Luyện viết chữ đẹp: cần thiết hay ... vô bổ?

Hè đến, ngoài việc cho con đi học các lớp kỹ năng sống hay các môn năng khiếu, không ít phụ huynh lại tìm lớp “Luyện viết chữ đẹp” cho con em mình, đặc biệt là các bé bậc tiểu học.

Hè đến, ngoài việc cho con đi học các lớp kỹ năng sống hay các môn năng khiếu, không ít phụ huynh lại tìm lớp “Luyện viết chữ đẹp” cho con em mình, đặc biệt là các bé bậc tiểu học. Tuy nhiên, cũng không ít người phản đối việc gò ép trẻ em phải luyện chữ đẹp.

Gần đây, trên Facebook cá nhân của mình, bạn Hoàng Huy – một du học sinh ở Anh đã nêu quan điểm tương tự: “Tớ thì thấy chữ đẹp là một trong những kĩ năng không cần thiết và phí thời gian nhất mà nhiều phụ huynh bây giờ đang ép con theo. Chữ là để đọc, vậy cứ đọc được là pass rồi. Thời gian đấy để đọc sách hoặc vui chơi.....cho đỡ phí tuổi thơ”.


"Nét chữ" có thật là "nết người"?

Vấn đề này tuy không mới nhưng vẫn nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, với những chia sẻ và tranh luận đáng suy ngẫm:

Luyện chữ đẹp là … vô bổ?

Ngày nay, khi mọi giấy tờ đều được văn bản hóa (đánh máy in ra) và việc trao đổi công việc hầu như trên máy tính, điện thoại khiến nhiều độc giả cho rằng việc luyện chữ đẹp là không cần thiết và có phần lỗi thời.

Theo Hoàng Huy, "nói thế này dễ bị các bạn giáo viên tiểu học phản đối, nhưng mình thấy luyện chữ đẹp kiểu luyện gà như hiện nay là một việc vô bổ. Ích lợi cho con chẳng thấy đâu chỉ thấy đó là hội chứng ban đầu cho bệnh nghiện thành tích của một bộ phận phụ huynh Việt…. Nói tóm lại, thế kỉ 21 mà vẫn quá áp lực chuyện chữ đẹp hay không đẹp cũng giống như kiểu tập đi xe đạp khi xung quanh người ta đều đã đi ô tô và trực thăng vậy”.

Tán thành quan điểm trên, một bạn đọc nhân định: “Chỉ cần người viết và người đọc hiểu được ý truyền tải của nhau là được, nếu mất quá nhiều thời gian để luyện chữ thì còn làm được việc gì khác nữa. Ngày xưa các cụ học đơn giản hơn nên mới lấy chữ ra mài, thời nay tiêu chuẩn khác xa không dừng lại ở tiêu chuẩn chữ đẹp nữa!”

Trong một bài báo trên VietNamNet, GS Nguyễn Ngọc Lanh cũng cho rằng: “Thời gian lẽ ra dành cho tập viết như hiện nay (nhất là để thi “chữ đẹp”) liệu có nên dùng để dạy các cháu sử dụng bàn phím? Nhiều phụ huynh đã nhận ra lợi hại”.

Theo GS Lanh, những bài được giải “chữ đẹp” đều có nét chữ na ná như nhau, vì cùng được dạy theo một mẫu, mặc dù internet đã miễn phí rất nhiều mẫu chữ cực đẹp. Điểm nữa là khi phải viết nhanh, những người được giải lại trở về cách viết cố hữu của mình. Chữ là người. Chính do vậy, ta mới có thể “đoán tính cách con người theo nét chữ”. Vậy nên rút ra: nét chữ (để thi) chẳng liên quan gì tới “nết người”, chớ ngộ nhận.

“Tại sao trẻ em Việt Nam cứ phải vung phí tuổi thơ vào những cuộc đua - tuy rất bổ ích cho “thành tích” của một số người, nhưng - vô bổ đối với sự nghiệp tương lai của chính các em? Mà tuổi thọ của dân ta chưa phải quá cao so với các dân tộc khác, để các cháu tiêu tốn quá nhiều thời gian vào việc này”, GS đặt câu hỏi.


Một lớp học luyện viết chữ đẹp

“Luyện chữ đẹp” nên là một môn học tùy chọn

Trái ngược với ý kiến phản đối việc cho trẻ luyện chữ đẹp, có khá nhiều quan điểm cho rằng việc rèn chữ vẫn rất cần thiết vì nó đem lại nhiều lợi ích tốt như rèn tính kiên nhẫn, cần cù, chăm chỉ, cẩn thận hay không luyện để chữ xấu quá dễ gây khó chịu và mất thời gian cho người đọc ...

Trước những ý kiến này, Hoàng Huy tranh luận thêm: "Tôi đang nghĩ là có sự chưa rõ ràng giữa tập viết và luyện chữ. Tập viết thì trẻ em nước nào cũng phải tập cho thành thạo nhưng luyện chữ theo kiểu luyện "gà công nghiệp" như các trung tâm luyện chữ đẹp hiện nay là một hình thức lãng phí thời gian của con trẻ….. Theo tôi, luyện chữ đẹp nên biến thành một môn học tuỳ chọn ở bậc đại học là phù hợp nhất, ai say mê chữ đẹp có thể theo học như sở thích. Ở trường tớ có môn Typography chuyên học và luyện chữ đẹp, ngày xưa ông Steve Jobs cũng đã học môn này và điều đó giúp ích nhiều cho Apple sau này.

Đồng tình với quan điểm trên, một facebooker cho rằng: Với những thứ mang tính nghệ thuật ̣̣̣(đẹp xấu do mắt nhìn) thì không cần gò ép, hãy đưa nó thành môn học kiểu tự chọn thì hơn. Có thể lồng ghép vào các khóa kĩ năng là được rồi. Em nào có hứng thú học thì học, có nhiều em không chịu nổi gò lưng luyện chữ nhưng có những em lại thích tỉ mẩn.

Bên cạnh đó, đa số ý kiến cho rằng việc luyện chữ cho con vẫn cần thiết nhưng chữ viết chỉ cần rõ ràng, dễ đọc là được chứ không nên ép quá tạo áp lực cho trẻ nhỏ. Ngoài giờ học trên lớp, phụ huynh có thể tự rèn luyện thêm cho con ở nhà chứ không cần phải vào lò nào cả để viết được chữ đẹp.

Còn bạn thì sao? Tintuconline mời độc giả chia sẻ ý kiến về vấn đề này bằng cách gửi email tới địa chỉ tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment bên dưới bài viết.

Search trên google, với từ khóa “luyện viết chữ đẹp” lập tức cho 866.000 kết quả, còn với từ khóa “trung tâm luyện viết chữ đẹp” cũng có tới 695.000 kết quả. Điều này chứng tỏ việc luyện viết chữ đẹp vẫn rất được quan tâm với vô số các trung tâm luyện chữ mở ra cho dù cộng đồng ủng hộ hay phản đối.

KA/VietNamnet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.