Nhiều cha mẹ "khủng hoảng" khi con vào lớp 1

Con vào lớp 1, cùng với niềm hạnh phúc chứng kiến sự trưởng thành của con là những nỗi lo lắng, băn khoăn trước một mốc quan trọng của con.

Con vào lớp 1, cùng với niềm hạnh phúc chứng kiến sự trưởng thành của con là những nỗi lo lắng, băn khoăn trước một mốc quan trọng của con.

Trăm nghìn nỗi lo con vào lớp 1

Bước vào lớp 1, các con bước vào một thế giới hoàn toàn mới lạ. Nó không giống những gì các con đã được học, được làm quen suốt những năm học nhà trẻ, mầm non. Sự thay đổi ấy không chỉ tạo cho các con những bỡ ngỡ, lo lắng mà còn tạo những áp lực không nhỏ đối với cha mẹ.

Nỗi lo đầu tiên là những băn khoăn không biết con có thích ứng được với môi trường tiểu học hay không. Bước vào ngôi trường mới như bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Trong thế giới ấy, các con phải tự làm quen với bạn bè, phải vật lộn với những con chữ, con số đầy khô khan.

Chính vì vậy, nhiều bậc phụ huynh sợ con em mình không thể đáp ứng được yêu cầu mới của trường tiểu học. Chị Minh Hương (Hà Nội) tỏ ra vô cùng lo lắng: “Tôi không cho con đi học các lớp “nguồn” vào lớp 1. Vì thế, khi thấy các bạn học cùng lớp của con đều đã biết đọc, biết viết khi vừa vào lớp 1 làm tôi vô cùng lo lắng và hối hận. Không biết con tôi có thể bắt kịp với các bạn trong lớp hay không”.


Con gái chị Hải Anh thích học múa từ bé

Mỗi bậc phụ huynh lại có một nỗi lo khác nhau. Chị Hải Anh (Đống Đa – Hà Nội) cho cô con gái đầu lòng đi học lớp năng khiến múa vừa để giúp cháu tự tin, vừa phù hợp sở thích của cháu. Tuy nhiên, vừa bước vào lớp 1, con chị đã tỏ ra chán nản, mệt mỏi với việc học văn hóa.

Chị Hải Anh không giấu nổi sự lo lắng: “Năm nay, con tôi vào lớp 1 mà tôi lo lắng, mất ăn mất ngủ mấy tháng nay. Con tôi theo học năng khiếu nhảy múa từ khi mới 3 tuổi, thành ra con đam mê lắm nên khi đi học chữ con luôn tỏ ra chán nản, mệt mỏi và... thất vọng. Đến giờ, dù đã đi học thêm được 2 tháng nhưng lần nào mẹ nói chuẩn bị đi học con đều hỏi "học chữ hay học múa mẹ?" và mặt sẽ xị ra nếu tôi nói "đi học chữ". Tôi không biết có phải tâm lý chung do vẫn còn nhỏ, chưa quen với môi trường tiểu học mà con tôi chưa thích đi học không nhưng nếu cứ như này tôi chưa biết phải làm gì để đả thông tư tưởng cho con gái."


Chị Hải Anh rất lo lắng khi con gái chỉ thích học múa mà không thích học văn hóa

Anh Ngô Mạnh Cường lại có một nỗi lo khác. Con trai anh là cậu bé quá hiếu động. Cháu không chịu ngồi yên một chỗ. Vì vậy, anh lo con sẽ trở thành “học sinh cá biệt” trong lớp.

Còn chị Dương Thanh Hương (Nam Từ Liêm – Hà Nội) lại lo lắng vì con trai đầu lòng của mình khá hiền và nhút nhát. Ở mẫu giáo bé đã bị các bạn cùng lớp bắt nạt nên khi chuẩn bị vào lớp 1 gia đình chị rất căng thẳng.

Chị Thanh Hương chia sẻ: "Con trai tôi sinh vào cuối năm 2009 nên cháu hơi non so với các bạn cùng tuổi. Khi đi học mầm non, hôm nào đi học về cháu cũng kể bị bạn này, bạn kia bắt phải làm cái nọ, làm cái kia mà không dám phản ứng lại. Thậm chí nhiều hôm cháu bị bạn đánh, hay nhổ nước bọt vào mặt mà không dám làm gì. Nhiều khi xót con, tôi đã bảo con phải phản ứng mạnh hơn với các bạn, tuy nhiên, con trai tôi vẫn không cải thiện tính nhút nhát của mình.

Không biết mấy hôm nữa vào lớp 1, con tôi sẽ thế nào. Tôi rất sợ cháu bị các bạn ở lớp, ở trường bắt nạt sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cũng như chất lượng học tập của con. Hoặc một ngày nào đó cháu sợ hãi không dám đến lớp thì sao?"


Con trai chị Dương Thanh Hương (áo đỏ) nhút nhát hơn so với các bạn cùng trang lứa

Cần chuẩn bị tâm thế thật tốt cho con

Những lo lắng của các bậc phụ huynh đều hoàn toàn có lý do. Tuy nhiên, sự lo lắng của các bậc phụ huynh có thể tạo một áp lực vô hình cho con em mình. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh thay vì lo lắng, cần tìm hiểu và chuẩn bị những tâm thế thật tốt cho con em mình trước khi bước vào lớp 1.

Việc chuẩn bị tâm lý tốt cho con là yếu tố quan trọng giúp con không còn bỡ ngỡ và lo lắng mỗi khi bước vào lớp học. Các bậc phụ huynh nên “tâm sự” với con về lớp 1, về những háo hức, những niềm hạnh phúc khi học lớp 1. Việc chuẩn bị tâm lý tốt sẽ giúp con em mình tự tin bước vào môi trường mới.

Chị Phương Thảo (Hoàng Hoa Thám - Hà Nội) chia sẻ bí quyết của mình: "Con gái nhà mình năm nay vào lớp 1, bé còn nhiều bỡ ngỡ, lạ lẫm khi bắt đầu làm quen với môi trường mới. Khi còn học mầm non, lại học ở trường tư nên con có thể đi học muộn, lớp rất ít học sinh nên các cô có thời gian chăm sóc, quan tâm đến con nhiều hơn. Ở trường các con chủ yếu vừa học vừa chơi, chưa bị gò bó trong một khuôn khổ, nội quy nhất định nên tâm lý cũng khá thoải mái.

Bước vào môi trường mới, con gái mình chưa quen nên còn nhõng nhẽo bảo không muốn đi học lớp 1, chỉ thích học ở mầm non. Buổi sáng phải dậy sớm hơn để đi ăn sáng và tới lớp cho kịp giờ nên đôi khi hai mẹ con có chút "bất hòa." Tuy nhiên, mình không quá lo lắng về điều này. Bởi đây là tâm lý chung của hầu hết các con khi bắt đầu một môi trường mới.

Để tạo tâm lý vui vẻ cho con khi chuẩn bị bước vào lớp 1 mình thường đưa con đi nhà sách để con tự chọn cặp sách, túi đựng tài liệu và những cây bút chì xinh xắn. Cho con tiếp xúc nhiều với các bạn cùng lứa tuổi hay cuối tuần cho con đi chơi để bé không cảm thấy quá áp lực việc học hành".

Chị Phương Thảo và cô con gái chuẩn bị vào lớp 1

Ngoài những phương pháp trên, trong những ngày đầu đi học, các bậc phụ huynh cần quan đến những diễn biến trong lớp của con. Đặc biệt, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng khi con mình chưa thể viết, đọc trơn tru như các bạn. Thay vào đó, chúng ta nên dành thời gian để cùng học với con. Việc học cùng con giúp chúng ta đánh giá được năng lực của con đồng thời giúp bé cảm thấy việc học không quá đáng sợ.

Nói cách khác, thay vì lo lắng thì tạo cho con em mình niềm vui khi nghĩ đến việc học là điều rất quan trọng mà các bậc cha mẹ nên làm.

 
Thảo Dương/VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.