Chơi với con: “Bài học” không phải bố mẹ nào cũng hiểu!

Hầu như cha mẹ Việt nào cũng có chung một tâm lý mong con mình ngày càng giỏi nên luôn đặt nặng vấn đề học hành cho con cái bất kể độ tuổi nào. Còn “Chơi ư? Cách chơi với con có cần phải học? Chơi với con thế nào cho hiệu quả?” chắc chắn là điều mà không phải phụ huynh nào cũng từng nghĩ đến.

Hầu như cha mẹ Việt nào cũng có chung một tâm lý mong con mình ngày càng giỏi nên luôn đặt nặng vấn đề học hành cho con cái bất kể độ tuổi nào. Còn “Chơi ư? Cách chơi với con có cần phải học? Chơi với con thế nào cho hiệu quả?” chắc chắn là điều mà không phải phụ huynh nào cũng từng nghĩ đến.

>>Nên chơi hay học ở lứa tuổi mầm non?
>>Dạy con bằng đòn roi: giáo dục thực sự hay sự bất lực của bố mẹ?
>>Dạy trẻ tiếng Anh: Nếu bạn không giỏi, hãy tự tin học cùng con!


Chơi với con chính là đang dạy con

Càng hiện đại, càng lười chơi với con

“Bận việc cả ngày, về nhà thì mệt nhoài rồi, thời gian đâu mà chơi với con”, “Đã có mẹ nó lo, chơi với trẻ con vui thì vui nhưng mệt lắm!”, “Đi làm về còn phải cơm nước dọn dẹp, ngẩng đầu lên là đến giờ quát chúng nó đi ngủ rồi, chơi bời gì nữa”…. Đó là một số trong vô vàn lý do cha mẹ Việt thường sử dụng để biện minh cho việc không dành thời gian chơi với con.

Thế nhưng thực tế thì sao? Rất nhiều ông bố bà mẹ ngày nay phó mặc hoàn toàn con cái cho ông bà hoặc người giúp việc. Họ đi làm cả ngày rồi tối về lại tranh thủ xem tivi, lướt web để …. giải trí mà sinh ra “lười” chơi cùng con cái.

Cuộc sống hiện đại có rất nhiều mối quan tâm, thú vui hấp dẫn khác khiến phụ huynh càng bận hơn (theo dõi một bộ phim hay, cập nhật Facebook của bạn bè, tụ tập liên hoan, giao lưu…) và trở nên thiếu kiên nhẫn khi chơi với con. Hoặc có chơi với con thì theo kiểu: “Bố máy tính, mẹ điện thoại, con iPad, ai việc người nấy, tha hồ chơi”.

Nhiều bố mẹ lại công nghệ hóa việc chơi với con như thế này!

Đó chính là lý do khiến “Trẻ con giờ giỏi công nghệ lắm, con nhà mình nói chưa sõi đã chơi điện tử 'nhoay nhoáy' – chị Thanh Vân (Bát Tràng, Hà Nội) chia sẻ.

Trẻ thường thích chơi lặp đi lặp lại một trò mà bố mẹ lại hay sốt ruột, muốn dành thời gian cho việc khác, thế nên: “Chơi với con còn mệt hơn đi làm. Chỉ vui khi chơi dưới 30 phút thôi. Quá giờ là mình phải tìm cách ‘lỉnh’ ngay. Có hôm nó chỉ thích chơi mỗi trò chui vào tủ quần áo. Chơi đi chơi lại không biết chán nhưng bố nó cố chơi đến lần thứ 20 là chán lắm rồi”- anh Minh (Thanh Trì, Hà Nội) tâm sự.

Chơi với con: Lợi ích không nhỏ

Theo bạn Đỗ Phương Mai (Ba Đình, Hà Nội) nhận địnhĐối với trẻ nhỏ, chơi không chỉ đơn thuần là chơi mà còn là cách bé học, tiếp thu những kỹ năng sống, giúp bồi đắp tâm hồn con và làm tình cảm gia đình thêm gắn bó. Những đứa trẻ được bố mẹ quan tâm, trò chuyện sẽ biết nói sớm hơn, biết đọc sớm hơn và trí thông minh cũng phát triển hơn những bé khác”. 

10 lý do nên chơi với con:

1.Chơi giúp con thông minh hơn.
2.Chơi giúp phát triển kỹ năng xã hội.
3.Chơi giúp phát triển khả năng kiềm chế bốc đồng.
4.Chơi làm giảm căng thẳng.
5.Chơi giúp tăng cường khả năng tập trung, sự chú ý và trí nhớ.
6.Chơi giúp ích cho sự phát triển thể chất.
7.Chơi giúp trẻ hiểu được cách mọi thứ vận hành.
8.Chơi giúp phát triển khả năng suy nghĩ theo toán học.
9.Chơi đùa giúp phát triển ngôn ngữ và khả năng đọc viết.
10.Chơi cho phép trẻ nhỏ nói lên những cảm xúc khó khăn của mình.

Theo Webtretho

Thế nhưng, nhiều người vẫn có suy nghĩ rằng việc chơi đùa là vô bổ. Thay vì chơi đùa, trẻ em nên dành thời gian để làm những việc có ích hơn như là giúp đỡ bố mẹ và đặc biệt là học tập để tăng cường nhận thức, chuẩn bị cho những bước phát triển lớn về sau. Điều đó là sai lầm! Bởi thực sự với con trẻ, chơi đùa mới chính là việc quan trọng nhất, là cách học hỏi tuyệt vời nhất.Trẻ có thể học ít đi một chút, xem tivi ít đi một vài giờ, ăn bớt đi vài món thừa chất nhưng luôn cần được chơi.

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chơi với con là cơ hội vàng để cha mẹ hiểu con, nắm bắt thiên hướng của con, thấy được những thiếu sót, hạn chế và phát hiện tiềm năng, thế mạnh để uốn nắn và định hướng, bồi dưỡng cho con.

Trẻ được chơi đùa sẽ vui vẻ hơn, hình thành được tính cách cũng như những mối quan hệ tích cực hơn. Với những kiến thức từ sách vở, nhà trường, bé cũng dễ dàng tiếp thu hơn khi được tự mình khám phá thông qua các trò chơi tương tác cùng bố mẹ.

Chẳng hạn, thay vì bắt con nhìn vào sách vở và học về hình khối, chị Thu Hằng (Sài Gòn) đã cùng con chơi trò lượm đồ, ai nhanh hơn sẽ thắng. Cụ thể, mẹ cắt nhiều hình tròn, nhiều hình vuông ... rồi ném ra sàn. Chuẩn bị mấy cái rổ để phân loại. Mẹ hét: "hình tròn" là các bạn ý đi kiếm hình tròn bỏ vào một rổ, hình vuông bỏ vào một rổ... Kết thúc ai lượm nhiều hơn thắng, trẻ học mà như chơi, rất vui và không bị áp lực.

Tương tác với trẻ thông qua các trò chơi sẽ giúp các bố mẹ lôi kéo các bé khỏi những sở thích không tốt cho sức khỏe và trí óc của trẻ như xem tivi, chơi iPad, điện tử…

Chơi với con thế nào cho hiệu quả

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, bố mẹ dành thời gian chơi với con là sự đầu tư cho tương lai và gặt hái hiện tại. Chính vì vậy, không ai có thể giới hạn chơi với bé bao nhiêu là đủ. Nhưng chúng ta chỉ có thể chơi với trẻ khi trẻ sẵn sàng, hứng thú và khi trẻ có sức khoẻ. Chơi với trẻ cũng phải biết cách, dù việc này không quá khó, nhưng các bậc phụ huynh cũng phải học để làm sao dành được cho trẻ những thời gian vui vẻ và hữu ích nhất.

Theo chị Thu Hằng, một người có rất nhiều kinh nghiệm trong việc dạy con học thông qua các trò chơi: “Chơi với con cũng vẫn phải lặp lại một nguyên tắc nằm lòng: chỉ dạy và chơi với bé khi nào cả hai cùng hứng thú, nếu bắt đầu thấy con chán thì phải dừng ngay lập tức”. Nếu bé chán mà người lớn vẫn ép bé chơi tiếp sẽ dễ sinh ra tâm lý nghi ngờ, không hợp tác ở những lần tiếp theo.

Ngoài ra, “Khi ở bên trẻ, bố mẹ qua các trò chơi có thể giúp con phát triển vận động, cảm xúc xã hội, dạy bé biết nhận biết cảm xúc của người khác và thể hiện cảm giác của chính mình cho phù hợp, đồng thời chỉ cho bé hiểu các quy luật tự nhiên, xã hội... Điều quan trọng mà bố mẹ cần lưu ý là trong khi chơi không được chê bai mà phải thường xuyên khuyến khích trẻ, tạo cho bé sự vui thích”, bạn Đỗ Phương Mai (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.

Các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý đến việc chọn đồ chơi cho bé sao cho phù hợp từng lứa tuổi. Ngoài việc chọn theo sở thích, mức độ an toàn, các gia đình cần dựa vào tính cách của con mình để chọn đồ chơi cho phù hợp. Nếu là trẻ nhút nhát nên chọn đồ chơi có tính động, khi hòa mình vào trò chơi trẻ sẽ có những phản ứng nhanh và mạnh dạn hơn…

Cuối cùng, người viết mong rằng, các ông bố bà mẹ Việt bớt viện cớ bận trăm công nghìn việc, hãy dành nhiều thời gian hơn cho con. Điều đó sẽ giúp cho con bạn sẽ trở thành đứa trẻ hạnh phúc trong hiện tại và có những bước đi vững vàng trong tương lai!

Bạn dành bao nhiêu thời gian chơi với con hằng ngày? Hãy chia sẻ với chúng tôi ý kiến và phương pháp chơi với con của bạn bằng cách comment ở cuối bài hoặc gửi mail đến địa chỉ: tintuconline@vietnamnet.vn

Vân Khánh (VietNamnet)

Bình luận