Nghề giáo trở nên... nguy hiểm!

Mỗi khi xảy ra một vụ bạo lực học đường dường như ai cũng quy hết trách nhiệm cho nhà trường, giáo viên. Vậy còn trách nhiệm của gia đình trong việc dạy dỗ con em mình thì ở đâu?

Vụ việc nữ sinh lớp 7 bị nhóm bạn đánh hội đồng, dư luận chưa hết phẫn nộ thì hình thức xử phạt được đưa ra lại một lần nữa khiến cộng đồng bức xúc. Người trực tiếp đánh bạn bị phạt nặng nhất là đuổi học 1 tuần, trong khi các giáo viên bị cho là phải chịu trách nhiệm đình chỉ 1 tháng dạy, thậm chí thầy hiệu trưởng của trường phải xin từ chức.

>> Kết luận xử phạt vụ nữ sinh bị đánh: Dư luận dậy sóng

>>Chia sẻ của phụ huynh những học sinh tham gia đánh bạn

Đa phần ý kiến độc giả phản hồi rằng hình phạt cho các học sinh là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe trong khi đó kỷ luật các thầy cô thì có phần hơi nặng. Có độc giả còn thốt lên rằng “không biết từ bao giờ ở nước mình, nghề dạy học lại thành một nghề... “nguy hiểm..”. Tại sao lại như vậy?

Học trò hành xử "bạo lực" với thầy cô

Nghề giáo luôn được coi là một nghề cao quý bậc nhất trong xã hội. Với truyền thống tôn sư trọng đạo, người thầy luôn nhận được sự kính trọng và biết ơn. Thế nhưng, trong xã hội ngày nay, bất kỳ hành động nào khiến học sinh và phụ huynh phật ý, giáo viên cũng có thể bị đem ra soi xét, thậm chí bị ...xử lý theo kiểu giang hồ. 


Nghề giáo thời nay đã khác xưa?

Việc cô giáo mắng hay xử phạt học sinh nhiều khi chưa kịp mang tính răn đe thì đã bị phản ứng lại một cách quyết liệt. Chưa cần biết rõ ngọn ngành câu chuyện, một số phụ huynh khi nghe con bị phạt ở trường là lập tức phản ứng gay gắt. Nhiều người hành xử theo kiểu xã hội đen, đến gọi thầy cô ra xử lí bằng nắm đấm. Nhẹ hơn thì vào gặp hiệu trưởng mắng chửi cô thậm tệ rồi xin cho con chuyển trường.

Một số thầy cô cho rằng "Yêu cho roi cho vọt", phải kỷ luật nghiêm khắc thì các em mới biết mà sửa sai, tuy nhiên việc làm này lại mang lại hậu quả nghiêm trọng. Điển hình như trường hợp cô giáo Võ Thị Bích Tuyền đã dùng thước bảng đánh vào tay em Thiên (học sinh lớp 2/2 trường tiểu học Tân Lập, TP Nha Trang, Khánh Hòa) do không chép bài trong giờ học làm tay em này bị bầm ngày 27/4/2011. Tuy ngay sau đó, cô Tuyền đã gọi điện thoại cho phụ huynh em Thiên để xin lỗi và mời lên trường trao đổi nhưng cô đã bị phụ huynh em này xông vào tát và có nhiều lời lẽ khó nghe ngay trước mặt các học sinh.

Một đồng nghiệp của cô Tuyền, thầy Nguyễn Bá Bằng bày tỏ: “Rõ ràng cô Tuyền đánh học sinh là sai, sẽ phải bị kỷ luật xử lý nghiêm. Nhưng phụ huynh đánh giáo viên của con mình trước mặt học sinh lại càng sai hơn. Rất phản giáo dục.”

Ngày 24/2/2014, thầy Hoàng Thanh Hải, giáo viên dạy Tin học tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Đăk Đoa, Gia Lai bị học sinh chặn đường đánh vì bị thầy ghi tên em này vào sổ đầu bài. Do giờ kiểm tra các em này không chịu làm bài mà  nghịch ngợm. Thầy Hải hết sức bàng hoàng nói: Một việc quá đỗi bình thường  sao các em có thể manh động như vậy!

Thầy Hoàng Thanh Hải và những vết thương trên mặt sau khi bị học trò chặn đánh

Ngày 17/2/2014 một đoạn video ghi lại cảnh thầy giáo Trần Anh Tuấn tát học sinh và bị các em này đánh lại ngay trên lớp học (tại trường THPT Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định) bị tung lên mạng khiến dư luận xôn xao. Cho dù hành động của thầy Tuấn là không đúng nhưng việc trò đánh lại thầy ngay trước lớp cũng thật đáng lên án.

Ảnh cắt từ clip thầy Trần Anh Tuấn tát học sinh và bị các em này đánh lại

Trò mắc lỗi, thầy cô liên lụy

Sau mỗi sự vụ liên quan đến bạo lực học đường, vai trò trách nhiệm của thầy cô, nhà trường luôn được dư luận quan tâm trước tiên và hình thức xử lí kỉ luật rất nặng nề. Độc giả Hoàng Lê đặt vấn đề: "Tôi có cảm giác cấp trên muốn đưa ra án kỷ luật thật nhanh, thật nặng, bảo vệ học sinh thật nhiều để trấn an dư luận, để khỏi bị báo chí, phụ huynh lên án. Nhưng như thế là hủy hoại lòng nhiệt huyết của những người thầy yêu nghề".

Nữ sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị nhóm bạn đánh hội đồng

Gần đây nhất là vụ nhóm học sinh lớp 7 ở Trà Vinh đánh bạn, nhiều người quy kết lỗi là do giáo viên không quản lý nghiêm, không theo sát và can ngăn các em kịp thời. Thầy hiệu trưởng nhận án kỉ luật bị đình chỉ công tác 1 năm và sau đó lá đơn xin từ chức của thầy đã làm nhiều người phải suy nghĩ.

Hiện nay, đạo đức và lối ứng xử của một bộ phận học sinh đối với thầy cô đang xuống cấp và rất đáng báo động.  Nhưng có vẻ như ai cũng quy hết trách nhiệm cho nhà trường, giáo viên mà quên đi trách nhiệm của gia đình trong việc dạy dỗ con em mình.

Đôi khi một sai lầm nhỏ của các thầy cô bị phát tán lên mạng lập tức bị cộng đồng mổ xẻ, nhiều khi thái quá gây áp lực lớn cho người trong nghề. Phải chăng vì thế nghề làm thầy giáo bây giờ lại trở nên một nghề bấp bênh, nguy hiểm?

Kim Anh (VietNamnet)

Bạn có nghĩ nghề giáo đang trở thành một nghề "nguy hiểm"? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn tới Tintuconline qua địa chỉ email tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết.


Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá thế nào về nghề giáo hiện nay?



Bình luận