Trường THPT Bình Phú, quận 6: Những nội dung GV tố cáo đều đúng.

Báo Phụ Nữ ngày 5/12/2014 và 10/12/2014 có đăng bài “Trường THPT Bình Phú (Q.6, TP.HCM): Học phí buổi hai - Chi vô tội vạ” và bài “Những bản báo cáo tài chính sai lệch nghiêm trọng ở Trường THPT Bình Phú”.

Ngày 5/12/2014 và 10/12/2014 báo có đăng bài “Trường THPT Bình Phú (Q.6, TP.HCM): Học phí buổi hai - Chi vô tội vạ” và bài “Những bản báo cáo tài chính sai lệch nghiêm trọng ở Trường THPT Bình Phú”.

Sau hai bài báo trên, Sở GD-ĐT đã lập đoàn xác minh đơn tố cáo của tập thể 38 giáo viên (GV) đối với ông Trần Văn Việt, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú. Theo bản “Kết luận nội dung tố cáo” của Sở GD-ĐT vừa cung cấp hôm 14/5, gần như toàn bộ những gì GV tố cáo đều là sự thật. Những nội dung này cũng đã được công bố đến toàn thể cán bộ GV Trường THPT Bình Phú vào ngày 7/5. Nhưng, GV trường này lại cảm thấy không vui.

Theo bản kết luận, về thành lập Hội đồng trường (HĐT) - một tổ chức có vai trò và quyền hạn tối quan trọng trong nhà trường, Trường THPT Bình Phú đã không làm đúng quy trình mà Sở GD-ĐT đã chỉ đạo.

Ở cả hai nhiệm kỳ 2008-2013 và 2013-2018, Hiệu trưởng Trần Văn Việt đã tự chỉ định một số người rồi chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống gửi lên Sở ra quyết định công nhận; GV không hề được giới thiệu và bỏ phiếu bầu chọn những người xứng đáng.

Về việc thu chi nguồn học phí buổi hai, Sở GD-ĐT có quy định chi cho GV trực tiếp giảng dạy không quá 65%, 15% chi cho bộ phận gián tiếp (gồm ban giám hiệu, giám thị, bảo vệ, nhân viên vệ sinh...), còn lại để chi cho cơ sở vật chất, phúc lợi.

Tuy nhiên, lãnh đạo Trường THPT Bình Phú đã không thực hiện quy định này mà tự ý sử dụng, xà xẻo nguồn quỹ này. Họ đặt ra 18 chức danh kiêm nhiệm không liên quan đến hoạt động dạy học buổi hai như: chủ tịch - phó chủ tịch - ủy viên (UV) Ban chấp hành Công đoàn, trợ lý - phó trợ lý thanh niên, phụ trách Đảng vụ, trưởng ban - UV thanh tra nhân dân, nhân viên quản lý hồ sơ GV… để hưởng tiền với tổng số tiền lên đến 103 triệu đồng (chiếm 6,2% nguồn thu), nhưng thực chất không làm gì.

Ngoài ra, họ cũng đã chi rất nhiều khoản không hợp lý và không đúng mục đích như hoạt động ngoại khóa - hướng nghiệp, văn thể mỹ, đoàn thanh niên, mỗi hoạt động từ 40- 50 triệu đồng; chi cho dạy nghề 125 triệu đồng, chiếm 7,5% số tiền…

Trong khi GV trực tiếp giảng dạy buổi hai chỉ được chi trả 85.000 - 90.000đ/tiết, với tỷ lệ chi chiếm khoảng 46,7% (năm học 2013-2014). Đến năm học 2014-2015, tỷ lệ chi cho GV trực tiếp giảng dạy theo dự tính giảm còn 43,7%, nhưng chi cho bộ phận quản lý sáu người gồm Hiệu trưởng, hai Hiệu phó, hai kế toán và thủ quỹ lên đến 20% với số tiền gần 600 triệu đồng/năm. Việc chỉ “chăm chút” cho “lợi ích nhóm” đã gây nhiều bức xúc cho GV.

Nội dung này được Sở GD-ĐT kết luận: “GV tố cáo là đúng. Trường đã tự đặt ra quá nhiều chức danh không có trong quy định để chi trả tiền kiêm nhiệm; chi trả tăng định mức không đúng quy định; chi trả trùng lắp nhiều chức danh đối với một số cá nhân. Việc làm này thực chất nhằm làm tăng khoảng “thu nhập tăng thêm” cho một số cá nhân nhưng lại làm ảnh hưởng đến các khoản “thu nhập tăng thêm” của các đối tượng còn lại và không công bằng đối với các cá nhân khác trong bộ phận gián tiếp”.

Quá trình kiểm tra còn cho thấy, Trường THPT Bình Phú đã không công khai đầy đủ và cụ thể việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản. Trong năm 2013, trường đã làm không đúng quy định khi mua sắm năm hạng mục tài sản với tổng giá trị lên đến 800 triệu đồng, nhưng có bốn hạng mục không có chủ trương của cấp chủ quản.

Với những sai phạm trên, Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ đạo nhà trường tổ chức lấy ý kiến tập thể để xây dựng định mức chi nguồn học phí buổi hai cho hợp lý, tránh tạo khoảng cách quá chênh lệch; nghiêm túc thực hiện công khai tài chính và quản lý tài sản theo quy định của luật; hủy bỏ quyết định thành lập HĐT nhiệm kỳ 2013-2018 của trường để thành lập HĐT mới và tổ chức hoạt động theo đúng quy định; kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với kế toán Trần Việt Trung, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Trần Văn Việt (hiện ông Việt đã nghỉ hưu).

Tuy nhiên, ở phần thu chi tài chính, kết quả xác minh chỉ dừng lại ở việc đối chiếu so sánh các tài liệu báo cáo, lắng nghe Hiệu trưởng và kế toán trình bày, mà chưa đi sâu kiểm tra xem những số liệu báo cáo là thật hay khống, để rồi đi đến kết luận những sai sót trong báo cáo tài chính “chỉ là sai sót nghiệp vụ, do cộng nhầm chứ không có thất thoát”.

Bởi thế, nhiều GV đánh giá kết luận vừa nêu là thiếu thuyết phục. Lập luận của GV là những bản báo cáo quyết toán tài chính của trường công khai đến GV (khi bị GV yêu cầu) đều được thực hiện sau khi đã báo cáo quyết toán tài chính với Sở GD-ĐT nên không có lý do gì lại có sự khác biệt ở 20 mục chi với tổng số tiền chênh nhau lên đến 1,3 tỷ đồng (theo đơn tố cáo của GV).

Vả lại, việc tính toán sổ sách kế toán đều được lập trình trên “phần mềm kế toán” thì không thể có chuyện sai do “cộng nhầm”. Suy luận này là có lý khi bản kết luận xác minh của Sở cũng khẳng định: “Báo cáo quyết toán công khai tại trường là sai mẫu quy định”. Việc báo cáo sai mẫu quy định và sai số liệu nhằm mục đích gì? Phải chăng để che đậy điều gì khuất tất?

Ngoài ra, về nguồn học phí buổi hai năm học 2013-2014, báo cáo của trường có ghi “trích để lại theo văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT 10% với số tiền 186 triệu đồng”. Nội dung này, trong các cuộc tiếp xúc với GV, cán bộ Thanh tra và cán bộ Phòng Kế hoạch tài chính của Sở đều khẳng định là “không có quy định này”, nhưng kết luận xác minh của Sở đã không đề cập tới.

Theo MINH NHẬT
Phunuonline.com.vn



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.