Dạy trẻ tự bảo vệ mình mà không cần bạo lực

Có nên chăng việc phải dạy dỗ các em về vấn đề bạo lực học đường ngay khi còn nhỏ tuổi để tránh những trường hợp đáng tiếc

Việc một nữ sinh học lớp 7 ở Trà Vinh bị nhóm bạn cùng lớp đánh hội đồng vừa qua khiến người lớn không khỏi giật mình bởi sao các em còn bé mà đã hung hăng, manh động đến vậy?  Có nên chăng việc phải dạy dỗ các em về vấn đề bạo lực học đường ngay khi còn nhỏ tuổi để tránh những trường hợp đáng tiếc như trên?

Độc giả Huy Đăng cho rằng điều đó là rất cần thiết, cha mẹ nên dạy con về bạo lực học đường ngay từ khi ở lứa tuổi mẫu giáo. Tintuconline mời độc giả tham khảo chia sẻ của anh trong việc này:

Làm gì để trẻ bớt tính hung hăng?

Chợt vì cám cảnh trước liên tiếp những vụ bạo lực học đường trong thời gian qua, nên tôi mới mạnh dạn viết vài dòng này. Những mong, có thể chia sẻ với mọi người về một cách dạy trẻ bớt tính hung hăng.

Con tôi, trộm vía, to hơn đáng kể so với bạn cùng trang lứa. Lúc cháu học mẫu giáo, đã không ít lần tôi phải đau đầu vì chuyện con đánh bạn. Thậm chí, có hôm đón cháu, ngay trước cửa lớp, một phụ huynh mách con tôi vừa đánh bạn chảy cả máu mũi. Nhìn “nạn nhân” của con mình, lòng như lửa đốt. Hai bố con đành cùng xin lỗi phụ huynh và bạn kia rồi về nhà, dạy con tiếp.

Phần lớn trẻ nhỏ, đặc biệt là con trai, đều ít nhiều mang tính “côn đồ”. Bởi lẽ, ở lứa tuổi nhi đồng, các bé chưa có nhiều ý thức về sự nhường nhịn và cũng chưa có khả năng tiết chế cảm xúc. Khi bị trêu đùa, bị tranh giành đồ chơi hay rơi vào tình trạng cáu giận, buồn bực… các bé thường có phản ứng bằng… chân tay. Nhẹ thì tìm cách giật đồ chơi lại. Nặng thì “tấn công” “đối thủ” giành lại “quyền lợi” hay để “xả” sự “bức xúc”. Ở một số trường hợp khác, ví như khi bị bạn “tấn công”, trẻ thường có xu hướng “đáp trả”.

Khi trẻ lớn dần, tùy theo tâm tính và môi trường, có em trở nên lành tính, nhưng cũng có nhiều trường hợp tính hung hăng tăng dần theo… năm tháng. Đặc biệt, tính hung hăng đạt “đỉnh” nguy hiểm ở lứa tuổi THCS và THPT. Bởi ở lứa tuổi đó, thể lực của các em đã đủ sức gây sát thương cho người khác. Trong khi, ý thức của các em chưa hoàn thiện, dễ bị kích động, dẫn tới những hành động côn đồ.


"Con trai tôi đã không còn tranh giành đồ chơi với bạn"

Để giảm thiểu nguy cơ “hung hăng” ở lứa tuổi THCS và THPT, cách tốt nhất có lẽ là uốn nắn trẻ từ lứa tuổi mầm non.

Với con trai tôi, mỗi sáng trước khi cháu vào lớp, tôi luôn nhắc nhở: “Đánh bạn là việc xấu! Con không được đánh bạn!”

Có hôm, cháu ấm ức, nước mắt tứa ra: “Nhưng mà bạn đánh con!”

Tôi lại tiếp tục “nối thêm” vào lời dặn dò: “Bạn nào đánh con thì con tránh ra, không chơi với bạn đó nữa”.

Ngày khác, cháu lại rưng rưng: “Con tránh rồi mà bạn vẫn đuổi đánh con!”

- “Nếu bạn vẫn tiếp tục như thế, con có thể nói với cô giáo. Nhưng vấn đề quan trọng hơn, con không nên tranh giành với bạn bất cứ thứ gì”.

Về cơ bản, trẻ con cũng như người lớn, nếu không có mâu thuẫn (ở trẻ con có thể là việc tranh giành đồ chơi, chỗ chơi, hoặc đồ gì đó), không “va chạm” nhau thì sẽ thường không phát sinh xung đột. Vì thế, điều quan trọng nhất trong việc kìm chế tính hung hăng của trẻ là giải quyết vấn đề nguồn gốc, tức là dạy trẻ biết giảm thiểu những “mâu thuẫn” có thể phát sinh ở trường lớp, ngoài cuộc sống.

Cùng việc dạy trẻ tránh xa “mâu thuẫn” còn luôn cần dạy trẻ biết yêu thương. Ra đường, mỗi khi gặp những hoàn cảnh khó khăn, là một cơ hội nhắc nhở bé: “Bạn kia cũng nhỏ như con, nhưng đâu có được học hành, vui chơi, ăn uống đầy đủ như con! Đó là vì cha mẹ bạn ấy còn khó khăn. Vì thế, con nên biết chia sẻ những gì mình có”.

Đã có lần, tôi bất ngờ khi con tôi đề nghị: “Bố cho con sang châu Phi!”

- “Con sang để làm gì?”
- “Con muốn tặng đồ chơi của con cho các bạn nghèo ở đó!”.

Thì ra, cháu xem ti vi, gặp những hình ảnh nghèo đói ở châu Phi!

Con trai tôi năm nay 8 tuổi, tất nhiên, tôi chưa dám khẳng định là sau này cháu sẽ “lành tính”. Thế nhưng, điều tôi đã và đang dạy cháu đã phát huy ít nhiều tác dụng. Cháu đã không còn đánh bạn, không tranh giành đồ với bạn. Và điều quan trọng hơn, cháu đã biết yêu thương, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Độc giả Huy Đăng

Bạn nghĩ sao về việc này? Hãy chia sẻ quan điểm và giải pháp của bạn tới Tintuconline qua địa chỉ email tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết.



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.