"Chơi" một năm rồi mới chọn trường, bạn có dám thử?

“A gap year – một năm trắng sau thời kỳ học phổ thông” đang được coi là một giải pháp hữu dụng và táo bạo được nhiều người quan tâm, thử nghiệm trong quá trình chọn trường, chọn nghề.

Tốt nghiệp phổ thông cũng là lúc các bạn trẻ phải đối mặt với công cuộc chọn trường, chọn nghề căng thẳng bởi đó được coi là bước ngoặt lớn cho cả cuộc đời. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân nên nhiều bạn trẻ dễ mắc sai lầm khi chọn trường, chọn nghề.

>> Nguyên nhân dẫn đến sai lầm khi chọn trường, chọn nghề

Một trong những giải pháp để tránh mắc sai lầm khi chọn trường chọn nghề đang được nhiều bạn trẻ quan tâm và thử nghiệm đó là “A gap year – một năm trắng sau thời kỳ học phổ thông”.

Trải nghiệm và lựa chọn nghề phù hợp

Theo bạn Hoàng Huy (Du học sinh tại Anh): Thực tế ở Phương Tây, “a gap year” đã được sử dụng từ lâu như một công cụ thanh lọc và điều chỉnh tự nhiên của các xã hội. Rời nhà trường phổ thông, các em học sinh sẽ được quyền tự quyết đi du lịch, đi làm thêm những công việc khác nhau để trải nghiệm và chọn lọc. Trong những việc mình đã từng làm, việc nào mình cảm thấy thích nhất và phù hợp nhất thì lấy đó làm định hướng phát triển nghề nghiệp.

Bạn Hoàng Huy, du học sinh ở Anh

Chia sẻ trên Tiin.vn, bạn Nguyễn Minh Phương, Cựu học trường THPT Trần Phú (Hà Nội), từng gap year trước khi học ĐH ở Mỹ cho biết: "Mình chọn việc gap-year vì mình thực sự muốn đi du học, nhưng không phải là chỉ cần đi là được, mà phải là con đường tốt nhất có thể... Một năm gap-year đã cho mình nhìn nhận nghiêm túc hơn về sở thích của bản thân. Sau khi đi làm thêm nhiều việc khác nhau ở nhiều lĩnh vực thì mình nhận ra với mình thì việc làm phim là một điều quan trọng và thực sự đáng quý với mình".

Can đảm đi con đường của mình

Tuy là xu hướng phổ biến ở phương Tây nhưng a gap year ở Việt Nam còn khá mới lạ, thế nên, việc thực hiện quả không đơn giản.

Minh Phương cho biết bạn đã phải đấu tranh rất nhiều trước khi quyết định a gap year: “Lúc đầu, mình có đăng kí học khoa Quốc tế ĐH Quốc Gia trong khi chuẩn bị hồ sơ du học, thế nhưng thấy không hợp nên mình đã nghỉ. Mình phải thuyết phục bố mẹ, thế nhưng nhìn cảnh các bạn lần lượt vào đại học, con mình vẫn "lông bông" nên bố mẹ mình cũng nói ghê lắm. Vì đã giải thích rồi nên mình vẫn lẳng lặng tự làm hồ sơ. Hành động lớn hơn lời nói mà”.

Bạn Minh Phương, Khoa truyền thông trường ĐH Mercyhurst (Pennsylvania, Mỹ)

“Ở ta bố mẹ thương con quá mức và hội chứng Con nhà người ta..... làm cho Gap Year chưa thể phổ biến, nhưng quả thật rất cần thiết. Đến khi nào các bạn trẻ có trào lưu dám xin bố mẹ "cho con gap year" thì chắc chắn sẽ có sự chuyển biến trong suy nghĩ của phụ huynh, việc chọn sai nghề cũng sẽ được giảm bớt”, bạn Hoàng Huy chia sẻ.

Phụ huynh có tâm lý e ngại

Rõ ràng, a gap year là một giải pháp hay, giúp các bạn trẻ định hình được sở thích và khả năng thật sự của mình trước khi có những lựa chọn chính thức. Tuy nhiên ở xã hội ta, nhiều bạn trẻ cũng chưa dám chủ động đề nghị được gap year nên giải pháp này là thiết thực nhưng chưa được phổ biến.

Đi theo gap-year tức là bạn sẽ phải bỏ ra một khoảng thời gian không-đi-học đúng nghĩa và nó kéo dài 1 năm hoặc hơn

Các phụ huynh càng chưa muốn mạo hiểm để con em mình “thử” khả năng với những công việc phổ thông trước khi quyết định vào đại học hay không. Họ lo ngại để cho thanh niên được “tự do” 1 năm thì kiến thức phổ thông sẽ mai một và lứa tuổi này dễ bị sa ngã. Hơn nữa, với thói quen được bao bọc từ nhỏ, phụ huynh sợ rằng con em mình chưa đủ điều kiện về cả tinh thần và thể lực để sống tự lập xa gia đình.

Vậy liệu A Gap Year có thể trở thành một xu thế mới và phổ biến hơn với các học sinh Việt Nam? Và để áp dụng vào thực tế một cách thuận lợi, hiệu quả, các bạn trẻ và phụ huynh nên chuẩn bị những gì?

Tintuconline mời độc giả cùng thảo luận về A Gap Year bằng cách gửi mail tới địa chỉ tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết.

V.K/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.