Để ngành giáo dục không còn những “gà công nghiệp“

Mấy ngày nay trên các phương tiện thông tin đại chúng “rùm beng” chuyện Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) và Sở GD&ĐT Hà Nội cấm tổ chức thi tuyển học sinh lớp 6 phổ thông.

Mấy ngày nay trên các phương tiện thông tin đại chúng “rùm beng” chuyện Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) và Sở GD&ĐT Hà Nội cấm tổ chức thi tuyển học sinh lớp 6 phổ thông.

Tôi cho rằng việc cấm thi tuyển học sinh lớp 6 nêu trên, hoàn toàn xác đáng. Chỉ có điều cần tách bạch rõ ràng 2 loại trường: trung học cơ sở (THCS) công lập và THCS tư thục (trước kia gọi là dân lập).

Đối với các trường THCS công lập ở địa bàn xã, phường nào cũng có. Do đó việc xét tuyển học sinh vào lớp 6 đúng tuyến (có hộ khẩu tại địa bàn trường) là đương nhiên. Mắc mớ gì mà phải bày vẽ ra chuyện thi tuyển.

Tuy nhiên, đối với các trường THCS tư thục hiện nay đang có 2 dạng trường:

Dạng “chưa có tên tuổi-thương hiệu”, kể cả tư thục “quốc tế” học phí rất cao, hay tư thục nội địa cũng sẵn sàng đón nhận học sinh lớp 6 và “quên” khái niệm thi tuyển.

Dạng “có tên tuổi-thương hiệu, tiếng lành đồn xa”, học sinh sẽ đổ xô vào học, đông quá quy mô các lớp học của trường. Cho nên dạng trường THCS tư thục này, trong năm 2015 họ sẽ tuyển sinh theo các tiêu chí riêng, hoặc cơ quan chức năng có thể cho họ tổ chức “thi tuyển”, chỉ mang tính chất nội bộ trong nhà trường.

Ga cong nghiep, nganh giao duc
Việc học sinh đang trở thành gà công nghiệp không còn hiếm ở các trường chuyên

Nhân đây, tôi muốn đề cập đến các loại hình trường phổ khác như: trường phổ thông đạt “chuẩn”, trường phổ thông chuyên, phổ thông “điểm” và phổ thông công lập “chất lượng cao”. Như vậy quá rườm rà, rối rắm - phức tạp cho các em học sinh phổ thông.

Đã thế việc quản lý, tổ chức hoạt động hệ thống các trường phổ thông hiện nay vẫn đang tồn tại và phát sinh 4 bất cập điển hình:

Thứ nhất, theo giáo sư Hoàng Tụy nhận định: đối với học sinh THCS-bắt buộc phải có kiến thức phổ thông đúng nghĩa 100%.

Thế mà thực tế, học sinh học hết lớp 9 (hết chương trình THCS) lại không phải thi tốt nghiệp, nhưng vẫn được cấp bằng tốt nghiệp THCS. Cho nên bằng tốt nghiệp (THCS) không có phân loại (giỏi, khá, trung bình).

Trong khi đó, những học sinh học hết lớp 9 (có bằng tốt nghiệp THCS), muốn vào học lớp 10 trường trung học phổ thông (THPT) công lập; rút cục vẫn bắt buộc phải trải qua kỳ thi tuyển sinh (do đang thiếu rất nhiều trường THPT công lập).

Xét sang khía cạnh khác, không phải thi tốt nghiệp vẫn được cấp bằng tốt nghiệp THCS, còn dẫn đến hậu quả tai hại, tiếp tay cho 1 số học sinh lêu lổng, lười biếng-không chăm học từ thuở THCS, nhưng vẫn có cửa “đánh trống ghi tên” vào các trường THPT tư thục.

Đơn cử hè năm ngoái (2014) TP HCM có 8534 thí sinh thi trượt lớp 10 công lập, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT tư thục (TP HCM): 20199 học sinh. Như vậy, các trường tư thục đã “mở toang cánh cửa” để đón thí sinh lớp 10.

Thứ hai, bất kể nơi học sinh thường trú ở đâu cũng được các trường phổ thông tư thục cho nhập học. Thậm chí, khá nhiều trường phổ thông tư thục hợp đồng thuê ô tô hàng ngày đưa đón học sinh từ nhà đến trường và ngược lại (từ trường về nhà). Dĩ nhiên, tiền thuê ô tô cũng là tiền học phí của học sinh phải đóng góp. Và việc dùng ô tô hàng ngày đưa đón học sinh “chéo cánh” từ quận nọ sang quận kia, từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh còn dẫn đến tình trạng lộn xộn, làm gia tăng mật độ phương tiện giao thông-cũng là 1 nguyên nhân làm tắc đường thành phố, đô thị lớn hiện nay.

Thứ ba, trường phổ thông công lập “chất lượng cao” chủ yếu về cơ sở vật chất (phòng học, bàn, ghế… sang trọng). Mặc dù trường cũng tổ chức thi tuyển chọn giáo viên. Song, mô hình loại trường này chỉ đào tạo cho những học sinh con nhà giàu, vì học phí cao vót-không dưới 30 triệu đồng/1 năm học (trong 9 tháng), cho 1 học sinh. Như thế trường phổ thông công lập “chất lượng cao hóa thành trường tiền”.

Thứ tư, học sinh các trường tiểu học công lập (từ lớp 1 đến lớp 5) đã có hình thức học bán trú, thế nhưng các em vẫn nhiều khi phải làm bài tập về nhà. Thậm chí vẫn đi học thêm ở nhà cô giáo, hoặc ở 1 địa điểm nào đó do cô giáo đi thuê, làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của học sinh (do bị nhồi nhét kiến thức).

Ngoài ra, ở thành phố lớn không hiếm học sinh tiểu học phải được các phụ huynh đưa đi học, hoặc phải đi ô tô của trường tư thục thuê đưa đón hàng ngày, vì học trái tuyến, học trường “điểm” ở xa nhà…   

Để khắc phục 4 bất cập điển hình nêu trên (góp phần chấn hưng nền giáo dục), kiến nghị cơ quan thẩm quyền cùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT xem xét, sớm ban hành và thực hiện (từ mùa hè năm 2016) một cuộc đại cách mạng, bằng một “Quy chế đại cách mạng giáo dục học sinh phổ thông”.

Cụ thể, nội dung Quy chế cần loại bỏ tên gọi các trường “điểm” và quy định chỉ có 2 loại trường: phổ thông và phổ thông “chuyên” (ở cấp THPT). Đồng thời, không cho bùng phát tràn lan trường chuyên, mà phải thật hạn chế về số lượng (để nâng cao chất lượng) loại trường này. 
Chẳng hạn mỗi tỉnh, thành phố chỉ cần có từ 2 đến 3 trường chuyên. Tránh tình trạng có học sinh mang tiếng học trường THPT “chuyên”; sau này vào đại học, rồi học lên tiến sỹ, có người thành giáo sư khoa học tự nhiên, nhưng vô cảm và “gà công nghiệp” về khoa học xã hội phổ thông. Ngược lại có giáo sư, tiến sỹ khoa học xã hội, vẫn “ú ớ” về khoa học tự nhiên phổ thông. Không nhớ những hàng cây xanh ban ngày “nhả ra” khí gì, ban đêm “nhả ra” khí gì… Cần dẹp bỏ đi những trường đào tạo các tiến sĩ giấy.

Quy chế nên dẹp bỏ “cái gọi là trường phổ thông công lập chất lượng cao”, chỉ dành cho con nhà giàu nêu trên. Và dĩ nhiên, những địa phương có điều kiện, vẫn cần khuyến khích đầu tư xây dựng những trường có cơ sở vật chất “ra tấm, ra miếng”, nhất là những trường THPT công lập (vì hiện đang rất thiếu).

Đặc biệt cần quy định, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS và cấp bằng tốt nghiệp phân loại giỏi, khá, trung bình (có bảng điểm chi tiết từng môn thi gửi cho thí sinh, kèm theo bằng tốt nghiệp). Trên cơ sở đó, làm căn cứ điểm sàn tuyển sinh vào các trường THPT công lập, THPT “chuyên” và bãi bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập.

Các trường phổ thông (kể cả công lập và tư thục) chỉ được quyền tự tuyển sinh đúng tuyến (theo nơi thường trú của học sinh), chỉ trừ trường THPT “chuyên”.

Tất nhiên dứt khoát có chuyện thừa, thiếu học sinh (vào nhập học theo đúng tuyến), sẽ do các Phòng và Sở GD&ĐT địa phương điều phối (bổ sung học sinh trường thiếu, rút bớt học sinh trường thừa). Căn cứ nơi thường trú của học sinh, mà điều phối vận trù đường đi học cho học sinh đỡ “chéo cánh”, góp phần hạn chế tắc đường thành phố đô thị lớn hiện nay.

Ga cong nghiep, nganh giao duc
Việc tạo sân chơi, không khí cho các em học sinh rất cần thiết cho sự nghiệp rèn luyện kỹ năng sống cho các em

Về việc tuyển sinh đúng tuyến (kể cả trường công lập và tư thục), có người cho rằng như vậy là áp đặt, cực đoan-không cho học sinh tự do chọn trường, chọn thầy…

Song bản thân học sinh thông minh, chăm chỉ học tập vẫn quyết định học lực của mình. Nhà trường và thầy giáo chỉ có vai trò quan trọng, chứ không quyết định được (học lực của học sinh).

Thực tế đã chứng minh, có khá nhiều em học sinh tỉnh lẻ vẫn thi đỗ thủ khoa (với đề thi quốc gia); hoặc trở thành các quán quân trong những cuộc thi Lên đỉnh Olympia, trên VTV 3… Cho nên, vấn đề tuyển sinh các trường phổ thông đúng tuyến (theo nơi học sinh thường trú) là hoàn toàn khả thi.       

Riêng các trường tiểu học (lớp 1 đến lớp 5), quy chế yêu cầu đội ngũ giáo viên giảng dạy cho học sinh hiểu bài và làm bài tập ngay tại lớp. Tuyệt đối không được giao bài tập về nhà, hoặc bắt học sinh soạn bài học trước, hoặc tổ chức dạy thêm (kể cả ở trong hay ngoài khuôn viên nhà trường, kể cả phụ huynh học sinh có tự nguyện làm đơn “năn nỉ” đề nghị giáo viên dạy thêm), để khi về nhà các cháu được hoàn toàn nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái.

Và theo kinh nghiệm ở các nước Đông Âu, không cứng nhắc câu nệ cảnh quan, môi trường sư phạm. Không nhất thiết phải hoạt động máy móc trong một khuôn viên, tường rào nhà trường. Mà ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục nhân rộng, phối hợp với ngành quy hoạch, kiến trúc, xây dựng các phòng học cho học sinh lớp 1, lớp 2 ngay trong (tầng 1, tầng 2) chung cư nhà ở thành phố, đô thị. Hoặc có thể xây dựng “cài răng lược” các lớp học trong các bản, làng, cụm dân cư, tổ dân phố... Để một vài thầy cô giáo có thể đi đường xa đến lớp dạy học, nhưng sẽ tiện lợi hơn rất nhiều so với hàng trăm học sinh đi học và phụ huynh, hoặc các xe ô tô (đưa đón con em hàng ngày) phải đi “đường xa dặm thẳng”. Nếu mô hình các trường tiểu học như thế, nhất định cũng góp 1 phần hạn chế tắc đường (thành phố, đô thị lớn) hiện nay.

Và sẽ góp phần triệt tiêu việc “chạy trường”, lại hạn chế được tình trạng quá đông học sinh trong 1 lớp học. Sẽ không còn cảnh 3 cháu phải ngồi chung 1 bàn học. Sẽ hết cảnh phụ huynh đạp đổ cổng trường tiểu học (để vào trường nộp đơn cho con nhập học) như ở Thủ đô Hà Nội cách đây không lâu. 
                                                                               
Theo Nguyễn Thành Lập/Motthegioi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.