Món nợ 6.000 đồng và cái tát

Dư luận vẫn chờ đợi câu trả lời từ người có trách nhiệm sau nỗi bàng hoàng bởi chuyện thày “nhỡ tay” rơi bút làm phòi tổ chức nội nhãn mắt học trò hay cô hiệu phó tát học trò lớp 4 chỉ vì… 6.000 đồng.

Dư luận vẫn chờ đợi câu trả lời từ người có trách nhiệm sau nỗi bàng hoàng bởi chuyện thày “nhỡ tay” rơi bút làm phòi tổ chức nội nhãn mắt học trò hay cô hiệu phó tát học trò lớp 4 chỉ vì… 6.000 đồng.

Bạo hành trong môi trường giáo dục đã trở thành vấn nạn, xuất hiện với tần suất không nhỏ và “phân bổ” ở nhiều địa phương. Những clip được tung trên mạng cho thấy hành vi bạo lực ở lứa tuổi học trò đã “nhuốm màu” xã hội đen: cắt tóc, lột quần áo, ‘thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” để tra tấn bạn. Học trò đánh học trò, thày cô giáo đánh học sinh, học sinh đánh thầy cô đã trở thành câu chuyện nhức nhối trong ngành giáo dục.

  

Xin trở lại câu chuyện bạo hành còn nóng hổi mới xảy ra tại một trường mẫu giáo ở huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị. Bé Hồ Thị Uynh (Ba Nang, Đăck Rông) mới 5 tuổi đã bị chấn thương nặng ở mắt phải do vật nhọn xuyên rách giác mạc, phòi tổ chức nội nhãn, nguy cơ mù cao.

 

Bé Uynh cho hay, sau khi bị thày giáo ném bút bi vào mắt, bé khóc kêu đau và thày giáo đã “dỗ” bé bằng 2.000 đồng cho để mua kẹo. BS điều trị cho hay, nguy cơ bé bị mù là rất cao. Người thầy được cho là đã ném bút vào mắt bé giải thích rằng, trong giờ ngủ trưa, các bé ồn ào không chịu ngủ nên thầy đi nhắc nhở, chẳng may bút “rơi” vào mắt bé.

 

Không chỉ gia đình bé Uynh mà dư luận chờ đợi lời nói thật từ thầy giáo Phan Văn Thụn.

 

Câu chuyện đau lòng thứ 2 đang gây bức xúc dư luận, đó là chuyện Hiệu phó trường tiểu học B Bình Nghĩa (Bình Lục, Hà Nam) đã thản nhiên tát cô học trò lớp 4 vì đã nợ 6.000 đồng tiền mua sách bài tập toán ở cửa hàng của cô giáo bán.

 

Theo tường thuật của Báo Giáo dục Thời đại, bé Vân Anh do quên sách ở nhà, sợ bị cô giáo phạt nên đã mua chịu sách bài tập toán ở cửa hàng của nhà cô hiệu phó. Vài hôm sau, vào giờ toán, khi cả thày vào trò đang học thì vị hiệu phó xuất hiện, hỏi cả lớp là học sinh nào đã mua chịu sách.

 

Lứa học trò mới chín tuổi chưa hiểu “đầu xuôi đuôi ngược” thì vị hiệu phó đã nhận ra ngay cô học mua sách chưa trả món nợ 6.000 đồng, lập tức vị hiệu phó xách tai bé và giáng cái tát vào mặt bé Vân Anh trước sự chứng kiến của giáo viên chủ nhiệm và tập thể lớp 4C.

 

Bà ngoại bé Vân Anh nói về hoàn cảnh của cháu: “Có bố cũng như không, mẹ đi làm ăn xa, có nghèo nhưng chúng tôi (ông bà ngoại) cũng không thể bé thiếu thốn - nhất là chuyện học hành. Vì 6.000 đồng mà cô hiệu phó nỡ đánh cháu như vậy”.

 

Dư luận lại thêm sửng sốt khi bé Vân Anh kể rằng, đã hai lần bị cô hiệu phó Nguyễn Thị Hằng gọi lên để viết bản tường trình nội dung không đúng sự thật, cô bé 9 tuổi đã không chấp nhận nói dối. Không mấy học sinh ở lứa tuổi nhi đồng như Vân Anh đã kiên quyết nói không với sự gian trá của người lớn. Vân Anh thật bản lĩnh và đáng khâm phục

 

Không thể không nói lại câu chuyện cũng đã gây hiệu ứng mạnh trong dư luận, đó là tân sinh viên trường Đại học Quy Nhơn - Hồ Công Danh đã bốn năm nuôi người hàng xóm bị bại liệt. Gia đình Danh cũng khó khăn, bố bị tật nguyền, nguồn sống của gia đình trông chờ vào gánh rau của mẹ. Khi Danh đỗ đại học đã mang theo cả người hàng xóm bại liệt ấy từ Quảng Nam vào nhà trọ ở Quy Nhơn để tiện chăm sóc. Thậm chí Danh còn bỏ cả việc luyện thi đại học ở Đà Nẵng, quyết tự ôn ở nhà vì vắng Danh không ai chăm sóc cho người hàng xóm tội nghiệp ấy.

 

Lương tâm con người không thể đánh đổi bằng vật chất, tiền bạc. Chỉ vì món nợ 6.000 đồng của cô học trò nghèo mà cô hiệu phó đã không ngần ngại cho ăn tát và 2.000 đồng để mua kẹo dụ bé Uynh thôi khóc vì đau của thầy giáo Phan Văn Thun và tấm lòng nhân hậu của tân sinh viên Hồ Công Danh là khoảng cách một trời một vực trong cuộc sống của chúng ta hôm nay.

 

Theo Linh Trần

 Lao động



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.