Cấm học sinh sử dụng facebook: Không phải là thượng sách

Mới đây, chuyện một nữ học sinh lớp 12 ở trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông, TP Hà Nội bị đình chỉ học 10 ngày vì có ý nghi ngờ giáo viên chủ nhiệm trên facebook, khiến dư luận xôn xao.

Mới đây, chuyện một nữ học sinh lớp 12 ở trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông, TP Hà Nội bị đình chỉ học 10 ngày vì có ý nghi ngờ giáo viên chủ nhiệm trên facebook, khiến dư luận xôn xao. 

Sau sự việc này, một lần nữa câu hỏi: Có nên cấm học sinh sử dụng facebook lại được đặt ra, đòi hỏi những ngành giáo dục sớm tìm câu trả lời.

Không chỉ bày tỏ cảm xúc…

Làm cuộc khảo sát nhỏ với các học sinh ở một số trường THCS và THPT ở Hà Nội, không mấy ngạc nhiên khi khi hầu hết học sinh được hỏi đều sử dụng và quan tâm nhiều đến facebook.

Thu Trang (lớp 11 trường PTTH Việt Đức) sử dụng Facebook hơn hai năm nay. Em cho biết: Em thường em sử dụng Facebook 2-3 tiếng mỗi ngày để giao tiếp với bạn bè, thời điểm cụ thể là sau giờ đi học về. Facebook giúp em có thể nói chuyện cùng lúc với nhiều người, chia sẻ tâm trạng, cảm xúc của mình. Dùng facebook có thể trao đổi bài vở, nói chuyện dễ dàng với rất nhiều bạn, mà không phải trả phí. Trong khi nếu sử dụng điện thoại, mỗi tin nhắn tính phí khoảng 300 đồng thì tốn hơn nhiều. 

Nhờ có facebook mà em có thể ở nhà trao đổi thông tin bài vở với bạn bè rất thuận tiện- Nhâm Sỹ Minh, học sinh lớp 7 Trường THPT Quỳnh Mai cho biết. Ngoài ra, facebook cũng là nơi để khoe với bạn bè bộ quần áo mới, đôi giày mới, khoe những nơi mình từng đi đến để các bạn comment chia sẻ. Nhưng trong giờ học trên lớp cũng có nhiều bạn ham quá, ngồi như bất động, ảnh hưởng đến học tập của chính mình và các bạn. Thậm chí những cuộc đi chơi chung, hay liên hoan lớp cũng bị loãng đi vì mỗi bạn một cái điện thoại mải miết facebook. 

Thế giới mạng với những tính năng hiệu quả trong việc tương tác đã trở thành nơi học sinh có thể thoải mái “xả” những bức bối, khó chịu của mình về trường, lớp, bạn bè, thậm chí với cả giáo viên. Em Phạm Thuý Hiền- lớp 9 Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu xác nhận, mình đã từng lên facebook để bày tỏ sự khó chịu với bạn gái khác, thậm chí đã có những cuộc cãi vã nặng nề kéo dài trên mạng dẫn đến đánh nhau. Nhưng theo Hiền đấy chỉ là chút ít mặt trái, còn thực tế học sinh chúng em dùng facebook khá hữu ích trong việc học hành. Nó cũng là nơi giải trí hiệu quả, một cái ảnh mới của mình nhận được nhiều like thấy vui vô cùng. Mà niềm vui này nó khác lắm, lâng lâng xen lẫn kiêu hãnh.

Nếu một ngày không dùng facebook? Minh Hằng- học sinh lớp 9 Trường THCS Minh Khai cho biết sẽ khó chịu, bức bối vì nó thân thiết như người bạn và không thể thiếu như hàng ngày con người phải ăn uống và hít thở không khí. Không chỉ em, các bạn đều như vậy, đưa cái gì lên facebook cũng mong được nhiều “like”.

Tuy nhiên, mong được nhiều người quan tâm đến những gì mình bày tỏ, chia sẻ, nhiều học sinh chưa tự làm chủ được bản thân đã rơi vào trạng thái sống ảo, lệ thuộc cảm xúc từ facebook, lẫn lộn giữa đời sống thực và mạng, quên việc học tập. 

Có nên cấm?

Ở góc độ quản lý, hiện ngành giáo dục chưa quy định học sinh sử dụng facebook ra sao. Điều đáng lo ngại là hệ lụy của facebook không dừng trong thế giới ảo, nhất là với giáo viên khi không may bị chính học sinh của mình “ném đá” trên mạng xã hội… Cụ thể là trường hợp của cô giáo chủ nhiệm trong vụ việc một nữ học sinh lớp 12 ở Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông, TP Hà Nội bị đình chỉ học 10 ngày mới đây. Trước đó, năm 2013, Trường THCS Lý Tự Trọng ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) cũng từng có án kỷ luật nặng với một nữ sinh lớp 8 vì những lời lẽ xúc phạm thầy cô đưa lên facebook.

Được biết, ngay từ tháng 1-2013, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã đưa ra những quy định khi lên facebook dành cho học sinh. Quy định nêu rõ: Khi lên facebook “không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt,… Phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần việt; Tuyệt đối không dùng facebook để nói xấu bất cứ ai; Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân facebook sẽ bị quy trách nhiệm…”. Sau đó, một số trường cũng đưa ra những điều cần lưu ý học sinh khi lên facebook. 

Trên thực tế thông báo này của Trường THPT Lương Thế Vinh đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là trong giới học sinh. Mặc dù số tán thành không nhiều nhưng trên thực tế văn hóa sử dụng mạng xã hội dường như đã được thiết lập tại ngôi trường này, học sinh của trường nói thiếu suy xét trên facebook bớt dần. Phân tích về vấn đề này, PGS.TS Văn Như Cương- Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, nhiều nguy cơ có thể xảy ra bắt nguồn từ mạng xã hội, nếu như không ngăn chặn từ trước thì sẽ khó giải quyết về sau. 
Bàn về việc có nên cấm học sinh sử dụng facebook và sử dụng facebook như thế nào cho hiệu quả, nhiều lãnh đạo nhà trường cho rằng, cấm không phải thượng sách. Theo cô Lại Thị Nguyệt Hằng- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội): Cấm là vi phạm nhân quyền. Tốt nhất, nên gần gũi, quan tâm và để học sinh được đối thoại với giáo viên hoặc bạn bè khi cần thiết phải giải tỏa bức xúc. Còn nếu học sinh sai phạm thì phải phân tích để các em nhận thức được những tác động xấu mà hạn chế, đồng thời phát huy những thế mạnh của mạng xã hội. Ví dụ như viết về tình bạn, tình thày trò, gương học sinh vượt khó học giỏi, thậm chí có thể đưa hoàn cảnh khó khăn của học sinh nào đó để mọi người có thể giúp đỡ… Tất nhiên việc này không đơn giản.

Về phía học sinh, nhiều em mạnh dạn cho biết: Càng cấm càng dùng.  Thậm chí có em như Lê Thanh Hải (lớp 10, Trường PTTH Đông Kinh) không ngại bật mí: Chúng em có thể sử dụng nhiều nick ảo để lập facebook. Nếu vậy nhà trường có thể biết mà quản lý thậm chí là mang ra để phê bình và kỷ luật được không? 

Trở lại sự việc nữ sinh Trường THPT Lê Lợi bị đình chỉ học 10 ngày vì xúc phạm giáo viên trên facebook, dù đại diện Ban giám hiệu trường này phân tích việc kỷ luật buộc đình chỉ là việc bất đắc dĩ, chủ yếu là để giáo dục nhưng sự thực việc làm này đã gây căng thẳng tâm lý cho học sinh và không nhận được sự đồng tình của dư luận. Qua đó có thể thấy câu hỏi làm thế nào để quản lý việc học sinh sử dụng mạng xã hội vẫn chưa có giải đáp?

Nói như TS Ngũ Duy Anh- Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT thì chúng ta không thể phủ nhận vai trò của các trang mạng xã hội trong việc kết nối cá nhân. Có thể nói, Facebook vừa là “ốc đảo” nhưng cũng vừa là “cánh cửa mở” để có thể khám phá, nhìn nhận con người. “Chúng tôi luôn khuyến khích giáo viên, học sinh, sinh viên gần gũi, chia sẻ để cùng nhau giải quyết mâu thuẫn, vướng mắc”- ông Duy Anh nói.    

Theo Đại đoàn kết



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.