Bi hài "tiến sĩ ngành mật mã" thế hệ 9X

Phải nói rằng thế hệ trẻ càng ngày càng “giỏi”. Họ “sáng tạo trên từng xen-ti-met”, “sáng tạo không ngừng nghỉ” trên mọi lĩnh vực, mọi góc độ. Trong số đó phải kể tới Ngôn ngữ - thứ dễ sáng tạo và áp dụng rộng rãi nhất!

Phải nói rằng thế hệ trẻ càng ngày càng “giỏi”. Họ “sáng tạo trên từng xen-ti-met”, “sáng tạo không ngừng nghỉ” trên mọi lĩnh vực, mọi góc độ. Trong số đó phải kể tới Ngôn ngữ - thứ dễ sáng tạo và áp dụng rộng rãi nhất!

Sáng tạo từ cách viết…

 

Hôm qua tôi nhận được một tin nhắn từ một số lạ, tôi cầm điện thoại lên, lại đặt xuống, lại cầm lên… Mắt tôi dán vào cái màn hình. Người ngoài không biết lại tưởng tôi đang muốn “nuốt từng con chữ” trong cái tin nhắn kia, và cho rằng đó là một tin nhắn rất quan trọng với tôi - của người yêu chẳng hạn! Nhưng chính xác thì tôi đang cố dịch cho ra nghĩa của cái tin nhắn lạ lùng đó: “Ck dj hok zja ckua? Vk doj punq wa ak. Maj ckanq dk mum mum”

 

Tôi cũng là “đời đầu” của thế hệ 9X, cũng được tham khảo qua các loại ký tự kiểu xì-tin của mấy “đời sau” rồi. Nhưng quả thực lần này, tôi thấy việc hiểu được cái tin nhắn lạ lùng kia quả là nan giải.

 

Tự nhiên thấy ức chế lạ! Bạn bè tôi chẳng có ai nhắn như vậy, tôi nghĩ chắc họ nhắn nhầm. Tôi nhắn lại: “Xin loi ban, ban noi gi toi khong hieu. Hinh nhu ban nham may roi.” Sau đó là 1 tin nhắn nữa với những ký tự nhảy múa được gửi tới. Tôi không còn bỏ công mày mò, vật lộn để hiểu nó nữa mà mặc kệ nó.

 

Hôm sau, với sự giúp đỡ của em gái người bạn, sinh năm 1995, tôi đã hiểu được chính xác nội dung của tin nhắn nhầm số kia: “Chồng về chưa? Vợ đói bụng quá à. Mãi chưa được măm măm”.

 
Một đoạn chat đủ khiến người ngoài đau đầu
Một đoạn chat đủ khiến người ngoài "đau đầu"
 

Dạo qua một vòng Facebook, Blog, Ola… tôi cũng phát sốt với những status, comment, những dòng nhật ký online được viết theo kiểu mật mã như trên. Lại còn có những blogger, facebook-er “cố tình” viết sai chính tả theo kiểu: “con tró ” hoặc “chài ơi, nàm seo mà trán we’ tke’ lày…” (Trời ơi, làm sao mà chán quá thế này..”) 

 

Để ý và tinh mắt hơn một chút, tôi đã “theo kịp thời đại” với một cơ số nguyên tắc viết tắt của các bạn trẻ, điển hình như: tkeng pan -> thằng bạn; hum wa -> hôm qua; pun kuoi wa  -> buồn cười quá; danq lzj zo -> đang làm gì vậy? tau bit oy -> tao biết rồi; kju kju -> cảm ơn (chắc “lái” từ thank you?)…

 

Giải thích cho kiểu viết trên, một số bạn trẻ nói rằng “viết như vậy cho nhanh, đỡ tốn ký tự trong tin nhắn”. Một số khác thì cho rằng phải viết như vậy mới “xì tin”, mới “VIP”…Nhưng thực tế là không rõ viết như vậy, các bạn trẻ tiết kiệm được mấy giây, hạn chế được bao nhiêu ký tự và “bớt”  được bao nhiêu phí gửi tin nhắn của các nhà mạng!

 

Vừa rồi nói chuyện với một thầy giáo, tôi mới biết, đâu chỉ có tôi “bị” khó chịu bởi kiểu viết kia. Thầy kể mấy lần nhận được email của sinh viên, nội dung cụt ngủn với ý muốn xin phép nghỉ học, cuối mail còn để “kju kju tkay naz”.

 

Thầy cười bảo rằng hôm đó lên lớp, thầy điểm danh đầu giờ một lần, cuối giờ một lần nữa và “không tha cho đứa nào với bất cứ lý do gì, kể cả đã gửi mail xin phép.” Cũng ngay hôm đó, thầy chỉ thị: Email gửi thầy không được viết bằng ngôn ngữ teen!

 
Đến cách nói…
 

Đến cách nói…

 

Có lần tôi hỏi tên một em sinh viên khoá dưới, em cười cười: “Em tên là… Tờ - rang.” Tôi hơi ngạc nhiên và nghĩ  “chắc em ấy là… người dân tộc”. Suýt chút nữa tôi trở thành “một chị tọoc” (theo cách gọi người dân tộc của một số bạn trẻ) khi đang định hỏi “Em là người dân tộc gì vậy?”. May thay lúc đó bạn em gọi “Trang ơi!”.

 

Hoá ra, còn nhiều cái tên khác cũng mang “hơi hướng miền núi” như vậy: Tờ - rung là Trung, Tờ - rinh là Trinh, Cờ - hâm là Châm, Cờ - huyên là Chuyên… Rồi cả cách khen cũng được “sơn cước hoá” đi: “Bạn này đẹp tờ-rai ghê”, đến cả cách chửi: “Con… cờ hó kia….” Riêng cái tên đẹp đẽ của tôi cũng được các bạn “biến tấu” thành “Tờ - Huỷ”!

 

Lại nói tới tiếng Anh của người Việt. Chắc hẳn chẳng còn ai lạ lẫm với những câu Anh - Việt lẫn lộn của teen nhà nữa: Go die go = Đi chết đi; know die now = biết chết liền; no four go = vô tư đi; I’m sorry but I… cố ý (?)...

 

Có vài lần tôi thấy mấy câu này trên các diễn đàn, tôi không hiểu. Cứ tưởng đó là “tiếng lóng” của teen nước ngoài nhưng đích thị là “sản phẩm nội địa” của teen nhà ta chứ chẳng đâu xa.

 

Thoả thích sáng tạo, lắp ghép và áp dụng những câu như “Like is afternoon” (thích thì chiều),   “sugar I I go, sugar you you go” (đường tôi tôi đi, đường anh anh đi) hay “I wanna… toilet kiss you” (anh muốn… cầu hôn em) khiến người nước ngoài đến Việt Nam cũng phải bó tay, “học” một thời gian họ sẽ nói “know die now” (biết chết liền) với các teen nhà mình.

 

Hệ quả từ những “sáng tạo”…

 

Điều đầu tiên không thể chối cãi từ  việc các bạn trẻ 9X “sáng tạo ngôn ngữ” kiểu này, đó chính là tạo thành một thói quen không tốt. Từ các tin nhắn, các dòng status, nhật ký, ngôn ngữ teen “ăn sâu” vào máu và “đi” vào cả vở ghi, các bài làm, thậm chí vào cả các bài thi quan trọng.

 

Người ta không còn lạ lẫm với những  bài thi bị đánh rớt chỉ vì có viết ngôn ngữ chat, dù nội dung bài làm khá tốt. Để mất cơ hội, điểm số chỉ vì những lỗi rất nhỏ từ một thói quen lớn, có đáng không?

 
Đến cách nói…
 

Kế đến là việc viết tin nhắn hoặc gọi điện, nói chuyện với người trên như bố mẹ, họ hàng, thầy cô… Những tin nhắn như “pama khoe hok ak? Kon moj dj hok zja…” hay email dạng “kju kju tkay naz” không khiến các bạn trở nên “VIP” hơn hay sành điệu hơn, mà khiến người khác đánh giá ý thức và học vấn của các bạn.

 

Một học sinh, thậm chí một sinh viên đại học lại không thể phân biệt được cách nhắn tin cho bố mẹ, thầy cô nên khác như thế nào với cách nhắn tin cho bạn bè sao?

 

Tên gọi là điều rất thiêng liêng mà cha mẹ tặng cho mỗi chúng ta. Nó chứa đựng tình yêu thương, hy vọng mà cha mẹ gửi gắm trong đó. Vậy tại sao các bạn lại có thể "chế biến" cái tên xinh xắn đầy ý nghĩa của mình, của bạn bè thành những cái tên thiếu suy nghĩ đến thế?

 

Tiếng Việt của chúng ta rất giàu đẹp. Một nhà ngôn ngữ học nghiên cứu cả đời cũng không hết được kho tàng ấy. Chúng ta chỉ cần học đủ, đúng theo hệ thống ngữ pháp, từ vựng tiếng Việt thôi là bạn đã khai thác được tương đối vốn ngôn ngữ vô tận của dân tộc rồi, đâu cần phải “lai chế” thêm?

 

Tiếng Anh đang trở thành ngôn ngữ chung của thế giới. Và các bạn trẻ đang biến ngôn ngữ chung ấy thành thứ ngôn ngữ “mang đậm bản sắc cá nhân” cho mình. Tôi nhớ một người bạn ngoại quốc của tôi từng nói: “Tiếng Anh cũng phân ra rất nhiều loại với các tầng văn hoá khác nhau. Chỉ cần để tôi nói chuyện với bạn một lúc thôi, tôi sẽ biết được tiếng Anh của bạn loại gì và ở tầng văn hoá nào.” Vậy “I love toilet you go go” (Tôi yêu cầu anh đi đi!) của teen Việt nhà mình đang ở tầng văn hoá nào?

 

Hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, các bạn trẻ nhé!

 

Sáng tạo là tốt. Tuổi trẻ thì càng cần tới sự sáng tạo và tìm tòi, phát hiện. Nhưng tìm tòi sao cho đúng, sáng tạo sao cho đẹp mới được hoan nghênh, ghi nhận. Đừng tự biến mình thành những “tiến sĩ ngành mật mã” hay “cao thủ đuổi từ bắt ngữ” các bạn trẻ nhé!


Theo Dân trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.