Vụ giáo viên quỳ gối van xin: "Cần xem xét tư cách làm thầy"

"Tôi cho rằng những ai có hành vi quỳ gối này không xứng đáng để làm một người giáo viên"

"Tôi cho rằng những ai có hành vi quỳ gối này không xứng đáng để làm một người giáo viên" - PSG.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ với PV ngày 15.6.

Những ngày vừa qua, dư luận đặt nhiều sự quan tâm vào vụ việc hàng chục cô giáo của cơ sở mầm non Tuổi Thơ (huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã quỳ gối cầu xin các nhà chức trách không dẹp bỏ cơ sở mầm non, để họ tiếp tục được dạy học. Có nhiều ý kiến dư luận trái chiều về vụ việc, có ý kiến cho rằng việc đóng cửa cơ sở mầm non là đúng, bởi bản thân cơ sở này chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết đã bước vào hoạt động. Thế nhưng bên cạnh đó, nhiều người cho rằng trách nhiệm một phần lớn thuộc về UBND huyện Thanh Chương vì đã cho phép cơ sở hoạt động tận 1 năm mới ra quyết định đình chỉ hoạt động, gây khó khăn cho giáo viên.

Ngoài các nhận định về việc đúng - sai của đơn vị mầm non và các nhà chức trách, nhiều ý kiến cho rằng việc các giáo viên - người được cả xã hội gọi bằng chữ "thầy" thiêng liêng, người được giao trọng trách định hướng, phát triển cho thế hệ mầm non - phải "đứng thẳng", chứ không được quỳ xuống như vậy.

Các cô giáo cơ sở mầm non Tuổi Thơ quỳ gối trước đoàn công tác của thị trấn Thanh Chương.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cần phải nói đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở mầm non Tuổi Thơ cũng như các cơ quan chức năng của huyện trong trường hợp này. Tuy nhiên, ông phản đối hành động quỳ gối của các giáo viên. Ông Nhĩ cho rằng cần xem xét lại tư cách làm nghề giáo của các giáo viên kể trên.

"Đây là một câu chuyện đau lòng, có thể là vì công ăn việc làm, miếng cơm manh áo nên các giáo viên có hành vi đó. Thế nhưng xét trên mặt tư cách thì không thể nào quỳ gối như vậy được. Bởi vì mình có quyền được đối thoại, nếu Ủy ban làm không đúng thì chúng ta có thể tìm cách đối thoại, gửi đơn kiến nghị. Còn nếu chủ cơ sở mầm non có những thiếu sót thì chúng ta có thể thay đổi hoặc hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết để tiếp tục hoạt động, nhưng tuyệt đối không thể có chuyện quỳ gối van xin đối với những người trong ngành sư phạm" - ông Nhĩ nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ.

"Tôi cho rằng những ai có hành vi quỳ gối này không xứng đáng để làm giáo viên. Bởi với nhận thức của người làm nghề giáo, nếu mình sai thì mình phải chấp nhận việc đó (cơ sở bị đình chỉ) thôi, cho dù có cần một công việc thực sự đi chăng nữa. Bởi không làm nghề này, thì có thể làm nghề khác để mưu sinh. Còn chuyện quỳ gối để van xin sự ban ơn, thì theo tôi những người này không đủ tư cách để làm nghề giáo, không ai có thể chấp nhận được chuyện này" - ông Nhĩ nói thêm.

Theo thông tin mới nhất, đại diện UBND huyện Thanh Chương cho biết quan điểm của địa phương là luôn tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên, yêu cầu các doanh nghiệp phải hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về pháp lý. Nếu công ty hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về pháp lý, chính quyền sẽ tạo điều kiện cho cơ sở mầm non Tuổi Thơ tiếp tục hoạt động.

Được biết, cơ sở mầm non Tuổi Thơ đã tuyển sinh vượt quá số lượng (215 học sinh), chưa có các chứng chỉ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm và nhiều thủ tục pháp lý liên quan.

Theo Dân Việt


giáo viên quỳ gối

làm thầy

người thầy


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.