Không rập khuôn khó có 'mưa' học sinh giỏi

Trăn trở với việc làm thế nào để những thế hệ sau này sống thật hơn với cảm xúc, với chính kiến của riêng mình, nhiều độc giả cho rằng: không thể chỉ trách giáo viên, mà đây là lỗi hệ thống.

 Trăn trở với việc làm thế nào để những thế hệ sau này sống thật hơn với cảm xúc, với chính kiến của riêng mình, nhiều độc giả cho rằng: không thể chỉ trách giáo viên, mà đây là lỗi hệ thống.

Ảnh minh họa

Bệnh thành tích

Độc giả Lê Huân cho rằng không chỉ bây giờ mà đã từ rất lâu, từ thời 8x như anh đã có hiện tượng “học thuộc lòng để đi thi còn chép”. “Có điều thời đó thông tin đại chúng không có, nỗi lo cơm áo gạo tiền nặng nên mọi người không chú ý nhiều thôi!”

Cô giáo Bích Hà chia sẻ “đã có lần quăng bút chấm bài vì đọc bài học sinh viết y như nhau”. Cô Hà cho rằng “khi để các em viết chân thực thì phải chấp nhận điểm không cao, giáo viên dạy không giỏi, tỷ lệ học sinh khá giỏi thấp, thành tích của trường kém…. Điều này lại không mấy ai chấp nhận”. Tuy nhiên, cô giáo dạy Văn này vẫn ủng hộ việc dạy HS cách cảm nhận con người, cuộc sống theo cái nhìn riêng của các em.

“Việc cô yêu cầu trò làm theo mẫu sẽ làm méo mó cách nhìn của các em, dạy các em thói giả dối ngay từ bé. Như thế là phản giáo dục, là có tội…” Một độc giả khác đồng tình với ý kiến này. Anh cho rằng nếu chúng ta chỉ đổ lỗi cho giáo viên là hoàn toàn sai, mà phải tìm được đúng bản chất vấn đề.

Một bà mẹ có con học lớp 5 cũng giật mình khi đọc bài văn con tả bố hoàn toàn xa lạ với “bố thật”. Khi yêu cầu cháu viết lại một bài văn khác chân thật hơn thì cháu nói rằng “cô giáo bảo tả như thế mới hay và cả lớp con tả bố như thế, tả thật cô không cho điểm cao” trong khi cô giáo dạy Văn của cháu là giáo viên giỏi, chuyên ôn luyện cho đội tuyển HS giỏi của trường - phụ huynh này cho biết. Chị cho rằng với cách dạy như vậy, chính ngành giáo dục đang dạy các cháu cách nói dối.

Độc giả Hoàng Lân Vũ cũng đồng tình và cho rằng: “Ngay cả thế hệ người lớn chúng ta đã từ lâu nhiễm thói giả dối vào trong câu, chữ, lời nói... Bây giờ nên làm lại từ thế hệ trẻ và người lớn chúng ta phải làm khuôn mẫu mới mong sớm ra ba, bốn thế hệ sau sẽ có lớp người mới trung thực hơn. Trẻ con các nước người ta "hướng dẫn" các cháu suy nghĩ, còn chúng ta thì "bắt buộc" các cháu suy nghĩ nên mới có những chuyện tréo ngoe nêu trên. Cứ mãi như thế thì các cháu lớn lên sẽ suy nghĩ, làm việc như cái máy, khả năng tìm tòi học hỏi kém, không có tư duy độc lập”.

Để trẻ không là máy photocopy?

Nhiều độc giả nêu ví dụ ở các nước phát triển, họ để cho con trẻ nói ra những gì các con biết, các con nghĩ. Còn ở nước ta, trẻ được dạy phải nói những gì tốt đẹp, mượt mà, tránh nói những điều thô kệch, xấu xí cho dù đó có là sự thật.

Độc giả Trần Việt cho rằng Việt Nam nên học cách làm của những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến khác: “Tôi thấy rằng nền giáo dục của các nước phát triển luôn đề cao tính sáng tạo của học sinh. Các cháu được viết những gì các cháu nghĩ và nhìn thấy cuộc sống xung quanh mình, hoàn cảnh, gia đình, cuộc sống...

Từ đó giáo viên hiểu được các cháu đang có cuộc sống như thế nào để có thể hướng dẫn và giúp đỡ các cháu đi đúng con đường. Bên cạnh đó luôn gặp gỡ riêng phụ huynh của từng em để cùng giúp các cháu… Tại sao giáo dục chúng ta không nhìn theo con đường đó để giúp các cháu nhận thức cuộc sống tốt hơn. Ở đây tôi xin không đề cập đến lương của 2 nền giáo dục khác nhau mà nói về sự yêu nghề, yêu học sinh như con”.

Anh Nguyễn Tiến Hùng cho rằng “việc tham khảo văn mẫu là tốt nhưng khi làm một bài văn thì phải biết sàng lọc những ngôn từ, áng văn hay để áp dụng sát với thực tiễn cảm nhận của các cháu; không copy nguyên bản bài văn mẫu…”

Bạn đọc Quỳnh Anh tỏ ra thông cảm với các giáo viên khi phải dạy theo chương trình quy định, “vì chỉ lệch chút ít họ sẽ bị kiểm điểm và kỷ luật”. Độc giả này bất bình trước việc “trẻ chỉ được ca ngợi và không được phép phê phán hay nêu cảm xúc thực của mình. Một điều buồn là giáo viên dạy như những cái máy công nghịêp, chỉ cần không sai, không cần minh họa, không cho phép trao đổi phản biện…”

Chị Hồng Vân chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn viết văn cho con trai và đã thu được những kết quả tốt. “Điều khó nhất là phải tạo được hứng thú cho các cháu với môn học này thông qua đi chơi dã ngoại, xem qua ti vi, báo ảnh… hoặc qua internet để tạo kiến thức cho trẻ. Cha mẹ cũng cần phải chú ý hướng dẫn con cách quan sát phong cảnh, sự vật, con người khi ra ngoài”.

Bên cạnh đó, chị cũng cho con đọc thêm văn mẫu, sách truyện để trẻ học được cách hành văn. Chị cho rằng đây là điều các con không thể tự có được mà phải qua học hỏi.

Theo Vietnamnet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.