Người trong nghề thốt lên “Nhiều giáo viên như hung thần”

Khó để thấy một nụ cười hay ánh mắt thân thiện cho đến cách hành xử bạo lực của nhiều thầy cô giáo, chính người trong nghề đã phải thốt lên “Nhiều giáo viên như hung thần”.

Khó để thấy một nụ cười hay ánh mắt thân thiện cho đến cách hành xử bạo lực của nhiều thầy cô giáo, chính người trong nghề đã phải thốt lên “Nhiều giáo viên như hung thần”.

Toạ đàm “Ứng xử học đường – Nhìn từ phía thầy cô” do báo Thế giới Tiếp thị tổ chức sáng 14/5 đề cập đến vấn đề nóng sốt hiện nay về văn hoá ứng xử học đường – từ góc độ thầy cô giáo.

Bánh xe bạo lực

Nêu ra những tình huống thầy bạo hành học trò với nhiều hình thức về tinh thần, thể chất các giáo viên (GV), nhà giáo dục tham gia buổi toạ đàm thừa nhận trong xót xa rằng tình trạng này không hiếm, nếu không muốn nói là phổ biến. Mắng nhiếc, chửi bới, đánh, phạt, ép học trò phải nói dối, kỳ thị, xưng hô mày - tao… với muôn hình vạn trạng và đau lòng nhất là rất đông GV xem việc đánh, nhục mạ HS là chuyện bình thường, thậm chí là cần thiết.

Học sinh là cái bóng bạo lực của người lớn?
Học sinh là "cái bóng" bạo lực của người lớn?

“Cái sai tồn tại trở thành điều đương nhiên là điều đáng sợ nhất”, ThS giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền (ĐH Sư phạm TPHCM) lo ngại.

Đưa ra một vài trường hợp GV trừng phạt HS bằng cách vào giờ của mình là bắt em đứng dưới lớp lớp không được quay mặt lên, hay cầm sổ liên lạc HS đưa là xé tung giữa lớp, bắt chép phạt 200 lần…cô Nguyễn Thị Thu Hiền (GV Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TPHCM) phải thốt lên: “Bây giờ nhiều GV như “hung thần”. Các em phải hứng chịu toàn bộ áp lực tâm lý từ thầy cô”.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền: Nhiều giáo viên bây giờ như hung thần
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền: "Nhiều giáo viên bây giờ như hung thần"

Chia sẻ với những áp lực của người thầy, ThS Phạm Phúc Thịnh, một khách mời tự do cho rằng, sĩ số lớp, chương trình, thành tích và cuộc sống luôn đặt GV trong tình trạng phải hoàn thành mọi việc trong thời gian ngắn nhất có thể. Áp lực đó, họ đâu biết xả vào ai ngoài…. HS đã tác động đến tương quan thầy trò không còn thân thiện, nếu không muốn nói là trở nên căng thẳng, đối đầu.

ThS Phạm Phúc Thịnh băn khoăn đến cách cư xử chưa văn hoá của một bộ phận nhà giáo
ThS Phạm Phúc Thịnh băn khoăn đến cách cư xử chưa văn hoá của một bộ phận nhà giáo

Nhưng trước thực tế như hiện nay, thầy Thịnh vẫn phải đặt ra câu hỏi: “Liệu ở trường sư phạm có môn đạo đức nghề nghiệp không?”

Với vòng luẩn quẩn GV áp lực “trút” xuống học trò, ThS Phạm Thị Thuý (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) bày tỏ khi HS bị ức chế, dồn nén vì chịu đựng bạo lực thì các em lại đi xả bạo lực vào bạn, không đánh lại thầy cô thì sẽ đi bánh bạn bè. “Bánh xe bạo lực như một vòng quay khủng khiếp”, bà Thuý nói.

Bạo lực được “ưu tiên”?

Chứng kiến hiện tượng thầy bạo hành trò không còn là chuyện đơn lẻ, cá biệt ở một vài trường học, các ý kiến cho rằng rất khó có chuyện hiệu trưởng không biết dường như đó đang mắng chửi, đánh phạt phương pháp được ưu tiên. Cô Nguyễn Thị Thu Hiền băn khoăn khi nhiều hiệu trưởng còn thể hiện thích và ủng hộ việc “mạnh tay” của GV vì nhờ vậy mà “trấn áp” được các em.

ThS Phạm Thị Thuý (bên trái) - người cho rằng bánh xe bạo lực đang như một vòng quay khủng khiếp
ThS Phạm Thị Thuý (bên trái) - người cho rằng bánh xe bạo lực đang như một vòng quay khủng khiếp

ThS Nguyễn Thị Thu Huyền phân tích thêm: “Không thể có chuyện hiệu trưởng không biết nhưng họ làm ngơ vì thấy được hiệu quả trước mắt của bạo lực. Các phương pháp giáo dục khác đòi hỏi nhiều thời gian, hiệu quả chưa thấy được ngay thì việc đánh phạt – chưa cần biết hậu quả về lâu dài thế nào – nhưng ngay lập tức có thể làm trẻ dừng hành vi sai vào lúc đó”.

Bà Phạm Thị Thuý cho rằng, dường như chúng ta đang thất bại trong việc giáo dục học trò bởi các phương pháp khác nên nhiều bố mẹ, GV chọn cách chửi mắng, đánh đập các em nhân danh tình yêu thương. Nhiều người bao biện đánh đập, chửi mắng suốt mà còn không ăn thua thì nói gì đến những cách khác.

Giáo viên nghèo nàn về đời sống tinh thần

Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng giáo dục tiểu học (Sở GD – ĐT TPHCM) băn khoăn ở trường sư phạm, GV đã được chuẩn bị hành trang cho nghề nghiệp như thế nào về tâm hồn, tâm lý, đạo đức, kỹ năng. Nhiều GV đang thiếu đi tâm hồn đẹp, cảm xúc đẹp với chính nghề nghiệp và học trò của mình.

Thầy Lê Ngọc Điệp trăn trở việc bồi đắp đời sống tâm hồn cho nhà giáo
Thầy Lê Ngọc Điệp trăn trở việc bồi đắp đời sống tâm hồn cho nhà giáo

“Hơn ai hết, người thầy cần biết cảm thụ cái đẹp bằng âm nhạc, thể thao, sách vở… Thầy cô ít đọc sách lắm! Trường Sư phạm phải đưa những thứ này vào vào để giúp thầy cô sống đẹp, tâm hồn rộng mở, nhân văn trong cư xử.”, ông Lê Ngọc Điệp đề xuất.

Đồng tình với ý kiến này, cô Nguyễn Thị Thu Hiền trăn trở về việc đời sống tinh thần của GV chúng ta còn rất thiếu thốn. Họ cần được giáo dục toàn diện, nhất là bồi đắp cảm xúc, làm chủ và tiết chế cảm xúc của mình mỗi khi lên lớp để tránh việc trút ức chế lên học trò cũng như cần được tư vấn tâm lý. Có như vậy mới có thể hoàn thiện các mặt tri thức, đạo đức và thể chất cho HS.

Người thầy cần lên tiếng

Tình trạng GV hành xử bạo lực học trò làm nhiều GV bức xúc, theo thầy Lê Ngọc Điệp, chính những GV bức xúc, không đồng tình với bạo lực không được im lặng, họ cần lên tiếng trước về hiện tượng này. Hiệu trưởng sẽ không thể ngồi im được khi nhiều thầy cô cùng lên tiếng.

Theo Hoài Nam/Dân trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.