"Chồng các cuốn sách phải học lên dày 30cm, thật thương các cháu học sinh"

Dạy thêm, học thêm nhuốm màu tiêu cực là đề tài bàn luận chưa bao giờ vơi sức nóng trên khắp các diễn đàn, hội nghị và trong những câu chuyện bên tách trà.

Trả lời phản ánh của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) về tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng trong ngành giáo dục sáng 20/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết dạy thêm, học thêm hay các nguyện vọng học tập ngoài trường là nhu cầu thực tế, cần đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để dễ dàng quản lý, giám sát và xử lý bên ngoài trường học. Hoạt động này xuất phát từ nhu cầu có thật của các gia đình, bởi vậy không thể chỉ đổ lỗi cho các thầy cô.

"Có người đưa con đến nài nỉ cô vừa dạy, vừa trông giúp; hay cha mẹ thấy con đi học một ca chưa yên tâm nên sau giờ học cứ nghe thấy đâu có thầy tốt là đưa đến ngay, dẫn đến một tối học 3-5 ca. Việc này tác động đến sự căng thẳng của việc học với trẻ em", ông Sơn nêu thực tế về nhu cầu cho con đi học thêm hiện nay của nhiều gia đình, phụ huynh.

Còn về phản án của đại biểu Huy về việc có tình trạng giáo viên "găm" kiến thức, chỉ đưa ra tại lớp học thêm, tư lệnh ngành Giáo dục khẳng định cần xem cụ thể trường hợp đó là ai, dạy trường nào để Bộ Giáo dục phối hợp với đơn vị quản lý tại địa phương "xử lý đến nơi đến chốn".

Nhiều năm qua, khi nhắc tới chủ đề dạy thêm, học thêm trong ngành giáo dục, luôn tồn tại song song 2 "phe" là phản đối và ủng hộ. Giải trình của Bộ trưởng Sơn tiếp tục làm dấy lên làn sóng tranh luận, xoay quanh một câu hỏi muôn thuở: "Học thêm hay không học thêm?".

Chồng các cuốn sách phải học lên dày 30cm, thật thương các cháu học sinh - 1

Nhiều học sinh không khỏi cảm thấy mệt mỏi về việc vừa phải học trên trường vừa phải học thêm. (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

"Ra đề kiểu năm sau khó hơn năm trước, học sinh chỉ học trên lớp làm sao hiểu hết được?"

Bình luận dưới bài viết Giáo viên nào bớt kiến thức trên trường để dạy thêm, đề nghị báo Bộ trưởng , độc giả Ve Quy Thang nêu quan điểm: "Tôi có con đang học cấp 2, chồng các cuốn sách học trong 1 năm học lên dày 30cm. Không bớt đi kiến thức thì nhồi kiểu gì trong 1 năm học? Cốt lõi của dạy thêm chính là chương trình học nhồi nhét. Học trên lớp chưa đủ nên học sinh phải đi học thêm".

"Bộ trưởng cứ đi hỏi người dân thì sẽ biết tại đa số các trường học, giáo viên trên lớp dạy không đến nơi, đến chốn. Muốn hiểu kỹ bài vở thì phải đến nhà cô học thêm, đề kiểm tra chỉ những bạn học thêm mới được điểm cao, còn không thì điểm kém", độc giả Ngọc Hà Phan bình luận.

Cũng không đồng tình, anh Nguyễn Bảo Tiến nhìn nhận phụ huynh không thể vào lớp học để nắm tình hình báo cáo lại Bộ trưởng, nhưng họ có cách kiểm tra qua phản ánh của các con cũng như nội dung kiểm tra kiến thức trên lớp. Vấn đề xác minh còn lại là của cơ quan quản lý giáo dục.

"Tại ngành giáo dục cả, ra đề thi kiểu năm sau khó hơn năm trước thế thì làm gì học sinh trên lớp hiểu hết được. Muốn đủ điểm, đủ kiến thức để đi thi thì phải đi học thêm. Cái gì cũng có nguyên nhân, thưa Bộ trưởng. Muốn giải quyết thì trước tiên phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao", chủ tài khoản Hùng Lê Nguyễn Quang phân tích.

"Một việc cần quan tâm là sự minh bạch trong thi cử. Kiến thức trang bị cho học sinh thế nào thì câu hỏi kiểm tra như vậy, không đánh đố thì các em cũng không học thêm đâu. Học sinh phổ thông chỉ cần trang bị kiến thức phổ thông, nhưng lượng kiến thức quá lớn, quá cao siêu buộc các em phải học. Nhưng với lượng kiến thức đó, nay mai ra đời có mấy ai, mấy khi sử dụng và cũng không dùng để làm gì", vấn đề được nêu ra từ anh Trần Quang Trung.

"Tôi thấy các cháu, các em đang phải học rất nhiều môn và những thứ không cần thiết. Thời gian các cháu cần được tự học và nghiền ngẫm vốn kiến thức đã được dạy không biết được bao nhiêu và thấm bao nhiêu hay chỉ như đồ ăn sẵn, nạp vào đầu một cách bị động. Người lớn đi làm có ngày nghỉ, tại sao trẻ em đi học phải học thêm nửa ngày thứ 7 và chủ nhật?

Việc học là rất cần thiết, tuy nhiên kiến thức chủ động hấp thụ và hấp thụ đủ lượng sẽ tốt hơn rất nhiều với sự nhồi nhét hay đi học vì một lý do nào đó từ phía gia đình và nhà trường. Khi tôi đi làm, tôi vẫn phải đi học và tự học những thứ về chuyên môn mà đúng ra nó cần được trang bị cơ bản ít nhất tại nhà trường", độc giả Viet nt bình luận.

Nên cho dạy thêm dưới sự quản lý của địa phương?

Trên thực tế, dù vấp phải nhiều ý kiến phản đối, việc dạy thêm - học thêm vẫn được nhiều phụ huynh hưởng ứng, ủng hộ. Có người cho rằng khả năng nhận thức của mỗi đứa trẻ khác nhau, thời gian trên lớp là chưa đủ để nghiền ngẫm kiến thức. Có người lại muốn con đi học thêm để được cô giáo hướng dẫn học tập, ôn luyện lại bài cũ, cắt bớt những khoảng thời gian rảnh rỗi, dễ khiến trẻ sa đà vào trò chơi điện tử hay những hoạt động giải trí vô bổ khác…

Không thể phủ nhận rằng hoạt động dạy thêm - học thêm đang ngày càng phổ biến và trở thành một phần không thể thiếu tại nhiều cơ sở giáo dục. Bên cạnh mặt tiêu cực, lợi ích của hoạt động này cũng là không thể bàn cãi. Bởi vậy, thay vì cấm đoán, nhiều người cho rằng nên hợp thức hóa việc dạy thêm - học thêm trong lĩnh vực giáo dục, tương tự ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

"Các vị làm như thầy cô dạy 10 thì vào đầu đứa trẻ được cả 10 mà phải cắt với bớt chương trình. Tùy từng đứa trẻ có khả năng tiếp thu khác nhau, dẫn tới lượng kiến thức thu nạp khác nhau", độc giả Nguyễn Thành Nam phân tích.

"Nên cho dạy thêm và có sự quản lý của nhà trường, địa phương. Nếu không học thêm các cô thì học sinh cũng đi học ở trung tâm. Học phí ở đó rất cao, sao chịu nổi? Mọi người nên nghĩ rộng ra chút", anh Hữu Trí Nguyễn chia sẻ.

"Phần tiêu cực của thầy cô tôi không nói vì các vị phụ huynh nói rồi, nhưng tôi muốn nói rằng bản thân các vị cũng là tội đồ. Không ít các thầy cô không muốn dạy thêm mà phụ huynh bắt dạy, thậm chí họp phụ huynh còn đưa ra chì chiết vì không chịu dạy khi người thân nhờ vả. Đừng đổ lỗi cho ai, trước hết hãy nhìn lại chính mình. Nhiều nhà bắt con cháu học đủ các loại lớp mà giáo viên ở đó là ai, có phải giáo viên nơi các cháu học không? Tôi có 2 cháu, không cháu nào học thêm, có sao đâu? Các cháu vẫn học tốt", độc giả Thọ Lê thẳng thắn bình luận.

Cũng tỏ ý đồng tình, chủ tài khoản Tuluu viết: "Tại sao có dạy thêm thì đầu tiên vẫn là từ nhu cầu của phụ huynh. Người có con học tốt thì muốn bồi dưỡng thêm, có con học chưa tốt thì muốn con tiến bộ. Thậm chí, có phụ huynh cho con đi học để con bớt chơi điện thoại, xem TV hoặc ngày nghỉ không có người trông.

Các phụ huynh tỏ thái độ bức xúc có thể bởi họ gặp các trường hợp tiêu cực. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thầy cô tâm huyết với nghề, yêu thương học sinh, được yêu quý dù có dạy thêm hay không. Nghề giáo vẫn đáng trân trọng. Tiêu cực thì ở đâu cũng có, đừng vơ đũa cả nắm".

Gợi ý giải pháp cho vấn đề trên, anh Nguyễn Bảo Tiến bình luận: "Học thêm và dạy thêm là nguyện vọng chính đáng, không có gì đáng trách. Vấn đề là không thể để giáo viên dạy trên lớp lại tiếp tục dạy thêm ở nhà. Điều đó không minh bạch, rất dễ dẫn tới tiêu cực.

Theo tôi, những người muốn dạy thêm phải ra các trung tâm và không được dạy thêm học sinh của trường mình đang dạy thì mới đảm bảo về chất lượng học thêm, dạy thêm được. Còn hiện nay, đa số các trường đều ép học sinh làm đơn tự nguyện học thêm, nghe rất buồn cười".

Theo  Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/ban-doc/chong-cac-cuon-sach-phai-hoc-len-day-30cm-that-thuong-cac-chau-hoc-sinh-20231122075723779.htm?fbclid=IwAR08mSlgUPxA5LKkyWTJh7uONBF-g9mbj-SAU6H_SrZ64wMqN-r7dBjq6jc

dạy thêm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.