôn nếu không muốn úp mặt vào tường. Con trai chị sợ quá nên chấp nhận xúc ăn lại. Tuy nhiên, “ăn vài miếng đắng quá, con không ăn được nữa nên nhận úp mặt”, chị T/ nói trong nước mắt.

Không muốn tin vào những lời con nói nhưng khi bình tĩnh ngồi phân tích lại, chị T. cho rằng: Có thể con nói dối nhưng tại sao con biết cái đống con nôn ra, có mật xanh mật vàng kia lại đắng?

Để tìm hiểu xem cô giáo nào có thể là người đối xử với con như vậy, chị T. đã hỏi, con trai chị mang ảnh (lịch trường có ảnh các cô mà gia đình vẫn trân trọng treo ngay ngắn bên cửa ra vào) và chỉ ngay không cần suy nghĩ vào một người.

“Tôi không áp đặt, không khẳng định gì hết nhưng tôi cần suy nghĩ lời con nói. Con tôi ăn hay nôn trớ, không biết đã bao lần con chịu cảnh ấy?”, chị T. đầm đìa nước mắt.

Hình ảnh gây phẫn nộ trong clip bạo hành ở trường mầm non. Nguồn: Tuổi Trẻ.

Thành viên Mebemocyeu của một diễn đàn suốt đêm ôm con không ngủ được vì hôm đó chứng kiến cảnh tượng đau lòng với con gái: Con trớ, cô giáo dùng bát hứng và xúc lại cho con ăn.

Kể chuyện, bà mẹ này cho biết, con gái được hơn 2 tuổi, cho đi học được gần 1 tháng. Thứ 7 được nghỉ làm sớm, chị về đón lúc các con đang ăn bữa chiều. Chị mở cửa đúng lúc cô giao đang bón cháo cho con. Vì miếng cháo quá to nên con ọe. Cô đã lấy bát hứng hết chỗ ọe của con rồi điềm nhiên xúc lại chỗ cháo đó cho con ăn tiếp. Bà mẹ này không kịp phản ứng, chỉ đến khi con há miệng chuẩn bị ăn miếng cháo đó, chị mới chạy vào bắt cô dừng lại. Cô giáo cũng chỉ nói vội câu xin lỗi.

“Nhìn con nước mắt ngắn dài mà thương quá. Mình vội bế con về vì nói thật nếu ở đó chắc mình cho cô vài cái bạt tai mất”, người mẹ này nói.

Hình ảnh thường thấy của các "mẹ hiền" khi cho các con ăn.

Chị M. (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng kể lại chuyện từng xảy ra với đứa con trai năm nay đã học lớp 4: "Hồi đó tôi từng gửi con ở trường mẫu giáo công lập, thấy rất tốt, nhưng sau đó vì công việc thay đổi, không về sớm đón con được nên phải gửi nó sang nhà trẻ tư gần nhà. Những ngày đầu con đi học về rất vui vẻ, nhưng sau đó ít lâu tôi thấy không ổn".

Ngày nào đi học về, chị cũng thấy người con có mùi chua, trong ba lô là bộ quần áo bẩn. Chị hỏi thì cô giáo nói tại con hay bị trớ. Chị M. biết con mình không thuộc dạng hay nôn trở, mà lúc đó bé cũng không ốm hay cảm gì, nhưng vẫn bị nôn gần như hằng ngày.

Trầm cảm vì đi học

Không dừng ở vài vết thâm tím, những lần nôn trớ hay sợ hãi, nhiều đứa trẻ thậm chí còn bị trầm cảm vì lối hành xử thô bạo của các bảo mẫu ở nhà trẻ, trường mầm non. 

Chị H., có con đang học lớp 1, cho biết, con gái chị từng bị trầm cảm rất nặng thời còn đi mẫu giáo, nhưng chị đã không sớm nhận ra.

Ngày đó, chị phải gửi con ở một nhà trẻ tư thục. Con gái chị vốn biếng ăn, hay ốm, lại còi hơn các bạn cùng lứa nên chị đã xác định ngay từ đầu là khi đi lớp, bé sẽ khó thích nghi hơn. Vì thế, người mẹ này không ngạc nhiên khi sau đó con chị ốm thường xuyên, mỗi ngày chị cho vào ba lô cho con mấy bộ quần áo nhưng hôm nào cũng thay hết vì nôn trớ. 

Thời gian sau đó, con chị H. ngày càng "khó nuôi", đêm quấy khóc mãi mới ngủ được, trong giấc ngủ còn giật mình thon thót, ú ớ sợ hãi, mồ hôi toát ra, trong khi trước đó cháu ngủ khá tốt. Còn chuyện ăn uống, hễ nhìn thấy thức ăn là cháu khóc và van xin. Cháu ít khi vui đùa, nhảy nhót, hay cười sảng khoái như trước mà thường xuyên ủ rũ và hay nổi nóng, cáu giận, hét lên hoặc đấm đá, cắn người lớn...

Nghe lời khuyên của một đồng nghiệp, chị H. đưa con đến chuyên gia tâm lý. Bác sĩ cho biết bé có các dấu hiệu trầm cảm. Sau khi hỏi kỹ về sinh hoạt trong gia đình H., bác sĩ gợi ý chị nên tìm hiểu kỹ về tình trạng của bé ở lớp, vì ông tin rằng đó là đầu mối. Chị nghe theo lời khuyên đó và bàng hoàng nhận ra, lâu nay con mình đã bị đối xử không giống con người ở lớp mầm non.

"Con tôi là đối tượng bạo hành của các cô giáo vì cho nó ăn vất vả nhất, cháu lại sợ hãi và hay khóc nhất, và lúc quá sợ thì cháu thường nôn trớ. Thay vì dỗ dành, các cô lại trừng phạt, trấn áp, cốt cho cháu sợ mà 'ngoan hơn'. Các cô tát, đánh cháu vào ban bàn tay bàn chân, nhốt cháu vào toilet mặc cho khóc thét”, chị H. kể trong tiếng nấc nghẹn.

Theo Zing

Bình luận