Giảm tiền phòng, tăng rắc rối

Giá phòng trọ cao, nhiều sinh viên trên địa bàn Hà Nội phải tìm người thuê chung phòng để giảm chi phí. Thế nhưng, việc sống chung, nhất là với các bạn nữ, luôn tiềm ân những rắc rối.

Từ bạn thân thành… người lạ

Thi trượt một năm nên khi nhập học, Quỳnh (ĐH Thương mại) đã có rất nhiều bạn bè học ở Hà Nội. Không phải lo chuyện nhà cửa như bao tân sinh viên khác, Quỳnh đến ở cùng phòng trọ của Xuân, cô bạn thân cùng quê đang học năm hai trường Kinh tế. Chẳng phải qua giai đoạn làm quen, lại khá hiểu tính cách của nhau nên Quỳnh và Xuân bắt nhịp ngay với việc sống chung.

Thế nhưng mới chỉ hơn một tháng, hai người bạn thân đã sống theo kiểu chỉ “bằng mặt”. Quỳnh rất kỹ tính trong việc giữ đồ đạc của mình còn Xuân lại khá “hồn nhiên”. Cô thường xuyên dùng ké các đồ dùng cá nhân như mỹ phẩm, quần áo, giày dép của bạn. Mới đầu, Quỳnh cũng chẳng để ý nhưng thấy Xuân “thản nhiên dài dài”, cô đâm khó chịu.

Ngược lại, Xuân cũng ấm ức vì việc giặt quần áo, nấu ăn đến lượt mình làm thì rất gọn gàng, tươm tất nhưng đến phiên Quỳnh thì suốt ngày “dang dở”. Rồi việc người thức khuya, người ngủ sớm đến việc nấu ăn, bạn bè riêng của hai người... cũng nảy sinh không ít phiền phức. Cuối cùng, Quỳnh “dằn mặt” bạn bằng cách đồ dùng cá nhân của mình, dùng xong cô cho vào tủ khóa lại. Xuân biết ý, vài hôm sau “trả đũa” bằng cách bỏ bê việc giặt quần áo, nấu ăn. Thế là hai người bạn thân, sống cùng nhau giờ như hai người xa lạ trong một căn phòng.

Đến phòng trọ của Huệ, Phượng, Giang ở đường Khương Trung (quận Thanh Xuân), nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì căn phòng chỉ 15m2 nhưng có đến ba cái bếp ga mi ni, mỗi chiếc một góc. Phượng và Giang đều là bạn của Huệ, cả ba ở chung để giảm tiền phòng. Phượng với Giang không hợp nhau, được một thời gian là ghét nhau ra mặt. Chung nhà nhưng hai người không hé một lời với nhau, bữa ăn chung cũng được tách ra mỗi người một nồi. Hòa giải cho hai người không nổi, Huệ ở giữa lại là người khó xử nhất. Thân với Phượng cũng không được mà với Giang cũng chẳng xong, nên Huệ phải giữ mối quan hệ với cả hai theo kiểu “cầm chừng”.

Huệ cho hay: “Nếu một người không ở nhà thì mình với người kia trở nên thoải mái nhưng khi có mặt cả hai, mình chẳng biết cư xử thế nào, ai cũng là bạn mình. Vậy nên cũng đành nấu ăn riêng, tối ôm chăn nằm ngủ, muốn trò chuyện cũng không được vì nói người này lại ngại người kia. Nhưng khổ nhất là suốt ngày bị tra tấn vì người này nói xấu người kia”. Căng thẳng như thế nhưng Huệ cho biết, không một ai có ý định chuyển đi vì người này thách người kia: “Thích thì nó tự tìm chỗ khác ở, mình tội gì”.

Những việc “trong bóng tối”

Hiểu lầm, mất đồ, nghi ngờ và cả trò “ném đá giấu tay” là những vấn đề rất nhiều nữ sinh gặp phải khi sống chung. Không chỉ mâu thuẫn về tính cách, những trò “giấu mặt” thật sự làm nhiều bạn chán chường, mệt mỏi. Như việc một người bị mất đồ đạc hay tiền bạc, y như rằng cả phòng sẽ trở nên nặng nề. Người này nghi ngờ người kia và ai cũng sợ người khác nghi ngờ mình.

Kim Thanh (ĐH Văn hóa) bày tỏ: “Phòng mình có 5 người, thường xuyên xảy ra chuyện mất đồ, tiền bạc nên không khí căng thẳng lắm. Thủ phạm thì chẳng bắt được khiến cho mọi người nghi ngờ lẫn nhau. Có bạn học Ngoại thương không chịu được bầu không khí nghi ngờ đã chuyển đi”. Thanh cũng cho hay, mới đây một bạn trong phòng bị mất màn hình máy tính LCD nhưng lúc đó, ai cũng khẳng định mình không ở nhà, trong khi khóa cửa không hề bị phá. “Cái này thì bó tay luôn, vì mỗi người một chìa khóa, ai về ai đi mình không thể biết được”.

Khi đã “có vấn đề”, mọi người sống kiểu “bằng mặt không bằng lòng” thì nhiều “trò xấu” cũng dễ xuất hiện. Liên (ĐH Đông Đô) kể về những “tai nạn” thường xuyên xảy ra ở phòng trọ của mình như giày thể thao bị đổ nước, bị cắt dây mạng internet, quần áo bị xé rách, chọc thủng đệm... Có thể lúc đó, người trong cuộc cũng đoán ra thủ phạm nhưng chẳng thể nói nên họ chọn cách “chơi lại”. Như mới đây, Thu học Sư phạm vừa mua chiếc váy gần 400.000 đồng về đã bị xé ở ống tay. Ngay hôm sau, tủ vải của cô bạn cùng phòng cũng bị rách bởi nhiều nhát cắt. Kiểu chơi đi chơi lại ấy mà.

Hầu hết nữ sinh sống chung mà không yên ổn thì chuyện chơi xấu nhau xảy ra như cơm bữa”, Liên cho biết. Trong cuộc sống tập thể, mỗi người cần trang bị cho mình những kỹ năng nhất định. Phải biết dung hòa “cái tôi” của mình cùng mọi người, cũng như học cách trao đổi thẳng thắn để giải tỏa khúc mắc. Khi mối quan hệ không thể cứu vãn, hãy chuyển chỗ ở mới, không nên để sự căng thẳng ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.