Có hay không lộ đề thi môn văn?

Kết thúc môn thi đầu tiên - môn văn, trên Facebook đã lan truyền ở trường này, trường kia đề thi thử gần trùng với đề thi tốt nghiệp; trước ngày thi đã xuất hiện đề thi tốt nghiệp môn văn... khiến nhiều thí sinh hoang mang.

Kết thúc môn thi đầu tiên - môn văn, trên Facebook đã lan truyền ở trường này, trường kia đề thi thử gần trùng với đề thi tốt nghiệp; trước ngày thi đã xuất hiện đề thi tốt nghiệp môn văn... khiến nhiều thí sinh hoang mang.

Nguyên nhân... lộ

Ngay sau khi trên Facebook - điểm thi 24h - xuất hiện đề thi tốt nghiệp THPT năm 2013 (môn văn), nhiều học sinh bán tín bán nghi, nhất là với những học sinh không có điều kiện tiếp cận với Internet. Nếu đọc kỹ đề thi được gọi là bị lộ này thì dễ dàng nhận ra đó là đề thi giả. Ít nhiều - dù thông tin trên mạng ảo - nhưng cũng đã gây tâm lý bất ổn cho học sinh trước ngày bước vào kỳ vượt “vũ môn”. Nhiều học sinh sau khi rời phòng thi đã comment bày tỏ sự thất vọng: Sao không giống đề thi của bọn mình nhỉ”, “Đúng là toàn chém gió”...

Có hay không lộ đề thi môn văn?

Các thí sinh nhận định đề thi ngày đầu tiên không khó. Ảnh: Đăng Huỳnh

Cũng trên mạng Facebook, có học sinh đã hồ hởi loan báo, đề thi thử của trường mình, câu khó nhất trúng tủ với đề thi tốt nghiệp. Và điều này không chỉ xảy ra ở một vài trường. Sự trùng hợp ngẫu nhiên hay ít nhiều câu trong đề thi bị lộ ra ngoài? Lý giải về sự trùng hợp ngẫu nhiên này, nhà giáo Nguyễn Thanh Hà - nguyên giáo viên văn Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội) - phân tích: Khoảng gần chục năm gần đây, hiện tượng đề thi môn văn được lặp đi lặp lại là đúng. Trong chương trình, SGK của môn văn lớp 12, những tác phẩm “kinh điển” trong nước cũng chỉ xoay quanh con số 5, 6 kể cả tác giả văn học nước ngoài. Chính vì vậy, sự trùng lặp trong việc ra đề là tất yếu.

Ví dụ đề thi năm nay, “Thuốc” của Lỗ Tấn đã ra đề thi năm 2007, 2009, năm nay cũng là “Thuốc”. Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” ra đề năm nay và năm 2007 và 2009 cũng là tác phẩm này. Tương tự “Vợ nhặt” của Kim Lân, “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm hay “Việt Bắc” của Tố Hữu thì cứ cách năm lại lặp lại quanh mấy tác giả, tác phẩm. Hơn nữa, hầu hết ở các trường, ngay sau khi Bộ GDĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp là thầy cô đều tăng tốc, dồn lực cho 6 môn này, dù cho bộ - năm nào cũng có công văn nhắc các trường không được bỏ chương trình. Các trường đều tổ chức từ 2, 3 lần thi thử tốt nghiệp. Vì chương trình và SGK chỉ có ngần ấy những tác giả, tác phẩm “nổi tiếng”, nên việc ra đề thi không thoát ra khỏi những tác giả, tác phẩm đó được.

Hợp tác phát hiện tiêu cực


Tại Trường THPT Lam Sơn (Thanh Hóa) ngay sau khi thi môn văn kết thúc, những hình ảnh để lại: Hành lang, nhà vệ sinh trắng phao thi, kể cả trong ngăn bàn ở phòng thi cũng còn tập phao khá dày, đã được gấp mép trang để đánh dấu. Chủ tịch hội đồng điểm thi tại trường này giải thích sự xuất hiện “trắng phao” là do học sinh mang theo nhưng không quay được nên thi xong đã vứt bỏ. Nhưng hình ảnh tập tài liệu chụp được ở dưới ngăn bàn trong phòng thi, rõ ràng là thí sinh đã mang trót lọt vào phòng thi.

Vào lúc 19h45 ngày 2.6 - kết thúc ngày thi đầu tiên, trao đổi với phóng viên Lao Động, lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết: Ngày thi đầu tiên chưa phát hiện hiện tượng tiêu cực trong các điểm thi tốt nghiệp trên cả nước. Bộ GDĐT đánh giá cao vai trò của báo chí, vì báo chí là kênh thông tin tiếp nhận nhanh nhất sự phản hồi của bạn đọc trong việc phát hiện tiêu cực trong thi cử. Vì vậy, bộ đã gửi “thông điệp” đến các cơ quan báo chí, mong muốn với sự hợp tác của báo chí, giúp Bộ trưởng và lãnh đạo bộ nắm tình hình nhanh chóng, đặc biệt khi có các thông tin về vi phạm quy chế thi.

Theo Lao Động


Bình luận