Kiến nghị bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ngoài công lập đã họp bàn và kiến nghị Bộ GD&ĐT thực hiện “5 bỏ”, trong đó có bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ từ năm 2015.

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ngoài công lập đã họp bàn và kiến nghị Bộ GD&ĐT thực hiện “5 bỏ”, trong đó có bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ từ năm 2015.

Chiều qua, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ngoài công lập đã họp bàn để góp ý cho dự thảo quy định tuyển sinh ĐH, CĐ. 

Kết thúc cuộc họp, hiệp hội này kiến nghị Bộ GD&ĐT thực hiện “5 bỏ”: bỏ điểm sàn, bỏ thi theo khối, bỏ quy định các trường không được phép sử dụng kết quả thi của trường khác làm căn cứ xét tuyển, bỏ việc bắt các trường phải nộp đề án tuyển sinh, từ năm 2015 bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ.  

Phải tổ chức tốt một kỳ thi quốc gia

Theo GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD&ĐT, không chỉ dư luận xã hội mà ngay cả Bộ GD&ĐT hiện nay hiểu không thật sự chính xác về khái niệm “tự chủ tuyển sinh”. “Tự chủ tuyển sinh” là quyền của trường ĐH, nhưng các trường không nhất thiết phải tổ chức một kỳ thi tuyển sinh.

Hiệp hội các trường đại học - cao đẳng ngoài công lập kiến nghị từ năm 2015 bỏ kỳ
 thi tuyển sinh ĐH, CĐ. ảnh: như ý

“Mỹ là một nước mà quyền tự chủ ĐH rất cao nhưng không có một trường ĐH nào của họ tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh. Tất cả các trường ĐH của Mỹ đều căn cứ vào kết quả thi của hai dịch vụ tuyển sinh là SAT và ACT để tuyển sinh.  

Sở dĩ các trường của họ không tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh bởi nó rất tốn kém, rất khó khăn, đòi hỏi phải có một lực lượng chuyên gia về đánh giá hùng hậu. Các nước khác như Nga, Nhật… cũng không có trường ĐH nào tự tổ chức một kỳ thi tuyển sinh”, ông GS Thiệp nói.        

“Chất lượng giáo dục ĐH quan trọng là ở quá trình chứ không phải ở đầu vào. Do đó, Bộ GD&ĐT không nên “chặn” cửa đầu vào, hãy tạo điều kiện cho những em muốn học được học. Thay vào đó, Bộ nên kiểm soát đầu ra”.

Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng
Hầu hết các thành viên của Hiệp hội có mặt trong cuộc họp đều đồng tình với quan điểm của GS Thiệp. Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng Bộ GD&ĐT nên bỏ ngay khái niệm “kỳ thi tuyển sinh” trong khoản 2 điều 1 dự thảo quy định về tuyển sinh ĐH, thay vào đó bằng khái niệm “kỳ tuyển sinh” với hàm ý không nhất thiết tuyển sinh là phải tổ chức thi. 

“Hiện nay, phần lớn các cơ sở giáo dục ĐH trong đó có cả trường công gặp khó khăn trong việc chuẩn bị đề thi nhưng họ lại hoàn toàn đủ năng lực để thực hiện công việc xét tuyển. Do đó Bộ nên xem việc xét tuyển là phương thức tuyển sinh chủ yếu giúp các trường nhanh chóng thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình”, ông Khuyến đề nghị.

Theo kiến nghị chung của các thành viên Hiệp hội, Bộ GD&ĐT cần công bố ngay quy định quốc gia về trình độ đầu vào tối thiểu của các cơ sở giáo dục ĐH. Việc tuyển như thế nào là dành cho các trường tự quyết và tự công bố công khai, Bộ không nên can thiệp quá sâu như trong dự thảo.

 “Điều cần thiết nhất mà Bộ nên làm hiện nay là nên tập trung vào việc làm sao để tổ chức một kỳ thi quốc gia thật tốt là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phải làm sao cho kết quả kỳ thi này đáng tin cậy để các trường ĐH lấy đó làm căn cứ xét tuyển”, ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội trường ĐH, CĐ ngoài công lập đề nghị.

Bỏ tư duy “điểm sàn”

Ông Đỗ Văn Chừng, nguyên Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD&ĐT – “cha đẻ” của kỳ thi “ba chung” – cho biết khởi thủy “ba chung” không hề có khái niệm “điểm sàn”.

Thậm chí, trong đề án tuyển sinh ĐH theo phương thức “ba chung” Bộ GD&ĐT hồi đó cũng đã bỏ khái niệm “điểm chuẩn” mà dùng khái niệm “điểm xét tuyển” bởi cách gọi thể hiện tư duy của người quản lý về kết quả kỳ thi tuyển sinh.

Tại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013.  Ảnh: Như Ý

“Với đề thi ĐH, chẳng có một căn cứ nào để chứng tỏ phải đạt mức điểm này mức điểm kia thì thí sinh mới đủ khả năng về học lực vào ĐH. Cùng một đề thi, Bộ đưa ra phương án chấm khác nhau thì điểm của một bài thi sẽ khác nhau. Do đó định ra điểm sàn là rất vô lý. Chưa chắc em dưới điểm sàn đã học dốt hơn em trên điểm sàn. Tôi cũng chẳng hiểu việc định điểm sàn kiểu gì mà theo báo cáo của Bộ, năm 2012 cả nước tuyển thiếu 95.000 chỉ tiêu vì không còn nguồn tuyển!”, ông Chừng nói.

Theo các thành viên Hiệp hội, Bộ GD&ĐT quá coi trọng kết quả kỳ thi “ba chung” trong khi chẳng nước nào trên thế giới công nhận kỳ thi này.

Ông Lê Viết Khuyến nói: “Ở các nước tiên tiến, hầu hết học sinh học xong THPT vào ĐH là bình thường. Về mặt nguyên tắc, hễ tốt nghiệp THPT là đủ năng lực học ĐH. Chúng ta cần phải tư duy theo cách ấy. 

Còn việc học sinh tốt nghiệp THPT quá nhiều so với lực tiếp nhận của các trường ĐH nên phải tổ chức thi tuyển gắt gao là do vấn đề phân luồng của chúng ta chưa tốt. Cần phải giải quyết tận gốc, tức là giải quyết vấn đề phân luồng sau THCS”.

Còn ông Đỗ Doãn Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH tư thục Quản lý và Công nghệ Hữu Nghị chia sẻ: “Tôi có hai đứa con đều du học nước ngoài, trong đó có một cháu học ở Mỹ, thì cả hai cháu được xét tuyển vào ĐH mà chẳng cần gì đến kỳ thi “ba chung”. Họ chỉ xét kết quả học phổ thông và kỳ thi tốt nghiệp THPT của các cháu”.

Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho rằng không thể căn cứ vào điểm thi ĐH thí sinh thấp mà cho rằng các em học kém, không đủ năng lực học ĐH. Điểm thi ĐH của các em thấp là do chỉ tiêu ít hơn nhiều so với nhu cầu, người ra đề buộc phải “đánh đố” thí sinh để ít em có thể lọt qua khe cửa trường ĐH. 

Theo Quý Hiên (Tiền Phong)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.