Mượn danh “con nhà người ta”, bố mẹ đang khiến trẻ tự ti?

Đừng bắt hoa hồng phải nở theo giờ, và xin hãy ngừng bắt con trẻ phải lớn nhanh như suy nghĩ của bạn!

Mỗi trẻ một tính cách, một sở trường, thế nhưng nếu bị đuối ở một lĩnh vực nào đó rất nhiều cha mẹ lại sẵn sàng mắng mỏ và đem con ra so sánh với bạn A, bạn B và nhiều khi lại chỉ là một người lạ được cho là giỏi hơn: Con nhà người ta.

Biết rằng phụ huynh so sánh vậy cũng chỉ để mong con mình cố gắng hơn, tiến bộ hơn nhưng nếu không khéo léo để động viên con theo hướng tích cực sẽ khiến con trẻ bị áp lực, tự ti và có cảm giác không được tôn trọng.

Facebook Hoàng Huy có một bài viết rất sâu sắc về thói quen so sánh này của "người lớn". Tintuconline mời độc giả cùng đọc và chia sẻ quan điểm:


So sánh con cái với người khác là thói quen của nhiều cha mẹ Việt (ảnh minh họa)

“CON NHÀ NGƯỜI TA……….”

Có cô em nhắn tin “Anh, cụm từ Con nhà người ta tiếng Anh dịch như thế nào nhỉ?”.

Ngồi cả ngày nghĩ nát óc mình cũng chưa tìm ra được một từ tiếng Anh nào mang nghĩa tương đương với “Con nhà người ta”- cụm từ huyền thoại và luôn được ưa chuộng của các ông bố bà mẹ Việt trong công nghệ nuôi dạy con, mình đành ngậm ngùi kết luận: “Con nhà người ta” chắc là đặc sản của hệ giáo dục gia đình Việt Nam, Tây không có. Rất lạ và rất riêng!

Khi bạn còn nhỏ, chắc là đã quá quen với:

- “Con nhà người ta, cũng ngần ấy tuổi mà biết tự đánh răng, tự xếp chăn màn……
hay

- “Con nhà người ta, cũng ăn cơm ăn canh như thế, mà học hành đâu ra đấy, có mải chơi như con nhà này đâu!!!!!

Lớn hơn chút nữa thì:

- “Con nhà người ta đỗ ĐH A, ĐH B, ĐH C……điểm cao chót vót, đằng này con nhà mình thì………

- “Con nhà người ta đã có vợ có chồng hết rồi, con nhà mình cứ trơ trơ ra…….

Sự xuất hiện của anh A con bác B, hay chị C con chú D – được gọi chung bằng đại từ “con nhà người ta”- được coi là một tất yếu khách quan. Thực ra, cái mà các ông bố bà mẹ Việt sợ nhất không phải là con mình dốt, con mình kém, mà là sợ một mình nó dốt, trong khi xung quanh người ta giỏi hết. Dốt cũng được, nhưng tuyệt đối không được dốt một mình. Thế nên mới có chuyện, ở phương Tây, một học sinh được điểm 4 thì chỉ buồn vì đã trượt nhưng ở Việt Nam, cũng 4 điểm, nhưng buồn vẫn pha lẫn chút vui vì cũng có mấy đứa “con nhà người ta” cũng bị trượt giống mình, và vẫn còn hơn hẳn mấy đứa bị 3-2-1.

Và thế là, nhiều ông bố bà mẹ ở Việt Nam "đeo gông" lên cổ trẻ con, học ngày thường không đủ, phải học cả cuối tuần nữa, để không bị tụt hậu với “con nhà người ta”. Sự so sánh mượn hình ảnh ngáo ộp “con nhà người ta” được nhiều ông bố bà mẹ áp dụng triệt để từ khi đứa con lọt lòng cho đến khi những đứa trẻ đó, 20-30 tuổi, thậm chí còn hơn cả thế nữa.

Bị đem ra so sánh với người khác có thể gây áp lực tâm lý lớn cho trẻ (ảnh minh họa)

Hãy thử nhìn xem, “con nhà người ta” đã giúp được gì cho con của bạn.

“Con nhà người ta” làm con nhà mình bị mặc cảm yếu kém vì bị đem ra làm đối tượng so sánh, từ đó sinh ra tự ti. Bị gặp “con nhà người ta” nhiều trong những bữa cơm gia đình, có thể gây áp lực tâm lý lớn cho trẻ và dẫn đến những tổn thương tinh thần nếu như con nhà mình là một đứa trẻ nhạy cảm. Vâng, không ai thích bị đem ra so sánh với người khác cả- đó là tâm lý nguyên thuỷ của con người. Chắc bạn sẽ không bao giờ muốn nghe thấy con bạn nói rằng “Bố nhà người ta đưa con đi học bằng xe Bentley, bố nhà mình đưa con đi học bằng xe Honda.” hay “Mẹ người ta mua cho con cặp sách xịn, mẹ mình nói con dùng lại cặp sách của anh chị”. Bạn không muốn nghe thấy những điều đó phải không? Vậy thì cũng đừng bắt con bạn gặp “con nhà người ta” trong những lời răn dạy của bạn. Thế đấy!

“Con nhà người ta” lôi kéo con nhà mình vào một cuộc đua tranh mệt mỏi, và không cần thiết. Vì sao phải bắt con thức ngày thức đêm để tập viết chữ đẹp nhất, giải toán nhanh nhất, thậm chí tập thể dục đẹp nhất. Nhiều ông bố luôn ngại quan ngại về “chạy đua vũ trang” của thế giới trên bàn nhậu, nhưng chẳng hề mảy may lo lắng về cơn sóng ngầm “chạy đua giáo dục” trong chính ngôi nhà mình. Thế đấy!

Hội chứng “Con nhà người ta” nếu lây lan trên diện rộng có thể góp phần gây mất cân bằng xã hội. Con nhà người ta học y hàm Tiến sỹ, con nhà bạn cũng học y hàm Tiến sỹ, con nhà bà hàng xóm cũng học y hàm Tiến sỹ và một ngày bạn sẽ thấy ngoài chợ ông Tiến sỹ đang bán rau, bà thạc sỹ đang rao thịt, còn các cô cậu cử nhân đang đợi hết phiên chợ thì vào quét lá. Thế đấy!

“Con nhà người ta từng ấy tuổi đạt học bổng TS Mỹ….. Dạ vâng, thì có sao?

“Con nhà người ta 25 tuổi đã có vợ có chồng, có cháu cho tôi bế……Dạ vâng, thì có sao?

Mỗi người trong chúng ta đều là những giá trị khác biệt không hề trùng lặp trong hơn 7 tỉ người trên thế giới, con cái bạn cũng vậy. Vì sao lại phải là bản sao, phải na ná, phải chạy đua theo một ai đó?


"Con nhà người ta" là ai?

Mỗi con người đều bình đẳng khi được ban tặng một cuộc sống để hít thở, để phiêu du, để khám phá, để buồn để vui, để khổ đau hay hạnh phúc. Vậy nên xin các ông bố bà mẹ Việt đừng quá tham lam mà đòi sống hộ luôn cuộc đời của con mình,  xin hãy trả “con nhà người ta” về cho người ta, để con nhà mình được phát triển tự nhiên nhất theo một nhịp độ riêng.

Và nếu như cần điều gì đó để tiếp thêm động lực cho con cái, thì đó là sự động viên, khích lệ, chia sẻ, khuyên bảo, và dành thời gian cho con mỗi ngày hơn là một sự so sánh xấu xí không nên có mượn danh “con nhà người ta”……..

Đừng bắt hoa hồng phải nở theo giờ, và xin hãy ngừng bắt con trẻ phải lớn nhanh như suy nghĩ của bạn!

Theo Facebook Hoàng Huy

 

Bạn nghĩ gì về thói quen so sánh của cha mẹ Việt? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn về việc này bằng cách comment ở cuối bài hoặc gửi mail đến địa chỉ: tintuconline@vietnamnet.vn


Bình luận