Tôi không cho con đi học thêm!

Hàng xóm quanh khu tôi ở, nhà nào cũng cho con đi học thêm, chỉ có con tôi là không đi học thêm. Quan điểm của tôi là con tôi học cấp 1 không cớ gì phải học thêm hết.

Hàng xóm quanh khu tôi ở, nhà nào cũng cho con đi học thêm, chỉ có con tôi là không đi học thêm. Quan điểm của tôi là con tôi học cấp 1 không cớ gì phải học thêm hết. Thời gian đấy tôi cho con vui chơi, đùa nghịch, giao vài việc nhà cho con làm…

Câu chuyện "luẩn quẩn học thêm" là một chuyện biết rồi - khổ lắm - nói mãi. Vấn nạn này xảy ra thường xuyên liên tục và kéo dài nhất là ở các đô thị lớn. Tôi có người chị họ làm giáo viên ở Mỹ Đình (Hà Nội), chị bảo khu này dân cư được đền bù đất cát lắm tiền, bố mẹ mải buôn bán nên cho con đi học thêm suốt ngày. Không học thêm sao được, ruộng đất thì hết rồi, chỉ còn phấn đấu học hành để sau này kiếm nghề nghiệp chứ. Thế là không ai bảo ai, cuộc chạy đua trường lớp cứ diễn ra sôi sục như trên mặt trận vậy. Tôi là người cũng hay lắng nghe, hay bàn luận cùng đồng nghiệp những vấn đề “nhạy cảm” ở trường học: từ dạy thêm, học thêm đến chạy trường chạy lớp. Cô bạn làm cùng tôi thầm thì to nhỏ chuyện chị họ làm giảng viên trường cao đẳng nghề cũng tìm mọi cách chạy cho con một suất vào trường điểm mất mấy chục triệu. Các trí thức còn lo xa thế huống hồ các bậc phụ huynh làm công nhân hay lao động phổ thông.

Tôi ngẫm cứ chỗ nào dân cư tập trung đông đúc và sầm uất thì chỗ đó học sinh càng được bố mẹ thúc ép đi học thêm nhiều với tâm lý càng nhiều càng tốt, con càng giỏi giang. Càng xa trung tâm thì các em càng có cơ hội được vui chơi đúng nghĩa với độ tuổi, vừa học vừa chơi, các em biết phụ giúp bố mẹ việc nhà cửa, bếp núc.

Hàng xóm quanh khu tôi ở, nhà nào cũng cho con đi học thêm, ít nhất là tiếng Anh, có điều kiện thì học thêm Toán - Tiếng Việt ở nhà cô chủ nhiệm, gia đình có điều kiện tốt hơn nữa thì cho con học thêm năng khiếu dưới trung tâm thị trấn. Có nhà kinh tế eo hẹp nhưng người mẹ thì quyết tâm cao độ "thiếu ăn nhưng không thể thiếu học thêm". Chị cho con học thêm tiếng Anh từ hè, học thêm Toán - Tiếng Việt ở nhà cô chủ nhiệm. Tiền học thêm không đóng theo tháng mà để hết năm thanh toán luôn một thể.


(Minh họa: Ngọc Diệp)
Minh họa: Ngọc Diệp

Cô bạn gần nhà tôi thì cả buổi kì cạch nhận việc thủ công về làm được vài chục ngàn cũng bắt con đi học thêm. Chả hiểu học gì mà lắm thế, các cháu đều đang học tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5, không một cháu nào không đi học thêm môn gì đó. Tôi có cô bạn đồng nghiệp, con gái học lớp 4 hơi hiếu động, học thiếu tập trung trong lớp, cháu mấy năm liền chưa lần nào đạt học sinh giỏi. Cô bạn thường nói về con gái với giọng điệu cay cú, bực tức "Nó sau này chỉ có làm ruộng, bán rau". Con bé thể lực kém, bé nhỏ, ăn uống chậm chạp. Ấy thế mà vì quyết tâm con phải học tốt, cô bạn tôi cho con đi học thêm suốt các buổi tối trong tuần, 2 ngày thứ 7, chủ nhật còn đi học thêm tiếng Anh nữa. Nhìn con bé gầy gò, mặt mũi bần thần, luôn bị mẹ quát ngồi vào bàn học, tôi xót ruột có khuyên bạn vài câu nhưng bạn gạt ngay: “Không học thêm thế thì để con dốt nát mãi à?”

Ở xóm ấy chỉ có con tôi không đi học thêm. Tôi từng bị áp lực nặng nề khi cô giáo thường nhận xét con tôi học hành thiếu tập trung, kém, chậm hơn các bạn trong lớp. Tôi dành nhiều thời gian kèm cặp con, có giai đoạn tuần nào con tôi cũng phải viết kiểm điểm vì một tội nói chuyện riêng trong lớp. Tôi từng nghĩ cô giáo không công bằng với con mình. Nhưng rồi như có một sự chịu đựng thành quen, tôi hướng dẫn con viết kiểm điểm nhiều đến nỗi con thuộc cả nội dung lẫn cách trình bày. Những bài tập trong tuần cô giao có thể con chưa hoàn thành tốt như các bạn, tôi cùng con ôn lại. Tôi không đặt nặng vấn đề điểm cao, miễn rèn cho con ý thức tự giác học. Tôi nhận thấy ở bậc tiểu học, quá trình học bài tập nâng cao nhưng khi thi học kì thì toàn dạng bài cơ bản. Tôi ôn luyện cùng con khoảng nửa tháng là con có thể làm tốt bài học kì. Tôi từng có quan điểm, kể cả con có là học sinh tiên tiến cũng không vấn đề gì.

Mọi người thường cho rằng tôi quá bảo thủ vì nếu không được 5 năm học sinh giỏi tiểu học thì lúc xét tuyển vào lớp 6 sẽ bị xuống lớp vét.Tôi lại nghĩ khác. Tôi từng chứng kiến cảnh vài cô đồng nghiệp suốt ngày sốt sắng việc cho con học thêm, “chăm sóc” thầy cô chu đáo ngày lễ tết và quả thực con họ cũng đạt 9 năm học sinh giỏi. Nhưng lên cấp 3 thì đến danh hiệu học sinh tiên tiến cũng không đạt.

Cấp 1 về cơ bản kiến thức không có gì cao siêu cả. Bố mẹ chỉ cần đầu tư chút thời gian là có thể hướng dẫn con học tốt, không phải suốt ngày đưa đón con học thêm. Tôi không quá quan tâm đến thái độ của cô giáo khi con tôi chưa từng tới lớp cô dạy thêm tại nhà. Thế nên những lời cô chê trách con này kia, tôi lắng nghe và tự uốn nắn để con ngoan ngoãn hơn.

Có mấy ai “bình chân” như tôi đâu, tôi nói thẳng quan điểm là con tôi học cấp 1 không cớ gì phải học thêm hết. Lương công nhân của tôi không dư dả gì để đầu tư chuyện học thêm chả đâu vào đâu, vẫn chỉ nhắc đi nhắc lại kiến thức cơ bản, thời gian đấy tôi cho con vui chơi, đùa nghịch, giao vài việc nhà cho con làm. Và tôi chưa từng lăn tăn, lo lắng với việc “con không học thêm thì không giỏi” như mọi người suy tính.

Mỹ Đức (Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.