Thanh Hóa: Cho giáo viên 'chạy xô' để trường học đạt chuẩn

Trước áp lực phải đạt trường chuẩn quốc gia, ngành giáo dục huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã phải cho giáo viên "chạy xô" để trường học đạt chuẩn

Trước áp lực phải đạt trường chuẩn quốc gia, ngành giáo dục huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã phải cho giáo viên "chạy xô" để trường học đạt chuẩn.

Không đủ giáo viên tiếng Anh đứng lớp nhưng trước áp lực phải đạt trường chuẩn quốc gia, lãnh đạo ngành giáo dục huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã phải dùng "hạ sách" là cho giáo viên “chạy xô” đến các trường chưa chuẩn dạy để đủ điều kiện được công nhận trường chuẩn, xong thì tiếp tục luân chuyển đến trường khác chưa chuẩn để dạy và tiếp tục đạt chuẩn.

Sau nhiều năm áp dụng hạ sách này, đến nay, huyện Nông Cống chỉ còn duy nhất một trường tiểu học chưa đạt chuẩn, thế nhưng trớ trêu là hàng loạt các trường đã đạt chuẩn giờ học sinh không được học tiếng Anh, gây bức xúc trong phụ huynh và dư luận.

Thanh Hóa: Cho giáo viên chạy xô để trường học đạt chuẩn-1Trường tiểu học Yên Mỹ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, huyện Nông Cống hiện có 67 giáo viên tiếng Anh. Số giáo viên được bố trí đủ cho các trường THCS và bổ túc, riêng đối với khối tiểu học thì toàn huyện có 35 trường, nhưng chỉ mới có 24 trường được bố trí giáo viên tiếng Anh, còn lại 11 trường "trắng" giáo viên tiếng Anh. Trong số 11 trường này, có tới 10 trường đã được công nhận chuẩn quốc gia.

Theo quy định, để đạt chuẩn bắt buộc phải có đầy đủ giáo viên đặc thù (trong đó có tiếng Anh).

Thầy Trần Thế Định - hiệu trưởng trường tiểu học Công Bình - thừa nhận năm học 2017-2018, để được công nhận trường chuẩn quốc gia giai đoạn 1, huyện có điều động một giáo viên ở nơi khác về dạy thời gian ngắn. Sau đó, trường được công nhận chuẩn xong thì cô giáo tiếng Anh cũng rút đi trong sự ngỡ ngàng của thầy trò và phụ huynh nhà trường.

"Vẫn biết rằng giữa miền xuôi và giữa thời đại này, việc học sinh không được học tiếng Anh là vô cùng thiệt thòi nhưng chúng tôi cũng không biết làm sao hơn. Năm nào nhà trường cũng có ý kiến lên huyện để xin giáo viên nhưng huyện nói không có chỉ tiêu được tuyển", thầy Thế Định bày tỏ.

Con em không được học tiếng Anh, nhiều lần phụ huynh đến đề nghị nhà trường hợp đồng giáo viên về dạy rồi họ đóng tiền nhưng không được. Không còn cách nào khác họ phải chấp nhận vất vả đưa các cháu đi học tại các trung tâm tiếng Anh cách nhà hàng chục cây số.

Thừa nhận tình trạng này và cũng lo lắng vì học sinh không được tiếp học tiếng Anh, ông Vũ Xuân Tin - phó hiệu trưởng trường tiểu học Yên Mỹ, trường tiểu học duy nhất trên địa bàn chưa đạt chuẩn - cho biết nhiều lần phụ huynh đến đề nghị nhà trường hợp đồng giáo viên về dạy rồi họ đóng tiền nhưng do quy định không được nên trường không dám chấp nhận. Vì là trường đang xây dựng chuẩn nên kiểu gì cũng được bố trí nhưng thầy trò cũng lo lắng sau khi đạt chuẩn thì giáo viên tiếng Anh lại cũng rút thôi.

“Hiện nay, học sinh của trường chưa được học tiếng Anh nhưng chúng tôi đang xây dựng trường chuẩn. Vừa rồi, trường cũng đề nghị huyện, phòng xây dựng trường chuẩn là phải thêm giáo viên tiếng Anh, nhưng việc thiếu này là do tình trạng chung của toàn tỉnh”, ông Vũ Xuân Tin nói.

Trả lời về việc quy định các trường chuẩn học sinh phải được học tiếng Anh thế nhưng trên địa bàn huyện Nông Cống rất nhiều trường chuẩn nhưng không có giáo viên tiếng Anh, ông Nguyễn Văn Bình - trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Nông Cống - thẳng thắn thừa nhận: “Đó là do áp lực. Trước khi làm chuẩn quốc gia cho trường nào đó, huyện phải làm phương án đưa giáo viên tiếng Anh ở các trường khác về tăng cường để cho trường đạt chuẩn, sau khi trường đạt chuẩn lại rút đi.

Chúng tôi biết làm thế này là không đúng nhưng "lực bất tòng tâm", không còn cách nào khác. Nếu trường không đạt chuẩn thì mục tiêu nông thôn mới của các địa phương cũng không thực hiện được".

Hàng loạt các trường học không có giáo viên dạy tiếng Anh, nhưng quy định thi vào lớp 10 môn tiếng Anh lại là môn bắt buộc, và nhất là trong thời đại 4.0, đổi mới giáo dục theo hướng mở, phụ huynh ở huyện Nông Cống lo lắng con em họ sẽ đi về đâu trước ngưỡng cửa này. Thiết nghĩ việc đổi mới giáo dục phải bắt đầu bằng thực học chứ không thể lý thuyết suông được.

Chúng tôi cũng xin được thông tin thêm là, năm học 2017-2018, tỉnh Thanh Hóa thiếu tới 258 giáo viên tiếng Anh, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi và một số huyện đồng bằng như Quảng Xương, Hoằng Hóa, Nông Cống. Bên cạnh tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh thì câu chuyện công nhận trường chuẩn ở Thanh Hóa cũng đang bộc lộ rất nhiều lãng phí, bất cập.

Theo Zing


trường học đạt chuẩn

giáo viên

Thanh Hóa


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.