Phó thủ tướng 'đặt hàng' chuyên gia góp ý đổi mới giáo dục

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phải có cơ chế thực chất, hiệu quả để huy động chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo tham gia đóng góp cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phải có cơ chế thực chất, hiệu quả để huy động chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo tham gia đóng góp cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Sáng 23/12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mời lãnh đạo và các chuyên gia, nhà khoa học của Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Hội Toán học, Hội Sinh học, Hội Địa lý, Hội Sử học, Hội Vật lý, Hội Hóa học… góp ý kiến về đổi mới giáo dục nói chung và thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa nói riêng.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, các bước thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Nghị quyết của Quốc hội đang được khẩn trương thực hiện. Dù tới nay, đề án chưa được cấp kinh phí nhưng để đảm bảo tiến độ, Bộ GD&ĐT đã chủ động những hoạt động chuẩn bị. Bộ đã sớm đưa Dự thảo chương trình tổng thể xin ý kiến rộng rãi.

Ngoài ra, cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc gia và Khung trình độ giáo dục quốc gia đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng quyết định ban hành.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Lê Hiếu.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Lê Hiếu.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đổi mới giáo dục là việc rất hệ trọng, nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên gia, và đông đảo người dân, cũng như toàn xã hội. Vì vậy, việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa mới phải tuân thủ đúng quy trình, có thứ tự ưu tiên và cần được tuyên truyền giải thích, chuẩn bị kỹ lưỡng…, tránh tạo cảm giác theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ”.

Còn GS Nguyễn Minh Thuyết góp ý: “Vấn đề chủ yếu là cách làm. Việc lấy ý kiến phải có cơ chế chính thức làm việc chuyên môn với các hội khoa học. Chúng ta cần những chuyên gia thực sự sâu sát để ngồi bàn nội dung của chương trình, sách giáo khoa mới”.

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT, Bộ GD&ĐT, trước đây, mỗi môn xây dựng chương trình riêng nên không tận dụng được kiến thức liên môn. Nay, với việc xây dựng chương trình mới, chúng ta sẽ tận dụng được ưu thế này. "Trong quá trình giảng dạy tổ hợp từng môn vẫn do từng giáo viên giảng dạy, còn phần chuyên đề chung sẽ sử dụng kiến thức liên môn, được phân công cụ thể cho mỗi giáo viên", ông Chuẩn nói.

Lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến giải trình của Bộ GD&ĐT trước nhiều vấn đề mà các chuyên gia đặt ra, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cám ơn các nhà khoa học, chuyên gia đã luôn tâm huyết, tham gia đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Phó thủ tướng nhấn mạnh, phải có cơ chế thực chất, hiệu quả để huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo tham gia đóng góp cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ông Vũ Đức Đam cũng “đặt hàng” Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam góp ý, tham gia vào dự thảo Cơ cấu Hệ thống Giáo dục quốc gia và Khung trình độ quốc gia mà Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện để trình Thủ tướng ban hành.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.