“Cuộc chiến” gia đình về dạy con

“Cuộc chiến” giáo dục con luôn khiến các thành viên trong gia đình tôi đau đầu và mệt mỏi. Do áp lực từ nhiều phía, con không hợp tác, gia đình lục đục… tôi gần như rơi vào tình trạng stress nặng.

Phương pháp giáo dục sớm hiện đang được nhiều bà mẹ tìm hiểu, áp dụng với mong muốn con mình được nuôi dưỡng và giáo dục một cách khoa học. Tuy nhiên, lý thuyết dù có chi tiết, bài bản đến đâu thì áp dụng vào từng trường hợp vẫn không dễ dàng chút nào.

Tôi cũng là một trong những bà mẹ theo tư tưởng muốn giáo dục con từ sớm, nuôi con theo phương pháp hiện đại. Ngay từ khi tôi mới mang thai, chồng tôi đã mua rất nhiều sách về việc giáo dục con từ sớm để tôi tham khảo. Tôi cũng tham gia rất nhiều diễn đàn về dạy con trên mạng xã hội.

Gia đình bé Tâm An

Hiện tại, con gái Tâm An gần 3 tuổi đồng nghĩa với việc tôi đã áp dụng phương pháp giáo dục từ sớm cho con được gần 3 năm. Thế nhưng, nói về chuyện này,tôi vừa thấy vui vừa thấy buồn. Vui vì mình cũng đã phần nào thay đổi được cách nuôi con theo lối mòn của các bà các mẹ, còn buồn vì công cuộc thay đổi của tôi chưa hoàn thành được như dự định ban đầu, vẫn chưa nhận được sự đồng thuận và giúp đỡ của gia đình.

Ngay từ đầu tôi đã làm công tác tư tưởng, mua sách vở cũng như phân tích rất nhiều cho hai bà nội ngoại, người sẽ cùng tôi chăm sóc bé khi bé chào đời. Bước đầu, các bà rất đồng thuận nhưng khi vào hoàn cảnh thực tế thì lại vấn đề bắt đầu nảy sinh.

>>“Đánh chừa”: cha mẹ đang xoa dịu hay làm hư con?

Chẳng hạn, khi bé không chịu ăn các bà đã vội vàng cho cháu đi khắp xóm, mở ti vi, làm đủ trò để cháu ăn. Tôi phân tích cho bà hiểu, cháu không được vừa ăn vừa xem; cháu cần ăn theo sở thích chứ không nên bắt ép... thì nhận ngay được sự phản bác của bà: “Không ăn thì nó lớn sao được, bé thì cần dỗ dành thì mới ăn chứ’… Rồi việc phải cho cháu tự đứng lên khi ngã chứ không phải đánh chừa cái nền nhà. Từ nhữngviệc nhỏ cũng nên phân tích cho cháu hiểu để lần sau cháu không làm sai chứ không phải lấy lý do cháu còn nhỏ chưa hiểu được chuyện, sau này mới dạy.

Khi tôi càng cố gắng phân tích thì lại càng bị phản đối, có lần mẹ chồng tôi còn bảo thẳng: “Con chỉ lắm chuyện, sách vở. Ngày trước, mẹ cũng từng nuôi mấy đứa con cũng cho ăn, cho học giờ tất cả cũng đều tốt có sao đâu…”. Không chỉ có hai bà mà cả chồng tôi, người cũng từng muốn nuôi dạy con kiểu mới cũng không đủ kiên trì và quay lưng lại với tôi.

Đôi khi bé rất ngoan, nhưng cũng có lúc không hợp tác nên phải có những hình thức giáo dục phù hợp.

“Cuộc chiến” giáo dục con luôn khiến các thành viên trong gia đình tôi đau đầu và mệt mỏi. Do áp lực từ nhiều phía, con không hợp tác, gia đình lục đục… tôi gần như rơi vào tình trạng stress nặng. Có nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc, không còn đủ kiên trì để theo đuổi phương pháp giáo dục hiện đại, khoa học mà mình mong muốn.

Bản thân tôi vẫn cố gắng giáo dục con theo cách mới, nhưng một phần vì phận dâu con, phận làm vợ rồi còn công việc hàng ngày nên nhiều vấn đề tôi vẫn phải nghe theo gia đình.

Tuy việc phải nuôi dạy con theo kiểu mới không còn được nhắc đến nhiều trong nhà tôi nữa, nhưng rõ ràng, việc nuôi con một cách khoa học đã cho thấy hiệu quả đó là sự phát triển rất tốt của bé. Bé nhà tôi tuy không quá vượt trội về thể chất nhưng khả năng tư duy và nhận biết của cháu rất tốt. Điều này không chỉ trong gia đình mà những người xung quanh cũng phải công nhận.

Bé chủ động và thoải mái trong ăn uống, món nào cháu thích thì sẽ ăn nhiều, món nào không thích thì tôi cũng không bắt ép. Bé biết tự đứng dậy khi ngã mà không khóc lóc mè nheo chờ bà hay mẹ đến đỡ. Khi chơi xong, bé biết tự dọn dẹp đồ chơi. Bé cũng biết lắng nghe những gì mẹ nói...

Bé Tâm An được tự lựa chọn món ăn mình thích

Sau gần 3 năm, tôi cũng rút ra được một số kinh nghiệm trong việc giáo dục con.Rõ ràng, nuôi dạy con theo kiểu mới rất tốt, bé nhanh nhận biết hơn, tự chủ hơn, mẹ sẽ đỡ căng thẳng hơn, hiểu con nhiều hơn.

Nhưng trong xã hội ta hiện nay, nhất là trong những gia đình 3 thế hệ cùng chung sống, việc nuôi dạy trẻ theo hướng hiện đại, khoa học gặp nhiều khó khăn. Bởi việc thay đổi theo phương pháp mới không hề dễ dàng, không phải lúc nào bạn cũng đủ kiên trì và nhận được sự ủng hộ của những người trong gia đình. Bạn nên biết cách dung hòa mọi việc chứ đừng quá cứng nhắc.

Độc giả Chu Lan/VietNamnet

Hãy chia sẻ câu chuyện dạy con của bạn với độc giả của Tintuconline bằng cách gửi mail tới địa chỉ: tintuconline@vietnamnet.vnhoặc comment dưới bài viết. Xin chân thành cảm ơn!




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.