Khấn thuê - Dịch vụ "hot" nhất trong mùa thi

Nắm bắt tâm lí mong muốn đỗ đạt của thí sinh và người nhà, hàng loạt dịch vụ tậm linh ăn theo kỳ tuyển sinh đại học lại được mùa “nở rộ” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.


Nắm bắt tâm lí mong muốn đỗ đạt của thí sinh và người nhà, hàng loạt dịch vụ tậm linh ăn theo kỳ tuyển sinh đại học lại được mùa “nở rộ” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
 

Mùa thi đại học cũng là mùa “gặt hái” của những dịch vụ ăn theo thí sinh. Ngay ở một nơi linh thiêng, biểu tượng của đạo học như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, các dịch vụ “tâm linh” dành cho thí sinh được chuộng hơn bao giờ hết.

Khấn thuê "hút" khách

Các thí sinh đến Văn Miếu càng đông, các dịch vụ ăn theo càng kiếm bẫm.

“Hot” nhất có lẽ là dịch vụ khấn thuê. Nhiều phụ huynh đưa con đi thi đại học cho rằng nếu như khấn cúng một cách bài bản, trôi chảy thì điều cầu ước sẽ dễ dàng thành hơn, nên họ gửi gắm tâm nguyện của mình, con cái mình nhờ những người “chuyên nghiệp” kêu thay lạy đỡ.
 
Chính tâm lý này đã là mảnh đất màu mỡ cho một vài người khấn thuê, phục vụ tâm linh cho thí sinh thi đại học “hành nghề” ở Văn Miếu. Nhìn qua, những người phụ nữ này có vẻ là một người đông con nhiều cháu, mỏi miệng khấn cầu cho người thân của mình được đỗ đạt. Có điều, danh sách tên, tuổi, trường dự thi của các thí sinh được ghi trên những trang giấy mỗi lúc một dày thêm.
 
Danh sách "khách hàng".
 
Người khấn thuê lần lượt đọc các thông tin từ tờ giấy này sang tờ giấy khác bằng giọng điệu du dương, trơn tru; chân thoăn thoắt đi từ ban này sang ban khác, đọc vanh vách từng tên người đang ngự trên ngai khu điện thờ. Khấn xong, họ ra ngoài, rồi lát sau lại trở vào với một bản danh sách mới.
 

Những người khấn thuê được gia chủ tin tưởng nhờ gửi ước mơ tới các Thánh.

Cô Giang, (Hải Dương) đưa con trai lên Hà Nội thi Học viện Bưu chính Viễn thông chép miệng: “Thôi thì cũng chẳng đáng là bao, mình không biết khấn thế nào, lại chẳng thuộc tên thuộc tích các ngài, thuê người ta khấn hộ cho nhanh. Thằng bé ở nhà học cũng được, nhưng vẫn phải làm thêm phần tâm linh cho nó nữa!” Một cậu học trò khác ở gần đấy bỗng nhảy cẫng lên, cười tươi như hoa khoe với bạn: “Tao đỗ rồi, đỗ chắc rồi!” Hóa ra, cậu ta vừa được bà khấn thuê động viên rằng các thầy (ý nói Khổng Tử và các học trò – PV) đã nhận lời con rồi, mai nhớ làm bài cẩn thận, đừng ra về sớm, thể nào cũng đỗ !?

Viết sớ cầu đỗ đạt... đắt hàng

Đi kèm với dịch vụ khấn thuê là dịch vụ viết sớ Trạng cầu đỗ đạt. Ngay trong khuôn viên sân Thái Học, phụ huynh các thí sinh chăm chú đọc số báo danh, tên trường, ngày sinh… của con cho người viết sớ với mong muốn có một tờ sớ chi tiết dâng lên thần linh, cầu mong con cái họ thi đỗ, ai cẩn thận hơn thì cầu đỗ cao. Mỗi tờ sớ có giá từ 15.000 – 20.000 đồng. Sớ in sẵn (có nội dung chung chung) hoặc sớ chữ quốc ngữ ít đắt hàng bằng sớ chữ Nho.
 

Sớ Trạng cũng được dịp đắt hàng.

Điều lạ nhất là nếu những người khấn thuê “thoắt ẩn thoắt hiện” thì có tới 5 - 6 điểm viết sớ treo biển công khai, có bàn ghế hoặc có sạp ngồi đĩnh đạc, hoàn toàn không phải kiểu “hàng rong”.

Mấy gian hàng thư pháp trước Đại Thành Môn cũng bị vây kín bởi các thí sinh hào hứng “xin” chữ. Gọi là “xin” bởi ông đồ viết chữ không lấy tiền, nhưng mỗi tờ giấy kèm nẹp được bán với giá 100.000 đồng. Những chữ như “Tài”, “Thành đạt”, “Thành công”, “Đỗ đạt”, “Đăng khoa”… được ưa chuộng hơn cả. Hầu hết thí sinh khi “xin” chữ đều rất vui vẻ như gặp điềm may, đem chữ vào cúng trong Đại Thành Môn.

Và nhiều dịch vụ ăn theo đắt như tôm tươi

Tại các quầy bán đồ lưu niệm, thí sinh và người nhà cũng tập trung vào những vật có ý nghĩa liên quan tới việc đỗ đạt. Những mặt vòng cổ (bằng nhựa) có chữ mang ý nghĩa cầu chúc thi tốt (giá 20.000 đồng), thước kẻ may mắn có trích lời Khổng Tử (15.000 đồng), bút mực (15.000 đồng) và các loại “đồ may mắn” khác cũng bán đắt như tôm tươi.
 
Đủ loại đồ may mắn, từ bút, quạt, dây đeo...
 
Theo quan sát của chúng tôi, hầu như sĩ tử nào đến lễ ở Văn Miếu đều mua một vài món đồ với hy vọng chúng sẽ đem lại may mắn cho mình trong phòng thi.
 
... cho đến thước kẻ và đồ cúng.
Thí sinh này đang "dụ" mẹ mua một chiếc vòng đeo cổ.
 
Cũng phải nói đến những người “nhanh nhẹn” khác đã biết cách lợi dụng tâm lý dễ dãi, muốn làm việc tốt và cả sự ngây thơ của các thí sinh ngoại tỉnh để kiếm tiền, đó là những người bán tăm giả từ thiện.
 
Nhiều thí sinh tưởng lầm những người bán tăm "tình thương" giả...
... là sinh viên tình nguyện làm công tác xã hội.
 
Với chiêu mời mua 3.000 đồng/gói tăm và dụ thí sinh “làm phúc” chừng 20. 000 – 50.000 đồng nữa, hội này đã thu được bộn tiền. Để dễ trà trộn với học sinh nếu bị phát hiện, các đối tượng này thường mặc sơ-mi trắng.
 
Một người trong nhóm bán tăm bị bảo vệ phát hiện.
 
Bãi gửi xe cũng là một “ác mộng” với những thí sinh và phụ huynh đến đây tham quan. Nếu may mắn gửi được xe trong vườn Giám hoặc bên hông khu di tích, họ “chỉ” phải trả 10.000 – 15.000 đồng/xe, nhưng nến gửi ở các bãi gửi xe tự phát dọc vỉa hè phố Văn Miếu, họ sẽ bị “chém đẹp” từ 20.000 - 25.000 đồng/xe.
 

Bãi gửi xe trong di tích cũng tranh thủ vài ngày để "chặt chém".

 
Có thể thấy, các dịch vụ ăn theo những giấc mơ khoa cử của sĩ tử đã nắm bắt đúng “thóp” tâm lý của thí sinh và phụ huynh. Thật đáng buồn là hiện tượng này vẫn chưa bị dẹp bỏ, và đáng buồn hơn là nó lại diễn ra ở chốn thiêng liêng như Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Theo Trí thức trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.