Chưa có điểm thi, học sinh đã nhận được giấy báo trúng tuyển

Dù Bộ GD&ĐT chưa công bố kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2015, nhưng rất nhiều học sinh đã nhận được giấy báo trúng tuyển của một số trường trung cấp, cao đẳng.

Dù Bộ GD&ĐT chưa công bố kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2015, nhưng rất nhiều học sinh đã nhận được giấy báo trúng tuyển của một số trường trung cấp, cao đẳng.

Không nộp cũng có tên

Đưa cho chúng tôi xem giấy trúng tuyển một trường cao đẳng (CĐ) tại Hà Nội, Cù Thị Hằng (ngụ phường Tân Hòa, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, mặc dù chưa có kết quả điểm thi tốt nghiệp và cũng không hề nộp đơn vào những trường này, nhưng em vẫn nhận được giấy báo trúng tuyển (!).

Thực trạng nhiều học sinh đến mùa thi là nhận được hàng chục giấy báo nhập học không khác gì tờ rơi quảng cáo, khiến không ít người lắc đầu chán nản cho cách tuyển sinh “vơ bèo vạt tép” kiểu này.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (ở đường Y Ngông, Buôn Ma Thuột) bức xúc: “Trước đây, trúng tuyển vào đại học (ĐH), CĐ là niềm vinh dự rất lớn đối với gia đình, dòng họ. Còn bây giờ, học sinh nhận được giấy báo phải xem kỹ trường nào, học phí bao nhiêu, chất lượng thế nào, chứ nhận được hàng chục tờ giấy như thế cũng loạn cả lên”.

Học sinh nhận giấy báo trúng tuyển dù chưa có điểm thi
Giấy báo nhập học của trường em Hằng không hề đăng ký. Ảnh: Công An TP HCM

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các trường CĐ, trung cấp chỉ xét tuyển hồ sơ, không thi đầu vào, đều tìm cách thu thập thông tin từ nhiều nguồn, đồng thời chuẩn bị sẵn hàng loạt giấy báo trúng tuyển, nhập học. Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp, họ sẽ gửi đồng loạt những giấy báo này cho tất cả thí sinh có tên trong danh sách theo kiểu “rải bom” và chờ đến nhập học.

Không hề có khái niệm chọn lọc, tư vấn ngành nghề phù hợp với các em, thậm chí nhiều trường thấy ngành “hot” cũng đăng thông báo, gọi điện cho thí sinh, nhưng khi các em đến đăng ký thì tìm cách lôi kéo sang ngành khác.

Kể lại chuyện của mình, bạn Nguyễn Minh Hằng (ngụ huyện Eakar, Đắk Lắk) chia sẻ: “Sau khi rớt ĐH năm trước, em nhận được giấy báo nhập học của trường trung cấp tại Buôn Ma Thuột cho biết đã trúng tuyển ngành Y - Dược. Thấy ngành này cũng phù hợp nên em quyết định làm thủ tục nhập học. Không ngờ, khi đến nơi, em phát hiện trường chỉ có ngành điều dưỡng, chứ không đào tạo Y - Dược như thông báo. Nhưng vì muốn có thí sinh đến đăng ký nên họ thông tin như vậy và lúc này mới tư vấn lại từ đầu”.

Loạn giấy báo nhập học

Trong “mê hồn trận” giấy báo nhập học như hiện nay, phụ huynh và thí sinh cần tỉnh táo chọn lọc và tư vấn cho con em mình để tránh tình trạng vào học mới thấy không thích hợp, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

Chuyện chọn nhầm trường dẫn đến một kết cục đáng buồn của bạn Hồng (tên đã thay đổi, SN 1995, ngụ huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) được nhiều bạn trẻ chia sẻ trên các diễn đàn, nhằm nhắc nhau tỉnh táo trước “ma trận” giấy báo nhập học.

Năm 2013, Hồng thi ĐH nhưng không đậu, sau đó gia đình nhận được một số giấy báo nhập học của các trường CĐ, trung cấp, trong đó có ngành điều dưỡng. Mặc dù không thích nhưng thể theo nguyện vọng gia đình, em đành chấp nhận.

Sau một thời gian, Hồng cảm thấy không phù hợp nên đã xin gia đình cho chuyển sang trường khác nhưng không được chấp nhận. Quá bất mãn trước sự áp đặt ấy nên Hồng dần rơi vào trạng thái chán nản và bị trầm cảm. Kết quả em đã uống thuốc ngủ tự tử, nhưng may mắn được bạn bè cùng phòng trọ phát hiện kịp thời.

Rất nhiều thí sinh sau khi rớt ĐH thường có tâm lý chán nản, thêm vào đó hàng loạt giấy báo nhập học “từ trên trời rơi xuống”, khiến các em hoang mang và thường không xác định được mục tiêu, dẫn đến việc chọn đại để có nơi học. Nhưng được một thời gian phát hiện môi trường không phù hợp, học phí không thỏa đáng, nhiều học sinh bất mãn và gặp khó khăn khi quyết định chấm dứt việc học. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh và thí sinh nên tỉnh táo trước “mê hồn trận” giấy báo nhập học như hiện nay.

Theo Phan Vi/Công An TP HCM





Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.