Cấp I sẽ được học quốc phòng, an ninh

Theo Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh vừa được Quốc hội thông qua chiều 19/6, giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học, kết hợp với hoạt động ngoại khoá...

Theo Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh vừa được Quốc hội thông qua chiều 19/6, giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học, kết hợp với hoạt động ngoại khoá...

Chiều 19/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật giáo dục quốc phòng - an ninh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai.

Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học - ảnh: Tuổi trẻ


Giáo dục quốc phòng, an ninh từ trường tiểu học

Theo đó, với 465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, Quốc hội đã thông qua toàn bộ Dự thảo Luật quốc phòng và an ninh (8 chương và 47 điều). Số đại biểu Quốc hội tán thành là 450, bằng 90,36%; Số đại biểu không tán thành là 10, bằng 2,01% và số đại biểu không biểu quyết là 5, bằng 1%.

Ngay trước khi thông qua toàn bộ Luật, Điều 10 về giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trường trung học cơ sở trong Luật này đã được Quốc hội thông qua với 402 đại biểu, bằng 80,72%.

Theo quy định tại Điều 10 của Luật này, giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khoá phù hợp với lứa tuổi; Bảo đảm cho học sinh hình thành những cơ sở hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân; ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Trong khi đó, Điều 11 và Điều 12 của Luật quy định, giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học; Trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là môn học chính khóa.

Giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT cho nhà ở thương mại

Chiều 19/6, Quốc hội cũng thông qua Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, với số đại biểu tán thành là 455, bằng 91,37%; Số đại biểu không tán thành là 6, bằng 1,20% và số đại biểu không biểu quyết là 1, bằng 0,2%.

Một điểm đáng lưu ý của luật này là thuế suất đối với nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Theo đó, quá trình thu thập ý kiến cho thấy, đa số ý kiến của các đại biểu đề nghị áp dụng ổn định thuế suất 5% đối với nhà ở xã hội; không áp dụng cơ chế ưu đãi thuế đối với nhà ở thương mại là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Một số ý kiến khác nhất trí với đề nghị của Chính phủ: giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT đối với nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì UBTVQH thì, đối với nhà ở xã hội, trong bối cảnh hiện nay, đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình có nhu cầu rất lớn về nhà ở. Việc bảo đảm nhà ở cho người có thu nhập thấp là một chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc áp dụng thuế suất 5% đối với nhà ở xã hội sẽ tạo điều kiện cho các tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình và thấp được tiếp cận với nhà ở xã hội.

Về giảm thuế cho nhà ở thương mại với căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, thì theo quy định hiện hành, nhà ở hiện đang áp dụng thuế suất 10%. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, số lượng nhà ở thương mại có diện tích sàn dưới 70 m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 còn tồn kho khoảng trên 10.000 căn.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với nhà ở là căn hộ loại này sẽ góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở đối với người có thu nhập thấp, đang có nhu cầu về chỗ ở, đồng thời sẽ góp phần giảm lượng căn hộ thương mại đang tồn kho, góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho thị trường bất động sản.

Chiều cùng ngày, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua toàn bộ Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, với số đại biểu Quốc hội tán thành là 456, bằng 91,57%; Số đại biểu không tán thành là 5, bằng 1% và số đại biểu không biểu quyết là 3, bằng 0,6%.

Về Luật này, trước đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với báo nói, báo hình, báo điện tử,... Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận, trong những năm qua, hoạt động báo chí, tuyên truyền, trong đó có hoạt động của các loại hình báo nói, báo điện tử, báo hình đã có đóng góp rất lớn trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, chính trị và có đóng góp cho NSNN. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, so với các loại hình khác, hoạt động của báo in còn gặp nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào ngày càng cao và phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ chính trị, phục vụ vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, để chia sẻ khó khăn chung, trước mắt, xin chỉ giữ phạm vi ưu đãi cho báo in.

Cuối giờ chiều 19/6, Dự thảo Luật phòng, chống thiên tai, Quốc hội đã được các đại biểu biểu quyết thông qua với số đại biểu tán thành là 458, bằng 91,97%; Số đại biểu không tán thành là 1, bằng 0,20% và số đại biểu không biểu quyết là 4, bằng 0,80%.

Với Luật này, trước đó, có ý kiến đề nghị bắt buộc các doanh nghiệp, các chủ công trình, dự án phải mua bảo hiểm về thiên tai cho công trình, dự án.

Theo giải trình Ủy ban Thường Vụ Quốc hội, pháp luật một số nước phát triển như Nhật, Mỹ có quy định về bảo hiểm thiên tai đối với một số loại hình thiên tai cụ thể như bão, động đất... vì bảo hiểm thiên tai là nguồn lực cần thiết ngoài ngân sách nhà nước để hỗ trợ việc khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, pháp luật về bảo hiểm hiện hành của Việt Nam không quy định bảo hiểm bắt buộc đối với thiên tai. Do vậy, khoản 5 Điều 5 của dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng: Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo hiểm thiên tai nhằm tạo lập thị trường bảo hiểm thiên tai, trên cơ sở tính toán cụ thể về hiệu quả kinh tế, các chủ công trình, dự án sẽ mua bảo hiểm thiên tai cho công trình, dự án của mình; bổ sung quy định chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh ở các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai.
 
Theo VnMedia.vn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.