Điểm 9 cho cậu học trò "đối phó" và sự thức tỉnh của một con người

Dù xã hội có phát triển tới nhường nào thì những người lái đò thầm lặng vẫn là nền tảng cơ bản nhất tạo nên một xã hội lành mạnh và văn minh.

Dù xã hội có phát triển tới nhường nào thì những người lái đò thầm lặng vẫn là nền tảng cơ bản nhất tạo nên một xã hội lành mạnh và văn minh.

Với học sinh, chúng ta có những thang điểm để xếp hạng học sinh khá, giỏi. Còn từ phía giáo viên, từ xưa tới nay hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn quan niệm: Một giáo viên giỏi là người tạo nên nhiều học sinh đạt điểm phẩy thuộc ngưỡng "học sinh giỏi".

Tôi vẫn luôn trăn trở với những khái niệm này. Còn vì sao tôi trăn trở thì xin phép được kể lại câu chuyện cuộc đời mình.

Thời cấp 3, tôi được coi là một trong những thử thách khó nhằn của nền giáo dục Việt Nam. Tôi không hư hỏng, chỉ đơn giản là cảm thấy không chút hào hứng với việc học thuộc lòng và lặp lại y xì để được điểm cao trong sổ.

Đi học với tâm thế đối phó là chính nên không nhiều giáo viên cảm thấy hào hứng với kiểu học sinh như tôi. Với nhiều thầy cô giáo, tôi là một học sinh kém về học lực, dù không quá tệ về mặt hạnh kiểm.

Điểm 9 cho cậu học trò đối phó và sự thức tỉnh của một con người - Ảnh 1.

Học đối phó, lê lết với những điểm số trung bình, đó là tôi thời cấp 3. Ảnh minh hoạ

"Giáo viên", mới đọc 2 từ này lên đã thấy cả một bầu trời mô phạm đè nặng trĩu lên vai. Họ được đào tạo để dạy học sinh cách lấy điểm 10 theo quy chuẩn của Bộ Giáo dục.

Thật ra, với nhận thức còn non nớt của mình, tôi cảm thấy chẳng có vấn đề gì nếu mình mang cái danh "học sinh học lực trung bình" ấy vật vờ đi hết những năm cấp 3. Nhưng vào một ngày – ngày thay đổi cuộc đời tôi: Cô giáo dạy Văn gọi tôi lên phòng Giám hiệu.

Cô đưa cho tôi bài kiểm tra 1 tiết mà tôi làm cách đó 5 ngày. Bài được chấm điểm 9. Điểm số này thật sự nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Thật ra mới 5 ngày trước thôi mà, chưa quá lâu để tôi nhớ rằng, bản thân rõ ràng không làm bài theo quy chuẩn. Tôi chỉ viết theo cảm nhận của mình chứ không trích được ý gì trong tác phẩm, thể hiện rõ ràng tôi gần như không học thuộc lòng tác phẩm đó.

Tôi nghĩ cô thừa biết tôi đang ngạc nhiên. Và cô giải thích: "Đúng là bài viết không trích được bất kỳ dẫn chứng nào trong tác phẩm, thể hiện rõ người viết không hề đọc tác phẩm. Nhưng bài vẫn được chấm điểm cao vì sự đột phá trong tư duy và câu cú rất tốt".

Tôi vẫn nhớ cô đã nhấn mạnh: "Câu văn của anh rất tốt. Ngắn gọn, xúc tích và có chất nữa". Tôi tha thẩn trở về lớp. Trong cái đầu tưởng như rỗng tuếch ấy ngổn ngang những suy nghĩ.

Tôi chợt nhận ra một điều: Một giáo viên giỏi không hẳn là người có nhiều học sinh đạt điểm 9, điểm 10, mà là người tạo ra khát vọng và niềm tin để học sinh của họ tự tìm kiếm thành tích cao trong học tập.

Điểm 9 của ngày hôm đó không thay đổi được học bạ của tôi, nhưng đã thay đổi cuộc đời tôi, thay đổi nhận thức của tôi về những giáo viên chỉ biết mang ra một cái khuôn, nhét học sinh vào đó và tạo ra một nhóm những đứa nhờ nhợ như nhau.

Điểm 9 cho cậu học trò đối phó và sự thức tỉnh của một con người - Ảnh 2.

Bài văn 9 điểm và sự giác ngộ của cậu học trò. Ảnh minh hoạ

Vẫn còn những giáo viên có thể gạt bỏ thành kiến với một học sinh không thiện chí trong việc học, cố gắng tìm một khe cửa hẹp để lách vào tâm hồn của chúng, thắp lên những ngọn lửa từ những nơi tăm tối nhất.

Họ có thể không tạo ra những học sinh giỏi, làm đẹp bảng điểm. Nhưng chắc chắn họ đã tạo ra những công dân có ích cho xã hội. Tôi vẫn cho rằng những giáo viên đưa cho học sinh họ một cái cuốc luôn tốt hơn dẫn họ vào một mảnh vườn.

Hôm nay ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam, cả xã hội dành ra một góc trái tim để nhớ về những người đưa đò thầm lặng. Nhưng tôi nghĩ rằng, 20/11 chỉ là một cột mốc, còn nhớ về những nhà giáo cuộc đời mình, chúng ta dành cả cuộc đời để nhớ.

Theo Thế giới trẻ


thầy giáo

cô giáo

ngày 20-11


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.