Toán tiểu học nâng cao như con dao hai lưỡi

Đó là ý kiến của thủ khoa đầu ra Đại học Khoa học Tự nhiên Đỗ Duy Hiếu (hiện công tác tại Viện Toán học), sau khi bài Toán lớp 3 ở Lâm Đồng thách thức cả thủ khoa, tiến sĩ.

Đó là ý kiến của thủ khoa đầu ra Đại học Khoa học Tự nhiên Đỗ Duy Hiếu (hiện công tác tại Viện Toán học), sau khi bài Toán lớp 3 ở Lâm Đồng thách thức cả thủ khoa, tiến sĩ.

Gần đây, phong trào ra đề toán khó nở rộ trên các diễn đàn toán Tiểu học, trong đề thi vào lớp 6 trường chuyên, lớp chọn. Bài toán lớp 3 làm khó cả tiến sĩ, thủ khoa cũng giống vô số những bài tập khác ở trên diễn đàn Toán dành cho tiểu học. Nếu coi đó là những đề bài dành cho giáo viên, phụ huynh giải trí thì được, còn nếu cho học sinh tiểu làm thì không phù hợp.

Toán tiểu học nâng cao như con dao hai lưỡi

Đối với một số ít học sinh có khả năng đặc biệt, việc học Toán cơ bản và Toán nâng cao ở một mức vừa phải sẽ sớm làm các em cảm thấy nhàm chán, vô vị. Khi đó, việc tìm tòi bài toán ở mức độ cao hơn là cần thiết. Nhưng, số học sinh như vậy rất ít, có lẽ hàng trăm em chỉ có vài ba em.

Tuy nhiên, những chương trình chỉ dành riêng cho học sinh có khả năng đặc biệt như vậy đang được áp dụng để giảng dạy tràn lan trên diện rộng. Thậm chí, nhiều vấn đề Toán học không phù hợp lứa tuổi của học sinh tiểu học.

Có thể nói tình trạng hiện nay là người người tham khảo, nhà nhà cho con đi học Toán nâng cao, mặc dù con mình chỉ ở mức độ khá. Thậm chí, cả học sinh trung bình, phụ huynh cũng yêu cầu phải học… Toán nâng cao cho bằng được.

Theo cá nhân tôi, học Toán nâng cao là rất tốt, nó buộc học sinh phải vận dụng tư duy ở mức độ cao hơn các bài toán thông thường, sử dụng trí tưởng tượng, trực quan… để giải quyết. Từ đó sẽ phát triển được khả năng của học sinh. Tuy nhiên, chương trình phải phù hợp khả năng của học sinh, chứ không phải bất cứ học sinh nào cứ học nâng cao là tốt.

Những bài Toán đến mức tiến sĩ Toán học cũng không giải được để cho học sinh lớp 3 làm không phải dạy Toán nâng cao mà là đánh đố.

Bắt học sinh thuộc hết dạng toán này đến công thức nọ để giải bằng được các bài toán khó không phải giảng dạy, mà là luyện gà. Tuy nhiên, vì nhu cầu của xã hội, vì mong muốn cho con được học ở môi trường tốt, không ít phụ huynh vẫn bắt trẻ học, khiến cho không ít giáo viên đành lòng phải dạy theo. Như vậy, việc cấm thi tuyển vào lớp 6, nếu xét ở một khía cạnh nào đó, vẫn có mặt tốt.

Theo tôi, Toán nâng cao giống như con dao 2 lưỡi, nếu không dạy đúng cách, hoặc áp dụng không đúng đối tượng sẽ phản tác dụng.

Cụ thể như sau:

Sợ học: Tác hại đầu tiên mà ai cũng có thể thấy đó là việc học nâng cao quá sức sẽ khiến học sinh sợ Toán.

Mất tư duy, sáng tạo: Khi học thứ gì đó quá nhiều, luyện đi luyện lại nhiều lần một vài dạng, học sinh sẽ trở thành một cái máy, cứ gặp dạng là ghép công thức, lao vào thực hiện theo những bước đã được giáo viên cung cấp. Như vậy dần dần sẽ làm mất tư duy, sáng tạo của các em.

Ngại tiếp thu cái mới: Chúng ta hãy hình dung, một học sinh cấp một đã được trang bị các phương pháp của tiểu học để giải thành thạo khá nhiều dạng Toán của THCS. Đến bậc THCS lại gặp lại các dạng Toán đó nhưng với phương pháp giải quyết cao cấp hơn. Vì học sinh đã biết cách giải nên thường sẽ ngại đón nhận kiến thức mới để giải quyết vấn đề mình đã giải quyết được.

Bắt não làm việc quá sức: Chúng ta hãy hình dung bộ não của trẻ cũng giống như thể lực, đang trong thời kỳ phát triển. Nếu chúng ta bắt trẻ em làm việc quá sức, chúng sẽ bị suy kiệt sức khỏe, còi cọc, hạn chế trong sự phát triển sau này. Có lẽ bộ não của trẻ em cũng vậy. Tôi đã gặp không ít trường hợp tự kỉ, mất khả năng linh hoạt trong cuộc sống vì học quá sức từ bé.

Như vậy, cha mẹ cho con đi học Toán nâng cao, cần phải theo học lớp có trình độ phù hợp khả năng của con mình. Nhưng cũng không vì thế mà học sinh ỉ lại, luôn mong muốn làm những bài toán quá dễ dàng dẫn đến việc học không khác chép chính tả.

Hy vọng rằng những ai đang là giáo viên hãy hiểu năng lực học sinh của mình và lựa chọn chương trình phù hợp để giúp các con ngày càng yêu thích học Toán, có thể phát triển khả nằng tu duy tốt nhất.

Theo tôi, điều quan trọng nhất của giáo viên là truyền đam mê, phát triển tư duy của trẻ, chứ không phải cố gắng tìm kiếm những bài toán thật khó cho học sinh làm. Càng không phải nhồi nhét nhiều dạng Toán nâng cao.

Đỗ Duy Hiếu (sinh năm 1987) được biết đến với câu chuyện đời như cổ tích. Anh vươn lên từ đôi nạng gỗ, trở thành thủ khoa đầu ra Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2013.

Duy Hiếu từng được vinh danh gương mặt trẻ tiêu biểu Đại học Quốc gia 2013, giải nhất tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2013.

Hiện anh làm việc tại Viện Toán học. Anh cũng là người sáng lập trang học Toán tiểu học online Toanhoc24/7.

Theo Đỗ Duy Hiếu (Viện Toán học)/Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.