Tham quan trường mẫu giáo lý tưởng ở Nhật

Tại ngôi trường này ở Tokyo, trẻ con 5 tuổi cũng có thể gây ùn tắc giao thông. Mỗi phòng học đều có cửa sổ để ông già Noel trèo vào.

Tại ngôi trường này ở Tokyo, trẻ con 5 tuổi cũng có thể gây ùn tắc giao thông. Mỗi phòng học đều có cửa sổ để ông già Noel trèo vào.

Trong một bài phát biểu hấp dẫn ở diễn đàn TED, kiến trúc sư Takaharu Tezuka đã dẫn người nghe đi tham quan một trường mầm non đặc biệt – một ngôi trường được thiết kế để giúp trẻ con được sống đúng cuộc sống của các em. Dưới đây là bài phát biểu của ông.

Đây là một trường mẫu giáo mà chúng tôi thiết kế vào năm 2007. Nó có kết cấu vòng tròn. Một kiểu vòng tròn bất tận lên tới đỉnh. Nếu là một phụ huynh, chắc các bạn biết bọn trẻ rất thích chơi trò chạy theo vòng tròn.

Và tại sao chúng tôi lại thiết kế ngôi trường này? Hiệu trường trường có nói với chúng tôi rằng: “Không, tôi không muốn có lan can”. Tôi đã nói: “Không thể được”. Nhưng ông ấy khăng khăng: “Liệu có thể có một tấm lưới đua ra từ mép của tầng mái không? Để nó có thể đỡ bọn trẻ khi chúng nhảy xuống? (Cười lớn). Tôi nói: “Không thể được”.

mầm non, kiến trúc, Nhật Bản, Takaharu Tezuka, TED
Thiết kế vòng tròn

Và tất nhiên, vị hiệu trưởng nói: “Tất nhiên, anh phải có một chiếc lan can”. Nhưng chúng tôi giữ lại ý tưởng đó để thực hiện với những cái cây. Đây là 3 cái cây mọc trồi lên. Và chúng tôi được phép gọi những sợi dây này là lan can. Nhưng tất nhiên, sợi dây này chẳng có ý nghĩa gì với bọn trẻ. Chúng chỉ muốn nhảy xuống cái lưới. Và các bạn có thể thấy ở đây, thêm những cái cây khác, và đây nữa. (Cười lớn).

Đôi khi có tới 40 đứa chơi quanh một cái cây. Cậu bé kia đang ngồi trên cành cây. Cậu bé thích cái cây đến mức đang ăn nó. (Cười lớn).

mầm non, kiến trúc, Nhật Bản, Takaharu Tezuka, TED
Trẻ chơi xung quanh cái cây

Những khi có sự kiện, bọn trẻ ngồi ở mép tầng mái. Nhìn từ dưới lên trông rất đẹp. Giống những con khỉ trong sở thú. (Cười lớn). Đến giờ ăn rồi. (Cười lớn) (Vỗ tay).

Chúng tôi đã thiết kế tầng mái thấp nhất có thể, vì chúng tôi muốn nhìn thấy bọn trẻ khi chúng đang chơi trên mái. Nếu mái quá cao, bạn chỉ nhìn thấy trần thôi.

mầm non, kiến trúc, Nhật Bản, Takaharu Tezuka, TED
Ngồi tầng áp mái

Còn chỗ rửa chân thì sao? Có nhiều loại vòi nước. Bạn có thể nhìn thấy những ống nước có thể điều chỉnh. Bạn có thể phun nước lên người bạn bè… Nhìn kìa, cậu bé kia không phải đang rửa giày mà là vặn nước vào trong giày. (Cười lớn).

Ngôi trường này hoàn toàn mở, hầu hết trong năm. Và không có giới hạn nào giữa bên trong trường và bên ngoài trường. Điều đó có nghĩa là kiến trúc này về cơ bản là một mái nhà. Và cũng không có giới hạn nào giữa các lớp học. Vì thế, cũng không hề có giới hạn nào về âm thanh. Khi bạn đặt nhiều đứa trẻ trong một cái hộp yên ắng, một số trẻ có thể sẽ tỏ ra sợ hãi. Nhưng trong trường mẫu giáo này, không có lý do gì khiến bọn trẻ phải sợ hãi. Bởi vì không hề có ranh giới.

Và ông hiệu trưởng nói rằng nếu cậu bé đang ở góc kia không muốn ở trong phòng thì chúng tôi sẽ để cậu bé ra ngoài. Cậu bé sẽ quay trở lại thôi, vì ngôi trường là một vòng tròn, nó sẽ quay trở lại (Cười lớn).

Trong những trường hợp này, bọn trẻ thường cố ẩn mình ở đâu đó, nhưng ở đây, chúng chỉ còn cách bỏ đi và quay lại. Đó là một quá trình tự nhiên.

mầm non, kiến trúc, Nhật Bản, Takaharu Tezuka, TED

Thứ hai, chúng tôi cũng đánh giá yếu tố tiếng ồn là rất quan trọng. Bạn biết rằng trẻ con thường ngủ say hơn trong môi trường có tiếng ồn, chứ không phải trong không gian yên tĩnh. Và ở ngôi trường này, bọn trẻ cho thấy sự tập trung tuyệt vời trong lớp học. Và bạn biết đấy, chúng ta là loài sinh vật lớn lên trong tiếng ồn. Bọn trẻ cần tiếng ồn. Bạn có thể nói chuyện với bạn bè trong một quán bar ầm ĩ nhưng có thể không trò chuyện được ở chỗ yên tĩnh.

mầm non, kiến trúc, Nhật Bản, Takaharu Tezuka, TED

Như các bạn biết, ngày nay chúng ta đang cố gắng khiến mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát của mình. Bạn nên biết rằng có thể đi trượt tuyết lúc -20 độ vào mùa đông và có thể đi bơi vào mùa hè. Nhiệt độ của cát là 50 độ. Bạn cũng nên biết cơ thể bạn không thấm nước, bạn không bao giờ bị tan chảy trong mưa. Vì thế, bọn trẻ nên được ở ngoài trời để biết những điều đó. Đó là cách mà chúng ta nên đối xử với chúng.

Đây là cách mà chúng chia lớp học. Bọn trẻ được khuyến khích giúp đỡ giáo viên. Thực ra thì chúng chẳng giúp được gì. (Cười lớn).

Tôi không đặt cậu ấy vào đây.

mầm non, kiến trúc, Nhật Bản, Takaharu Tezuka, TED

Một phòng học. Một cái chậu rửa mặt. Chúng nói chuyện với nhau quanh bồn. Luôn có một vài cái cây trong lớp học. Một con khỉ đang cố cho một con khỉ khác bên trên ăn cá. (Cười lớn). Những con khỉ (Cười lớn).

Và mỗi lớp học đều có ít nhất một giếng trời. Đây là nơi ông già Noel đi vào mỗi dịp Giáng Sinh.

Đây là tòa nhà phụ, ngay bên cạnh trường mẫu giáo hình bầu dục. Tòa nhà này chỉ cao 5 mét với 7 tầng. Và tất nhiên, trần nhà rất thấp. Vì thế, bạn phải xem xét đến độ an toàn. Chúng tôi cho con cái học ở đây – một bé trai và một bé gái. Những đứa trẻ này đang cố gắng chui vào trong. Cậu bé bị cộc đầu rồi. Không sao. Sọ rất cứng. Nó có khả năng đàn hồi. Đó là con trai tôi. (Cười lớn). Và thằng bé đang xem xem có đủ an toàn để nhảy xuống không.

mầm non, kiến trúc, Nhật Bản, Takaharu Tezuka, TED

Bạn biết đấy, giao thông ở Tokyo thật khủng khiếp. (Cười lớn). Tài xế phía trước, cô bé cần học cách lái xe. Ngày nay, bọn trẻ cần một chút nguy hiểm.

Và trong trường hợp này, chúng học được cách giúp đỡ người khác. Đó là xã hội. Đây là một cơ hội mà chúng ta đang đánh mất trong thời hiện đại.

Bản vẽ này cho thấy chuyển động của một cậu bé từ 9 giờ 10 phút cho tới 9 giờ 30 phút. Chu vi của tòa nhà này là 183 mét. Và cậu bé này đã di chuyển được 6.000 mét vào buổi sáng. Nhưng điều ngạc nhiên nhất chưa dừng ở đó. Trẻ em ở trường mầm non này di chuyển trung bình 4.000 mét. Những đứa trẻ này có khả năng thể thao cao nhất so với nhiều trường mầm non. Hiệu trưởng nhà trường nói: “Tôi không luyện tập cho chúng. Chúng tôi chỉ thả bọn trẻ lên tầng mái thôi. Giống như những con cừu”. (Cười lớn). Và chúng cứ thế chạy thôi. (Cười).

mầm non, kiến trúc, Nhật Bản, Takaharu Tezuka, TED

Quan điểm của tôi là không kiểm soát bọn trẻ, không bảo vệ chúng quá nhiều. Đôi khi chúng cần phải nhảy nhót. Chúng cần phải bị thương. Và điều đó giúp bọn trẻ học được cách sống trong thế giới này. Tôi nghĩ rằng kiến trúc có thể làm thay đổi thế giới và cuộc sống của con người. Và đây là một trong những nỗ lực để thay đổi cuộc sống của bọn trẻ.

Cảm ơn các bạn rất nhiều.

(Vỗ tay)

Kiến trúc sư Takaharu Tezuka là tác giả của những thiết kế linh hoạt và đòi hỏi nhiều trí tưởng tượng. Ông Takaharu và vợ là bà Yui đã thành lập công ty thiết kế Tezuka Architects. Họ cùng nhau xây dựng những ngôi trường tập trung vào cây xanh, khu vui chơi thiết kế từ các dầm gỗ kết hợp với nhau. Họ thiết kế những bệnh viện có không gian và ánh sáng vui vẻ để giúp tạo tinh thần lạc quan cho bệnh nhân. Từ khi thành lập công ty vào năm 1994, ông Tezuka và nhóm của mình đã thiết kế nhiều tòa nhà với những bức tường và cửa sổ được đưa vào cuộc sống thực sự – sống động và nghệ thuật hơn.


Theo Nguyễn Thảo (dịch từ TED)/VietNamnet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.