Tiếng Anh thiếu nhi: Phương pháp trụ cột trong dạy và học

Để việc dạy và học tiếng Anh hiệu quả, trước tiên cần có cách tiếp cận đúng đắn, xây dựng một chương trình chuyên sâu thích hợp và sau nữa cần có đội ngũ giáo viên đủ năng lực chuyên môn.

Dạy và học tiếng Anh hiện nay thường theo phương pháp làm bài tập ngữ pháp phức tạp và cứng nhắc tới mức không cần thiết. Đã đến lúc cần áp dụng các thành tựu ở nước ngoài để cải thiện hiệu quả dạy và học tiếng Anh.

>>Tiếng Anh thiếu nhi: Mục tiêu đúng sẽ có nhiều tài năng
>>Dạy trẻ tiếng Anh: Nếu bạn không giỏi, hãy tự tin học cùng con!

Xin tóm lược một số phương pháp đã được chứng minh là mang lại hiệu quả thực tế.

Học và dạy theo nội dung được tích hợp vào ngôn ngữ (Content Language Integrated Learning)

Các nội dung tích hợp vào là các chủ đề và lĩnh vực về xã hội, cuộc sống xung quanh các bé. Phương Tây và Nhật Bản gọi chung là Social Studies (nghiên cứu xã hội).

Các bé hoàn toàn có thể học tiếng Anh theo kiểu/nội dung của trẻ em ở Anh và Mỹ

Tôi xin đề xuất việc đưa sách Social Studies vào việc dạy tiếng Anh cho thiếu nhi Việt Nam bởi tính hấp dẫn, gần gũi và hiệu quả không ngờ của ngôn ngữ được viết và sử dụng trong sách của Mỹ viết cho trẻ em bản xứ ở đó. Học thẳng bằng sách của nước ngoài tức là chúng ta dạy trẻ ngôn ngữ theo phương pháp cho các em được “tắm” trong ngôn ngữ: hiểu và ngấm ngôn ngữ qua kiến thức và văn cảnh chứ không học từ vựng đơn lẻ.

Tiếp đến là các môn khoa học thường thức cho thiếu nhi bằng tiếng Anh.

Qua đó hiểu biết của các bé được xây dựng bằng tiếng Anh, các bé có được một lượng từ vựng cực kì phong phú và sâu rộng. Việc đọc sách bằng tiếng Anh là một kĩ năng được xây dựng chính từ các nội dung học như trên.

Học qua các câu chuyện dành cho thiếu nhi bản xứ (Storytelling)

Đây là một nội dung không thể bỏ qua. Nếu chúng ta chờ cho các bé học tiếng Anh tới mức để có thể hiểu được hoàn toàn các câu chuyện mà trẻ em bản xứ đọc và học thì các bé đã lớn vượt qua rất nhiều về độ tuổi và tâm lý mà các câu chuyện đó được viết và thiết kế cho. Sự chênh về tuổi tác và tâm lý lứa tuổi khiến cho việc học theo kiểu chờ đợi tiếng Anh đủ giỏi đó sẽ làm cho việc học tiếng Anh của các bé trở nên nhàm chán vô cùng.


Học thẳng bằng sách của nước ngoài tức là chúng ta dạy trẻ hiểu và ngấm ngôn ngữ qua kiến thức và văn cảnh chứ không học từ vựng đơn lẻ.

Lợi ích sâu xa của Storytelling là hình thành cho các bé tư duy cảm xúc và hội thoại theo đúng cách của người bản xứ và theo đúng tâm lý lứa tuổi. Đọc truyện bằng tiếng Anh chỉ là một bước phát triển tiếp sau của phương pháp Storytelling.

Khi chúng tôi đưa câu chuyện The Giving Tree (dài khoảng 2 trang A4) vào giảng dạy tiếng Anh chuyên sâu cho lứa tuổi 6-8 thì thật kinh ngạc là các bé với nền tảng tiếng Anh còn rất hạn chế đã đón nhận và hiểu câu chuyện này một cách nhanh chóng và hết sức tự nhiên.

Chính vì thế, tôi cho rằng các bé hoàn toàn có thể học tiếng Anh theo kiểu/nội dung của trẻ em ở Anh và Mỹ miễn là chúng ta dạy và học tiếng Anh đúng cách. Qua đó, tôi cũng mới hiểu tại sao một câu chuyện tiếng Anh thiếu nhi như The Giving Tree lại trở thành thứ kinh điển trên thế giới trong suốt 50 năm qua kể từ khi câu chuyện này ra đời.


Hát tiếng Anh (Singing Songs)

Đây là một nội dung đầy thú vị và mang lại cho các bé niềm hạnh phúc vô bờ trong việc học tiếng Anh. Phát âm hay của bé được hình thành một cách tự nhiên và đặc biệt  hiệu quả trong ghi nhớ kiểu học thuộc lòng. Một cách học hiệu quả mà không hề có áp lực.

Tóm lại: Để việc dạy và học tiếng Anh hiệu quả, trước tiên cần có cách tiếp cận đúng đắn, xây dựng một chương trình chuyên sâu thích hợp và sau nữa cần có đội ngũ giáo viên đủ năng lực chuyên môn.

Nếu chỉ có các giáo viên dạy các bài tập ngữ pháp trong trường phổ thông mà không giỏi về ngữ âm và các kỹ năng thực hành; nếu chỉ có các giáo viên gọi là bản ngữ nhưng thực chất là “Tây ba lô” thì chắc chắn trẻ chỉ có được thứ tiếng Anh nửa vời không đầu không cuối như hiện nay.

Tham khảo bài viết Tiếng Anh thiếu nhi: Mục tiêu đúng sẽ có nhiều tài năng

Nguyễn Tuấn Hải/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.